Quốc khánh
20-8 là ngày kỷ niệm Szent István (vị vua Hungary đầu tiên, vị
thánh đầu tiên của dòng họ Arpád), và là ngày hội Lập quốc của
nước Hungary (thành lập từ 1.100 năm nay). Đây cũng là ngày
Bánh mì mới (új kenyér) trong dân gian: nhân dịp này, ở các
thành phố và làng bản, gia đình nào cũng góp một ít bột mì để
nướng một chiếc bánh mì to cho những gia đình nghèo khó nhất.
Nhìn lại lịch
sử, năm 1774, nữ hoàng Mária Terézia đã công bố ngày 20-8 là
ngày lễ của toàn nước Hungary. Năm 1818, lần đầu tiên, một đám
rước trọng thể mừng cánh tay phải (Szent Jobb) của vua Szent
István được tổ chức. Năm 1938, nhân kỷ niệm 900 năm ngày mất
của Szent István, để tưởng nhớ vị vua vĩ đại này, trong một
đạo luật, Quốc hội Hungary đã tuyên bố 20-8 là ngày Quốc khánh
Hung. Trước 1989, 20-8 thường được gọi là ngày Hiến pháp và
năm nào, những lễ hội tưng bừng cũng được tổ chức để mừng ngày
này.
Vì sao vua
Szent István lại được dân Hungary kính trọng như vậy? Ông đã
làm gì khiến toàn nước Hungary nhớ đến ông trong ngày 20-8 này?
Bạn đọc sẽ được biết một số chi tiết qua vài dòng tóm tắt sau
đây.
István lên
ngôi sau cái chết của thân phụ ông - vương công Géza - vào năm
997 và trong 3 năm (997-1000), ông đứng đầu nước Hungary trên
cương vị một vương công. Đầu năm 1.000, István đăng quang và
trở thành vị vua đầu tiên của nước Hung cho đến khi mất tại
Székesfehérvár ngày 15-8-1038. Năm 1083, ông được phong Thánh.
Trong lịch sử
Hungary, tên tuổi Szent István gắn liền với sự nghiệp phổ biến
đạo Thiên Chúa và du nhập đạo đức Thiên Chúa giáo; có thể nói
ông đã tạo điều kiện cho dân Hungary học hỏi những nền văn
minh Tây Âu. Là người thành lập nước Hungary Công giáo, ông đã
đặt nền móng cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc Hungary.
Với công lao xây dựng một Giáo hội độc lập tại Hungary, Szent
István đảm bảo sự phát triển tinh thần và đạo đức cho đất nước.
Cạnh đó, bằng việc gây dựng sự đoàn kết giữa các thế lực
Hungary trong nước, vua István còn tạo điều kiện tiên quyết
cho nền độc lập quốc gia. Ngoài ra, ông còn thiết lập những
khuôn khổ đầu tiên cho chế độ lập pháp, chính thể, tư pháp và
hành chính hợp hiến ngày nay.
Có rất nhiều
huyền thoại ca ngợi con người và tài năng lãnh đạo của Szent
István. Một câu chuyện kể rằng khi về già, một lần người ta đã
định ám sát ông vì theo tín ngưỡng Đa thần giáo, nếu người kế
vị giết được nhà vua thì kẻ hậu duệ sẽ thừa hưởng được sự sáng
suốt, sức mạnh thần thông và kinh nghiệm của vị vua tiền nhiệm.
Thời ấy, thường những tên sát thủ đều bị mất mạng, nhưng vua
István đã tha lỗi cho kẻ ám sát để chứng tỏ lòng nhân từ của
người theo đạo Thiên Chúa; ông biết trong nếp nghĩ của dân
Hungary lúc đó, những niềm tin Đa thần giáo còn rất mạnh và
chỉ rằng sự lao công khổ chí kiên nhẫn mới có thể xoá bỏ được
tập tục lạc hậu này.
Các truyền
thuyết không chỉ đả động đến tài trị nước của vua Szent István,
mà còn nói đến tính tình nghiêm khắc phi thường của ông. Ví dụ,
một mẩu chuyện về cánh tay phải của ông, giờ đã trở thành một
thánh vật. Vua István cùng thân mẫu đi thăm thành phố Babylon.
Khi nhìn thấy ngọn tháp kỳ vĩ của thành phố, mẹ ông đã thốt
lên rằng đến Chúa Trời cũng không thể phá được tháp này. Là
một người sùng đạo, Szent István rất bực tức, không ghìm nổi
cơn giận, ông đã tát bà mẹ mình. Sau đó, hối hận về hành động
này, ông đã tự cắt cánh tay phải, đến nay vẫn là một thánh
tích quý báu.
Cũng có rất
nhiều huyền thoại liên quan tới cánh tay phải của vua István.
