Monday, December 31, 2018

Ngày cuối năm ngẫm chuyện cũ

Ngày xưa khi còn đi học, những môn như Văn, Anh Văn, ... được coi là những môn vớ vẩn.
Năm lớp 8 đi thi văn nghị luận cấp Quận được giải. Trong thâm tâm, môn này lải nhãi nhiều quá, toàn những chủ đề vớ vẩn, ví dụ câu nói của ông lãnh tụ về thanh niên phải có ý tưởng, làm thế nào để viết thành vài trang giấy về những thứ mình cũng không biết nó là cái gì và cũng không hiểu nó để làm gì. Mặc dù thế những viết không y sì như vậy thì không có điểm cao hoặc bị điểm liệt, mà viết y sì như thế thì thấy chán, kiểu con vẹt bắt chước không quen được. Lêp cấp ba học các loại thơ Đường, có hôm cô giáo đang giảng bài “Phong Kiều dạ bạc” thấy mình lui cui lo giải toán, nên gọi hỏi xem cô giảng gì - nghe cũng vô lý, cô giảng gì cô biết rồi, hỏi mình làm gì. Đứng phắt lên phát biểu luôn là bài thơ rất vớ vẩn, đậu thuyền thì đậu thuyền, chuông kêu thì chuông kêu, chả có ý tứ gì phải suy luận ở đây, mà cũng chả có logic gì để suy luận. Cô chán, cho điểm 1.
Anh văn dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Phải nói là công phu các thể loại, học ngang, học dọc, học các kiểu văn phạm, chủ đề văn học, ... nhưng hỏi xem mấy cô cậu tốt nghiệp xong hỏi đường đi, gọi món ăn thì ú a ú ớ. Bà cô dạy lớp 11, chưa chồng, hơi quá lứa, nổi tiếng hắc ám. Ông bạn học mình lên trả bài đầu giờ, không thuộc, được cô hỏi ‘zero nhé’ rất thân thương. Lúc cô sướng nhất có lẽ là cho điểm 0, nhất là double zero cho những thằng lắm lời mà không thuộc bài - dạng như mình. Hoặc đơn giản hơn: lớp bẩn, ghế bẩn, ngồi sai chỗ, ... Từ điểm thi đua đến điểm cá nhân đều đi xuống. Thậm chí có lần mình còn bị chì chiết là ‘đừng tưởng thi toán được giải là học Anh văn với tôi được điểm trung bình’. Cuối năm, may quá vừa được 6.0.
Phải nói giáo dục VN những năm sau 75 nặng nề về hình thức, nhồi nhét và đem hành xử khủng bốMỹ Ngụy vào áp dụng lên học sinh. Chán học những môn ‘văn chương, ngôn ngữ’ là phải.
Khỏi phải nói về nghệ thuật, âm nhạc, những thứ xa xỉ này không dưới mái trường mình đã học. Hai loại âm nhạc duy nhất được biết là quốc ca đầu tuần và cassette khi thi ‘hái hoa dân chủ’ - một loại hình bốc thăm trả lời câu hỏi, phiếu làm gắn trên cây như ‘hoa’, dân chủ có lẽ ở chỗ mỗi lần bốc thăm thì được một phiếu. Muốn học ‘nhột’ thì chỉ có đi học ghi-ta, mà nhà mình xưởng mộc, nghe tiếng cưa bào quen, nghe ghi -ta thấy ... không hay. Gia đình, bà con cũng không ai quan tâm đến nghệ thuật, thứ tốn kém, vô ích, không ai cần.
Thú vui duy nhất là đọc sách. Mà sách chỉ có mua chứ mượn đâu ra. Bao nhiêu tiền đi làm ở xưởng mộc dồn vào mua sách, rồi đọc đi đọc lại. Nhân sinh quan hình thành từ Fahasa. Dĩ nhiên cũng không ít những ngộ nhận ngây thơ về nước Nga Xô Viết, các anh hùng mắt xanh râu vàng Sergei, Alexei. Những câu chuyện về các anh chiến sỹ làm những kỳ tích mà đáng lẽ phải đưa và Marvel Universe. Tuy thế, những tác phẩm văn học cổ điển lại có khá nhiều, những thứ mà nếu lớn lên trong ở xứ Bắc Mỹ, chắc ít khi quan tâm - Không Gia Đình, Miếng Da Lừa, Tội Ác vad Trừng Phạt, ...
Nhiều năm sau khi lắc lư trong disco như hình vẽ của Salvador Dali, mới thấy nhận thức của mình què quặt về văn hóa, nghệ thuật. Mái trường XHCN đào tạo ra một loạt những robot giỏi về khoa học cơ bản, lý luật chính trị, phong trào thanh niên, ... Những linh hồn vô tội này không biết gì về nghệ thuật, về văn học nên họ coi thường, khinh rẻ và xa lạ với nó. Không phải vô lý mà nền giáo dục kéo trình đọ hiểu biết và cảm nhận nghệ thuật hết thế hệ này đến thế hệ khác ngày càng đi xuống.
Hai điều nếu mình được học lại, mình sẽ mơ ước được học: hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nghệ thuật và thật giỏi các ngôn ngữ. Hành trang như thế, có lẽ đã có thể cho mình đi xa hơn.
Điều mà nền giáo dục phương Tây khó cạnh tranh được với VN là dạy cho kỹ năng dùi mài sắc bén một vài kỹ năng cơ bản. Ví dụ như toán học sơ cấp. Cách dạy và học Toán, kèm theo một hệ thống thi cử dày đặc và rộng khắp, cùng với tâm lý do gia đình, bạn bè, nhà trường tạo nên, giúp cho học sinh - như mình, có cơ hội phát triển. Dĩ nhiên, việc dạy và học toán không dễ và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên nó giúp cho mình hình thành thói quen lập kế hoạch đường dài và thực hiện từng bước. Thành công trong thi cử không phải lúc nào cũng được - nhưng nói cho cùng đạt kết quả cao trong một kỳ thi quan trọng là đủ, ai quan tâm đến những kỳ thi không được gì? Phải chăng đó là sự động viên quan trọng với trẻ em?
Dạy toán cho trẻ con hơn ba năm, mình nhận ra một chân lý đơn giản - phát triển khả năng tự tư duy và tự học quan trọng hơn nhiều là những mốc thành tích. Mặc dù thành tích kích thích cho việc tự học và ham học.
Ở xứ này, khi trẻ con người Việt không thể dựa trên tiền của cha mẹ, càng không có các quan hệ của cha mẹ người quen để dễ dàng gia nhập xà hội. Ngôn ngữ không thể như người bản xứ, và nói cho cùng da tóc cũng trông không giống với đại đa số. Càng khó cạnh tranh hơn nếu hiểu cộng đồng Việt là nhỏ, yếu, và nói chung là bàng quang so với các cộng đồng Hoa, Ấn.
Hiểu biết về xã hội, có nhận thức về văn hóa nghệ thuật, nhưng quan hệ xã hội và vị trí trong xã hội chỉ có thể tự hình thành bằng công sức lao động hoặc thành quả trí tuệ của bản thân mình.
Năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang. Hy vọng thế hệ còi xương, què quặt về văn hóa, tràn đầy tham vọng kiếm tiền sẽ đạt được ước mơ về một cuộc sống bình an.
Đoàn Hồng Nghĩa (ELTE.VIDI90)

5 comments:

  1. Tổng luận nhiều cái vừa đúng vừa hay.
    Rất thích phần kết nên mạn phép Nghĩa share luôn cho nó "hot" :)

    ReplyDelete
  2. Về đoạn "zero" thì anh vẫn nhớ ăn 1 lúc 6 con do lười biếng hồi lớp 9. Nhưng lười vẫn hoàn lười vẹn nguyên không hề suy chuyển!

    ReplyDelete
  3. Lê Minh: Chính vì được dạy dỗ 'què quặt' cho nên khi qua Hungary học được các em Hung rất thích vì "ngây ngô" như mấy đứa học sinh tiểu học về tất cả mọi thứ trừ giải toán...Vi dụ nó hỏi :" Chim để làm gì ? Vô tư và ngay tức thì trả lời :" Đê vizelni ! " Ha,ha...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đến nay nếu ko có trường chuyên lớp chọn thì chẳng biết học ở đâu cho nó đỡ lệch (trừ đã có sẵn tài năng thiên phú thì chuyện học hành ở đâu cũng ko quá quan trọng).
      Phụ huynh có điều kiện thì cho con học trường tiểu học & THCS international (chọn lọc ở VN) để tránh chương trình nhồi nhét rồi ra nước ngoài học ĐH. Chỉ khổ những người nghèo khó, làm lụng vất vả dành dụm nuôi con ăn/học, chỉ muốn con cái hết khổ nhờ được học hành...

      Delete
  4. Phan Anh Sơn: Đúng thế, anh cũng vậy, khi sang đây học đại học mới thấy mình học lệch, bao nhiêu thứ không biết.

    ReplyDelete