Tuesday, September 2, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (4)

(các bạn trở lại Phần 2 ở đây)

Phần 3: Hai cuộc chiến tranh

      Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đặt Việt Nam trước một bước ngoặt lịch sử. Những năm tiếp theo là thời gian đầy khó khăn với một nền cộng hòa non trẻ còn trong trứng nước, hoàn toàn cô lập với thế giới. Sau đó, thắng lợi năm 1949 của Trung Quốc mới thực sự đẩy số phận dân tộc Việt Nam bước hẳn vào con đường cộng sản: Mao đã giúp Chủ tịch HCM tiếp cận với Stalin. Năm 1950, biên giới phía Bắc được khai thông nối liền Việt Nam với phe XHCN. Cùng với viện trợ và chuyên gia giúp đỡ Việt Nam, ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc ồ ạt tràn sang, càng ngày càng tác động sâu rộng về nhiều mặt trong cả 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ.

      Trong 2 cuộc chiến tranh này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ vai trò của người lính xung kích trực tiếp cầm súng đương đầu với 2 kẻ thù lớn để giành Độc lập, giải phóng dân tộc; đồng thời cũng chiến đấu để giữ vững "tiền đồn" và vai trò của phe XHCN ở phía Đông. Tại "điểm nóng" này, Liên Xô muốn chứng tỏ ưu thế trong tình trạng đối đầu với Mỹ ở thời kỳ "chiến tranh lạnh", Trung Quốc muốn "điểm nóng" này trở thành biển lửa, Bắc Kinh sẵn sàng ném vào đám lửa này cho đến người VN cuối cùng. Còn Pháp thì muốn trở lại vai trò của mình ở Đông Dương, trong khi Mỹ lại có tham vọng lớn hơn ở Đông Dương và toàn bộ vùng Đông Nam Á.

       Như vậy, với các bên tham chiến, chiến tranh Việt Nam (1945-1975) là bước tiếp nối để giải quyết những mục tiêu mà các bên chưa thực hiện được. Vì vậy, nó đã diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài hàng chục năm, và là một trong những cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại cho đến khi kết thúc vào năm 1975.

       Những năm 1950s, TQ phải đối phó với Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên ở phía Bắc và nguy cơ từ phía Nam do cuộc chiến tranh của Pháp và VN. Trong thế bị Mỹ bao vây, TQ đã lợi dụng cuộc chiến tranh của VN để đứng ra thương lượng với Pháp, câu kết với kẻ thù của VN để đưa ra 1 thỏa hiệp có lợi cho TQ và Pháp, bất lợi cho các nước ĐD. Với Hiệp định Genève, TQ đã hy sinh lợi ích của nhân dân 3 nước ĐD để bảo đảm an ninh cho TQ ở phía Nam, để thực hiện mưu đồ nắm VN và ĐD, đồng thời để có vai trò là 1 nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á.

       Sau khi Hiệp định Genève ký kết, Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào miền Nam và leo thang thực hiện chiến tranh trên toàn bộ lãnh thổ VN nhằm biến VN thành 1 thuộc địa kiểu mới và 1 căn cứ của Mỹ ở ĐNA. Còn TQ thì muốn duy trì lâu dài tình trạng VN chia cắt vì mục đích có lợi cho việc thực hiện những mưu đồ của họ. Bị sa lầy ở VN, cuộc chiến tranh đã làm trầm trọng thêm những vấn đề của nước Mỹ đồng thời cũng làm suy yếu ảnh hưởng và vai trò của Mỹ trên thế giới. Tình hình này đã buộc Nixon phải đề ra kế hoạch "VN hóa chiến tranh". Như người Pháp, Mỹ muốn dùng TQ để giải quyết các vấn đề VN với những điều kiện có lợi cho Mỹ: rút quân đội Mỹ ra khỏi VN mà vẫn giữ được chế độ VNCH ở miền Nam.

