Sunday, April 23, 2017

Nang trùy lộ dĩnh

Dịch đến thành ngữ này, có vài bình luận. Nang: cái bọc (như nang kén, hay u nang trong tiếng Việt cũng là mượn từ nang này). Trùy: mũi dùi. Dĩnh: mũi nhọn, và cũng là điểm khác lạ, phi thường (còn một nghĩa nữa là bông lúa). Thí dụ ta hay đọc nhầm chữ "dĩnh ngộ" thành "đĩnh ngộ" để chỉ những đứa trẻ khôi ngô, phong thái phi phàm là do chữ quốc ngữ và mắt kém.
Nghĩa của thành ngữ này là có tài năng ắt phải hiển lộ, giống như để cái dùi vào túi, mũi dùi ắt lộ ra ngoài. Đây là nói một trật từ xã hội bình thường mũi dùi luôn để lên phía trên theo nhận thức thông thường. Không nói trật tự xã hội quái gở hoặc một người dở dại, để mũi dùi xuống dưới, mũi dùi ắt phải chọc thủng túi (dễ dàng) để hiển lộ. 
Tuy nhiên, thành ngữ này liên quan với tích Bình Nguyên Quân và Mao Toại:
Bình Nguyên Quân tên là Triệu Thắng là công tử nước Triệu, làm tướng quốc, tính tình hào sảng, chuộng người tài. Trong nhà lúc nào cũng có hàng nghìn tân khách. Bữa cơm nào cũng nghìn nghịt người ăn, không bao giờ thiếu rượu thịt, ca vũ khoản đãi nhân tài.
Ngày kia chợt có kẻ khí độ phi phàm tới xin ra mắt, xưng là Mao Toại, không nói một lời. Bình Nguyên Quân lấy làm lạ, mời làm tân khách để xem tài năng thế nào. Hàng ngày, tân khách đua tài đua tiếng, tranh nghị luận, đua vũ nghệ, khoe trí, đọ dũng, trợn mắt nhiếp thần, hoa chân múa tay, khua môi múa mép, đều là những kỹ năng, trí lự trác tuyệt. Riêng Mao Toại, không tham gia, thảng hoặc có nói, toàn những điều viển vông, tuy có thoang thoảng khí độ siêu việt, nhưng không ai hiểu ý tứ cụ thể ra sao. Thành thử chẳng ai dám coi thường, nhưng chẳng có chính tích cụ thể, tiếng tăm gì.
Kịp khi Bình Nguyên Quân phải hội kiến vua Tần ở Thằng Trì. Nước Tần mạnh, lại chuyên lật lọng. Vua Triệu lo vua Tần sẽ cầm tù tướng quốc, nhưng không thể không đi. Bình Nguyên Quân bèn chọn lấy 20 tân khách kiệt xuất nhất để cùng đi. Mới tuyển chọn được 19 người mà chưa biết kén thêm ai. Chợt Mao Toại tiến lên nói "Tôi xin tự tiến cử". Bình Nguyên Quân hỏi "Tiên sinh ở nhà Thắng được mấy năm rồi". Toại nói "Ba năm". Bình Nguyên Quân nói "Người tài như "nang trùy" ắt "lộ dĩnh". Tiên sinh ở nhà Thắng ba năm, mà Thắng không biết tiên sinh, chắc tiên sinh không có tài gì. Mời tiên sinh ở nhà thôi." Mao Toại cười "Nhà công tử chưa phải là cái nang. Hôm nay, Toại tôi mới xin vào nang đây. Đã vào nang há chỉ lộ mỗi cái mũi dùi mà thôi ư." Bình Nguyên Quân lấy làm lạ. Tuy chưa tin, nhưng cũng đem Mao Toại theo.
Tại Thằng Trì, vua Tần bày quân thị vệ gươm giáo tuốt trần, sát khí đằng đằng để nhiếp hồn sứ đoàn nước Triệu. Vua Tần lại cùng Bình Nguyên Quân hội kiến trên đàn, nửa ngày chưa xong. Khi mặt trời đứng bóng, không ai có được một mưu kế khả thi. Mao Toại bèn chống kiếm bước lên đàn. Quân sĩ cản lại, Toại trừng mắt nhìn, thần dũng ngùn ngụt, mọi người đều khiếp đảm, dãn ra. Toại bước lên đàn nói dõng dạc: "Nhà vua gặp tướng quốc, bàn chuyện lớn của hai nước. Nay mặt trời đứng bóng mà chưa có chủ trương gì, chỉ thấy uống rượu và xã giao là ra làm sao?" Vua Tần hỏi "Người này là ai?" Bình Nguyên Quân nói "Đó là Mao Toại, xá nhân của Thắng". Vua Tần quát "Ngươi sao được phép đến đây. Lui xuống ngay.". Toại nói "Chủ của Toại là khách của vua. Chủ Toại ngồi đây vua mắng Toại hay muốn bỉ mặt chủ của Toại. Nhà vua khinh mặt chủ Toại là ỷ đông người chăng. Toại đứng đây cách nhà vua chỉ nửa bước chân. Nếu khinh chủ Toại, Toại xin lấy máu ở cổ mình, tưới lên bàn của vua". Đoạn giơ vung kiếm lên một vòng. Hào quang tỏa lạnh buốt. Vua Tần khiếp sợ "Xin nghe lời tiên sinh". Mao Toại quát "Tả hữu đâu mang máu gà máu chó lên để nhà vua và tướng quốc ký hiệp định kết minh". Tả hữu mang máu gà máu chó lên đài, vua Tần và Bình Nguyên Quân cùng uống và thề ước kết minh. Phần còn lại, Mao Toại nốc sạch, khí dũng bừng bừng. Vua Tần rất nể phục nói với tả hữu "Nước Triệu chưa diệt được. Quả nhân há sợ một mình Mao Toại. Nhưng nước này còn chọn được những người tài như thế, làm sao mất được."
Về đến nhà, Bình Nguyên Quân nói "Thắng vẫn tự phụ về xem người tài. Lại để sót Mao Tiên Sinh. Mao Tiên Sinh ở Tần nghị luận sắc bén, thần dũng át 10 vạn quân Tần. Thắng không dám xem người tài nữa.".
Mao Toại cười: "Nang trùy lộ dĩnh vẫn đúng. Có điều phải biết đâu là cái nang. Công tử chỉ quên một điều nhỏ nhặt, xin đừng mất công nghĩ ngợi." Nói đoạn cáo từ chống kiếm ra đi.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

