Sunday, October 2, 2016

MẶC KHẢI VỚI THIÊN CHÚA GIÁO VÀ DỊCH

Theo truyền thuyết Chúa Ki Tô học được đạo ở Phương Đông. Có lẽ cũng có chút dấu tích.
Mặc khải là khái niệm chống đỡ cho toàn bộ Ki Tô giáo. Càng ngày càng có chứng cớ là Thánh Kinh do người phàm viết ra. Ở phương Tây, từ sau Phục Hưng và Bừng Sáng, Nhà Thờ không thể ngăn cản Con Người suy nghĩ đặt câu hỏi. Cách mạng khoa học rồi kỹ thuật làm đời sống của Con Người tốt hơn và cho họ thấy rằng chính suy nghĩ, nghi ngờ đã cho họ chìa khóa tới hạnh phúc.
Chính vì vậy thần học phương Tây, chủ yếu là Ki Tô giáo cũng bắt đầu nảy sinh câu hỏi. Nếu người phàm viết ra, tại sao lời lẽ trong Thánh Kinh lại thiêng liêng. Nhà Thờ giải thích rằng đó là nhờ Mặc Khải, Thánh Kinh là lời của Thiên Chúa được truyền tới người viết. Tuy nhiên, trong Thánh Kinh, đặc biệt là giữa Tân và Cựu Ước, xuất hiện những mâu thuẫn. Điều đó làm nảy sinh ra hai trường phái bảo thủ và cách tân trong Ki Tô giáo. Họ đều giải thích Mặc Khải là việc Thiên Chúa hiển hiện lời của mình tới mọi sinh vật có trí thông minh. Lời Chúa biểu thị những chân lý vượt xa khả năng nhận thức của loài người. Để trả lời câu hỏi: Tại sao Chúa lại phải làm điều đó. Nhà Thờ viện dẫn vì Đức Chúa Cha yêu các con của người. Mặc Khải dựa trên tình yêu, không phải dựa trên lý trí. Quả là một sự trốn tránh tuyệt vời.
Vào những năm 1960, Vatican 2, cho rằng phải có một luận thuyết mới mềm dẻo hơn, nên đã soạn Hiến chế về Mặc Khải, xem như thâu tóm các nguyên tắc nền tảng của giáo lý Ki Tô. Lúc đầu, việc dự thảo được giao cho một nhóm bảo thủ do một vị Hồng Y bảo thủ lãnh đạo. Sau đó Giáo Hoàng phải trực tiếp can thiệp, giao cho một nhóm bao gồm cả các giáo sĩ bảo thủ và cách tân do một vị Hồng Y khác lãnh đạo. Vị Hồng Y này chính là Giáo Hoàng tiếp theo. Và như thế Hiến chế về Mặc Khải mang tên Lời Chúa (Dei Verbum) ra đời vào năm 1965, có lẽ là văn kiện đáng đọc nhất của Nhà Thờ Ki Tô.
Tôi có cảm giác để hiểu Dịch phải công nhận sự Mặc Khải. Để hiểu sự Mặc Khải ở mức độ tinh tế nhất có lẽ phải thông qua quan niệm của Ki Tô, là nơi tôn giáo phải đối diện với khoa học một cách bình đẳng, phải giải quyết những khó khăn hóc hiểm của Con Người đã được giải phóng khỏi tối tăm nhờ Bừng Sáng. Trong khi đó Mặc Khải của Dịch ù lì hàng nghìn năm trong sự mù mờ, và một logic thô sơ, và không hề thay đổi, trái với chính chủ trương của mình là môn học của sự biến hóa. Vì thế tôi xem mọi luận giải về Dịch theo lối mòn là sự tha hóa của Dịch. Để chắt lọc tinh hoa, chúng ta phải bắt đầu bằng một quan niệm về Mặc Khải đã qua thử thách của Ki Tô giáo.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

1 comment:

  1. Nguyen Hong Nhung: Thật là một thí nghiệm tiếp cận''bạo gan'' nhưng có vẻ...lý thú...''nín thở'' đợi người triển khai tiếp đây (để so sánh với ý nghĩ của mình), tuy nhiên:Mặc Khải dựa trên tình yêu, không phải dựa trên lý trí, điều ấy đúng và chả có gì trốn tránh cả (tình yêu thương thì đúng hơn)

    ReplyDelete