Saturday, July 4, 2015

OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật

Cuốn sách OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật (The OSS and Ho Chi Minh: Unexpected Allies in the War against Japan) của giáo sư Dixee R. Bartholomew-Feis do NXB Trường đại học Kansas (Mỹ) xuất bản năm 2006.


Cuốn sách nầy cùng một cuốn nữa (tên là Why Viet Nam – Tại sao Việt Nam) tui đã lỗi hẹn bà con mấy lần là sẽ giới thiệu. Vậy nhưng “lỗi” mà lại hay, vì giờ đúng vô lúc mà ta rất cần nhìn lại cái bi kịch của Dân tộc, dường như luôn bị lỡ những “chuyến tàu” đi cùng với bè bạn bốn phương, để rồi nay bị Tàu ức hiếp mà cắc cớ khó làm cho người bạn nào tin là mình thiệt lòng để dang tay giúp đỡ, phần vì kẻ ức hiếp lại là “anh em môi răng” với mình. “Ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đau quá !


Tại sao người ta cố giấu nhẹm, bóp méo nhiều sự thực lịch sử vô cùng quan trọng liên quan tới vận mệnh, tương lai Dân tộc ? Đọc cuốn sách này, bà con sẽ thấy một phần. Cũng như tui từng kêu gào trong một bài báo trên trang 3 blog nầy. Giờ tui xin tóm lược những điều hệ trọng mà bị lơ đi trong lịch sử qua cuốn sách trên, cùng chút phân tích tại sao người ta lơ đi vậy.
Trong sử “chính thống” cũng như tài liệu về Hồ Chủ tịch, chưa bao giờ các sử gia nói tới chuyện Cụ đã từng có những quan điểm tương đồng, những mối quan hệ gần gũi, hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của người Mỹ ra sao. Gần như duy nhứt có tình tiết cụ trích một đoạn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, hoặc gần đây đôi ba bài báo thận trọng đưa ra vài thông tin “tham khảo” … Nhưng chuyện này vẫn vô cùng là bí ẩn, nên mới từng có tổng biên tập một tờ báo danh tiếng bị mất chức vì dám … rờ tới sự thật lịch sử. Đến cả chuyện mới nữa là người ta bỏ tiền sao/mua rất nhiều tài liệu về cụ Hồ lưu trữ bên Nga, vậy mà một năm qua rồi không thấy có công bố nào cho nhân dân biết, nhân dịp đợt học tập tấm gương đạo đức của Cụ (sao không học tấm gương cụ kiên trì chịu đựng bị Stalin nghi ngờ suốt bảy tám năm trời ?)
Tui xin tóm lược cuốn sách, là thời Thế chiến thứ hai, khi cụ Hồ đang hoạt động ở bên Nga, sau đó là Tàu, tình hình thế giới và trong nước cực kỳ phức tạp. Mỹ tuy là đồng minh với tụi Tây thực dân nhưng lại cực lực chống chính sách thực dân của Anh, Pháp, Hòa Lan. Những người kháng chiến Việt Nam tuy chống Tây đô hộ nhưng lại là “đồng minh” với Tây và nhiều nước chống phát xít Đức, I-ta-li, Nhật. Nước Nga tuy là đồng minh với Mỹ, nhưng lại là cộng sản-tử thù với phe tư bản dứng đầu là Mỹ. Nga cũng không tin gì cái lực lượng kháng chiến Việt Nam của cụ Hồ, vì đã xét lý lịch cụ, ngó bộ ổng khoái lo giải phóng Dân tộc mình chớ không mặn mà chi cái vụ “giải phóng toàn nhân loại” (nay càng thấy tào lao quá trời rồi – ổng tài quá há ?) Thêm nữa ổng cũng từng bị thử thách/đày ải bảy tám năm bên “thành trì XHCN” rồi, nên mới tính chuyện bắt tay với Mỹ hay hơn. Nhưng Mỹ lại cắc cớ, tuy chống thực dân nhưng cũng không muốn mất lòng ông bạn Tây thực dân, cần chung lưng chống phát xít, lại nghi ngờ cụ Hồ là cộng sản gộc, mà trong nội bộ cũng có hai phe (phe bênh cụ Hồ, phe chống). “Đen” cho ta nữa, là Tổng thống Mỹ Roosevelt, người hăng hái chống chủ nghĩa đế quốc-thực dân Pháp nhứt thì lại mất sớm đúng vô lúc quan trọng. Ông từng có nhiều động thái và tuyên bố có lợi cho nền độc lập hoặc “uỷ trị quốc tế” của Việt Nam, như “Đông Dương không thể quay lại với Pháp”, “… Đông Dương nên được lấy khỏi tay người Pháp và đặt dưới sự ủy trị quốc tế”. Hay trong một giác thư gởi cho ngoại trưởng Cordell Hull, ổng viết ”Hơn một năm qua tôi đã bày tỏ quan điểm rằng, Đông Dương không nên trở lại với người Pháp mà nên được quản lý bởi một cơ quan ủy trị quốc tế. Pháp đã chiếm nước này – 30 triệu dân – trong gần 100 năm, và lúc này người dân nghèo khổ hơn giai đoạn đầu … Trường hợp Đông Dương hoàn toàn rõ ràng. Pháp đã bòn rút nơi này 100 năm. Người dân Đông Dương có quyền hưởng những gì tốt đẹp hơn thế”(trang 75). Đương nhiên lý do ông này chống Pháp cai trị tiếp xứ này còn nhiều, đọc vô sẽ thấy hấp dẫn vô cùng.
