Thursday, August 20, 2015

Dùng chữ nghĩa và cách suy nghĩ: nhìn và chiêm nghiệm

Nhìn và chiêm nghiệm: bệnh mù về cấp độ
Sáng sớm ngồi đợi máy bay về Hà Nội. Làm xong tô mì bò, ly cà phê, ưu tư một chút

Người Việt có thói quen nói theo quán tính. Phun ra cả cụm từ thậm chí nhiều cụm từ có ý nghĩa khác nhau mà không hề đắn đo về ý nghĩa của nó. Người ta vẫn nói thế, tôi nói thế là an toàn, cùng lắm là ngang tầm với người nói trước. Lâu ngày thành một đường mòn. Cứ nói như vẹt, tưởng đó là ý tường của mình.


Ví dụ đơn giản: "ngôi nhà đẹp", "Cô gái xinh" là vừa đủ trọn nghĩa. Nhưng nói ra lại có vẻ hơi "tây" nếu không nói "ngôi nhà rất đẹp", "cô gái xinh quá". Nếu như vậy trong tiếng Việt không có chỗ cho "rất đẹp", "rất xinh" nữa. Nói một cách khác, một vấn đề tưởng vô nghĩa, nhưng thành thói quen sẽ làm một dân tộc mù về cấp độ. Không nhận thức được về cấp độ, tất nhiên sẽ khiếm khuyết về suy nghĩ.

Bài này sẽ thảo luận về nhóm các chữ "khía cạnh", "viễn cảnh", "triển vọng", "nhìn lại", "vỡ lẽ",... mà người Việt dùng khá lộn xộn. Đặc biệt khi thông dịch hoặc nói chuyện với người nước ngoài, các khái niệm này dùng sai một cách hồn nhiên. Khi đầu tôi nghĩ rằng đó là do yếu về ngoại ngữ hay từ vựng, nhưng gần đây quan sát một số trí thức đáng kính, tôi mới chợt nhận ra rằng phương pháp suy nghĩ của người Việt chưa thực sự phát triển. Giữa việc dùng từ cho chính xác và phát triển phương pháp tư duy có quan hệ tương hỗ. Dùng từ không chỉnh, méo mó sẽ làm méo mó phương pháp. Phương pháp suy nghĩ chưa phát triển đến một mức độ tinh vi, cách dùng từ sẽ sơ sài cầu thả, không sense được sự khác biệt, theo lối mòn.

Trong tiếng Anh có các từ "aspect", "prospect", "perspective" nghĩa khác nhau. Người Việt dùng rất lung tung "khía cạnh", "triển vọng", "viễn cảnh",... Trước hết chúng ta hãy nói về ý nghĩa về mặt phương pháp khi dùng các từ này. Thực ra có rất nhiều người hay dùng các từ này không thực sự có ý niệm nào về phương pháp. Trước hết "aspect" và "perspective" đều liên quan tới cách nhìn chủ quan của một người về một sự vật. Người Việt vẫn có thói quen buộc tội, đánh giá hay dán nhãn cho nhau về "cách nhìn sai", "cách nhìn đúng",... Thực ra, có nhiều mệnh đề, khẳng định, đánh giá,... chỉ có nghĩa sau khi chọn một cách nhìn. Cũng như hướng dẫn "quán ăn ở bên phải khách sạn" là hoàn toàn vô giá trị. Có lần tôi đã phỏng vấn học viên cao học "tài năng" về một thuật toán tìm kiếm "tìm bên phải trước hay bên trái trước".  Học viên được giới thiệu là rất giỏi và chuẩn bị học tiến sĩ, chịu cứng không trả lời được. Tôi sẽ không đánh giá hay trách móc anh bạn trẻ này. Tuy nhiên, phương pháp suy nghĩ của người Việt thực sự chưa phát triển đến mức vào vô thức, mà cách tốt nhất là được nhúng vào ngôn ngữ. Tôi chưa thấy sinh viên nước ngoài mắc vào vấn đề "phải trái", "tốt xấu", có lẽ vì họ ít đánh giá như đinh đóng cột, và góc nhìn luôn gắn chặt với cách suy nghĩ. Chính vì vậy mà người nước ngoài hiểu về "aspect", "perspective" hơn.  Trừ những chân lý hình thức, vô hồn, phần lớn các chân lý đều mang dấu ấn cá nhân, gắn chặt với một cách nhìn, chính vì thế mà chúng mới bổ ích và có thể đi vào đời sống. Tính chặt chẽ khách quan thường nằm trong retrospect nhiều hơn. Phát kiến khoa học cũng như phát kiến ra châu Mỹ, Hải Vương tinh hay hạt Higgs đều dựa trên một niềm tin, một góc nhìn mang đậm dấu ấn cá nhân. Sự phát triển thường là do cá nhân dám gánh trách nhiệm, thậm chí dám áp đặt quan điểm. Đợi mọi việc rõ ràng rồi mới quyết định thì mọi việc đã trễ. Người Việt không hề có viễn kiến, coi thường trực quan, chà đạp cá nhân làm sao có thể hiều được sâu sắc các từ như "aspect", "perspective".