20 comments:

  1. Giap Van Duong: Hay quá. Giờ tìm khắp gầm trời cũng không ra người thần dũng như vậy. Toàn chiêu trò lếu láo để leo lên, cưỡng đoạt.

    ReplyDelete
  2. Nguyen Ai Viet: Nhắc mọi người là điển tích viết lại của tôi thế nào cũng có phần chế tác có dụng ý.

    ReplyDelete
  3. Do Xuan Phuong: Thần khí phải đủ nhận duyên mới thành tựu.

    ReplyDelete
  4. Giap Van Duong: Thần khí là gì?
    Nhân tiện nhờ bác Phương diễn gải câu của cụ Tuệ Tĩnh...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Do Xuan Phuong: Thần khí, theo mình là tổng hợp những biểu lộ của nhân cách mà đồng loại có thể nhận ra. Thần khí là hiện tượng có bản chất là phức hợp nhiều quá trình bên trong ca nhận. Tuệ Tĩnh có bài thơ dài về phép dưỡng sinh, trong đó cậu '' bế tỉnh, dưỡng khí, tồn thần' tóm lược 3 yếu tố đại diện là Tỉnh, Khi, Thần hàm ý các quá trình đó.

      Delete
    2. Giap Van Duong: Vâng. Nhưng nếu đuợc bác cho diễn giải câu của cụ Tuệ Tĩnh sâu sắc kỹ càng hơn xem sao. Ít nhất cũng theo quan điểm Đông Y của bác. Chứ chỉ như vậy thì nguời ngoài như tôi không sao hiểu hết ý cụ

      Delete
    3. Giap Van Duong: Nói thêm: vì không hiểu đuợc chữ thần nên dân ta chẳng mấy người hiểu tinh thần là gì :(

      Delete
    4. Do Xuan Phuong: Đúng là vấn đề khó, vì 'thần' là phức hợp đa chiều nên rất khó diễn giải bằng ngôn ngữ. Chuyện này cũng khá giống path integral trong vật lý lượng tử, viết ra công thức nhưng tính toán cu thể thì chịu.

