Wednesday, September 17, 2014

Việt Nam: Nam bộ

Nam bộ là vùng lãnh thổ hình thành muộn nhất của VN, tính đến nay mới hơn 3 thế kỷ lịch sử. Dân Nam bộ là con cháu của những người khai phá và những người có tư tưởng tự do, chống phong kiến thời Trịnh Nguyễn bị lưu đày tới đây.

   Mũi Cà Mau (theo đồng bào Khmer gọi vùng này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là “nước đen”) là vùng đất mới cực Nam gắn liền với việc khai hoang mở cõi của cộng đồng lưu dân Kinh – Hoa – Khmer. Nước đen là màu nước do lá tràm rụng xuống làm đổi màu nước. Ở mũi Cà Mau, các cánh rừng tràm nguyên sinh bạt ngàn như khẳng định vị trí độc tôn của mình trên mảnh đất này, nhưng ở vùng sát biển cây mắm và cây đước là hai loài cây tiên phong của đất mũi Cà Mau. Cây mắm âm thầm lấn từng bước, chặn dòng phù sa, lưu chất màu của đất để cây đước bám theo giữ lấy. Cứ thế ngày đêm chúng vươn dần ra biển mỗi năm vài chục mét… 

   "Làm lụng siêng năng, tin tưởng vào Trời Phật, yêu nước, yêu đời đâu phải độc quyền của dân tộc nào. Người Việt ta có những nét đáng yêu và hùng mạnh ấy, nhưng vì sanh sống ở vùng địa lý và hoàn cảnh chánh trị không hẳn giống nhau nên trong đại đồng có tiểu dị.
...Chúng tôi cố gắng ghi lại - càng cụ thể càng tốt - những gì là của miền Nam mà chúng tôi cho là đậm hoặc là nhạt hơn, so với những nét tương tự ở Bắc và Trung phần (...) Từ khoảng năm 1930 trở về trước, nhưng còn phảng phất, ẩn hiện cho đến nay, đâu đây.
   So với Bắc và Trung phần thì Nam phần là nơi dễ sinh sống, đất rộng người thưa. Người dân thảnh thơi "vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn".
   Sông Cửu Long chảy dài từ Tây Tạng xuống Biển Đông, mỗi năm một mùa lụt (gọi là mùa nước lên, mùa nước nổi), hai bên bờ sông tuyệt nhiên không có bờ đê, từ hồi Vương quốc Phù Nam đến Vương quốc Chân Lạp vẫn thế (...) Phù sa theo nước tràn vào ruộng, làm cho đất thêm màu mỡ. Cá tôm cũng theo nước mà vào rạch, xuống đìa, hoặc vào mấy khu rừng cầm thủy, thường là rừng tràm, tha hồ sanh sôi nẩy nở.
   Không có đê thì cứ canh tác theo thời tiết và phỏng đoán mực nước nổi, có xê dịch vài tấc cũng không đủ gây tai hại đói kém (...)
   Làng của người dân ở Nam phần không có lũy tre bao bọc. Hình thế của làng thường là chạy dài theo hai bờ sông bờ rạch, với một lớp nhà: mé rạch, đường mòn rồi đến nhà, phía sau là vườn rồi ruộng. Chỉ ở nơi ngã ba sông hoặc ngã tư thì nhà cửa mới đông đúc hơn, trở thành những chợ nhỏ."
   ...Khi mới chiếm Nam kỳ, người Pháp rất bi quan và nhận định rằng không thể nào định cư được, chỉ ở tạm rồi về. Họ sợ muỗi mòng, sợ nắng chói chang, sợ rắn, sợ những buổi chiều vào đầu mùa mưa, nắng oi bức rồi mưa rơi như trút với sấm sét liên hồi.
   ...Nhờ khả năng thích ứng với hoàn cảnh và biết tổng kết kinh nghiệm về trồng tỉa ngay ở những vùng hẻo lánh bất lợi, nên nếp sống con người lần hồi trở nên thuần thục.
...Rước thợ Bắc về để chạm trổ nhà cửa là phong lưu tột bực, thợ luôn ở tại nhà, làm lai rai hết công chuyện này qua công chuyện kia, chủ nhà nuôi cơm đôi ba năm. Lại còn thói ganh đua sắm đồ sành đồ sứ, "chơi đồ xưa" hoặc "đá gà, chọi cá... làm thú tiêu khiển.
...Thói ăn chơi lan tràn, từ chợ làng chợ tổng đến xóm nhỏ. Nhiều người "tánh rất ham chơi, người đã không dư ấm, nhà lại chẳng nghiệp làm, xách ba-ton dạo cùng làng, hút Bastos đi giáp xứ". Tình trạng người tá điền lại thảm thương hơn: "Một năm 12 tháng, làm ruộng thiệt sự có bốn năm tháng, còn bảy tám tháng dư linh làm nghề chi? Vì không có nghề trong tay nên mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc, chà lết mòn quần rách áo"... hoặc "tới trà đình tửu điếm, dụm năm dụm bảy mà ăn uống say sưa..., hoặc có đứa ra đáng đáo tường ăn cõng cho tiêu cơm, có đứa kiếm năm ba cắc bạc ra mướn xe máy mà chạy một hai vòng, đến nỗi đổ mồ hôi mồ hám mà cũng chưa chịu về"...
   Lập luận khôi hài của người lâm vào cảnh khiếm dụng, bán thất nghiệp ở miền Nam là "trời sanh thì trời dưỡng", "thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc? địa sanh thảo hà thảo vô căn?".
   Trách nhiệm ấy về ai? Ngoài trách nhiệm của thực dân Pháp, ta nên nhớ là giới thương gia Hoa kiều bấy giờ vốn lớn, việc làm ăn của họ dính dấp tới những tay mua bán lúa gạo thuộc vào hàng quốc tế ở Tân Gia Ba, ở Hương Cảng. Ai làm ăn vốn nhỏ là thất bại. Giới đại điền chủ ở Nam kỳ lúc bấy giờ chọn lựa con đường chắc ăn hơn: dư tiền thì mua thêm đất ruộng, thâu thêm địa tô, đất không bị mất mát. Hơn nữa, nếp sống điền chủ được sung sướng, thảnh thơi như ông Hoàng nho nhỏ. Nếu coi sóc một công ty thương mãi, một hãng xưởng họ phải bận rộn hàng ngày quá nhiều thời giờ, lại thêm mệt óc tính toán."  (Sơn Nam - "Cá tính của miền Nam", Đông Phố XB, 1974)
(st)

No comments:

Post a Comment