Thursday, January 31, 2019

Triết và Lý

Quan niệm của Immanuel Kant về không thời gian

Phương pháp luận của Kant về "cảm giác", "trực giác" 
Theo Kant ý thức có hai loại "chủ quan" và "khách quan". Ý thức "chủ quan" bao gồm các "cảm giác". Ý thức "khách quan" được chia thành "trực giác"(intuition) và "khái niệm"(concept). Phân loại này của Kant có 3 vấn đề tinh tế, mà chúng ta cần nhận chân thật kỹ để tránh hiểu nhầm.
Thứ nhất "trực giác" là khách quan, khác biệt với "cảm giác" có thể gây tranh cãi hoặc mâu thuẫn với các cách hiểu thông thường. Tuy nhiên chúng ta cần kiên nhẫn xem nội hàm của "trực giác" là gì. Vấn đề thứ hai, "cảm giác" liệu có hoàn toàn chủ quan hay không, khi người ta có cảm giác nhờ tiếp xúc vớ thực tại khách quan. Nói một cách khác, Kant đã tách các "cảm giác" thành phần khách quan, gọi chúng là "trực giác" và thành phần chủ quan, gọi chúng là "cảm giác". Chúng ta có thể đặt câu hỏi: liệu việc tách bạch như vậy có khả thi hay không? Trong cảm giác có thể bao gồm một phần khách quan, trong trực giác cũng có thể bao gồm một phần chủ quan. "Cảm giác" hoàn toàn chủ quan, chỉ phụ thuộc vào chủ thể cảm nhận và "trực giác" hoàn toàn khách quan có thể không tồn tại.
Phương pháp luận của Kant về "trực giác" và "khái niệm"
Đây là vấn đề thứ ba trong phương pháp luận của Kant, phân biệt giữa "khái niệm" và "trực giác". Cho đến gần đây người ta vẫn cố gắng tìm hiểu được sự khác biệt này. Theo Kant "khái niệm" là một lớp các đối tượng, "trực giác" là một đối tượng cụ thể. Nói một cách khác "khái niệm" là tổng quát hóa của "trực giác". Ví dụ "con bò nhà tôi" hay "con bò đen của nhà hàng xóm" là hai trực giác, có thể không liên quan đến nhau cho đến khi có khái niệm con bò có thể chỉ bất cứ con bò nào.
Như vậy nhận thức đơn thể là "trực giác". Các khái niệm đều có thể tách thành các thành phần được định nghĩa độc lập với chính khái niệm đó.
Phương pháp luận của Kant về "tiên nghiệm" và "thực nghiệm"
Kant lại tiếp tục chia các "khái niệm" và "trực giác" thành hai loại "thực nghiệm" (empirical) và "tiên nghiệm" (a priori).
Ông gọi các "khái niệm" và "trực giác" tiên nghiệm (phi thực nghiệm) là "thuần túy". Ở đây nảy sinh ra vấn đề thứ tư, theo tôi là trầm trọng nhất, là làm thế nào có một ý thức khách quan đơn thể mà không cần đến thực nghiệm. Nói một cách khác "trực giác" tiên nghiệm hình thành trong ý thức của chúng ta thế nào.
Không gian và thời gian là "trực giác thuần túy"
Theo Kant, không gian và thời gian là các dạng "trực giác thuần túy". Ông lập luận rằng không gian và thời gian là các đối tượng cá thể, chỉ có duy nhất nên không thể khái quát hóa. Mặt khác chúng không thể tách thành các thành phần nhỏ, có thể xác định mà không cần tới hình dung có sẵn về không gian và thời gian.
Chẳng hạn, thời gian gồm các khoảnh khắc, quãng thời gian, không gian bao gồm các địa điểm, vị trí. Chúng ta không thể hình dung ra khoảnh khắc, địa điểm mà không biết trước về thời gian và không gian.
Kant nhấn mạnh rằng không gian không dựa trên thực nghiệm. Khi chúng ta nói rằng không có gì, chúng ta đã có sẵn hình dung về một không gian trống rỗng và khi nói về một đối tượng, nó đã phải ở trong không gian. Như vậy, không gian là trực giác tiên nghiệm làm điểm tựa cho thể hiện bên ngoài. Tương tự, thời gian là trực giác tiên nghiệm bên trong.
