Saturday, October 1, 2016

NGÔN NGỮ, MẠC KHẢI VÀ TƯ DUY Á ĐÔNG

Học Dịch không biết có lợi ích gì không. Nhưng hàng ngàn thế hệ đều học và nhiều người cho rằng có ích lợi, cũng phải thử xem sao. Tất nhiên đã đọc sách thì phải có lợi, không nhiều thì ít. Cho dù không lợi ích bằng đọc triết học hiện đại, thì cũng có giải mã huyền thoại, có lợi trong việc Âu Hóa.
Tư duy không có hai đường. Nếu Dịch có lợi cho tư duy ắt có bổ khuyết cho phương pháp thông qua tâm lý.
Có điều đọc cổ văn Tàu, rất khó chịu với những hư từ "giả", "dã", "chi", "hồ", "sở". Chúng lại đều có nghĩa thực từ. Điều đó làm văn cổ thêm bí hiểm, vừa hư vừa thực. Có cảm giác người viết theo tâm lý tức thời, có thể do mạc khải được giải thích là sự tương thông với Thượng Đế. Ngữ nghĩa và thông điệp do người mạc khải (hay lên đồng) hình thành một cách may rủi. Vì vậy ý tưởng hình thành trong người đọc cũng may rủi nốt, và phụ thuộc vào tâm lý người đọc.
Triết học phương Tây cũng có "bùa chú học", giải nghĩa ngôn từ theo nhiều cách khác nhau. Làm thế nào để hình thành được ngôn từ? Người ta đành trông cậy vào sự mạc khải.
Văn phong ảnh hưởng tới cách suy nghĩ. Càng ngày sự mạc khải càng yếu kém, không loại trừ giả trá, văn càng suy đồi. Điều đó cản trở Á Đông phát triển, cho dù ban đầu có thể có minh triết nhờ mạc khải.
Ngày nay, văn Tàu hiện đại lại chi tiết, cố gắng cụ thể, rõ nghĩa. Thành ra bộc trực và ngây ngô, luộm thuộm đến mức buồn cười. Tuy vậy, việc cố gắng thay đổi chính mình của dân Tàu ngày nay là rất đáng nể.
Có điều mình vẫn nghi ngờ: Mạc khải là gì? Có hay không? Có "nhà Đông Phương học" cho rằng mình vẫn bị vô minh phương Tây cản trở nên không hiểu sự huyền diệu trong đó. Luận điệu này cũng chẳng có gì mới. Giống y chang nhà Thờ: muốn biết có Chúa hay không trước hết phải tin ở Chúa. Nếu không tin ở bản thân mình thì tin hay không tin gì mà chẳng được. Suy nghĩ làm gì nữa. Không suy nghĩ thì chỉ còn hiện sinh và tứ khoái mà thôi.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment