Monday, January 21, 2019

CHUYỆN QUAN & LẠI.

Nguyễn Bá Bình: Vì không chia sẻ được tôi đành cóp để mọi người xem thêm Cảm ơn anh Hoàng Nguyên Hồng
--------------

Thời đi học và sau này vào cơ quan nhà nước làm việc, thường được nghe cán bộ chính trị và thủ trưởng đơn vị chê, bài xích và phê phán chế độ quan lại thời phong kiến là quan liêu và thối nát. Nay, hết tuổi lao động, về nghỉ rồi, mới đọc mấy cuốn sách cổ thời xưa và tóa hỏa nhận ra, thời phong kiến cách nay 546 năm đã có quy định phần việc và trách nhiệm của Quan và của Lại viên, rất rõ ràng khi ngồi trong nha môn tấu việc công.
Đại Việt sử ký toàn thư trang 673 có ghi: Tháng 9 năm Quý Tỵ, Hồng Đức thứ 4 (1473) Vua “có sắc chỉ cho các nha môn trong ngoài rằng: Hết thảy những tờ tấu về việc công, quan phụ trách phải xét rõ sự lệ tình do, tự viết ra bản thảo, giao cho lại viên giữ việc chép lại, xong rồi kiểm soát lại để thi hành”(hết trích).
*Ngẫm thấy:
Đây là quy đinh tiêu chuẩn về nội dung công việc và trách nhiệm cụ thể của quan và lại viên, để tìm và tuyển chọn người phù hợp. Trong đó, về nội dung công việc và trách nhiệm của Quan là, khi tấu (trình) việc công phải xét rõ lệ (căn cứ), tình (điều kiện, hoàn cảnh), do (vì sao, làm gì) và tự mình viết ra bản thảo. Còn về nội dung công việc và trách nhiệm của Lại viên là, nhận bản thảo từ quan giao cho giữ, chép lạị nội dung bản thảo, sau đó giao trở lại cho Quan dự thảo. Quan dự thảo kiểm soát lại nội dung bản chép so với bản thảo, rồi cho thi hành hoặc tấu trình.Lại viên giữ bản thảo quan đưa chép lại.
Như thế, trách nhiệm và nội dung công việc của Quan và Lại viên rất rõ ràng và cụ thể. Tốt, xấu, đúng, sai khó mà tranh công hoặc đổ lỗi cho nhau. Thời nay, do quy định tiêu chuẩn và điều kiện về hình thức: tuổi đời, bằng cấp, đi qua các chức vụ và các cấp…Nên lại viên lên làm quan, rất khôn khéo, không chịu trách nhiệm dự thảo văn bản, giao cho người giúp việc dự thảo và trình, đến khi công việc đổ vỡ, quan và lại đổ lỗi cho nhau như chốn không tổ chức và người đứng đầu. Thật nực cười.
Vì thế, để có được những người thực tài và có đủ đức độ, hiền lương ngồi vào ghế quan và lại viên trong nha môn (cơ quan nhà nước). Rất cần thay đổi quy định tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn con người, từ tiêu chuẩn về hình thức chuyển sang quy định tiêu chuẩn về nội dung cụ thể thực hành.
*Nhận thấy:
Tiêu chuẩn về nội dung là những công việc phải làm và cần giải quyết trong thực tiễn ngành, lĩnh vược chuyên môn của quan (lãnh đạo) và lại viên (giúp việc), từ đó tìm và chọn người đáp ứng công việc.
Tiêu chuẩn về nội dung của quan (lãnh đạo) và của lại viên (giúp việc) phải thật cụ thể: a) Làm việc gì và trách nhiệm giải quyết đến đâu về chuyên môn; b) Có hiểu biết gì và trực tiếp viết được loại văn bản nào; c) Thái độ và trách nhiệm nêu gương với đồng nghiệp và cấp dưới như thế nào; d) Thể hiện danh dự và chịu trách nhiệm cá nhân trong công việc đến đâu; e) Tôn trọng và có thái độ ứng xử trong quan hệ với người dân và xuống cơ sở địa phương ra sao; g) Bổn phận phải báo cáo và xin ý kiến với cấp trên những vấn đề gì; h) Những vấn đề gì phải tự giải quyết theo quy định của luật pháp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân.
Như vậy, chỉ có quy định chi tiết và cụ thể tiêu chuẩn về nội dung công việc và trách nhiệm của người lãnh đạo (quan) và người giúp việc (lại viên) thì mới buộc người được ngồi vào ghế quan (lãnh đạo) và lại viên (giúp việc) phải tự mình làm việc, gắn bản thân với công việc và chủ động rèn luyện, nêu cao trách nhiệm, tự phấn đấu hoàn thiện bản thân mình về chuyên môn, về nhân cách, đạo đức và lối sống, một khi được ngồi vào vị trí là người lãnh đạo (quan) và người giúp việc (lại viên).
Tiêu chuẩn về nội dung công việc và trách nhiệm cá nhân là thước đo về sự công khai và minh bạch cho cấp dưới và toàn thể nhân dân giám sát giữa lời nói và việc làm của người được tuyển chọn làm lãnh đạo (quan) và giúp việc (lại viên).
*Xét thấy:
Đã đến lúc, phải từng bước loại bỏ quy định tiêu chuẩn về hình thức và không thiết thực về độ tuổi, bằng cấp, kinh qua các chức vụ và các cấp. Những quy định tiêu chuẩn về hình thức và không thiết thực này, là nguyên nhân (lỗ hổng), là cánh cửa mở và tạo điều kiện cho tệ nạn chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển và chạy vào quy hoạch đã diễn ra trong 20 năm qua.
Tiêu chuẩn về hình thức (độ tuổi, bằng cấp, đã qua các chức vụ và các cấp...) được mô phỏng như là "Vẽ con ngựa mẫu" trong trí tưởng tượng, rồi đi tìm mua con ngựa như thế (và bắt buộc phải như thế). Nhưng trong thực tế, không bao giờ có "con ngựa như vẽ". Bởi tạo hóa sinh ra tự nhiên mỗi con ngựa có sự khác nhau về tính khí, về đầu tai, mắt, mũi, về màu sắc lông, về bờm, về chân móng...Nên dứt khoát người bán ngựa sẽ phải hóa trang và phù phép cho con ngựa của mình giống "con ngựa mẫu vẽ" (tiêu chuẩn về hình thức).
Thế là lòng gian tham & sự gian dối ra đời và đua nhau phát triển. Tác hại và hậu quả của tiêu chuẩn về hình thức làm cho xã hội suy thoái toàn diện là như vậy.
Cần phải chấm dứt và đoạn tuyệt với nó. Vì mục tiêu dân chủ và tự do, công bằng và văn minh, dân giầu và nước mạnh; một nhà nước pháp quyền, trong sạch và vững mạnh như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Quy định tiêu chuẩn và điều kiện về nội dung và trách nhiệm sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất bịt lỗ hổng lớn về pháp lý, ngăn chăn “lươn, chạch” trong công việc tuyển chọn con người. Trên cơ sở đó, sẽ tìm và chọn được những người thực tài và có đủ đức độ, hiền lương đặt vào các vị trí công việc cụ thể trong bộ máy tổ chức ở các cấp, các ngành, kể cả các vị trí chiến lược tầm quốc gia.
Quan và lại thời xưa và nay là như vây.!

Perth, Western Australia, thứ 6, 18-01-2019. HNH.

No comments:

Post a Comment