Friday, June 26, 2015

Đọc sách: Thế giới bị quỷ ám

Khoa học như ngọn nến trong đêm.
Tôi thấy dường như mình vẫn đang sống trong một quốc gia bị quỷ ám, chỉ quốc gia này thôi hoặc một vài quốc gia kém cỏi nào đó chứ không phải là cả thế giới (hay là cả thế giới nhỉ?) vẫn bị quỷ ám mà thôi.
Một quốc gia mà một ông nghị nào đó vẫn nói đến chuyện Cao Biền trấn yểm, một quốc gia mà quá nhiều nhà khoa học và giới trí thức suốt vài ngày nay vẫn cãi nhau về chuyện đường tàu uốn lượn cao thấp, một quốc gia vẫn tin sái cổ vào những tảng thịt đông lạnh có từ 40 năm trước.. hẳn là quốc gia đó cũng có những bộ óc bị đông lạnh suốt 40 năm qua.. Không, không phải 40 năm mà 70 năm bị đông lạnh, bị Cao Biến trấn yểm, bị những đường cong ám ảnh trong cả những giấc mơ ban ngày..
Quốc gia này và dân tộc này đã bị tách biệt khỏi khoa học và bị cắt đứt tư duy phản biện và khoa học đã quá lâu đến nỗi tê liệt mọi suy nghĩ.. Từ những người bình thường đến những người đại diện đầy cao cả, hết thảy các suy nghĩ và tư duy khoa học đều bị tê liệt trầm trọng...
Đọc một cuốn sách khoa học bị ế ẩm trong một quốc gia vẫn bị quỷ ám..
---
Thế giới bị quỷ ám là cuốn sách của nhà vật lý thiên văn Carl Sagan (tên gốc tiếng Anh: The Demon-Haunted World: Science as a Candle in the Dark) xuất bản năm 1995.
Trong cuốn sách, Sagan muốn giải thích phương pháp khoa học cho người ngoại đạo đối với khoa học và khuyến khích mọi người học tư duy phê phán hoặc hoài nghi khoa học Ông giải thích các phương pháp để phân biệt ý tưởng có thể coi là khoa học với ý tưởng bị coi là giả khoa học. Sagan tuyên bố rằng khi ý tưởng mới được đề xuất, nó phải được kiểm nghiệm bằng các phương pháp hoài nghi khoa học và phải vượt qua những nghi vấn nghiêm khắc.
Đối với Sagan, khoa học không chỉ là khối tri thức mà còn là cách suy nghĩ. Cách suy nghĩ khoa học vừa sáng tạo vừa chặt chẽ dẫn dắt con người hiểu thế giới như nó là thay vì như cách họ muốn thấy. Khoa học hiệu lực hơn bất cứ hệ thống nào khác vì nó có "cỗ máy sửa lỗi tự thân". Thuyết siêu nhiên và giả khoa học ngăn cản những người ngoại đạo nhìn nhận vẻ đẹp và ích lợi của khoa học. Tư duy hoài nghi giúp xây dựng, hiểu, suy luận và nhận ra những lập luận hợp lý và không hợp lý.

Nguyễn Cảnh Bình

No comments:

Post a Comment