Vào thời Trung cổ, người ta tin rằng bệnh nhân nào tới viếng
thăm cánh tay phải của Szent István sẽ lập tức khỏi bệnh. Vì
thế, trong suốt thời kỳ Trung cổ, dễ hiểu là không chỉ dân
Hungary mà người nước ngoài cũng kéo nhau tới thăm thánh vật
này.
Theo truyền
thuyết, sự ra đời của Szent István cũng được báo trước bởi
những giấc mơ kỳ diệu. Trong một giấc mơ của vương công Géza,
một tiên nữ đã xuất hiện và báo rằng chẳng bao lâu nữa, ông sẽ
có một đứa con trai và con ông sẽ hoàn thành công việc kiến
tạo đất nước mà ông đã bắt đầu. Thân mẫu Szent István cũng có
một giấc mơ rất lạ kỳ. Trong mơ, một người đàn ông hiện ra nói
với bà: “Bà hãy tin Chúa và tin rằng bà sẽ sinh một người con
trai, con bà sẽ là người đầu tiên được mang vương miện tại xứ
sở này và sẽ trị vì trên cương vị một ông vua”. Khi hỏi tên,
người đàn ông đáp: “Tên tôi là István”.
Bắt đầu từ thế
kỷ XIII, tại Eger và Székesfehérvár, chủ nhật nào cũng có một
đám rước đến nhà thờ Szent István để viếng thăm những thánh
tích của ông. Chiếc vương miện cũng là một trong những thánh
vật quý báu nhất của dân tộc Hungary, vua Szent István là
người đầu tiên được mang vương miện này. Quanh nguồn gốc của
vương miện cũng đầy rẫy những huyền thoại; người xưa tin rằng
vương miện là tượng trưng cho số phận của nước Hungary. Theo
truyền thống, nếu vương miện ở tại Hung thì mọi việc sẽ tiến
triển tốt đẹp. Chính vì thế, có rất nhiều vị vua trong lịch sử
Hungary đã mang vương miện ra ngoại quốc vì họ muốn duy trì
quyền lực trong tay.
Szent István
đã có công lớn trong quá trình xây dựng nước Hungary, vì thế
không có gì lạ khi ngày 20-8 hàng năm, tại Hungary, mỗi thành
phố, vùng quê đều có nhiều truyền thống và lễ hội khác nhau để
tưởng nhớ đến ông.
Một số vùng,
người dân mừng lễ gặt lúa vào ngày này: bảy-tám thiếu nữ mang
những vòng hoa làm từ lúa mì đến nhà thờ, cất lời cầu nguyện
và bày tỏ lòng biết ơn Thánh thần đã cho họ thu hoạch lúa suôn
sẻ. Những nơi khác, dân chúng nghĩ rằng nếu trời đẹp trong
ngày 20-8 thì họ sẽ bội thu hoa trái (có nơi người dân bắt đầu
thu hoạch phúc bồn tử vào ngày này). Cũng có vùng, người dân
còn nghĩ rằng 20-8 là thời điểm những chú cò bay đi.
Tại các thành
phố mỏ, vào ngày 20-8 hàng năm, người dân thường tổ chức buổi
lễ chia tay của thợ mỏ (cho đến thời Thế chiến thứ nhất, vua
István từng được coi là vị thánh bảo hộ những thợ mỏ và thợ
đúc tiền) kèm những đám rước, những trò đua ngựa, múa kiếm và
những cuộc thi bắn. Thời xưa, tại Szeged, để tưởng nhớ Szent
István, nhà cửa, xưởng xay và thuyền bè thường được trang trí
bằng một cành cây xanh. Còn ở một số làng bản Slovakia (trước
kia thuộc lãnh thổ Hung), người dân ăn mừng ngày 20-8 bằng
cách đúng vào nửa đêm, các thiếu nữ trong làng rủ nhau ra
giếng múc nước tắm. Họ tin rằng như thế, buổi sáng, họ sẽ gặp
được người con trai lấy họ làm vợ.
Mọi người dân
Hungary đều ngưỡng mộ công lao của Szent István, vị vua đầu
tiên của nước mình. Chính vì thế, tuy một số truyền thống dân
tộc ngày càng bị phai nhạt, hình ảnh vua István vẫn sống mãi
trong tâm khảm dân tộc Hungary; István là cái tên thông dụng
và đặc thù nhất ở Hungary, chứng tỏ Szent István đã đi vào tâm
thức của dân Hungary. Có điều, ngày nay, không phải những
truyền thống dân tộc mà những lễ hội quốc gia được coi trọng
hơn, chẳng hạn những dịp bắn pháo hoa hàng năm tại thủ đô
Budapest, cũng như các chương trình lễ lạt được tổ chức tại
các thành phố lớn của Hungary. Vào dịp này, các chính khách và
nhân sĩ Hungary thường đăng đàn kêu gọi nhân dân nhớ về vị vua
có công lập quốc của dân tộc mình.
Thùy Linh
(Nguồn: Vietnami - Magyar Baráti Társaság) |
|
Thursday, August 20, 2015
Szent István
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment