Wednesday, April 12, 2017

Danh xưng

Việc sử dụng danh xưng ở Việt Nam rất có vấn đề. Đáng lý thì không cần bàn, nếu chỉ là việc hình thức cho oai. Tuy nhiên, trong một môi trường, mà hệ thống giá trị ổn định chưa được thiết lập, sử dụng danh xưng liên quan tới thói hám danh, sợ danh, chạy chọt danh lan tràn nên cũng phải bàn.
Chúng ta phê phán toàn trường hợp riêng dùng danh xưng như GS.TSKH. Bộ trưởng, nhưng các trường hợp khác vẫn vấp váp kiểu như HE Tổng Bí Thư và vô số những xưng hô trái tai khác. Nhưng chứ bàn đến gốc gác,cơ sở của vẫn đề, nên vẫn sai. Cơ sở vấn đề ở đâu. Về lễ tân, nếu chưa đủ trí tuệ hay lương tri để suy luận, ta cứ coi thế giới xem họ làm thế nào mà theo, khi ta chưa thống nhất. Không có lý gì chúng ta, một mình một phách trên thế giới.
Chúng ta thấy người ta có lúc giới thiệu "Ông Clinton, tổng thống Mỹ" sau đó chỉ gọi "Ông Clinton", khi thì gọi "Tổng thống Clinton", từ đầu đến cuối. Điều đó cũng có nghi thức lễ tân của nó.
Nếu một cuộc họp ông Clinton chủ trì, hoặc một buổi họp Chính phủ, đương nhiên ông Clinton sẽ sử dụng danh xưng "Tổng thống Clinton". Nếu ông Clinton đi ăn tối với vợ con, trong gia đình chắc chỉ gọi là Bill. Từ hai trường hợp biên suy ra, điều đó có nghĩa là trong một cuộc không phải là họp Chính phủ, hoặc khi ông Clinton là khách mời, chẳng hạn nói chuyện ở trường đại học sẽ được gọi là "Ông Clinton" và khi giới thiệu sẽ là "Ông Clinton, tổng thống Mỹ". 
Ở Việt Nam có hơi khác, tại một hội nghị kỷ niệm X năm thành lập trường Đại học, có Tổng Bí thư, trưởng ban TCTW, Thủ tưởng, Bộ trưởng đến dự đều phải tuyên xưng toàn bộ chức danh, từ Thủ tướng Ủy viên Bộ Chính trị, đến Bộ trưởng Ủy viên TW Đảng. Nếu có Tây dự thì phải đèo thêm HE (His Excellency). Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản, phản phong phản đế, mà lại phải dùng một danh xưng phong kiến (nguyên nghĩa ngày xưa giống như "Cụ lớn") là sai nguyên tắc và lý tưởng.
Giới chính trị, do vận động xã hội, nhiều khi hiệu quả lấn át tinh tế, không đáng bàn nhiều. Nhưng giới học thuật cũng không biết làm gương. Có vẻ như mặc pijama vào giường ngủ cũng vẫn muốn diện chức GS.TS. Nói thế là đùa cho vui, nhưng thực sự trong một sự kiện phi học thuật, cứ dùng GS, TS nghe rất trái tai, và làm gương xấu cho xã hội. Lúc đầu có vẻ nâng giá trị người dùng, nhưng kết quả là giảm giá trị danh xưng. Các GS, TS nên cố gắng có các công trình và công tích tốt để đủ tự tin rằng tên của mình có ý nghĩa nhiều hơn chức danh.
Có lẽ chúng ta đang lẫn chức danh với quân hàm. Quân hàm là ngoại lệ có thể dùng mọi nơi mọi chốn, thậm chí về hưu vẫn theo mình suốt đời. Danh hiệu là ngoại lệ thứ hai, thí dụ như Nghệ sĩ công huân, Nghệ nhân, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, Anh hùng các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng ta lại dùng rất rụt rè "Bà Trà Giang, nghệ sĩ nhân dân", "ông La Văn Cầu, anh hùng các lực lượng vũ trang". Đáng ra phải là "Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang", "Anh hùng quân đội La Văn Cầu". Nhớ viết hoa danh xưng. Không cần tất cả các chữ như Bộ Trưởng hay Phó Thủ Tướng. Theo tôi đúng ra phải là Tổng bí thư, Bộ trưởng, Phó thủ tướng. Nhưng không viết hoa tất cả có vẻ bất kính với lãnh đạo. Đó lại là một bệnh khác của người Việt, để khi khác hãy bàn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

3 comments:

  1. Doan Hong Nghia: Oách nhất là các anh giai vào đến bia ôm vẫn phải xưng danh GS cho nó oách. Còn các anh chủ tịch bí thư thì khỏi bàn, những chỗ thế này mới thấy giá trị, mới oai!

    ReplyDelete
  2. Khoa Dao: Dấu hiệu lâm sàng của bệnh háo danh

    ReplyDelete
  3. Tuan A. Phung: Nhắc mới nhớ, tôi vẫn còn danh thiếp của TSGS Nghia Doan nhận bên DaKao nghen :D

    ReplyDelete