Chưa hết cực cho cụ Hồ. Đó là trong nước nhiều lãnh tụ cộng sản ít được “đi đây đi đó” như ổng, lại sớm được đưa vô “lò luyện” của “thành trì XHCN”, nên cái đầu cách mạng nó “nóng” quá, vậy là các cha nội này cũng coi ông già là người không “kiên định lập trường” … Còn nữa. Đó là nhiều đảng phái không phải “cộng sản” cũng kháng chiến chống Tây đô hộ, họ cũng có thế lắm chớ bộ. Vậy là vô cùng khó nếu như muốn có “ngọn cờ” đoàn kết các lực lượng kháng chiến trong nước, đồng thời tranh thủ Mỹ, Nga, … Nhưng thiệt kỳ lạ, cụ Hồ ra chiêu hợp tác, nhận cung cấp tin tức tình báo cho cơ quan tình báo Mỹ OSS (tiền thân của CIA ngày nay) cùng đồng minh chống phát xít. Có cái chân đó rồi, ông cụ dựa vô, tận dụng cái “mác” có Mỹ sau lưng. Trời đất, bữa ổng từ bên Tàu về nước sau bao nhiêu năm phiêu bạt, rồi từ Tân Trào về Hà Nội, đều có Mỹ mắt xanh súng ống, điện đài … ngon lành đi theo “hộ tống”, ổng còn thủ bức hình chụp chung tới tướng Mỹ Claire Chennault chỉ huy Không đoàn Cọp Bay 14 khét tiếng, đem ra nhá nhá … các “đàn em” trong nước ngó xanh le mắt, theo rần rần, khỏi thắc mắc chi cho mệt. Vì hồi đó cả thế giới kính nể anh cao bồi Mỹ này dễ sợ luôn.
Vậy nhưng rồi làm sao mà sau đó ta hổng thân với Mỹ nữa ? Rồi còn uýnh nhau te tua …, theo hai anh Nga, Tàu rồi “khánh kiệt”. Thiệt là bi kịch lịch sử. Nhìn vô đó mà rút kinh nghiệm cho ngày nay, mai sau. Xin bà con đọc hết mới rõ được.
Và trong những ngày sục sôi chuyện Tàu xâm lấn đảo này, ta càng thấy cần suy ngẫm kỹ chuyện cũ để rút ra bài học kinh nghiệm, biết tìm bạn mà chơi, biết cách “chơi” ra sao cho bạn tin. Riêng tui còn liều đưa ra cái ngu ý là nay ta học tập tấm gương của cụ Hồ, vậy nên học ngay cái cách chơi với Mỹ mà hạn chế bớt anh Tàu hay ức hiếp đi. Thời đó nhiều cái khó khăn, nên ông cụ mới hổng đi tới được với Mỹ, còn ngày nay thời thế thuận lợi quá trời rồi … Uở, nhưng hổng còn ông cụ nữa ? … Còn mấy “ông kẹ” giờ thì … bà con biết rồi. Tui chào thua !
À, chút xíu quên ! Còn cái lý do là làm sao người ta không muốn nói tới cái màn hợp tác thân thiện này với anh Mỹ, để tới giờ mới nhín nhín đưa ra ? Hiểu dễ ợt. Đó là nhiều năm sau, vì cái trớ trêu của lịch sử buộc ta phải uýnh nhau với Mỹ, vậy mà "ca" là từng thân với nó, tổng thống của nó chống chánh sách thực dân, đấu tranh cho tự do … thì còn ra cái gì nữa. Phải chửi, nói xấu nó tới số đi chớ ! Rồi ta theo “thành trì XHCN”, còn Mỹ là “thành trì TBCN”, vậy mà kể ra là ta từng thân thiết với kẻ thù thì coi như ta “phản bội” chớ còn chi nữa. Các quan trên coi dân mình còn đang ngu si vì bị cái “chánh sách ngu dân” của Tây bao năm rồi, nên sợ nói thiệt ra bà con không tin. Rồi các cha cũng ngán cái vụ nếu nói ra, bà con, cán bộ mình khoái Mỹ quá, chạy theo rần rần là … chào thua. Vậy đó. Giờ thì nói thiệt hết cũng chưa hết … ngán, nhứt là mấy cha từng ham xạo thấu trời luôn, giờ cũng run, thôi thì nó thiệt … từ từ. Bà con ráng chờ nha. Kiếp sau là sướng thôi à.
Xin bà con chú ý thêm: đó là cuốn sách nầy cũng là “Sách tham khảo”, y chang cuốn “Trung Quốc trước ngã ba đường” mà tui đã khoe trên trang 78 blog nầy và “giải mã” ba cái chữ “sách tham khảo”, “lưu hành nội bộ”, nó mang tính “tiếp thị” ra sao. Nhưng quan trọng nhứt là ba cái sách nầy ưa nói … thiệt, ít bị “ăn bớt” chữ khi dịch/biên tập. Mua nhanh rủi hết nha !

