Monday, September 8, 2014

Người Việt: Sơn Nam (1926 - 2008)

Trong giới nghiên cứu, Sơn Nam được mệnh danh là "Pho tự điển sống về miền Nam". Sơn Nam để lại một di sản văn học rất có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
     Sau Cách mạng Tháng Tám, Sơn Nam tham gia kháng chiến, lượm lặt vô số chuyện lạ để sau này sáng tác văn học. Ông định cư tại Sài Gòn từ năm 1955, sau đó chính thức gia nhập làng văn, làng báo và trở thành một trong những cây bút chủ lực của văn học miền Nam.
     Sơn Nam tự cho mình là "Một tay viết lì lợm, không giống ai". Đề tài của ông thường là phong tục Nam bộ, nhất là viết về miền Tây với hành văn giản dị, đôi lúc hóm hỉnh rất trí tuệ mang bản sắc ngôn ngữ Nam bộ.
     Ông là người "rặt"/rặc Nam bộ với cá tính phóng khoáng, cởi mở nên văn của ông cũng bộc trực, chất phác như người. Ông cho rằng người miền Nam khá năng động, sáng tạo, nhờ đó mà phát triển nền kinh tế thị trường năng động ở miền Nam ngày nay.

   
   Phong cách của người miền Nam hiện rõ qua kiểu cách ăn nói ngạo mạn của Hai Điền, thằng Cẩu (Bà Chúa Hòn), hoặc ngang tàng, nghĩa hiệp như tướng cướp Tư Hiền thủ lĩnh đảng Cánh buồm đen (Hương rừng Cà Mau). Các nhân vật có chữ nghĩa mang phong thái điềm đạm, thích triết lý, cao đạo như cụ Lục Tăng Liên (Chiếc ghe ngo), ông kiểm lâm "Rốp" (Sông Gành Hào)... Trong những tác phẩm của ông, ta cũng gặp kiểu cách ăn nói của người Khmer, người Hoa, người Pháp, người Mỹ...và đủ mọi thành phần khác nhau trong xã hội Nam bộ nửa dầu thế kỷ 20. Điều đó cho thấy có sự lai tạp văn hóa rất lớn diễn ra trên vùng đất năng động này.
(trích từ bài "Văn hóa Nam bộ trong tác phẩm Sơn Nam" của Phan Trường Sơn, Kiến thức ngày nay No.867)
Nhà văn lãng tử:
Cuối thu 1995, như bạn đọc đã biết, các báo đều có đưa tin:
   - Nhà văn Sơn Nam đột ngột bỏ nhà ra đi... "Lãng tử" rời nhà, tay ôm bàn máy đánh chữ, vai mang túi vải chỉ có đôi bộ quần áo và gói thuốc lá đang hút dở dang. Bắt đầu từ đó ông ở nhờ nhà bạn bè, rồi thuê nhà trọ, nay đổi mai dời, cũng quanh quẩn ở quận Gò Vấp (TPHCM)


   Con tằm lại tiếp tục nhả tơ, trên đôi vai gầy nghiệp văn chương trĩu nặng. Nơi sống của Sơn Nam "vẫn muôn thuở" với một cái bàn có đặt máy đánh chữ, một cái ghế ngồi để viết lách. Thế nhưng, với các món âu yếm cần thiết như cắp mắt kính, cây bút, gói thuốc lá, hộp quẹt... lúc nào ông cũng sắm sẵn bên mình ba bốn cái trở lên. Nhà văn tâm sự:
   - Mình đang viết ngon trớn, tuổi già rồi hay quên, cứ bỏ lạc hoài! Lúc sờ đến không có, phải mất thì giờ đứng lên đi tìm, "cung đàn lỡ nhịp, cụt hứng. Sắm nhiều sẵn như vậy, lúc ấy quơ qua, quơ lại có liền, mạch lạc văn chương không nghẽn!
Dân sống quanh vùng đều quen mặt "lão tướng thân gầy", áo quần bình dị, dáng đi liêu xiêu, rảo bước vào cổng Nhà truyền thống quận tọa lạc tại số 302 đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7 (Gò Vấp).
    Ông đến bằng xe gắn máy của bạn bè, hoặc bằng xe ôm, ông ngồi phía sau, hai tay ghì chặt tài xế. Thường hơn cả vẫn là cuốc bộ. "Xảnh xệ" hơn là đôi lúc bệ vệ bằng "xế hộp" cao sang của các cơ quan văn hóa, báo chí, đài phát thanh truyền hình TPHCM và các tỉnh thành gần xa.
...Không như "dã tràng xe cát biển Đông", dẫu hoàn cảnh oái oăm nghiệt ngã thế nào, bản lãnh những con "mọt sách tài năng" vẫn bòn được những viên ngọc quý kết thành vương miện đặt trên ngai vàng văn học...
(Trích bài và ảnh của Đào Tăng - "Thư trọ", KTNN No.649/2008)

No comments:

Post a Comment