Tôi có một số nghi vấn về phương pháp ở đây. Thứ nhất, làm thế nào để liên kết "khái niệm" được định nghĩa là khái quát hóa của nhiều trực giác với quan hệ phần tử-toàn thể sử dụng trong lập luận trên. Chẳng hạn, chúng ta hãy suy nghĩ về khái niệm tam giác, có thể tách thành các khái niệm tam giác không cân và tam giác cân. Tam giác cân lại tách thành tam giác đều và không đều. Nếu cho rằng khái niệm luôn chia tách thành các khái niệm khác, quá trình tách này phải là vô hạn. Liệu thực tế có phải là như vậy? Thực tế, có vẻ như người ta chỉ chia tách một số hữu hạn bước, sau khi có đủ kinh nghiệm, người ta trở lại khái niệm ban đầu và việc chia tách khái niệm sau đó là dựa trên khái niệm ban đầu. Và đặc biệt là tập khái niệm càng nhỏ thì tập thuộc tính càng lớn.
Nghi vấn thứ hai, cho dù không gian là một hình dung khách quan không chia cắt được và vì thế không phải là khái niệm (thông thường). Điều gì đảm bảo nó là "trực giác". Lập luận của Kant cho thấy hình dung khách quan nếu không phải là khái niệm ẮT phải là trực giác. Điều đó đòi hỏi là việc phân chia ý thức khách quan của Kant phải thành hai phần đối lập. Tuy nhiên, có thể định nghĩa trực giác như là ý thức khách quan không (chưa) phải là khái niệm lại dẫm lên định nghĩa về ý thức đơn thể và ý thức khái quát. Có thể ý thức khách quan sẽ bao gồm ít nhất "khái niệm" "trực giác" và "khái niệm đặc biệt" (không gian và thời gian)?
Có thể đó là nhận thức hạn chế của cá nhân tôi, vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục đọc các hệ luận để khẳng định các nghi vấn đó là có lý hay không có lý.
Phủ nhận quan niệm không gian và thời gian của Newton và Leibnitz
Trước hết, quan niệm của Kant phủ nhận quan niệm của Leibnitz về không gian và thời gian phụ thuộc vào vật chất, như vậy phải được nhận thức thông qua quan sát vật chất, vì vậy có tính thực nghiệm. Theo Kant, không gian và thời gian có sẵn trong ý thức trước mọi quan sát về vật chất. Điều đó có nghĩa là Kant khẳng định lập trường duy tâm. Ngày nay chúng ta hiểu rằng điều đó gián tiếp công nhận có ý thức thuần túy có sẵn (một định nghĩa tương tự như tâm linh). Ở đây cần nói thêm, tuy không gian và thời gian là tiên nghiệm, nhưng lại khách quan. Có nghĩa là mọi hình dung về không gian và thời gian phải là như nhau.
Quan niệm của Kant cũng phủ định quan niệm của Newton về không gian và thời gian tuyệt đối, là thực tế khách quan, do không gian và thời gian của Kant tồn tại tiên nghiệm ngay trong ý thức.
Quan niệm không gian và thời gian trong lý thuyết tương đối rộng
Không thời gian trong thuyết tương đối rộng thường được xem là thống nhất với tương tác hấp dẫn. Năng xung lượng của vật chất sẽ sinh ra hấp dẫn, hấp dẫn sẽ làm cong không thời gian. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là minh chứng cho quan niệm của Leibnitz. Trong thuyết tương đối, vật chất có ảnh hưởng tới metric của không thời gian, tức là ảnh hưởng tới đo đạc, quan sát của chúng ta về không thời gian chứ chưa phải là xác định không thời gian. Xuất phát điểm của lý thuyết tương đối rộng là đa tạp không thời gian 4 chiều, hấp dẫn chỉ là thuộc tính của đa tạp này và bị ảnh hưởng bởi vật chất tồn tại trên đa tạp này. Mặt khác, trong lý thuyết tương đối rộng, người ta vẫn nghiên cứu trường hợp không có vật chất, vẫn có tương tác hấp dẫn. Tương tác hấp dẫn phải dựa trên khái niệm không thời gian.
Trong lý thuyết dây, không thời gian 4 chiều, hấp dẫn và vật chất đều được suy ra từ các sợi dây trong không gian nhiều chiều hơn. Câu hỏi là vì sao các sợi dây trong không gian nhiều chiều lại không tồn tại tiên nghiệm trong ý thức của chúng ta. Khái niệm về không thời gian của lý thuyết dây có vẻ không phù hợp với quan niệm của Kant.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

No comments:

Post a Comment