Giai đoạn đầu, xăng dầu được vận chuyển bằng xe vận tải nhưng cách này dần bộc lộ yếu điểm, thứ nhất là nếu đi hết đoạn đường thì xe cũng đã tiêu thị 1/3 số xăng dầu mang theo. Chưa kể phải chở ngược thùng ra Bắc mới có thể tiếp tục chuyển vào Nam.
Phương án gùi trong túi nilon được đưa ra, hàng trăm thanh niên xung phong cõi xăng qua những đoạn cả trăm km để rồi tập kết chở vào Nam. Nhưng các gùi cõng xăng dần bị mòn nát, lưng những người gùi xăng bị phổng rộp, có người còn bị ngộ độc chì đến xây xẩm, nôn mửa. Sau đó, 1000 chiếc can nhựa 20L được Hà Nội chuyển vào, nhưng rõ ràng biện pháp này cũng không mang lại kết quả.[1]
Ý tưởng đưa xăng dầu bằng đường ống được hình thành, thú vị là nó được nhiều người cùng lúc nghĩ ra. Nhưng theo lời kể lại của Đại tá Nguyễn Việt Phương thì người đầu tiên nghĩ đến việc sử dụng hệ thống ống xăng dầu trên chiến trường chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong một lần đại tướng đi làm việc tại Liên Xô ông đã được Liên Xô viện trợ cho 2 bộ đường ống dẫn xăng dầu dã chiến, loại phi 100mm, mỗi bộ dài 100 km. Song, hệ thống đường ống này tuy đưa về Việt Nam nhưng cũng chỉ cất trong kho bởi chưa biết dùng vào việc gì. Từ khi chiến trường phía Nam có những phát triển sôi động, một lần họp với các tướng tá, đại tướng gợi ý rằng hiện có 2 bộ đường ống xăng dầu do Liên Xô viện trợ, đề nghị mọi người suy nghĩ xem có thể sử dụng tại chiến trường hay không. Hầu hết các tướng tá đều lặng thinh, không đồng tình, nhưng cũng không phản đối, vì hình như ai cũng nghĩ rằng trên chiến trường dày đặc bom đạn, máy bay Mỹ đánh phá hàng ngày mà làm đường ống dẫn xăng dầu là điều phi thực tế. Riêng Trung tướng Đinh Đức Thiện thì hưởng ứng ngay, nhận lời và hứa với đại tướng sê tìm hiểu và khẩn trương thực thi.
Đến ngày 29 tháng 4, Công trường thủy lợi 01 được điều về khu vực Nghệ An và mang tên Công trường 18, với nhiệm vụ là chuyên trách việc xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu đầu tiên ở đây. Đại tá Mai Trọng Phước, Cục trưởng Cục xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công trường này. Khi giao nhiệm vụ cho Công trường 18, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần có một câu căn dặn nổi tiếng: "Nếu cần dát vàng vào để cho các đồng chí làm được tuyến đường ống này thì Tổng cục cũng không tiếc." Và đường ống dần hình thành với chính bàn tay của những người lính Bắc Việt ( sỡ dĩ người viết nói như thế vì giai đoạn đó, cả Liên Xô và Trung Quốc đều không có chuyên gia về việc lắp một đường ống hàng ngàn km như vậy).[2]
---
Đường ống phía Nam cũng có hai ngả:
+ Ngả vượt Tây Trường Sơn: Tiếp nối với đoạn X42, có Công trường X42 với nhiệm vụ kéo đường ống từ Nga Lộc vào đến Tổng kho RH11 thuộc Xóm Rục, Quảng Bình. Công trường 18 bàn giao tuyến X42 cho đơn vị khác, vào đây làm tiếp đoạn ống xuyên từ Cổng Trời thuộc đất Quảng Bình, vượt qua đèo Mụ Giạ sang Lào, vào đến kho Nà Tông, thuộc tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào.