Cùng liên quan tới cách nhìn chủ quan, nhưng có vẻ "aspect" chỉ chủ quan trong việc lựa chọn cách mô tả, nhìn tương đối cụ thể, gần và mô tả khách quan sự vật trong cách nhìn đó. Tiếng Việt chọn "aspect" là "khía cạnh", "phương diện", có lẽ là gần đúng hơn cả. Tuy có một số điểm chưa hoàn toàn chính xác, nhưng khi đem sử dụng NHẤT QUÁN và THÀNH THỤC, các từ này sẽ tự thu góp những ý niệm mới và tự hoàn thiện. Nội hàm chính xác sẽ dần được hoàn thiện. "Perspective" là một cách nhìn từ xa. Nhiều người nhầm rằng perspective chỉ nói về tương lai, vì thế từ tiếng Việt "viễn cảnh" cũng hiểu là "tương lai xa". Thực ra, tuy rất hiếm khi dùng, nhưng người ta có thể nói về perspective về quá khứ như một cách nhìn phóng chiếu về quá khứ. Perspective có tính chủ quan hơn nhiều, cũng như người nhìn có thể chọn góc nhìn, cự ly, tiêu điểm. Perspective có thể bao gồm cả việc kiến giải, sử dụng những khái niệm quen thuộc, không nhất thiết có nghĩa khi ở trong một điều kiện hoàn toàn khác. Có thể tạm dùng chữ "viễn cảnh" cho perspective với ý thức rằng "viễn cảnh" có thể bao gồm cả quá khứ. Để tránh quán tính trong việc dùng chữ nghĩa đã mòn vẹt, có thể dùng chữ "tầm nhìn xa". Nhưng tuyệt đối không dùng "triển vọng" như trong từ điển hoặc trong thực tế đang dùng khá phổ biến.

"Triển vọng" là "kỳ vọng tiến triển", nói về tương lai, thích hợp với  chữ "prospect". Mặc dù "prospect" trong từ điển Anh Việt đều có cả hai chữ  Việt tương ứng "triển vọng" và "viễn cảnh". Nhưng đó là do sự lười biếng, cẩu thả hoặc bệnh mù cấp độ của người Việt. Prospect là một cách nhìn tương lai về sự vật của người nói, tất nhiên vẫn mang một phần yếu tố chủ quan.

Cuối cùng, chúng ta sẽ bàn về chữ "retrospect". Retrospect là một thao tác của những người có tầm suy nghĩ bao quát, nhìn về những gì đã xảy ra, cố nhiên vẫn theo những perpective chủ quan nào đó, để có chiêm nghiệm và dự cảm đối với những vấn đề trước mắt. Phải nói người Việt, kể cả những trí thức ưu tú vẫn không hiểu vai trò của "retrospect" trong suy nghĩ là thế nào. Tôi đã từng ngạc nhiên khi một số trí thức vẫn được tiếng là ưu tú dè bỉu retrospect là nói những chuyện đã xảy ra không có gì mới. Thực ra, dù có đi dây đó, đọc hàng tạ sách, con người vẫn khó thoát khỏi ảnh hưởng của chuỗi dây chuyền: ngôn ngữ ảnh hưởng tới văn hóa, văn hóa ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, suy nghĩ đẻ ra số phận. Đừng kêu ca về số phận nếu chưa nhìn lại cách suy nghĩ. Đừng than phiền về cách suy nghĩ nếu chưa mạnh dạn thay đổi văn hóa. Đừng oán trách văn hóa nếu không bắt đầu sử dụng ngôn ngữ chính xác và tinh tế. Người Việt nghĩ về quá khứ rất sơ sài, không phân biệt nổi vô hồn vô cảm với sự khách quan, vì thế hầu như không có được chiêm nghiệm gì có ích lợi cho hiện tại từ những cuộc huynh đệ tương tàn đẫm máu trong quá khứ. Có lẽ vì thế trong tiếng Việt không có từ nào thực sự thích hợp cho retrospect. Có người dịch là "nhìn lại". Thực ra "nhìn lại" chưa có một chút chiêm nghiệm nào, người nước ngoài đã có từ "review". Chiêm nghiệm còn cao hơn suy tư một bậc. Chính vì không biết chiêm nghiệm quá khứ nên người Việt cùng lắm chỉ hiểu được từ "vỡ lẽ" (hind sight) là một cách cảm nhận bài học quá khứ cụ thể, không cần chiêm nghiệm, một cái tát có lẽ sẽ làm con người "vỡ lẽ" nhanh và thấm thía hơn. Tôi nghĩ nên dịch retrospect là "chiêm nghiệm" để khuyến khích người Việt đọc sách nước ngoài chịu khó học các dân tộc khác động não, thay vì chỉ "ôn lại những trang sử vàng vẻ vang của dân tộc".

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment