Friday, December 14, 2018

Tuyển Việt Nam biến ảo thế nào trước chung kết lượt về AFF Cup?

Sơ đồ 3-4-3: Park Hang-seo gây bất ngờ ngay trong ngày ra quân tại AFF Cup khi tung ra một đội hình không có bất kỳ tiền vệ phòng ngự thực thụ nào. Ông tiếp tục trọng dụng Quang Hải trong vai trò tiền vệ trung tâm đồng thời trao cơ hội cho cầu thủ không có phong độ cao là Xuân Trường. Với bộ đôi sáng tạo này, tuyển Việt Nam kiểm soát bóng tới 79,8% và áp đảo tất cả mọi thông số so với Lào.

Tái hiện 5-4-1: Trên đà thắng lợi trước tuyển Lào, đối đầu Malaysia, khi tất cả nghĩ Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế sân nhà Mỹ Đình để tấn công thì HLV Park Hang-seo bất ngờ chọn phòng ngự. Ông dùng cặp tiền vệ thư sinh Quang Hải - Xuân Trường làm lá chắn, kéo thấp hai tiền đạo Văn Đức, Công Phượng, tái hiện hệ thống phòng ngự 5-4-1 từng giúp U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở vòng chung kết U23 châu Á.
Hệ thống ấy dù chưa hoàn hảo nhưng đã phát huy hiệu quả rất cao. Tuyển Việt Nam chịu trận như một đội cửa dưới nhưng dứt điểm hiệu quả như những thiện xạ. Các cầu thủ áo đỏ chỉ cầm bóng 31,4%, 2 lần sút trúng khung thành so với 4 lần của đối thủ. Nhưng họ có tới 2 bàn nhờ công của Anh Đức và Công Phượng.

Tiếp tục 5-4-1: Lần thứ ba liên tiếp tại AFF Cup, HLV Park Hang-seo khiến giới chuyên môn kinh ngạc và thích thú khi xếp cặp Xuân Trường - Quang Hải đá chính ở giữa sân. Điều thú vị là 2 trong 3 trận ấy, tuyển Việt Nam đều phải gặp các đối thủ ngang tầm, rất nhanh và rất khỏe. Trước Malaysia, sự bố trí ấy còn dễ hiểu bởi tuyển Việt Nam cần chiến thắng tại Mỹ Đình. Nhưng tại Myanmar, rất khó để giải thích cho quyết định này khi đội tuyển không buộc phải thắng trên sân đối phương. Và càng thú vị hơn khi bộ đôi tiền vệ ấy vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Sơ đồ 3-5-2: Ở trận đấu với Campuchia, trở lại vị trí tiền vệ công, Quang Hải lập tức cho thấy những phẩm chất siêu hạng của mình. Anh ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn và tham gia vào tình huống ăn bàn còn lại. Hải “con” hiện là người thi đấu nhiều nhất, cầu thủ quan trọng nhất trên hàng công tuyển Việt Nam.
Nhưng chi tiết thú vị nhất một lần nữa nằm ở vòng tròn trung tâm. Khi cần phòng ngự trước đối thủ mạnh, ông Park dùng cặp tiền vệ công. Khi cần tấn công trước đối thủ yếu, ông dùng cặp tiền vệ phòng ngự.
Sự có mặt của Hùng Dũng - Đức Huy gợi tới hình ảnh cặp đôi Minh Châu - Khánh Lâm dưới thời Toshiya Miura. Ông Park chọn đối thủ Campuchia để thử nghiệm bộ đôi máy quét này. Họ sẽ trở thành những nhân tố quan trọng ở tuyến giữa khi tuyển Việt Nam tiến vào vòng knock-out.

Sơ đồ 5-3-2: Đã được “làm nóng” bởi đối thủ Campuchia, Hùng Dũng - Đức Huy tiếp tục thể hiện đẳng cấp khi tuyển Việt Nam có chuyến làm khách khó khăn tới Bacolod. Phong độ đỉnh cao của họ là nền tảng cho “Song Đức” tỏa sáng. Mỗi cầu thủ tên Đức ghi 1 bàn, giúp tuyển Việt Nam nắm lợi thế lớn khi trở lại Mỹ Đình. Sau 5 trận, họ sở hữu 50% số bàn thắng của cả đội tuyển (5/10 bàn).
Nhưng dấu ấn trận này phải nằm ở bộ đôi hậu vệ biên. Đoàn Văn Hậu kiến tạo bàn thứ nhất cho Anh Đức trước khi Trọng Hoàng kiến tạo bàn thứ hai cho Văn Đức. Cả hai bàn đều là các tình huống phát bóng bổng từ xa. Tuyển Việt Nam đã dùng chính sở trường của Philippines để đánh bại đối thủ. Nếu chỉ một người thành công, đó có thể là may mắn. Nhưng khi cả hai hậu vệ đều làm nên chuyện, HLV Park Hang-seo thực sự là bậc thầy.

Thắng 2-1 tại Bacolod, tuyển Việt Nam bước vào trận lượt về tại Mỹ Đình với lợi thế rất lớn. Đó là cơ sở để HLV Park Hang-seo mạnh dạn thực hiện các thay đổi mới. Đêm 6/12, ông Park lần đầu tung vào sân cặp Đức Huy - Xuân Trường, tái hiện bộ đôi tiền vệ giữa của U23 Việt Nam trong kỳ tích Thường Châu.
Không có nhiều điều để nói về trận đấu này khi tuyển Việt Nam đã nắm quá nhiều lợi thế.

Bắt đầu từ vòng bán kết, tuyển Việt Nam dần ổn định với hệ thống 3-4-3 và những biến thể của hệ thống này. Trước Malaysia tại Bukit Jalil, đội tuyển đá thấp với sơ đồ 3-4-2-1. Bất ngờ lớn nhất ở trận này là sự xuất hiện của Huy Hùng và Hà Đức Chinh trong đội hình chính. Ông Park quá liều lĩnh bởi cả hai cầu thủ này đều chưa từng đá chính trong 6 trận trước đó. Mỗi người mới có khoảng 20 phút thi đấu từ đầu giải. Lần này, thầy Park chỉ đúng một nửa.
Huy Hùng là “trái ngọt” của ông thầy Hàn Quốc với một bàn thắng và thứ bóng đá bình tĩnh, chắc chắn ở trung lộ. Nhưng Đức Chinh gây thất vọng khi bỏ lỡ hàng loạt cơ hội ăn bàn. Dù có biện hộ thế nào, những người yêu Đức Chinh cũng không thể thay đổi một sự thật: nhiệm vụ quan trọng nhất của tiền đạo là săn bàn.

Tại Bukit Jalil, hệ thống của ông Park cũng chỉ vận hành tốt trong 45 phút đầu tiên trước khi bị đè bẹp bởi áp lực của Malaysia và 80.000 CĐV. Bàn thua cuối trận có lỗi của Văn Lâm nhưng đó cũng là tình huống phản ánh chính xác cục diện hiệp hai. Nếu thời gian bù giờ kéo dài thêm, tuyển Việt Nam khó lòng rời sân khách với lợi thế.
Nhưng tỷ số 2-2 sau 90 phút có khi lại là điều tốt cho tuyển Việt Nam. 2 bàn ấy vừa đủ mang lại chút lợi thế nhỏ cho đội tuyển còn tỷ số hòa sẽ buộc họ phải tập trung tối đa trong trận lượt về. 90 phút sắp tới sẽ vô cùng khó khăn cho cả hai đội. Nhưng nên nhớ, Việt Nam vẫn có chút lợi thế.
Trong một trận chung kết, chút lợi thế ấy có thể là sự khác biệt mang tới chiến thắng.

trích từ Zing.vn (tác giả Thanh Hà)

No comments:

Post a Comment