Huyền thoại Cuba (1)
Tôi quen nhiều bạn từng học ở Cuba và cả những người bạn chưa đến đấy nhưng rất ngưỡng mộ xứ sở này. Hồi 1980 tôi hay làm việc với Roberto Zayas, giám đốc trung tâm truyền hình quốc tế của OIRT[1] ở Praha. Anh kỹ sư Cuba này rất giỏi nên mới lãnh đạo được một trung tâm kỹ thuật như vậy, mặc dù đến từ thế giới thứ ba. Gần nhà tôi có cô Sol, người Cuba lấy chồng Đức. Cô hay kể cho tôi về quê nhà.
Trên hòn đảo 110.000km², bằng 1/3 diện tich Việt Nam, có 11 triệu người Cuba sinh sống (1/9 dân số VN). Khí hậu biển ấm áp, mưa gió thuận hòa giúp cho mảnh đất đó mầu mỡ, trù phú. Trước ngày 1.1.1959, Cuba là nước giàu có nhất Nam Mỹ và đứng thứ ba ở châu Mỹ, chỉ sau USA và Canada. Thủ đô La Habana từng là sòng bạc và trung tâm ngân hàng lớn cho du khách từ Mỹ.
Cuộc cách mạng 1959 của Fidel Castro và các trí thức cảnh tả trong phong trào „Moncada 26.7“[2] đã được loài người tiến bộ đón chào như một cuộc cách mạng dân chủ. Ngày đó, cả châu Mỹ Latin chìm ngập trong bóng đêm của các chế độ độc tài quân sự nên sự kiện mấy trăm cậu sinh viên yêu tự do, thích phiêu lưu lật đổ được tên tướng Batista tàn bạo thậm chí đã được tờ „New York Times“ ca ngợi hết lời.
Fidel thừa hiểu rằng sự phồn vinh của Cuba gắn liền với nước Mỹ nên tháng Tư 1959, chỉ ba tháng sau khi lên cầm quyền, ông sang thăm Mỹ. Hai bên lúc đó còn khá vui vẻ với nhau vì Fidel tỏ ra lạnh nhạt với mô hình Xô Viết.
Nhưng các chàng trai hãnh tiến, thích hành động kiểu hiệp sỹ đã giữ vững những cam kết với người nghèo nên họ quốc hữu hóa ngay lập tức một số đồn điền trồng mía và chia nhỏ các đồn điền khác xuống dưới 25 Hektar.
Tuy các hành động này chỉ nhằm khôi phục lại hiến pháp 1940 [3]mà Fidel đã hứa trước khi khởi nghĩa, nhưng nước Mỹ lúc đó bị chiến tranh lạnh ám ảnh nên nhìn đâu cũng thấy cộng sản. (Đạo luật McCarthy cho phép đưa lên ghế điện bất cứ công dân Mỹ nào dính đến cộng sản). CIA đánh giá sai các hành động của nhóm „26.7“ và Mỹ lập tức ra tay. Tổng thống Eisenhower ra lệnh cắt nguồn dầu, phong tỏa một số tài khoản sắp bị quốc hữu hóa khiến Cuba choáng váng. [4]
Chủ tịch Liên Xô N.Khrushev là người bị Trung Quốc và Việt nam phê phán là „trùm xét lại“ vì tội nghi ngờ chủ nghĩa Marx, thân phương tây. Nhưng Krushev lại là người chống Mỹ khôn ngoan và hiệu quả nhất. Trong thời gian ông cầm quyền, Liên Xô đã nhiều lần vượt Mỹ trong chạy đua vũ trang và vũ trụ. Khruschev chớp ngay cơ hội vàng và tháng giêng 1960 cung cấp dầu thô cho Cuba.
Các hãng lọc dầu Mỹ ở Cuba cay cú không nhận xử lý dầu thô Liên Xô. Fidel điên tiết quốc hữu hóa các hãng dầu này để tự mình lọc lấy xăng dầu. Tháng 8.1960, Mỹ đáp trả bằng việc cấm nhập đường của Cuba để rồi tháng 10.1960 La Habana „vui vẻ“ quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Mỹ. Cuộc chiến leo thang của ông già Eisenhower sắp về hưu khiến chàng trai mới dính quyền lực Fidel liếc mắt sang cô gái Nga. Cuối năm 1960, các đảng viên đảng Cộng Sản Cuba (trong đó có Raul, em trai Fidel và Che Guevara)được giao các chức vụ quan trọng trong phong trào „26.7“. Cuộc cách mạng dân chủ bắt đầu chuyển mầu theo hướng XHCN như vậy trong bầu không khí sặc mùi dầu lửa và mía đường.
