Vợ chồng nhà Churchill ăn khác giờ, ngủ khác giường, đi nghỉ cũng mỗi người mỗi nẻo. Vậy điều gì đã gắn kết họ suốt 57 năm?
Có lẽ trong lịch sử thế kỷ XX khó mà tìm được vị chính khách nào tầm cỡ
hơn Winston Spencer Churchill. Trên cương vị là Thủ tướng Anh trong Thế
chiến II, ông đã làm được nhiều điều không chỉ cho nước Anh. Đã có không
ít cuốn sách viết ông và bản thân ông cũng tự kể khá nhiều về mình.
Nhưng lần này ta sẽ không nói về ông, hay đúng hơn là không chỉ về ông.
Bài viết này dành tặng người đã “nâng khăn sửa túi” cho ông suốt 57 năm
trời - phu nhân Clementine Churchill.
Cuộc “chạm trán” trời định
Clementine sinh ngày 1/4/1885, trẻ hơn Winston 11 tuổi. Xuất thân từ một
dòng họ quý tộc Scotland, Clementine sở hữu một trí tuệ sắc sảo và có
khiếu hài hước rất tinh tế. Cô không chỉ thông thạo tiếng Đức, tiếng
Pháp mà còn quan tâm đến đời sống chính trị. Tuy thuộc tầng lớp thượng
lưu nhưng gia đình Clementine không được giàu có và cô vẫn đi dạy kèm
tiếng Pháp.
Tháng 3/1908, Churchill tình cờ “chạm trán” với Clementine tại một buổi tiếp tân ở nhà người dì của cô, nhưng không phải trong phòng khách mà ngay lối vào nhà… tắm. Số là Clementine không có bộ váy áo nào hợp mốt nên cô cũng không muốn xuất đầu lộ diện chỗ quan khách. Nhưng hẳn là ông trời đã sắp đặt để họ “đụng” nhau! Và hóa ra là số phận đã từng cho họ gặp nhau từ 4 năm trước, trong một vũ hội. Chỉ có điều là lúc đó Churchill vẫn chưa biết nhảy nên đã bị một anh chàng nhanh nhẹn khác “nẫng” mất nàng Clementine ngay trên tay.
5 tháng sau cuộc “chạm trán” trời định kia, Churchill đã ngỏ lời với Clementine. Thời điểm đó Churchill vẫn rất kỳ cục, nên suýt nữa ông lại bị khước từ! Tuy nhiên, cuối cùng thì ngày 15/8/1908, Churchill đã có thể chính thức thông báo về đám cưới của mình với Clementine. Giới thượng lưu thời bấy giờ đã cược rằng: cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài không quá sáu tháng, nó sẽ tan đàn xẻ nghé bởi Churchill không phải là người đàn ông dành cho gia đình. Thế nhưng mọi thứ đã diễn ra khác hẳn: đôi uyên ương ấy sống bên nhau trong yêu thương và chung thủy suốt 57 năm trời!
Không thể có bữa sáng chung cho chim sơn ca và chim cú
Roy Jenkins đã viết: “Thật là lạ lùng, Winston và Clementine – hậu duệ của những người phụ nữ nông nổi – đã làm nên một cuộc hôn nhân nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử thế giới, nổi tiếng cả vì sự hạnh phúc lẫn lòng thủy chung”. Các nhà chép sử đã viết rằng Churchill hay gặp may nhưng may mắn nhất là về chuyện vợ con.
Rồi cuộc sống gia đình bắt đầu. Và Churchill (khi ấy đang giữ chức Bộ trưởng Thương mại) đã bận bịu với những gì ngoài việc nước? Ông viết sách, học lái máy bay, ngồi thâu đêm ở casino (với không ít lần thua cháy túi), uống whisky như hũ chìm, hút xì gà không ngơi nghỉ và ngốn hàng ký lô đồ ăn! Nhưng Clementine không cố gắng kiềm chế đức lang quân của mình. Bà chẳng chỉnh đốn nhược điểm hay cải tạo tính khí của chồng như nhiều phụ nữ giỏi giang vẫn cố làm. Bà chấp nhận chồng như ông vốn có.
Bên cạnh người vợ, vị chính trị gia nổi tiếng ngang ngạnh này bỗng dưng biến thành một gã nhu mì. Còn Clementine thì trở thành “chiến hữu” của chồng, là “quân sư” số một và người bạn trung thành của ông. Ở bên ông, Clementine chẳng thấy dễ dàng chút nào, nhưng không bao giờ bà cảm thấy nhàm chán.
