Thursday, October 4, 2018

Lịch sử quan hệ Việt-Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược (1)

Tổng quan
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ địa chính trị lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Nói “quan hệ địa chính trị” để nói về một phạm trù tổng quát hơn, bao trùm hơn phạm trù “quan hệ giữa hai quốc gia”. Bởi vì trong gần hai mươi hai thế kỷ lịch sử của nó, quan hệ Việt-Trung không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai quốc gia, càng không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai “nhà nước dân tộc có chủ quyền”, như ta vẫn quen hình dung về mối quan hệ giữa hai “nước” trong thế giới hiện đại. “Quan hệ Việt-Trung” ở đây được hiểu là mối quan hệ giữa hai thực thể địa chính trị. Mối quan hệ địa chính trị này trong từng thời kỳ có tính chất gì, mang đặc điểm gì, hay có thể gọi là gì, đó chính là câu hỏi bao trùm của bài nghiên cứu này.
Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm tồn tại từ thế kỷ 2 trước Tây lịch đến nay có thể chia ra bốn thời kỳ cơ bản. Thời kỳ thứ nhất quen gọi là “thời kỳ Bắc thuộc”, dài khoảng một ngàn năm, từ lúc nước Âu Lạc của An Dương Vương thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà (năm 179 tr. TL), khi mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng với miền Trung nguyên Trung Quốc được thiết lập thông qua quan hệ Hán-Nam Việt, cho đến thời điểm Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938 sau TL). Thời kỳ thứ hai gọi chung là “thời kỳ Đại Việt”, dài tương đương, từ khi Ngô Quyền xưng vương (939) đến khi Pháp đặt nền bảo hộ ở Việt Nam và nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp ở đây (1883). Thời kỳ thứ ba quen gọi là “thời kỳ Pháp thuộc”, kéo dài khoảng 6 thập niên, từ 1883 đến 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Thời kỳ thứ  gọi chung là “thời kỳ Việt Nam”, dài tương tự, từ 1945 đến nay. Thời kỳ này gồm 3 giai đoạn: (1) từ cuối thập niên 40 đến cuối thập niên 60, (2) từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 80, (3) từ đầu thập niên 90 đến nay.
Thời kỳ Bắc thuộc
Thời Bắc thuộc, Việt Nam được tổ chức thành quận huyện trong cơ cấu nhà nước đế quốc Trung Hoa với tên gọi “Giao châu” (nửa đầu thời kỳ) và “An Nam đô hộ phủ” (nửa sau thời kỳ). Quan cai trị Việt Nam do vua Trung Quốc bổ nhiệm. Như vậy, Việt Nam thống thuộc vào Trung Quốc về nhân sự lãnh đạo cũng như về chính sách. Song thực tế không nhất thiết là như vậy. Có hai cách đi ra ngoài khuôn khổ của triều đình Trung Hoa.
Cách thứ nhất được thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, sau đó người lãnh đạo khởi nghĩa xưng “vương” hoặc xưng “đế”. Hiện tượng các thủ lĩnh địa phương nổi lên xưng đế là hiện tượng bình thường trong lịch sử Trung Quốc. Thế nhưng trong đa số trường hợp họ đều hướng tới chiếm lĩnh Trung nguyên, thâu tóm cả Trung Quốc về mình: Dưới vòm trời chỉ có một mặt trời mà thôi. Song ở Việt Nam, những người nổi lên xưng vương xưng đế chưa bao giờ nuôi ý đồ tiến chiếm Trung nguyên. Họ luôn coi Trung Quốc như một thiên hạ khác. Họ không định gồm thâu Trung Quốc, mà ngược lại, họ muốn rạch ngang vòm trời, chia thiên hạ làm hai, nửa bắc của người bắc, nửa nam của mình. Ở đây, người ta vẫn sử dụng mô hình thế giới của Trung Hoa, nhưng bóp méo nó đi ở một điểm cơ bản: Thiên hạ chia hai, có hai mặt trời. Tư tưởng này