Cú liếc mắt này khiến CIA chính thức đưa nhóm của Fidel vào danh sách các „Đảng cộng sản nguy hiểm“ và sử dụng các Cuba-Kiều ở Mỹ để tiến hành một cuộc „Phản cách mạng“ vũ trang. Vụ đổ bộ vào „Vịnh Con heo“ tháng 4.1961 của 1300 Cuba-Kiều được Mỹ ủng hộ thất bại thê thảm. Cuba bắt sống hơn 1000 tù binh và Fidel chơi đểu, đòi Mỹ chuộc cứ hai mạng lấy một cái máy kéo [5]. „Con heo“ này trở thành cú hích cho Fidel lựa chọn đường lối chuyên chính vô sản kiểu Liên Xô để bảo vệ chế độ.
Krushev bị coi là thân Mỹ, nhưng lại rất cứng rắn trong vấn đề Cuba. Tháng 10.1962, ông ta đi thêm bước nữa, đưa tên lửa hạt nhân vào Cuba để đe dọa Mỹ. Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh phong tỏa đường biển để chặn các tàu chở tên lửa Liên Xô có tầu ngầm hộ tống. Cuộc chiến tranh thế giới thứ ba suýt nổ ra ở đây, nếu cả Kennedy và Krushev đều „anh hùng, không sợ chết“ như người Việt. Cuối cùng hai bên tự xuống thang, Liên Xô và Mỹ đều rút tàu chiến ra khỏi vùng biển Caribe.[6]
Sau cuộc khủng hoảng này, tháng 4.1963 Fidel đi thăm Liên Xô. Ông nghiệm thấy mô hình Xô Viết có nhiều lợi thế cho mình. Từ Moscou trở về, ông hợp nhất phong trào „Moncada 26.7“ với những người cộng sản, trở thành Đảng Cộng sản Cuba, công nhận chuyên chính vô sản, đoạn tuyệt với nguồn gốc dân chủ tư sản.
Một nhà nước XHCN, chuyên chính độc đảng ra đời cách mình 80 hải lý tất nhiên là một điều khủng khiếp cho Mỹ. Từ đó đến nay, cả 12 đời tổng thống Mỹ đều tìm cách nhổ cái gai đó đi. Kể cả chiêu kẹo ngọt của Obama cũng chỉ là một phương pháp „diễn biến“.
Như một phép lạ, thể chế đó dai dẳng sống sót qua mọi chưởng độc cho đến nay và tạo thành „Huyền thoại Cuba“.
Lúc đầu Cuba thừa hưởng di sản hoành tráng về kinh tế và con người của chế độ cũ nên chịu được mọi nghiệt ngã của cấm vận. Rồi không có Mỹ thì đã có Liên Xô. Nông nghiệp Cuba phát triển rực rỡ vì được Liên Xô bao tiêu gần hết mía đường. Xăng dầu Xi-bê-ry xài thoải mái. Còn rượu rum, xì gà thì Mỹ phải cay đắng nhập của Cuba với giá cắt cổ (vì dân Mỹ không chịu học thắt lưng buộc bụng). Cuba sử dụng ngoại tệ thu được để đầu tư vào y tế, khoa học, giáo dục. Khách thăm Cuba vào những năm 1980 đã không khỏi ngỡ ngàng bởi các bệnh viện đầy máy móc, các trường đại học với những phòng thí nghiệm hiện đại. Hình ảnh các cháu thiếu nhi ăn mặc sạch sẽ đến trường hoàn toàn tương phản với các cháu bé bụi đời ở khắp châu Mỹ Latin.
Thời thế thay đổi, phe XHCN và Liên Xô bỗng biến mất, không ai bao tiêu nông sản và bù lỗ nhiên liệu nữa. Thời kỳ hoàng kim của Cuba chấm dứt từ năm 1991. Từ chỗ 9 triêu dân xuất khẩu gần 9 triệu tấn đường trong những năm 1970, nay 11 triệu dân chỉ còn làm ra 2 triệu tấn đường. Riêng con số đó đã nói lên sự bi đát của nền kinh tế Cuba. Nhiều người coi cấm vận là nguyên nhân khiến một nước giàu có hàng đầu thành nước sống bằng tem phiếu duy nhất ở Nam Mỹ.
