Trong Phật giáo thiền được xem là pháp môn
phổ biến của đạo Phật, nhưng trên thực tế thiền được áp dụng trong tất
cả mọi sinh hoạt của cuộc sống mà con người không hề để ý đến. Thí dụ
trong các lãnh vực khoa học hiện đại thì danh từ thiền được hiểu là sự
nghiên cứu để vận dụng tất cả mọi tư duy từng giai đoạn với mục đích tìm
ra phương thức ứng dụng để phục vụ cho đời sống con người. Nếu sự
nghiên cứu này có kết quả thấu đáo, thành tựu mỹ mãn có thể đem ra ứng
dụng làm lợi ích cho cuộc đời thì sự nghiên cứu đó được gọi là “phát
minh”.
Tu thiền trong Phật giáo cũng vậy, nhưng
thay vì tư duy, quán chiếu để tìm những phát minh cho thế giới vật chất
thì hành giả xoay ngược vào tâm để thấy biết con người thật của mình.
Bây giờ dưới cái nhìn của Phật giáo nguyên
thủy thì tam pháp ấn “Vô thường, khổ, vô ngã” là những chất liệu chính
để giúp chúng sinh vượt thoát ra khỏi sinh tử mà đạt đến cứu cánh tột đỉnh là
thanh tịnh Niết bàn. Họ dùng “Tích không quán” để quán rằng thế gian vô
thường, tứ đại khổ, không và ngũ uẩn vô ngã (ngũ uẩn là sắc, thọ,
tưởng, hành, thức của đại thừa và cũng chính là thân, thọ, tâm, pháp
của tiểu thừa) nên thế gian vạn pháp dưới ánh mắt của họ không có gì
đáng quý, không có gì đáng tham luyến, say mê, không có gì đáng giữ gìn,
bảo thủ ngay cả tấm thân tứ đại của họ.
Vậy tư tưởng đại thừa về chữ “không” như thế nào?
Đối với Bồ tát thì chẳng những họ thấy thế
giới vạn pháp là vô thường, ngã không và khổ như các vị Thanh văn mà Bồ
tát còn thấy thực tướng của vạn pháp là vô tướng. Thế nào là vô tướng?
Vô tướng dưới cái nhìn của Bồ tát là thế giới vạn pháp là huyễn hóa,
không thật, tuy có mà như không.
Và Như Lai được thế gian tôn trọng vì Như Lai không có tướng ngã, không có tướng
nhơn, không có tướng chúng sinh và cũng không có tướng thọ giả. Như Lai
nhìn vạn pháp đều bình đẳng không thương, không ghét, không giận không
hờn, không thiên không vị. Và Như Lai luôn sống trong thiện pháp chớ
không lọt vào trong qũy đạo của ác pháp cho nên người đời gọi Như Lai
chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Như Lai có đầy đủ trí tuệ để nhận thức
chân lý hoàn toàn đúng, đúng theo tự tánh Bồ-đề và tự tánh thanh tịnh
Niết bàn của sự vật hiện tượng, đúng theo Thật Tánh của con người, đúng
theo Pháp Tánh của vạn pháp cho nên Như Lai không bao giờ có vô minh
phiền não khổ đau, tâm luôn thường trụ Niết bàn. Thế thì quả chứng đắc
chính là vô hư tức là không phải là không có. Cho nên Tâm Kinh mới có
câu : ”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” có nghĩa là Có tức là Không
và Không mới chính là Có vậy.
(trích đăng từ "Ánh Đạo Vàng" của Lê Sỹ Minh Tùng)
No comments:
Post a Comment