Tuesday, April 25, 2017

Câu hỏi "Tại sao"?

Tháng trước tôi có đi xem một phim về việc người ngoài hành tinh đến Trái Đất và một nữ giáo sư ngôn ngữ được mời để dạy cho người ngoài hành tinh ngôn ngữ của loài người trong thời gian ngắn nhất, để có thể hiểu được ý định của họ. 
Tôi thấy chi tiết này thật ấn tượng và đáng suy nghĩ. Nó cũng tương tự như dạy trẻ con. Dạy cho trẻ con khái niệm và câu hỏi "Đây là cái gì" không khó. Chỉ cần lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ con (hoặc người ngoài hành tinh) sẽ có khả năng ngoại suy và khi đó có thể học nhanh rất nhiều từ và khái niệm mới. Sau đó là dạy thuộc tính về tốt xấu, màu sắc, hình dạng cũng không có vấn đề gì. Thậm chí tôi nghi rằng câu hỏi "Làm thế nào?" cũng có thể dùng quy nạp trực tiếp để dạy.
Tuy vậy tôi vẫn băn khoăn về câu hỏi "Tại sao" sẽ hình thành như thế nào trong trí tuệ của trẻ con, hoặc làm thế nào đặt câu hỏi này cho người ngoài hành tinh. Tôi giả thiết câu hỏi này là phổ quát, có nghĩa là nếu có một sinh vật nào đó tư duy như người, chắc chắn sẽ biết câu hỏi này. Không hiểu các động vật như mèo, chó, cá heo, khỉ,... có biết câu hỏi "Tại sao" không? Tôi nghĩ là không. Chỉ cần cấy được 1 câu hỏi "tại sao" vào đầu một con vật, nó sẽ dần dần đặt hàng vạn câu hỏi "tại sao" và sẽ tư duy không kém gì người.
Tôi đặt vấn đề này với một anh bạn. Anh bạn này bỏ mấy tuần suy nghĩ và tuần trước vừa nói với tôi là "câu hỏi tại sao hình thành nhờ so sánh và thấy sự liên hệ giữa hai đối tượng" (Đúng ra là "sự vật"). Tôi đồng ý đó là điều kiện cần, chưa dám chắc là đủ, vì chưa thấy quy trình dạy tổng quát. Ví dụ: 
Có thể đưa một đứa trẻ đến một sân bóng có các anh đang đá bóng và nói "Các anh đá bóng". Nhiều lần, trẻ sẽ phân biệt và nói đúng được "Các anh đá bóng" và "Các anh không đá bóng". Sau đó lại có thể dạy "Trời mưa" và "Trời không mưa".
Và tiến tới các cặp mệnh đề "Trời mưa. Các anh không đá bóng." và "Trời không mưa. Các anh đá bóng." Từ đó đặt câu hỏi "Tại sao các anh không đá bóng". Trả lời "Trời mưa các anh không đá bóng."
Quy trình có thể như sau: 1. Hình thành mệnh đề (cố nhiên có phủ định. Trẻ biết phủ định đúng đã là một bước tiến về tư duy) 2. Hình thành cặp mệnh đề có liên hệ nhân quả (Trẻ có thể nói câu có hai mệnh đề đã là hơn các trẻ khác) 3. Đặt câu hỏi tại sao (Có nghĩa là câu hỏi sinh ra từ câu trả lời, chứ không phải câu trả lời sinh ra từ câu hỏi).
Quy trình là như vậy, nhưng việc hình thành câu hỏi tại sao trong đầu óc trẻ, có lẽ câu hỏi này phải có một dạng built-in nào đó, có thể trong gene. (Dạy người ngoài hành tinh có lẽ dễ hơn).
Đừng tưởng nói chuyện này là viển vông. Người lớn, có học, thậm chí cả một dân tộc, cũng có thể rất lười hoặc không dám đặt câu hỏi "tại sao". Tại sao lại thế nhỉ? Tâm lý là thế nào? Do văn hóa hay do tâm lý?

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

4 comments:

  1. Nguyễn Du Long: Đặt đc câu hỏi ts là cực kỳ quý báu rồi. Nhiều ng sau khi đc giao một công việc hay nhận đc 1 thông tin mới là hùng hục lao đi làm... :(

    ReplyDelete
  2. Do Xuan Phuong: Hi hi, chuỗi nhân quả (logic) đã dẫn các lý thuyết quantum gravity, đặc biệt là đối tính AdS/CFT mà một số người tin rằng khả dụng để trả lời câu hỏi tại sao, ở dạng tổng quát nhất. :)

    Em cho rằng cấu trúc đơn tuyến A sinh ra B (1 dimension) như ví dụ đá bóng cua anh Việt thì có hậu quả ở mọi sinh vật (phản xạ không điều kiện). Ngoài ra, câu hỏi tại sao - xuất hiện trong ý thức (trừu tượng hóa) là sản phẩm của thực tế rằng nhân quả là phức hợp (2 dimension) và gây ra phản xạ có điều kiện ở hệ thần kinh bậc cao.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Anh nghĩ cấu trúc não người có cơ chế built-in để hỏi được câu hỏi tại sao, súc vật có thể không có. Tất nhiên ở một số người cơ chế này bị ức chế nên không trigger được câu hỏi này, lâu dần thành quen và ngại hỏi.

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Các câu hỏi (từ ngữ) trong ý thức thuộc về hệ thống tín hiệu thứ hai nên nó rất khác nhau từ người này đến người khác. Mặc dù khả năng tư duy trừu tượng là built-in ở loài người, như anh Việt đã nhận xét chính xác.

      Để tìm hiểu cách con người đặt câu hỏi tại sao, em cho rằng cần xem xét quá trình hình thành nhận thức của cá nhân. Nói cách khác là giáo dục sẽ tạo ra những người có tư duy độc lập hay một bầy đàn không biết tự vấn.

      Delete