Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã từng nhận xét: “Anh là người viết văn hay nhất Việt Nam hiện nay”, còn nhà báo lão làng Mạnh Kim nói đơn giản, NS. Tuấn Khanh là “hàng độc” trong giai đoạn mà làng báo và làng văn Việt Nam đầy những vết đen...
Những bài viết của Tuấn Khanh có khi là vết cắt thấm thía cuộc sống bộn bề, có khi thấm đẫm tình người cao đẹp, có khi tát thẳng vào mặt những kẻ trơ tráo xảo biện… Có thể xem mỗi bài viết của anh là tác phẩm văn học ngắn và nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc, phải là người hiểu và yêu nước Việt lắm mới tô điểm được những bài viết đậm chất nhân văn và đi vào lòng người dễ dàng đến thế.
Nhiều năm trước, tôi có đến nhà đứa bạn thời sinh viên vốn là đệ tử ruột của nhạc sĩ Tuấn Khanh, lúc đó tôi may mắn thưởng thức những ca khúc do anh sáng tác, những ca khúc không xuất hiện trên thị trường và chắc chắn nó không bao giờ có thể được cấp phép. Đó là những tiếng gọi vang lên từ tâm hồn, lương tri, nỗi niềm khắc khoải về một xã hội đầy lo toan, nơi những con người nghèo khó không chỉ phải vật lộn với miếng ăn mà còn sống chung với nỗi lo bị hiếp đáp. Tôi dành cả ngày hôm đó để nghe và cảm nhận, da gà nổi lên, chưa bao giờ tôi nghe nhạc của một nhạc sĩ lâu đến vậy, vì nó thật quá, đau xót quá.
Ca khúc nổi tiếng nhất của NS. Tuấn Khanh phải kể đến Trả nợ tình xa, ít người biết bài hát chẳng có gì gọi là “nhạy cảm” này cũng từng một thời vất vả với giấy phép. Nhiều giọng ca thể hiện thành công bài hát này nhưng tôi thích nhất là được nghe giọng ca của chính tác giả. Đúng vậy, NS. Tuấn Khanh mới là người thể hiện hay nhất những sáng tác của anh dù giọng hát đôi lúc lờ lợ, chất Rock không hừng hực mà phát lên đầy tâm trạng, thử thách.
Còn nhớ khi NS. Tuấn Khanh nhận đỡ đầu cho những nhóm nhạc hết sức tiềm năng trước đây là MTV, Trio 666, họ lập tức đem đến làm gió mới cho thị trường âm nhạc. MTV lúc đó gồm 3 chàng trai “khập khiễng” về ngoại hình lại luôn biết cách khuấy động bất kỳ sân khấu nào họ đến trình diễn. Hiện nay MTV vẫn còn trình diễn nhưng sau quá nhiều lần thay đổi thành viên, họ trở thành một cái tên tồn tại lâu dài với nhạc Việt chứ khó có thể làm nên kỳ tích như trước đây. Nói về Trio 666, về giọng hát và phong cách, họ không thua bất kỳ nhóm nhạc nữ nào ngày đó nhưng tiếc rằng đã sớm tan rã, một số khán giả dạo ấy nhận xét họ hát mẫu âm nhạc… khó hiểu quá.
Do tôi chủ yếu muốn đề cập đến những bài viết xã hội của NS. Tuấn Khanh gần đây nên xin không đi sâu hơn, nhưng có thể nói âm nhạc cũng là một phần đáng chú ý của NS. Tuấn Khanh. Tôi nghĩ về mặt sáng tác, NS. Tuấn Khanh “chưa gặp thời”, vì Rock phong cách Tuấn Khanh xuất hiện chưa đúng thời điểm. Thị trường nhạc Việt, nếu tôi nhớ không lầm, thì từ hơn 10 năm qua và cho đến bây giờ vẫn bám mãi hình thức lai căng Hàn, Nhật. Âm nhạc hiện tại là những ca khúc nhạc tình chinh phục từ em bé mẫu giáo đến người lớn??? Còn xét về chất lượng ca khúc, tôi đánh giá cao những sáng tác của NS. Tuấn Khanh hơn mấy bài hát tình yêu nhăng nhít đang chiếm lĩnh thị trường hiện tại.
Tự bao giờ, cộng đồng FB không hẹn mà gặp lại đồng lòng share những bài viết của NS. Tuấn Khanh rầm rộ như hiện nay. Ai cũng share bài viết của anh, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, người lao động, giáo viên, dường như tầng lớp nào cũng thấy hình bóng mình ít nhất một lần qua những bài viết đơn giản thấm đẫm tình người. Trái với hiện tượng câu LIKE khi share những bài viết gây sốc đầy rẫy trên mạng, tôi nghĩ những người share bài viết của NS. Tuấn Khanh không chỉ vì nó quá hay mà để truyền đến nhau thông điệp cuộc sống. Share vì nó “chất” quá, nó cay đắng quá, nó bộc bạch nỗi niềm cá nhân, nó giáng mạnh vào những kẻ không biết liêm sỉ, và nó cho chúng ta một nguồn hy vọng trước cảnh phát triển “hoang tàn” của đất nước.
Những bài viết của NS.Tuấn Khanh với văn phong độc đáo, châm biếm nhẹ nhàng, ẩn ý sâu xa, dẫn chứng thực tế sắc sảo, đi sâu vào lòng người từ những câu văn đầu tiên. Đọc bài của NS.Tuấn Khanh là một trong những cách học văn bổ ích và giá trị hơn tấn những tác phẩm trong sách giáo khoa giáo điều lạc hậu. Bài viết nào cũng có thể đưa vào sách giáo khoa báo chí, giáo dục, đời sống xã hội, và lý luận âm nhạc.
Xét trên lĩnh vực báo chí, tôi không nhớ lần đầu tiên đọc bài viết trên báo của NS. Tuấn Khanh là lúc nào, nhưng có thể nói đó đều là những bài viết phân tích, lý luận, chân dung nhân vật trong âm nhạc mà tôi rất thích, tôi đã học hỏi rất nhiều từ đó. Ngoài phóng viên Mạnh Kim, tôi luôn coi NS. Tuấn Khanh là thầy của mình dù tôi chưa đi học ngày nào.
Mấy năm gần đây NS. Tuấn Khanh trở thành cái tên thân mật đến với cộng đồng chủ yếu qua những bài viết ngắn mạn bàn về những nhức nhối trong xã hội. Đối với “một bộ phận dân văn chương”, tôi biết họ còn tỏ vẻ xem thường hoặc đố kỵ có lẽ; nhưng thái độ, tình cảm yêu mến của cộng đồng đối với những bài viết của NS. Tuấn Khanh là bằng chứng hùng hồn và sống động nhất mà chưa có ngòi bút phản biện xã hội nào sánh ngang hàng một cách vừa vặn.
Nếu chỉ hay và giỏi trong văn phong từ ngữ, NS. Tuấn Khanh ắt hẳn không chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc đến thế. Anh nhận được sự đồng cảm vì trước hết anh có một tấm lòng, một tấm lòng biết yêu thương và cảm thông với đớn đau của dân tộc mình, một tấm lòng dành cho người dân lương thiện, một tấm lòng dành cho những mất mát của ngư dân hướng mình ra biển cả, một tấm lòng biết lên tiếng khi cần để bảo vệ lẽ phải…
Không biết bao nhiêu lần tôi và bạn bè ngồi nói chuyện với nhau, lo lắng một ngày nào đó NS. Tuấn Khanh với những bài viết ấy, tuy chưa đến mức phản động nhưng lại là lưỡi dao vô hình kề trước họng cường quyền, sẽ gánh phải những bất công lương tri mà nhiều người đã sa lưới. Mỗi lần đọc bài của anh, thiết nghĩ không chỉ riêng bản thân tôi mà còn rất nhiều người khác nữa cảm thấy giọng văn “thay lời muốn nói” một cách đầy lương tâm và trách nhiệm với vận mệnh đất nước.
Một tâm hồn âm nhạc, một người con yêu nước, một ngòi bút sắc sảo, nước Việt hiện tại liệu còn được bao nhiêu tri thức như vậy?
May mắn đất nước chúng ta vẫn còn những con người như NS. Tuấn Khanh, để kể với mọi người rằng giai điệu đến từ trái tim sẽ đập tan những ác niệm và góp phần tô màu tương lai tươi đẹp cho chốn hoang tàn, vẽ nên bức tranh chim hoạ mi hót lanh lảnh trên cành dù ánh bình minh hãy chưa đến giờ ló dạng.
Xin lấy một đoạn trong ca khúc “12” của NS. Tuấn Khanh thay cho lời kết:
Chim ơi bay phía chân trời
Gửi lời này đến quê tôi
Quê tôi xa xôi vời vợi
Nước mắt rơi thành lời…
Gửi lời này đến quê tôi
Quê tôi xa xôi vời vợi
Nước mắt rơi thành lời…
HS – NỮ SINH XA MẸ 061015
Anh Thư
No comments:
Post a Comment