Friday, July 27, 2018

BỨC THƯ GỬI LẠI NGƯỜI CÒN SỐNG

Ba chúng tôi :
TRẦN VIẾT DŨNG - Sài Gòn
NGUYỄN CHÍ - là dân Quảng Ngãi
Chiến sỹ trung đội Ký Con.
Người thứ 3: LÊ HOÀNG VŨ
Quê hương “Năm tấn “ Thái Bình
Khi lá thư này được đọc
Chúng tôi chắc đã hy sinh...?
Chúng tôi, thuộc Tiểu đội Một
Trung đoàn Bình Giã - Miền Nam
Được phân công đánh lạc hướng
Để đoàn về Cứ an toàn..
Vượt qua
những ngày đói quay đói quắt
Những ngày khát cháy ruột gan
Tiểu đội, chỉ còn 3 đứa
Với đầy thương tích đang mang...
Kiệt sức, không thể đi tiếp
Chúng tôi đã chọn nơi đây
Một cánh rừng già tuyệt đẹp
Cây cao, thảm cỏ mềm dầy...
Quyết định sẽ nằm đây mãi
Tự nhiên khoan khoái lạ lùng
Chọn một cây thẳng, ba đứa
Mắc võng theo hình vòng cung...
Dồn chút sức lực còn lại
Chúng tôi quyết định cùng nhau
Trước khi về lòng đất mẹ
Viết thư gửi lại người sau...
Người yếu nhất sẽ viết trước
Người khá hơn sẽ viết sau
Phải kể cho người còn sống
Ngày cuối chúng tôi bên nhau
Chúng tôi mong được ghi nhận
Nhiệm vụ trên giao, hoàn thành
Giọt máu cuối cùng dâng hiến
Quê hương, Tổ quốc yên bình
Bố, Mẹ ơi !
Đừng đón chờ con vào ngày chiến thắng...
Chúng con đã hoá thành mây trắng giữa trời xanh
Em yêu ơi ! Hãy tha lỗi cho anh
Anh chỉ còn là tiếng ve râm ran trên cành phượng đỏ
Con gái, con trai thương yêu của bố !
Bố đã mãi mãi ra đi để giữ trọn lời thề...
Thời gian không còn chờ tôi nữa...
Hai bạn tôi - Chí, Vũ, đã đi rồi
Còn chút sức, phải gắng lên,gắng nữa
Viết nốt phần đồng đội của tôi...
- Nếu lá thư này vào tay đồng đội
Hãy giúp chúng tôi, chuyển tới cấp trên
Hãy báo cáo rằng chúng tôi đã chết
Cho mùa Xuân đất nước bình yên.
Còn nếu như 5 hay 10 năm nữa
Khi Tổ quốc mình Độc lập, Tự do
Lá thư này mới đến tay người đọc,
Những người dân đang Hạnh phúc , ấm no..
Thì bạn hỡi, chúng tôi xin gửi lời cám ơn sâu sắc
Vì các bạn đã làm cho cái chết của chúng tôi có ý nghĩa hơn nhiều
Các bạn đang quên mình lao động
như chúng tôi đã quên mình chiến đấu
Cho quê hương, cho Tổ quốc thân yêu...
Cũng có thể 50 năm,
100 năm nữa....
Cho chúng tôi, gửi lời chào Xã hội Chủ nghĩa
Đến thế hệ mai sau...
Cho chúng tôi gửi những lời chào
Và bày tỏ niềm vui mừng tuyệt diệu
Vì Hạnh phúc và Hoà bình Vĩnh cửu
Trên khắp toàn cầu....
Xin gửi lời chào
Đến những vì sao
Nơi có những con người đang sống
Trong Hạnh phúc Vĩnh hằng....
Mùa xuân giữa rừng Miền Đông, Nam bộ.....
Chúng tôi nằm đây
Hoa rừng nở rộ.....
P/S
Lâu nay, nhiều người vẫn nói
( Gần như mặc định ) thế này
Lớp trẻ bây giờ khác lắm
Không như thế hệ trước đây
Người trẻ thế này, thế nọ
Không chịu cống hiến, hy sinh
Rằng họ chỉ ưa hưởng thụ
Khác xa thế hệ chúng mình.....
Xin hỏi các bậc tiền bối
( Cùng thời với CÁC ANH đây )
Sau khi đã buông cây súng
Bao người về quê đi cày ?
Bao người ông này, bà nọ ?
Bao người chức trọng quyền cao ?
Bao người còn nguyên chất lính ?
Bao người phản bội đồng bào ?
Bao người miệng hô khẩu hiệu ?
Lo cho nước mạnh , dân giàu
Mà rồi, bao nhiêu của cải
Chỉ lo vơ vét, chia nhau ?
Bao nhiêu là bậc tiền bối
Thành trùm tham nhũng vừa rồi ?
Người bị bắt, kẻ chạy trốn
Có buồn không CÁC ANH ƠI ?
Xin CÁC ANH hãy yên nghỉ
Người hay, việc tốt còn nhiều
Lò cháy, những kẻ biến chất
Bị thiêu hoặc phải tự thiêu ?
Sau đây là BÀI VIẾT của anh Giang San Lê
( Cảm ơn và xin phép anh được chia sẻ )
Nước mắt tôi đã rơi khi đọc những dòng chữ cuối cùng trong đời của 3 người lính. Nếu như người Mỹ đọc được bức thư này, họ sẽ lý giải được rằng tại sao họ bị thất bại trên chiến truờng VN. Bức thư này đã được tạp chí "Nghệ thuật quân sự Việt Nam" và báo "Tiền Phong" đăng năm 2003, 2005. Các bạn cố gắng đọc hết và hãy chia sẻ để bức thư này được lan toả trong cộng đồng và cũng để sự hy sinh của các anh có ý nghĩa hơn nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập QĐNDVN.