là viễn tượng về trật tự thế giới của hàng loạt các thế lực lãnh đạo Việt Nam cho đến mãi về sau. Nó thể hiện trong đế hiệu “Lý Nam đế” của Lý Bí (544), trong bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” được cho là của Lý Thường Kiệt (1075), trong bài phú “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi (1428). Nhưng không phải nó chỉ bắt đầu với Lý Bí. Nó đã bắt đầu rất sớm, trước cả khi có mối quan hệ Việt-Trung nếu ta quan niệm quan hệ Việt-Trung khởi sự cùng với mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng và miền Trung nguyên Trung Quốc. Do đó, mối quan hệ địa chính trị giữa Việt Nam và Trung Hoa ngay từ khi khởi sự đã được lồng trong cái tư tưởng “Bắc Nam chia đôi” ấy. Kẻ khởi xướng ra cái tư tưởng “Bắc Nam tương xứng” đó là Triệu Đà, nguyên là một viên tướng nhà Tần cử xuống cai trị ở vùng Lĩnh Nam. Nhân lúc trung ương Hoa Hạ suy yếu, họ Triệu nổi lên xưng đế, lập nước Nam Việt, xây dựng chính quyền theo hình mẫu Trung Hoa, nhưng cải lối sống theo tục Việt. Tuy nhiên Triệu Đà sớm phải thỏa hiệp với Trung Hoa: Ông phải bỏ xưng “đế”, chịu cho nhà Hán phong “vương”, nghĩa là công nhận tư cách của mình chỉ như một chư hầu mà vua Hán là bá chủ. Trong suốt thời Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa của người Việt cũng đều ngắn ngủi. Phần thắng vẫn thuộc về kẻ muốn áp đặt trật tự thế giới một trung tâm, mà Việt Nam trong đó chỉ có tư cách quận huyện.
Cách thứ hai là chấp nhận tư cách quận huyện của Việt Nam trong cơ cấu tổ chức nhà nước Trung Quốc, nhưng giữ cho mình một không gian tự chủ riêng. Kẻ cai trị Giao châu hay An Nam tự lập vào chức đứng đầu bộ máy cai trị địa phương hoặc cha truyền con nối, sự sắc phong của triều đình trung ương bên Trung Hoa chỉ là hình thức. Tự chủ trong nhân sự lãnh đạo đi kèm với tự chủ trong chính sách. Những thời kỳ như vậy nổi bật nhất có họ Sĩ (tk 2 sau TL) và họ Khúc (tk 9).
Thời kỳ Đại Việt
Đây là lúc Việt Nam không còn chấp nhận tư cách quận huyện trong đế quốc Trung Hoa nữa, và Trung Hoa cũng phải chấp nhận cho Việt Nam nằm ngoài cương vực của mình. Lịch sử quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ này là lịch sử sự xung đột và thỏa hiệp, lịch sử sự thể chế hóa các xung đột và thỏa hiệp ấy giữa hai viễn tượng về trật tự thế giới.
Trung Hoa áp đặt trật tự thế giới của mình thông qua “lễ”. Để khẳng định vị trí của mình trong trật tự thế giới của Trung Hoa, Việt Nam phải nộp cống, kẻ cầm quyền mới lên ngôi phải cầu phong, nhận sắc chỉ của hoàng đế Trung Hoa phải khấu đầu, nếu không làm tròn phận sự sẽ bị cất quân hỏi tội.
Việt Nam thực hiện một chính sách hai mặt. Một mặt vẫn thực hiện đủ lễ với Trung Hoa, nghĩa là về hình thức công nhận trật tự thế giới của Trung Quốc. Mặt khác cứ thực hiện trật tự thế giới của riêng mình. Tự xưng hoàng đế, coi mình như Trung Quốc ở phương Nam, bắt các nước ngoài Trung Hoa phải triều cống, sắc phong cho họ, nếu “bất trung” cũng cất quân hỏi tội. Tuy nhiên, như Alexander Woodside (1971) nhận xét, cái trật tự “Trung Quốc của phương Nam” này lỏng lẻo hơn “Trung Quốc thật sự” rất nhiều.
Phương thức đại chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc có sự giống và khác giữa hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, thời Lý-Trần, là kháng cự và không chối từ (“non-refus”, chữ dùng của Pierre Féray, được Trần Quốc Vượng (1991) tâm đắc). Giai đoạn sau, thời Lê-Nguyễn, là kháng cự và bắt chước. Sự khác nhau này là nguồn gốc gây tranh cãi về thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời Trung đại. Vĩnh Sính (1994) gọi thái độ ấy nói chung là “kháng cự và chấp nhận”, so sánh với thái độ của sĩ phu Nhật Bản với Trung Quốc là “kính trọng và chối từ”. Sự dịch chuyển thái độ của Việt Nam với Trung Quốc vào nửa sau thời Trung đại, theo Trần Quốc Vượng (1993), là do sự thắng thế của đạo Nho, khiến cho trong thời Lê-Nguyễn tình trạng tam giáo đồng nguyên bị thay bằng tình trạng độc tôn Nho giáo. Mục tiêu đại chiến lược của giới nho sĩ, tức là nghiệp cấp lãnh đạo Việt Nam trong thời Trung đại, như Trần Quốc Vượng (1988) chỉ ra, là “vô tốn, bất dị” (không kém và không khác) Trung Quốc.
Thời kỳ Pháp thuộc
Thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba kỳ, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp: Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ, Nam kỳ là thuộc địa. Với Hiệp ước Pháp-Thanh năm 1885, Trung Quốc từ bỏ bá quyền của mình và thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp đảm nhiệm và trở thành một bộ phận của quan hệ Pháp-Trung.
Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà Trung Hoa phải từ bỏ mô hình thế giới truyền thống của mình và áp dụng mô hình thế giới kiểu Âu, một kiểu trật tự thế giới được công nhận ở châu Âu từ sau Hòa ước Westphalia (1648). Sự khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình Trung Hoa và Tây phương là trật tự thế giới kiểu Tàu đòi hỏi phải có một trung tâm thiên hạ, đại diện là hoàng đế Trung Quốc với tư cách “con trời”, dưới ông là một hệ thống các “phiên bang”, “chư hầu”, “thuộc quốc”, tức là một sự phân biệt trên dưới rất rõ ràng; trong khi trật tự thế giới kiểu Westphalia không công nhận một trung tâm quyền lực tối thượng đứng trên các nước khác, cai quản cả thế giới dù chỉ trên danh nghĩa, các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do đó là ngang nhau trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hành xử của các nước Tây phương phải chia làm hai lớp. Ở phần nghi lễ ngoại giao là mô hình Westphalia, còn trong thực tế là chính trị dựa trên sức mạnh (power politics). Chẳng hạn ở Việt Nam, Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh làm thuộc địa, có giao kèo đàng hoàng. Nghĩa là quyền chiếm đất của Pháp không phải tự nhiên mà có. Pháp đặt vòng bảo hộ lên Bắc và Trung kỳ, giữ nguyên ngai vàng Hoàng đế Đại Nam, chỉ đặt “công sứ” cai trị. Nghĩa là vẫn công nhận vua An Nam là chủ nước An Nam. Tuy rằng tất cả phải chịu sự điều động của Toàn quyền Đông Dương và chính phủ Pháp. Riêng đối với Trung Hoa, do nước này quá lớn, phương Tây bắt Trung Hoa phải tô nhượng cho họ một số khu vực đầu mối giao thương, phải thừa nhận cho họ có khu vực ảnh hưởng trên lãnh thổ mình. Chẳng hạn Pháp bắt nhà Thanh phải thừa nhận các tỉnh Lưỡng Quảng và Vân Nam nằm trong khu vực ảnh hưởng của Pháp.
Về phía Trung Quốc, một mặt chuyển theo mô hình thế giới kiểu Âu nhất là trong việc đòi hỏi quyền bình đẳng với các nước lớn Tây phương, mặt khác vẫn nuôi tham vọng dành lại bá quyền với các nước khi xưa đã chấp nhận trật tự thế giới kiểu Trung Quốc. Chính sách này chung cho mọi chính quyền ở Trung Quốc, từ nhà Thanh, Quốc dân đảng đến Cộng sản đảng.
(còn nữa)
Vũ Hồng Lâm

Nghiên Cứu Lịch Sử

No comments:

Post a Comment