        Trong cuốn sách “Decent Interval” do Frank Snepp viết (dựa theo một bản báo cáo anh đã gởi cho CIA) xuất bản năm 1977, Frank Snepp đã tiết lộ: “tôi đặt tựa cho cuốn sách mình viết là “Decent Interval” (Khoảng cách chấp nhận được) để nhắc đến sự kiện năm 1972, khi Kissinger đàm phán hòa bình, dẫn đến việc ngừng bắn, điều duy nhất ông ta quan tâm là đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến, thoát khỏi vũng lầy xấu hổ. Kissinger muốn phải có một khoảng thời gian coi được giữa việc rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam và chiến thắng tất yếu sẽ đến của những người Cộng sản, để Hoa Kỳ không bị đổ lỗi cho việc thất trận. 

         Khi Kissinger gặp Chu Ân Lai năm 1971 để sắp xếp cho chuyến công du bí mật của Nixon đến Trung Quốc, ông ta nói với Bắc Kinh rằng “nếu có ngừng bắn ở Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ không tái can thiệp quân sự, và chỉ cần có một khoảng thời gian hợp lý giữa cuộc ngừng bắn cho đến lúc Hoa Kỳ rút quân, và chúng tôi sẽ không quan tâm nếu đồng minh Bắc Việt của quý vị tấn công Nam Việt Nam, miễn là họ không tấn công ngay sau khi chúng tôi rút đi”. Đó là khởi đầu của lý thuyết “Khoảng cách chấp nhận được” (Decent Interval)”.

         Và sau đó là những gì xảy ra như chúng ta đã biết.
        


       Cũng trong thời gian này, phe XHCN có những dấu hiệu rạn nứt cho thấy sự bất ổn của một hệ thống thiếu tính bền vững qua những chính biến xảy ra ở một số nước và sự bất hòa với những sai lầm/mưu đồ có tính toán từ những lãnh tụ trong phe... không phù hợp với những nguyên lý tất yếu của cách mạng trên tinh thần quốc tế vô sản đã vạch ra cho tới những năm 50-es. Đối với Việt Nam, một trong những vấn đề này liên quan đến Hội nghị Geneva (Genève) 1954  và những gì mà Liên Xô và TQ đã không đáp ứng cho Việt Nam một cách thỏa đáng để gây sức ép/lợi dụng nhằm đạt được ý đồ đen tối sau này... (như vấn đề TQ chiếm quần đảo Hoàng Sa) v.v. Nhưng tôi sẽ không đề cập tới những vấn đề này ở đây.
      Tôi cũng sẽ không đề cập đến những yếu tố chính trị với đường lối chủ đạo của Đảng Lao động Việt Nam trước kia và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, nhân tố quyết định cách đánh lâu dài mang tính chiến lược với "chiến tranh nhân dân" và đem lại thắng lợi cho cả hai cuộc chiến tranh gian khổ với muôn vàn sự hy sinh của cả dân tộc.
      Phải mất 30 năm để chúng ta trở lại với bản Tuyên ngôn độc lập được Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên bố với thế giới về nền Tự do và Độc lập phải đổi bằng xương máu của Việt Nam tại quảng trường Ba Đình ngày 02.09.1945.
      Và cũng từ chiến thắng "giữ nước" này, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước bước ngoặt: "dựng nước", một thử thách vô cùng lớn lao cho một dân tộc đang khao khát vươn lên, xóa bỏ quá khứ nghèo hèn lạc hậu để phát triển ngang bằng với "các cường quốc năm châu" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.
      Qua hai cuộc chiến tranh này, dân tộc Việt Nam đã cho thấy "sự trỗi dậy không ai lường hết được của những gì đẹp nhất trong con người Việt Nam và cộng đồng con người Việt Nam, sự trỗi dậy của lòng yêu nước và tình cảm dân tộc, sự trỗi dậy của khí phách "thà chết chứ không chịu làm nô lệ", sự trỗi dậy của lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo, sự trỗi dậy của trí tuệ tập thể... Đây là sự trỗi dậy có tầm vóc rộng lớn và sâu xa lạ lùng, bắt nguồn từ bản lĩnh vốn có của dân tộc, đưa lại những thành quả mà ngày nay, nhớ lại, mọi người chúng ta đều tự hào và bè bạn nước ngoài gần xa đều ngưỡng mộ." (Phạm Văn Đồng, Lời giới thiệu, Có một Việt Nam như thế, 1995).
      Những gì được viết tiếp sẽ liên quan đến chặng đường đi đến tương lai của dân tộc. Điều gì sẽ mang lại những yếu tố mạnh mẽ nhất, quyết định nhất, thể hiện được nhiều nhất cho sức mạnh và tinh thần của Việt Nam, là đặc trưng bất diệt của Việt Nam? Đó là tất cả những gì mà tôi muốn nói đến.


