Thursday, July 9, 2015

Phát biểu của ông Abe về "cuộc chiến với Trung Quốc" là có chủ đích?

Một số người cho rằng việc công khai những phát biểu của ông Abe là một động thái có tính toán nhằm thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản sau khi xoa dịu căng thẳng thành công với Trung Quốc và Hàn Quốc và giảm bớt những sức ép chính trị trong nước.


Tại thời điểm nhạy cảm đối với quan hệ Trung-Nhật - năm nay kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, hai nước đang xảy ra tranh cãi liên quan tới những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng ông đã chuẩn bị các kế hoạch để tiến tới chiến tranh với Trung Quốc.
Theo trang tin "Đa chiều", trang tin tức của người Hoa ở hải ngoại, ông Abe được cho là phát biểu như vậy tại một bữa tiệc thân mật có sự tham dự của nhiều người đứng đầu ngành truyền thông trong nước diễn ra ở một khách hạng sang ở Tokyo, sau khi ông uống khá nhiều cốc rượu vang đỏ.
Trích lại tuần san "Shukan Gendai" của Nhật Bản, "Đa chiều" nói rằng ông Abe đã thẳng thắn chỉ trích lãnh đạo phe đối lập Katsuya Okada của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), kịch liệt phê phán vị cựu Phó Thủ tướng này vì thường xuyên phát biểu "những điều vô nghĩa", và nói thêm rằng DJP "đã kết thúc". Nhiều tin tức cũng nói rằng ông Abe đã chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc, và thừa nhận rằng những nỗ lực của ông nhằm xóa bỏ hoàn toàn quy định cấm Nhật Bản thực hiện phòng vệ tập thể được đưa ra sau chiến tranh (quyền được tham gia chiến tranh để hỗ trợ một đồng minh cho dù Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp) là một phần trong chiến lược của Tokyo nhằm đứng về phía Mỹ để đối phó với cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi xảy ra nhiều tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Theo trang mạng "Đa chiều", để đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản đưa ra lời giải thích rõ ràng về những phát biểu nói trên được cho là của ông Abe. Trang mạng này cũng cho hay các quan chức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc và các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật nói rằng họ vẫn chưa đọc được những tin tức này và sẽ đưa ra trả lời theo đúng trình tự.
Nếu những tin tức này là đúng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi những phát biểu này hoàn toàn giống với tính cách của ông Abe, bằng chứng là một loạt các động thái quân sự ông đã làm kể từ khi trở lại làm Thủ tướng vào năm 2012 và có chuyến thăm gây tranh cãi hồi tháng 12/2013 tới Đền Yasukuni - nơi thờ những người Nhật chết trong chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh loại A. Tuy nhiên, do ông Abe nói ra những điều trên một cách riêng tư kín đáo, vậy tại sao chúng lại được đưa ra công khai? Nếu những phát biểu này do chính quyền của ông Abe cố tình tiết lộ cho giới truyền thông, vậy mục đích của họ là gì? 
Một số người cho rằng việc công khai những phát biểu này là một động thái có tính toán của ông Abe, vì sau khi xoa dịu căng thẳng thành công với Trung Quốc và Hàn Quốc và giảm bớt những sức ép chính trị trong nước, ông Abe đang muốn tận dụng cơ hội này để tiến hành sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Theo "Đa chiều", những tin tức về phát biểu "chiến tranh với Trung Quốc" của ông Abe nhằm đặt nền móng cho việc sửa đổi hiến pháp. Ông Abe chắc chắn đang thử nghiệm phản ứng của cả cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước về ý tưởng này. Điều này dường như là một kịch bản rất có khả năng xảy ra bởi vì nếu bữa tiệc tối kia hoàn toàn là riêng tư thì chắc chắn sẽ không có nhiều thông tin như vậy bị tiết lộ. "Đa chiều" còn nhận định rằng giới truyền thông trong nước chắc chắn sẽ không mạo hiểm bịa đặt ra một câu chuyện như vậy.
Có ba nguyên nhân khiến chính quyền của ông Abe cố ý tiết lộ những thông tin như vậy. Đầu tiên, chính quyền Nhật Bản muốn thể hiện cho Washington thấy rằng Tokyo sẵn sàng trở thành đồng minh chống Trung Quốc của Mỹ nếu như hiến pháp được sửa đổi. Chính quyền của ông Abe đóng một vai trò quan trọng trong chính sách "chuyển trục" sang châu Á của Mỹ và đã liên tục có động thái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài. Nhật Bản đã quốc hữu hóa ba đảo thuộc quần đảo này hồi tháng 12/2012. "Đa chiều" cho rằng đây là cách Nhật Bản thể hiện quyết tâm của nước này nhằm giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, người từng nắm quyền chưa đầy một năm trong giai đoạn 2009-2010 và sau đó từ chức, đã xây dựng chính sách đối ngoại của Nhật Bản tách biệt khỏi Mỹ và tăng cường quan hệ ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, ông Abe lại đi theo hướng ngược lại, đó là tăng cường quan hệ với Mỹ với hy vọng rằng Washington sẽ hậu thuẫn bước đi của chính quyền ông hướng tới bình thường hóa quân sự. Năm 2014, Mỹ đã ủng hộ việc xóa bỏ lệnh cấm Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể và năm nay, hai nước đã ký bản cập nhật Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật.
Điều này có nghĩa rằng ông Abe đã giành được hậu thuẫn quân sự của Mỹ và đồng thời đã cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc đủ để làm vừa lòng cử tri và các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ rằng liệu ông Abe có thể giành được sự ủng hộ trong nước đối với việc sửa đổi hiến pháp hay không, trong bối cảnh một số cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra kể từ khi ý tưởng này được đưa ra thảo luận. Mỹ hiện vẫn chưa chấp thuận việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp. Những phát biểu riêng tư mới bị tiết lộ gần đây của ông Abe có thể sẽ thúc đẩy Mỹ công khai quan điểm của họ và sẽ thử phản ứng của các nước láng giềng của Nhật Bản.
Một lý do khác đằng sau việc thông tin này bị tiết lộ đó là để công khai các mục tiêu của Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông. Nếu Mỹ và Nhật giành kiểm soát ở Biển Đông, đây sẽ là một trở ngại đáng kể đối với sáng kiến "Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu hai nước không thể kiềm chế Trung Quốc trong khu vực, thì việc làm khuấy động căng thẳng sẽ cho phép cả Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, và từ đó cản trở sáng kiến "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" của Trung Quốc.
Theo mạng tin "wantchinatimes"
Thùy Anh (gt) Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

No comments:

Post a Comment