Churchill nói rất nhiều, và không bao giờ lắng nghe chứ đừng nói là nghe lời ai. Và Clementine đã tìm ra thấy một cách tuyệt vời để tỉ tê với chồng - bà viết thư. Tổng số thư và bưu thiếp mà Clementine viết cho Churchill là 1700 bức. Về sau, Marie, cô con gái út của họ đã cho xuất bản những dòng “tâm tình” này của mẹ.
Cũng cần phải nói thêm rằng giờ giấc của cặp đôi này trái ngược nhau y như chim sơn ca với chim cú vậy. Đó là một lý do tại sao họ chẳng bao giờ có thể ăn sáng cùng nhau. Chính Churchill đã có lần thú nhận rằng dùng bữa sáng chung là một trải nghiệm mà không ai trong hai người muốn lặp lại. Ngay cả đi nghỉ họ cũng mỗi người mỗi nẻo: vợ thì thích đến vùng nhiệt đới, chồng thì ưa lên vùng cực.
Clementine không giống như một người vợ khôn ngoan tỏa sáng trong mắt chồng, bà cũng không điều chỉnh chồng cho phù hợp với nếp sống của mình, nhưng bà luôn ở bên cạnh, lúc ông cần. Công bằng mà nói thì trong ngôi nhà của họ rất thường vang lên tiếng Churchill gọi: “Klemmi!” Nhân tiện, cũng nói thêm là hai vợ chồng nhà này ngủ ở hai phòng riêng biệt.
Vợ chồng Churchill cũng từng rơi vào khủng hoảng, từng nghèo túng rồi lại có giàu có trở lại, nhưng họ chưa bao giờ hoài nghi nhau. Mối thâm tình của họ theo năm tháng chỉ càng bền chặt hơn mà thôi.
Không tin ai hơn tin vợ
Trong lời kêu gọi nhân dân Anh ủng hộ Liên bang Xô Viết vào tháng 9/1941, Clementine (lúc đó đã trở thành phu nhân Thủ tướng Anh) nói: “Chúng tôi ngạc nhiên trước sức kháng cự mạnh mẽ của Nga”. Với tư cách là chủ tịch của “Quỹ Chữ thập đỏ cứu trợ Nga”, bà đã đóng góp khoản tiền đầu tiên vào đó để rồi các thành viên trong chính phủ của chồng bà cũng noi theo. Ban đầu, quỹ dự kiến sẽ thu khoảng 1 triệu bảng, nhưng cuối cùng đã thu tới 8 triệu bảng. Số tiền này được dùng để mua những thứ cấp thiết nhất gửi sang Nga: thiết bị cho bệnh viện, thực phẩm, quần áo, chân tay giả cho người tàn tật...
Phu nhân thủ tướng Anh đã có mặt ở Nga vào những ngày trước và sau chiến thắng phát xít. Trong một tháng rưỡi (từ 2/4 đến giữa tháng 5), bà đã đến thăm nhiều thành phố Liên Xô - trong đó có Leningrad, Stalingrad, Odessa, Rostov trên sông Đông… Bà còn có mặt ở bảo tàng Anton Chekhov ở Yalta.
Đón ngày Chiến thắng ngay giữa thủ đô Liên bang Xô viết, Clementine đã lên đài phát thanh Moscow đọc bức công hàm ngỏ của thủ tướng Winston Churchill. Vì những hoạt động ủng hộ Liên bang Xô viết, Clementine đã được trao tặng Huân chương Lao động Cờ đỏ. Bà cũng được gặp Stalin, và ông đã tặng bà một chiếc nhẫn vàng nạm kim cương.
Cho đến nay, các sử gia vẫn thắc mắc tại sao Clementine đã lưu lại ở Liên Xô quá lâu như vậy. Sau chiến tranh Churchill đã công bố một tác phẩm gồm 6 tập viết về thế chiến II, và chính với công trình này mà năm 1953 ông đã được tặng giải Nobel văn học.
Phải chăng, để những trang viết của mình được sát thực nhất, Churchill đã cắt cử vợ mình đến tận nơi quan sát kết cục của cuộc chiến, bởi vì trên đời này ông Thủ tưởng chẳng tin cậy ai hơn vợ mình. Tất nhiên là bà không đến đấy để thu thập các sự kiện (việc đó đã có những người khác đã làm), nhưng ý kiến của bà đối với Thủ tướng Chính phủ luôn luôn rất quan trọng.
Sau cái chết của chồng, Clementine trở thành một thành viên của Thượng nghị viện Anh. Người phụ nữ lạ lùng này mất ngày 12/12/1977, thọ 92 tuổi.
Phan Minh Ngọc (Theo Skolazhizni)
No comments:
Post a Comment