(các bạn xem tiếp Phần 4 ở đây)

Cao Xuân Việt

4 comments:

  1. “Những ngày đầu tháng 5 năm 1954, cả nước Pháp như chết lặng. Một sự im lặng trên chiến trường và im lặng trên chính trường.” (KTNN No. 854) Điện Biên Phủ là 1 vết đen trong lịch sử của nước Pháp khi đội quân với binh hùng tướng mạnh của họ đã thất bại thảm hại trong 1 trận đánh với 1 đạo quân mà mấy năm trước chỉ là 1 nhóm quân du kích. Thảm họa này là sự khởi đầu của 1 thảm họa lớn hơn: sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn TG.

    ReplyDelete
  2. Chi tiết chiến tranh:
    Kể chuyện Điện Biên: Pháo binh VN
    "Rõ ràng là là người Việt sử dụng pháo không thua kém gì người Pháp" Gérard Haliand (chuyên gia nghiên cứu về các phong trào CM trên TG)

    Đấu pháo: Phùng Văn Khầu là chiến sĩ đã lập nên kỳ tích đầu tiên trong lịch sử sơn pháo 75 khi một mình điều khiển pháo thành công tiêu diệt 4 khẩu pháo 105 ly của Pháp (thông thường 1 khẩu đội pháo phải có đủ 7 chiến sĩ mới có thể tác chiến được)
    Sơn pháo 75 là loại pháo cơ động/mang vác mà Phùng Văn Khầu, chiến sĩ Nùng không thể sử dụng máy ngắm do ...ko biết chữ nên đã dùng phương pháp "ngắm bắn qua nòng pháo" và đã lập công sau 23 lần bắn trúng đích.

    ReplyDelete
  3. "Điện Biên Phủ trên không" là cuộc đấu cuối cùng giữa Hà Nội và Washington (Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam, từ 18 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 1972 sau khi Hội nghị Paris bế tắc và đổ vỡ do 2 phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bất đồng về các điều khoản trong hiệp định). Đây là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. B-52 bị bắn rơi bởi tên lửa SAM-2 (ko phải là vũ khí mạnh nhất của Liên xô) cho thấy điểm yếu của Mỹ. Cũng như Pháp, Mỹ đã bị đối phương yếu hơn về kinh tế, quân sự, khoa học-kỹ thuật đánh bại. Phần thắng thuộc về người VN và Mỹ phải ký Hiệp định Paris để rút khỏi cuộc chiến từ bàn đàm phán, chuyển sang giai đoạn "Việt Nam hóa chiến tranh".

    ReplyDelete
  4. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh mang tính chất thời đại. Chính cuộc chiến tranh này là một cái mốc đánh dấu giai đoạn chuyển từ các cuộc chiến tranh cổ điển quy mô lớn sang một hình thái chiến tranh hoàn toàn mới.
    Đây thực sự là một cuộc chiến tranh “ bốn trong một”: cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên trong lịch sử (Bộ đội phòng không Bắc Việt chống lại Không quân Mỹ), “cuộc chiến tranh nổi dậy” (chiến tranh du kích trên lãnh thổ Nam Việt Nam chống Quân Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cùng một số đồng minh), cuộc chiến tranh cổ điển (Quân chính quy Bắc Việt Nam chống Quân chính quy Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa), và một cuộc chiến tranh thông tin quy mô lớn. Đối với nhiều chuyên gia quân sự thì trong cuộc chiến tranh du kích câu hỏi ai thắng ai đang còn là một vấn đề cần tranh luận.
    Trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh cổ điển thì có thể nói hai bên ở vào thế ngang ngửa (giằng co) chiến lược- có nghĩa là không bên nào có thể hạ đo ván đối phương. Tất nhiên, Mỹ đã có thể sử dụng bom nguyên tử nhưng hiểu rằng điều đó là không cần thiết vì rất nhiều lý do. A.Khramchikhin (Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga).

    ReplyDelete