Nhưng mọi sự suy tàn đều xuất phát từ nội lực, từ chính sách. Để không bị tụt hậu, Đông Âu đồng loạt thay đổi thể chế. Để tránh sụp đổ, Trung Quốc, Việt Nam quay trở lại tư nhân hóa, học làm kinh tế tư bản. Nhưng anh em nhà Castro vẫn khăng khăng giữ khẩu hiệu „Socialismo o muerte“ (CNXH hay là chết). Hình ảnh về Cuba mà người ta thấy ngày nay là nhưng khu phố nghèo nàn, xuống cấp, những chiếc xe cổ vá víu, những con người lam lũ. Từ chỗ viện trợ cho Việt Nam, nay họ phải ăn gạo Việt Nam viện trợ. Từ chỗ đào tạo các kỹ sư điện tử cho Việt Nam, nay họ mừng húm khi được công ty HANEL tặng cho dây chuyền sản xuất TV đen trắng đã xếp xó.
Chính trong sự khốn cùng đó, huyền thoại Cuba mới nổi bật. Trong khi ở Việt Nam hay Trung Quốc, càng mở cửa càng tăng khoảng cách giàu nghèo, tệ nạn về an sinh xã hội càng gay gắt thì ở Cuba nghèo khó, không ai phải đút tiền để chữa bệnh. Cuba không có trẻ em suy dinh dưỡng, hoặc phải bỏ học để bán vé số. Trong các bảng xếp hạng HDI,GINI của Liên Hợp Quốc, Cuba luôn nằm ở nhóm các nước công nghiệp.
Hàng năm Cuba đón hàng triệu khách du lịch. Chủ nhân của các khách sạn mini đơn sơ luôn vui vẻ, nồng hậu. Những mẩu chuyện về lòng trung thực của bà bán kem hay bác tài làm người ta ngạc nhiên. Dân Cuba cam chịu nghèo đói cho CNXH nhưng không đểu, lừa đảo hay chặt chém.
Từ đất nước suy kiệt này, từng đoàn bác sỹ, giáo viên, cố vấn quân sự vẫn tỏa đi khắp mọi ngõ ngách các nước nghèo. Đầu năm 2020, Tây Ban Nha và Ý đã đón nhận những đoàn bác sỹ Cuba sang cấp cứu bệnh nhân covid-19.
Giáo hội thiên chúa Cuba cũng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo như ở các nước XHCN khác, nhưng vẫn giữ được một khoảng cách nhất định để đủ đóng vai trò môi giới với phương tây trong các xung đột chính trị[7]. Cuba là nước XHCN duy nhất được cả ba Giáo hoàng La Mã đến thăm.
Một vài thực tế trên giải thích tại sao những người cánh tả hay nói về “Huyền thoại Cuba”, coi đó là chế độ XHCN chân chính duy nhất còn lại trên trái đất.
Những cuộc biểu tình ôn hòa đòi tự do, cơm áo của hàng chục ngàn người Cuba trong tuần qua, bất chấp đàn áp và bắt bớ của chính quyền đã khiến người nghiêm túc phải tìm hiểu về huyền thoại này.
(Còn tiếp)
Nguyễn Xuân Thọ
....
[1] https://en.wikipedia.org/.../International_Radio_and...
[2] Ngày 26.7.1953, Fidel Castro cùng nhóm du kich của ông tấn công pháo đài Moncada ở tỉnh Santiago de Cuba. Cuộc tấn công thất bại, cả nhóm bị bắt. Nhưng sau ngày ra tù Fidel lấy ngày này để đặt tên cho phong trào đấu tranh của mình.
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/1940_Constitution_of_Cuba
[4]https://en.wikipedia.org/.../Cuba%E2%80%93United_States...
[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Bay_of_Pigs_Invasion
[6] https://www.history.com/topics/cold-war/cuban-missile-crisis
[7] https://library.fes.de/pdf-files/iez/08771.pdf
No comments:
Post a Comment