Sunday, July 1, 2018

Great people of our time: ALBERT SCHWEITZER (1875-1965)

Lòng kính trọng đối với cuộc đời



Vào một buổi sáng năm 1896, ở vùng núi Alsace ngoạn mục, có một chàng trai trẻ sớm thức giấc. Anh nằm trên giường suy nghĩ về cuộc sống tương lai của mình. Anh mới hai mươi mốt tuổi, hiểu rằng mình có sức khỏe, sự mạnh mẽ và tài năng lớn về trí tuệ và tinh thần. Anh sẽ trở thành một linh mục của nhà thờ Ki-tô giáo như cha anh? Hay sẽ trở thành một nhà giáo thông thái, một nhà văn, một nghệ sĩ đàn oóc-gơ hay nghệ nhân làm đàn oóc-gơ nổi tiếng?

Tất cả những điều đó đều có thể đến với anh chàng sinh viên đại học trẻ Albert Schweitzer. Bởi vì có những điều lôi cuốn anh - âm nhạc, tôn giáo, lịch sử, tư tưởng loài người... Anh muốn làm tất cả với bàn tay của chính mình. Anh chơi đàn oóc-gơ rất giỏi. Anh tin chắc rằng anh có thể thành công trong bất kỳ dự định gì.

Nhưng anh muốn làm điều mà Chúa muốn. Bản thân anh cũng đã có cơ hội để hạnh phúc. Nhưng anh hiểu rằng cuộc sống của hàng triệu người trên Trái Đất còn đau khổ, và thực tâm muốn cải thiện cuộc sống của "những người khốn khổ" ấy. Albert đã nghiên cứu cẩn thận cuộc đời Chúa cứu thế. Anh cũng biết chuyện anh nhà giàu mặc quần áo đẹp, ăn uống phè phỡn hàng ngày, trong khi người bạn nghèo Lazarus ngồi ngay trước cổng nhà hắn trong bệnh tật và đói khát. Những quốc gia giàu trên thế giới không thể chia sẻ phần yến tiệc của mình với các quốc gia nghèo ư? Và một người chủ nhà tốt bụng cũng không chỉ mời bạn bè dự tiệc, anh ta sẽ chăm sóc tới những ai cần chăm sóc - những kẻ nghèo, người bệnh tật, kẻ mù lòa. Anh ta chia sẻ điều anh ta có với họ.

Nhưng chàng trai trẻ tự hỏi mình liệu có thể làm được điều thánh thiện như vậy chăng? Anh có dám chịu từ bỏ âm nhạc, học vấn, và mọi điều làm cho cuộc sống được an vinh? Dường như câu trả lời là "chưa thể!". Anh quyết định giành cho mình 9 năm, đến lúc anh 30 tuổi, để thực hiện những điều mà anh hằng mong muốn. Trên tất cả, anh sẽ tự dành cho mình vinh dự được phụng sự kẻ khác.

Chẳng ai ngoài Albert hiểu được những quyết định của chính anh ngày hôm ấy. Anh sẽ học nghiêm túc và viết sách. Anh sẽ học cách chế tạo những cây đàn oóc-gơ khổng lồ để đem âm nhạc đến cho các nhà thờ ở châu Âu. Anh sẽ chơi oóc-gơ cho đến khi trở thành một nghệ sĩ điêu luyện. Nhiều người sẽ đến thưởng thức tiếng đàn của anh. Anh sẽ trở thành linh mục của nhà thờ và hiệu trưởng của trường đại học, một người rất danh tiếng. Lúc ấy anh mới chỉ 30 tuổi. Anh sẽ ... Và anh không thể nào quên những dự định này...

Anh đã làm việc rất cần mẫn trong những năm tháng ấy và ngủ rất ít. Thường giấc ngủ của anh không bao giờ được trọn vẹn. Rất có thể anh đã bị cám dỗ để mà quên mất những người nghèo trên Trái Đất, nhưng lương tâm anh không cho phép.

Có một hình ảnh còn luôn giữ trong đầu anh. Ở thị trấn Colmar, nơi anh thỉnh thoảng vẫn đến thăm hồi còn là một đứa trẻ, có một bức tượng đá. Đó là hình ảnh của một người lính Pháp nổi tiếng. Một người nô lệ da đen nằm dưới chân anh ta. Hình tượng người da đen tuyệt đẹp, với thân thể cường tráng, khuôn mặt đượm buồn, đã làm trái tim cậu bé rung động. Cậu hay tìm cách đến đó để ngắm nghía bức tượng. Nó nhắc nhở cậu những nỗi đau khổ không nhất thiết phải gánh chịu của lục địa đen. Sau này, Albert hiểu rằng chính bức tượng đá, lần đầu tiên đã gợi cho anh ý tưởng sẽ làm việc ở châu Phi.

Dĩ nhiên, anh có thể đến châu Phi ngay sau đó, để làm giáo viên hay linh mục. Nhưng hồi ấy, tệ hơn bây giờ nhiều, ở châu Phi còn tồn tại rất nhiều bệnh tật mà lại rất thiếu bác sĩ. Vì vậy Albert quyết định trở thành một bác sĩ. Khi thổ lộ ý định này với bạn bè, anh nói: "Đối với tôi, tôn giáo có ý nghĩa là con người, những con người có tình cảm thành thật như chính Chúa Cứu Thế,... Ý nghĩa cuộc đời tôi không phụ thuộc về tri thức hay nghệ thuật, mà đơn giản là thuộc về loài người, và được làm điều nhỏ mọn trong tinh thần của Chúa Giê-su..."

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment