Friday, July 3, 2015

Vào đời cần biết gì?

Hôm qua mới nói về nền kiến thức chung hay kỹ năng cứng với các yêu cầu tối thiểu cho người thường (từ công nhân tới kỹ sư nhà kinh tế cho đến nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp)
1. Hiểu lẽ đời là biến động
2. Logic bất biến chống đỡ vạn biến
3. Nhìn ra quy luật trong ngẫu nhiên
4. Tất định của chuyển động
5. Bất định của trạng thái
Thi cử vào đời dù là giải trăm ngàn bài toán lý, nhồi sọ cho lắm công thức hóa sinh, sử địa mà không hiểu đạo lý mấy thứ này là vứt. Đối với mấy ông mọt sách thì phải biết áp dụng 5 nguyên lý vào cuộc sống. Đối với mấy ông chân tay đỡ mồm miệng thì phải thành khẩu quyết, miệng nói tay sờ ... dụng cụ.
Đó là nói về yêu cầu tối thiểu. Xã hội có doer và thinker. Đối với thinker phải biết thêm:
1. Cái vi tế và vô cùng vô tận.
2. Không thời gian và tồn tại
3. Tâm linh và cái vi tế thực tại.
Cố nhiên những tiêu chí kiến thức nói trên không nhất thiết thể hiện chỉ bằng toán lý mà phải thể hiện khắp mọi nơi. Tôi có thể đưa ra các subject thể hiện các điều nói trên ở các môn khác, nhưng cũng muốn mọi người cùng động não.

Hôm nay nói tiếp về cách dạy học và kiểm tra các yêu cầu trên. Thực ra, dân tình nói lào xào về thi cử rồi tranh luận công bằng hay không đều là không biết gì về thi cử. Không có hệ thống thi cử nào có thể đảm bảo công bằng. Có thể đạt điểm tuyệt đối, thậm chí bằng cấp đầy người vẫn ngu dốt như thường, kiến thức vẫn không dùng được.
Kiến thức muốn dùng được không phải chỉ bằng nhận thức. Vì vậy, dạy kiến thức phải kèm với dạy kỹ năng. Tìm kiếm- đọc- nói- nghe- viết- thảo luận- trình bày- network không phải là kỹ năng chỉ luyện ở môn văn. Kiến thức không cần nhồi sọ cho nhiều, muốn dùng được phải được sử dụng thông qua kỹ năng. Tốt nghiệp phổ thông gặp người lớn hay bạn gái không biết nói gì, chỉ chực nhớm chân động tay là vứt. Đến môi trường lạ không có kỹ năng build up network tối thiểu là không đủ tư cách tốt nghiệp phổ thông.
Các kỳ thi, tiêu chí tuyển sinh hoàn toàn không có tiêu chí kỹ năng, thành thử sinh viên tốt nghiệp đại học, cao học vẫn ngố như lợn rừng xuống núi, ngông nghênh như đười ươi cầm ống, chính tả sai be bét, lập ý không xong, đặt câu hỏi dưới dạng gần thực tế một chút là bắt đầu đoán mò nói láo.
Bên cạnh kỹ năng là nhân cách. Không có nhân cách sao thành công. Dạy nhân cách không đi liền với kỹ năng và kiến thức thì thành ra môn giáo dục công dân hay phổ biến nghị quyết suông.
Hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng như Á Đông truyền thống không dạy kỹ năng và nhân cách, cho nên xã hội nói chuyện đạo đức, tôn sùng kỹ năng cả đời. Người học được do tình cờ lại tưởng mình có năng khiếu đặc biệt. Kẻ ăn may thành đạt tha hồ chém gió.
Cuối cùng khả năng tích hợp kiến thức. Tôi không hiểu nổi tại sao học sử ở phổ thông lại tách khỏi địa lý. Học sinh vật lại tách khỏi học hóa. Học toán lý lại phải tách riêng. Không có gì chán và làm người ngu đi bằng việc học mấy tam giác khi học về quang học, hay tính tam suất khi học về điện hay nồng độ hóa học.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment