Tuesday, September 9, 2014

Vấn đề của Việt Nam: Công chúng và Mỹ thuật

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, tính trung thực đứng hàng đầu trong công việc cũng như sáng tạo nghệ thuật. Từ đó mới có thể nâng niu từng cảm xúc, nuôi dưỡng chúng và luôn khát khao chạm vào chúng trong một tác phẩm hoàn hảo nhất.

Công chúng nghệ thuật ở VN quá mỏng, nếu không nói thẳng chỉ là số không. Nguyên do chính từ việc giáo dục trong nhà trường. Mấy chục năm nay, nhà trường dạy vẽ, dạy nhạc chỉ là dạy kỹ năng (vẽ cho giống với vật mẫu, hát theo cho đúng nhạc lý) chứ không dạy cho trẻ biết cảm thụ nghệ thuật. Vì bản chất của con trẻ là trong sáng nên rất dễ tiếp thu những gì thuộc về cái đẹp, chúng rất nhạy cảm với những giá trị mang tính chân - thiện - mỹ được mô tả thật cụ thể và rõ ràng.
    Hiện nay, thực tế là những cuộc triển lãm nghệ thuật, bảo tàng nghệ thuật... nhà hát thu hút rất ít công chúng. Đến các bảo tàng chỉ có người nước ngoài, chính người Việt Nam lại không có nhu cầu.
    Bây giờ là thời đại công nghệ phát triển nên việc thể hiện qua CD, video rất dễ. Trẻ con từ mẫu giáo có thể biết ngay một danh họa nổi tiếng thế giới của thế kỷ 20 là ông Picasso. Trẻ con vốn thông minh, những kiến thức đầu đời thường đi sâu vào trí nhớ của chúng. Với một nền giáo dục tốt và đầy đủ, chúng dễ dàngg nhận thức được đâu là hình dạng chuẩn, ngôn ngữ chuẩn v.v. Song song với việc mở rộng giáo dục lịch sử nghệ thuật thế giới thì lịch sử nghệ thuật dân tộc, văn hóa dân tộc cũng phải được phổ cập... để có được một nền tảng trong mỹ cảm của các em cũng như trong bất cứ người Việt nào. Bản thân di sản dân tộc nhìn vào vẫn đầy tính hiện đại, nếu tiếp cận được di sản thì mới được di sản đánh thức, mới làm được nghệ thuật đương đại, đừng nghĩ các cụ ngày xưa đã xa rồi...Không phải vậy!
     Bức tranh mới của văn nghệ VN sẽ là một thế hệ rất trẻ, nhưng được chấp nhận hay không thì còn chờ vào bản lĩnh và tài năng của họ. Chính họ phải tự khẳng định mình, định hướng cho mình. Mái nhà truyền thống mà tổ tiên để lại đủ rộng để từng thế hệ đi vào. Không gian mở như hiện nay là cơ hội rất tốt để lớp trẻ lật sang trang sách mới. Nhưng việc trưởng thành của thế hệ trẻ phụ thuộc vào việc tự mình gom nhận những gì là tinh túy, nhất là trong lĩnh vực sáng tác. Trước đây, việc này vô cùng khó khăn, có khi cả đời mới chạm tay được vào cái mình muốn. Quan trọng nhất là những ghi chép, điều mà giới trẻ ngày nay ít quan tâm vì họ nhận được thông tin quá dễ dàng nên cũng quên đi một cách nhanh chóng. Chì có thể học hỏi và diễn đạt từ những chắt lọc của riêng mình mà thôi. Tài năng của VN không thiếu, thậm chí còn nhiều. Chỉ là chưa được đánh thức.

(lược trich từ bài "Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Đào tạo công chúng nghệ thuật, tại sao không?" của Ánh Hường, KTNN No.867)

2 comments:

  1. Sự khác biệt về giáo dục của Việt Nam/'và nhiều nước châu Á' ở chỗ tiếp thu thụ động, thiếu sự sáng tạo. Ví dụ, ở 1 lớp học vẽ của VN, bài vẽ con mèo cao điểm nhất là bài vẽ giống với con mèo mẫu của giáo viên đưa ra nhất. Còn ở phương Tây thì giáo viên chỉ đưa ra yêu cầu học sinh vẽ con mèo, và như vậy, mỗi em sẽ vẽ một con mèo theo ý của mình, nên không con nào giống con nào cả, đương nhiên sẽ không có điểm số cao nhất vì ko thể chấm theo điểm cho nhiều ý tưởng độc đáo được, chỉ có thể bình phẩm về từng con mèo này mà thôi.

    ReplyDelete
  2. Công chúng nghệ thuật ở đây không chỉ hiểu là công chúng yêu mỹ thuật mà còn cả âm nhạc, kịch nghệ và múa. Nếu các nghệ sĩ piano, dàn nhạc giao hưởng, các vũ công ballet... không có khán giả ở VN và họ không thể tồn tại được với nghề thì đó là thảm họa của VN. Nếu bản chất của con người là luôn hướng tới Chân - Thiện - Mỹ nhưng không có được môi trường cảm thụ thì cũng khó lòng nuôi dưỡng cho những tâm hồn yêu cái đẹp và nghệ thuật phát triển được. VN thiếu 1 tầng lớp cao quý có ảnh hưởng lớn trong xã hội về mọi mặt. Tầng lớp có giáo dục đầy đủ và phát triển toàn diện này là tinh hoa của dân tộc, là gương sáng cho mọi người và cũng là niềm tự hào của người Việt trên khắp 5 châu. Đáng tiếc là chúng ta đang thiếu trầm trọng những người như vậy, dù là vốn quý hiếm nhưng họ vẫn đang tiếp tục rời xa Tổ quốc vì không có đất sống cho đến ngày nay...

    ReplyDelete