      Đông Y nền tảng cũng dựa trên toàn thể con người mà các khai niệm là giản lược hoá từ sự phức tạp vô cùng. Bởi vậy, để hiểu các khái niệm thì chỉ có một cách là 'tự thân khai sáng' :)

      Delete
    5. Do Xuan Phuong: Khó diễn giải nhưng lại dễ nhận ra mà, Giap Van Duong. Con người và động vật có khả năng nhận ra biểu cảm của đồng loai, gần như là bẩm sinh. Một đứa bé 1 tuổi đã có thể khóc, cười tùy theo thể hiện tâm trạng của mẹ, thậm chí người lạ.

      Theo quan sát của mình thì những thầy giáo giỏi khi đứng trên bục giảng thường hay có biểu lộ "thần túc khí nhàn". Tức là tầm trí tuệ bao quát được (làm chủ được) nội dung cuộc đối thoại cùng với cảm xúc ổn định (nhàn nhã, vui tươi). Nhưng ngoài ra, những tình huống giận dữ mới thật sự là lúc để người khác nhận ra chiều sâu của thần khí. Sách Tàu có nhiều chỗ tả người luận anh hùng rất thú vị, mặt đỏ (huyết khí) mặt trắng (cốt khí) ...vv. Phải thỉnh anh Việt viết tiếp mới hay. :)

      Delete
    6. Giap Van Duong: Không phải là mình không hiểu, anh Do Xuan Phuong. Mình thở dài vì một người am hiểu Đông Y mà vẫn không diễn giải cho người ngoài hiểu được, và phải so sánh với path integral (cái so sánh này cũng không đúng) thì còn hy vọng gì đại chúng thiểu. Mà tìm khắp internet cũng không có ai viết ra theo lối có thể hiểu được mạch lạch rõ ràng. Như vậy là chưa thực sự hiểu. Chuyên gia mà chưa thực sự hiểu thì trách gì đại chúng không hiểu. Tức là trước giờ mọi người cứ nói cứ dùng cứ trích dẫn mà chẳng ai hiểu đến nơi đến chốn ra sao. Khi chữ "thần" không hiểu thì sẽ không hiểu và không có "tinh thần". Mà không có tinh thần thì mọi cố gắng chỉ loanh quanh giậm chân tại chỗ không bứt phá lên được. Tức là xưa nay cứ nói cứ viết cứ hô hào phải có tinh thần nọ kia, nhưng chẳng ai hiểu tinh thần là gì, vì không hiểu thần là gì. Vậy nên cảm thán thở dài...

      Delete
    7. Giap Van Duong: Anh Việt nhiều khả năng sẽ lại tra từ điển, diễn giải thông qua điển tích, làm rõ khái niệm.... và sẽ đi vào ngõ cụt như bao người :).

      Delete
    8. Do Xuan Phuong: Hồi xưa mình có bình luận trên talawas về tiểu luận của Kant "Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?", đến giờ vẫn thấy mình đúng. Khai sáng như giác ngộ của nhà Phật, không thể diễn giải cho người chưa trưởng thành. :)

      Delete
  5. Nguyen Ai Viet: Trước kia mình không tin ở thần khí. Nhưng sau khi chứng kiến một số lãnh đại bị đối phương chấn nhiếp thầb khí thì bắt đầu tin.

    Kinh nghiệm của tôi là khi giảng bài hoặc giao dịch. Lượng thông tin qua đầu mình với thông lượng (flux) lớn gấp nhiều lần những gì mình nói hoặc thể hiện . Và có vẻ như người nghe tiếp thu được nhiều hơn những gì mình nói. Có thể đó là một dạng thần khí

    ReplyDelete
    Replies
    1. Do Xuan Phuong: Tâm lý học có khai niệm 'ngôn ngữ cơ thể' có vẻ khách quan hơn. Hình như đã có nhóm nghiên cứu so sánh hiệu quả của giao tiếp online và offline a.

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: body talk đã được đưa vào trong "những gì mình NÓI và THỂ HIỆN (body talk)" rồi.

      Delete
    3. Do Xuan Phuong: Vâng, thể hiện ra bên ngoài \ vận động dòng tư tưởng bên trong. Em nghĩ làm thầy giáo là công việc khiến người ta luyện thần.

      Delete
  6. Do Xuan Phuong: Nhiếp thần có tính ngắn hạn, chưa chắc đã tạo hậu quả lâu dài a.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Đúng vậy nhưng có thể có hiệu quả cấp tốc

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Vâng, thời điểm quyết định có thể thay đổi lịch sử :)

      Delete