Trong năm 1969, tuyến đường ống Tây Trường Sơn này tiếp tục vươn sâu vào phía Nam, tới Hạ Lào, tạt qua Tây Nguyên vào đến miền Đông Nam Bộ.
+ Ngả đi theo hướng Đông Trường Sơn: Bắt đầu được thi công cũng từ đầu năm 1969. Tổng cục Hậu cần tổ chức thêm một công trường, gọi là Công trường 18B, chuyên trách đoạn đường này. Đoạn đường ống cũng bắt đầu từ Quảng Bình, tại trạm xăng dầu Bến Quang, vượt qua đường 9 ở đoan Cam Lộ, đi tắt một đoạn qua biên giới Lào rồi trở về Bù Lạch, Tây Nguyên vào tới Phay Khốc ( Có một số nguồn ghi là Plây Khốc, Plei Khốc, nhưng người viết vẫn chưa tìm ra được địa danh này nên vẫn để theo nguyên tác từ nguồn), thuộc địa phận tỉnh Kontum.[1]
Ở đây lại có một chuyện nan giải nữa: Đưa xăng qua đèo. Đoạn đường vượt đèo Đá bàn có độ cao gần 1.000 m. Trong lịch sử vận chuyển bằng đường ống của thế giới, hình như chưa có nơi nào người ta xây lắp đường ống dẫn dầu qua một độ cao như thế. Với độ cao 1.000 m, có nghĩa là áp suất trên đường ống lên tới trên 400 atm
Sau khi lắp đặt đường ống xong, đã thử bơm nhiều lần, xăng dầu không qua được. Cuối cùng, bộ đội xăng dầu nghĩ ra một giải pháp: đặt nhiều trạm bơm đẩy kiểu PNU35/70 để bơm dần lên theo từng cấp. Cuối cùng bằng biện pháp đó, xăng dầu đã được bơm qua đèo cao, không vỡ ống... Đây thực sự là một kỷ lục thế giới, nhưng tất nhiên nó chưa hề được ghi trong sách Guiness, vì nó là chuyện tuyệt mật, không có ai trên thế giới biết đến!
Tính đến năm 1972, hai đoạn đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã có chiều dài tới 700 km, với khối lượng kho dự trữ xăng dầu là 12.800 m3.
Hầu hết các ống thép dẫn xăng dầu đều do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam, trong đó: Liên Xô 56 bộ, Trung Quốc 11 bộ, các nước khác 45 bộ (tất cả đều là ống thép dã chiến phi 100 mm).[1]
---
Hệ thống đó được phân làm 4 phân đoạn :
1/ Trung đoàn 671 tuyến phía Đông đảm nhận tiếp dầu diesel tại Đông Hà, gọi là Ô 22, vận hành qua các trạm A Sầu, A Lưới, bơm tiếp vào trạm Ô 14. Trung đoàn này cũng có trách nhiệm tiếp nhận xăng dầu từ Bến Quang, đi qua Ô 11, Ô 15, Ô 16 cho tới Ô 19 của Khâm Đức thuộc Kontum. Trung đoàn có 10 kho dự trữ với trữ lượng 6.800 m3, gồm 36 trạm bơm và cấp phát.
2/ Trung đoàn 592 thuộc tuyến phía Tây Trường Sơn tiếp nhận xăng dầu tại Ô 1 thuộc Quảng Bình, vận hành lên Bản Đông thuộc đường 9, Nam Lào, gọi là Ô 2, đi tới sát vùng 3 biên giới Đông Dương. Trung đoàn này có 13 kho với trữ lượng 6.900 m3, có 28 trạm bơm và cấp phát.
3/ Trung đoàn 532 tiếp nhận xăng từ Plây Khốc, Ô 10, đẩy theo đường ống tới Dakrông, vào tới Pô Cô. Trung đoàn này có 12 kho, trữ lượng 7.600 m3, Có 26 trạm bơm và cấp phát.