Đoạn trích một bức thư được gói kỹ càng để lại giữa cánh rừng nguyên sinh tại thượng nguồn sông Đồng Nai bên cạnh 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1 (Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng).
Lộ trình đến với bức thư “có một không hai” này được Cố Thượng tướng Trần Văn Trà kể lại: Vào mùa xuân năm 1984, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất, đoàn cán bộ Nông trường “Giải phóng” – tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Dương) do đồng chí Nhân – Thượng tá quân đội chuyển ngành, nguyên cán bộ Trung đoàn Bình Giã - dẫn đầu, ngược thượng nguồn sông Đồng Nai tới một vùng đồi rừng nguyên sinh đã xúc động, bàng hoàng trước một cảnh tượng rất đỗi thiêng liêng.
Trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây, là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ Quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK han rỉ, một đôi dép cao su. Những bí ẩn về sự hy sinh của 3 chiến sĩ giải phóng quân nhanh chóng được “giải mã” bởi bức thư bọc gói kỹ càng trong ni lông và được cột chặt ở đầu võng. Tuy những dòng viết run rẩy, nguệch ngoạc (vì bị thương, đói, khát), nhưng với những ý tứ, câu từ rất sáng rõ.
Những người viết tự giới thiệu: “Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam…”
Những dòng thư đưa người đọc trở lại với một sự kiện lịch sử xảy ra cách hôm nay (2016) tròn 50 năm. Ngày đó, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực lượng lớn quân Mỹ – Ngụy ở Bông Trang – Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), tháng 2/1966, trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng, được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch, để trung đoàn trở về an toàn.
Một tiểu đội 11 người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, 8 người hy sinh; phương tiện thông tin hư hỏng.
Vượt qua những ngày “đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương tích, 3 chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng này. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng…”.
Chúng ta hãy nghe các anh tâm sự:
"Quyết định rồi chúng tôi tự thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên… Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến đấu gửi lại cho ai đó tìm được…
Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ vật còn lại… Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”.
Sau khi chọn cho mình cái chết, 3 chiến sỹ – người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau; các anh dồn chút sức lực còn lại viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy sinh của đồng đội; những tình cảm thân thương da diết đối với bố, mẹ, vợ con, người thân, quê hương… và bày tỏ niềm tin vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.
Lần lượt, Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí vĩnh viễn ra đi. Người để lại những dòng lưu bút cuối cùng là Trần Viết Dũng. Xin được dẫn những dòng như rút từ gan ruột của anh: “…Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư. Thư phải về tới tay những người đang sống…
Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.
Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích – Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.
Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ.
Vũ-Chí-Dũng”.
Xin được nghiêng mình trước những gương hy sinh nghĩa liệt, trước những dòng huyết thư như một lời ca bất tử của những người trai đất Việt thời thắng Mỹ.
FB-Nguyễn Triều Hoa (Vár.VIDI72)

2 comments:

  1. Vong linh của những người đã hy sinh vì Tổ quốc khó mà yên nghỉ trong lúc này. Ngày 27/7 bây giờ lại cho thấy tất cả vẫn còn dang dở.

    ReplyDelete
  2. Các anh đã được ghi nhận như những anh hùng của cuộc chiến tranh. Còn rất nhiều chiến sĩ khác đã hy sinh nhưng không được biết đến... mãi mãi là những liệt sĩ vô danh.

    ReplyDelete