(lược trích có chỉnh sửa từ blog BS)

4 comments:

  1. "Một số người sẽ bị sốc khi biết rằng nước Mỹ và Hồ Chí Minh, thần báo ứng đối với phần lớn cuộc chiến tranh Việt Nam của chúng ta, đã có thời từng là đồng minh.
    Thực vậy, trong năm cuối của Chiến tranh Thế giới lần thứ II, các điệp viên Mỹ tại Đông Dương đã sát cánh bên Hồ Chí Minh và các nhóm chống thực dân khác - do hoàn cảnh thúc ép phải cùng chiến đấu chống quân phiệt Nhật.
    Dixee R.Bartholomew-Feis đã cho thấy mối quan hệ này đã xuất hiện và có hiệu lực ra sao và có ảnh hưởng thế nào đến cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Việt Nam ......"

    "Những nhân viên của Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) mới được thành lập của tướng William Donovan đã cộng tác chặt chẽ với các nhóm cộng sản cả ở Châu Âu và Châu Á chống lại những kẻ thù phe Trục. Tại Việt Nam, điều đó có nghĩa là các nhân viên OSS hoạt động cùng Hồ Chí Minh và Việt Minh - những người có mục đích tối thượng là giải phóng cả khu vực khỏi ách thống trị của tất cả các thế lực đế quốc chứ không chỉ riêng quân phiệt Nhật.
    Về phần mình, Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể để cổ vũ trong OSS quan điểm chống Pháp - những kẻ lúc đó đang mưu toan giành lại thuộc địa của chúng"

    "Một cuốn sách không thể thiếu để hiểu được trọn vẹn cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ." (Dale Andradé, tác giả cuốn "Cuộc chiến Việt Nam cuối cùng của Mỹ")

    ReplyDelete
  2. "Một cuốn sách hấp dẫn và sâu sắc về bước đi đầu tiên của Mỹ vào vũng lầy Việt Nam. Xứng đáng được giới thiệu với các chuyên gia cũng như độc giả." (William J.Duiker, tác giả cuốn "Hồ Chí Minh: Một cuộc đời").

    ReplyDelete
  3. "Cuốn sách đã khắc hoạ sống động một nhóm nhỏ người Mỹ đã đi qua lịch sử Việt Nam tại thời điểm quan trọng nhất của nước này trong thế kỷ XX. " (David G.Marr, tác giả cuốn "Việt Nam 1945: Tìm kiếm quyền lực").

    ReplyDelete
  4. Hy vọng nước Mỹ nhận thức được sai lầm trong quá khứ còn VN thì phải chọn đúng con đường của mình. Cơ hội không cho phép VN phạm thêm sai lầm trong giai đoạn vô cùng nghiêm trọng này.

    ReplyDelete