4/ Trung đoàn 537 tiếp nhận xăng từ Bắc Pô Cô, Ô 23 đẩy xăng vào Chưprông, Dakdam, Đức Lệ, vào tới Bù Gia Mập, tức là tới tận miền Đông Nam Bộ, gọi là Ô 30. Trung đoàn này có 11 kho, trữ lượng 5.750 m3, có 23 trạm bơm và cấp phát. [1]
---
Bắt đầu từ hai ngả thuộc biên giới Việt - Trung là Lạng Sơn và Quảng Ninh, hai tuyến đường ống cùng dẫn về một địa điểm phía Nam Hà Nội là trạm Nhân Vực (thuộc huyện Thường Tín). Từ đây, có một đường ống chạy thẳng vào miền Trung qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đến đây đường xăng dầu lại chia làm hai ngả: Một ngả vượt qua đèo Mụ Giạ, sang Lào và đi tiếp xuống tận Hạ Lào, rồi vượt qua biên giới Lào và Campuchia để vào tới Nam Bộ. Đường Đông Trường Sơn đi tiếp qua Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua Tây Nguyên, vượt Kontum, xuống Bình Phước.
Hai hệ thống Đông và Tây Trường Sơn hội tụ lại ở trạm cuối cùng là trạm Bù Gia Mập, thuộc tỉnh Phước Long, Đông Nam Bộ. Từ đây xăng dầu được cấp trực tiếp cho các xe vận tải chở tiếp trên những tuyến ngắn từ miền Đông đến miền Tây. Tính tới năm 1975, sau 7 năm thực hiện nhiệm vụ, tổng chiều dài của đường ống là hơn 5.000km với trên dưới 100 kho lớn nhỏ với sức chứa lên tới 300.000m3 [3]. Về chiều dài của Hệ thống ống xăng dầu trên Đường Hồ Chí Minh có nhiều con số khác nhau. Nếu tính từ điểm xuất phát của cả 2 nhánh Đông và Tây Trường Sơn tại Bến Quang (Quảng Bình) vào tới Bù Gia Mập, thì tổng chiều dài là 1.445 km. Nếu tính cả hệ thống ống dẫn từ các ngả Lạng Sơn, Móng Cái vào Nhân Mục rồi từ đây vào Quảng Bình, với nhiều nhánh hợp lưu, nhiều nhánh phân chia, nhiều đoạn song song, nhiều đoạn nối ngang... thì tổng số chiều dài của đường ống lên tới trên 5.000 km, có thể là đường ống dài nhất thời bấy giờ. Trong 7 năm, đường ống đã vận chuyển vào Nam trên dưới 5 triệu tân xăng dầu ( Trong chiến tranh, Liên Xô và Trung Quốc mỗi năm viện trợ cho Bắc Việt khoảng 2 triệu tấn xăng dầu, chưa kể nguồn từ các nước XHCN, Bắc Việt còn vay của các nước Algerie, lndonesia, lraq...)
Nguồn tham khảo
[1] 5 Đường mòn Hồ Chí Minh – Đặng Phong
[2] Xăng và máu – Tienphong.vn
[3] Tuyến đường ống xăng dầu... Trong Đường Hồ Chí Minh một sáng tạo chiến lược - Mai Trọng Phước.
Bài viết có sử dụng thêm 1 số tư liệu từ "Bộ đội đường ống Trường Sơn: Lịch sử và nhân chứng", " Xăng dầu - Một thời đáng nhớ", Bộ phim " Những người viết huyền thoại"
#PNNQ
Nguồn: Viet Nam War
Tony Quang: Nhờ đường ống xăng dầu này mà xe cơ giới và xe chiến đấu có cả xe tăng vào được đến tận B2, tăng cường tiếp viện dồi dào cho chiến trường xa xôi nhất này, đủ lực tiến hành các trận đánh hiệp đồng binh chủng lớn, xoay chuyển cục diện có lợi cho quân ta
ReplyDeleteNguyễn Bá Duy: Phim những người viêt huyền thoại đã khắc họa rõ nét hình ảnh các đồng chí xăng dầu
ReplyDelete