Wednesday, September 17, 2014

Phần Lan: Quốc gia liêm khiết nhất thế giới

Trong thời gian gần một tuần, tại một số thành phố ở Phần Lan, ngày nào phóng viên của tờ Luận chứng và Sự kiện của Nga cũng cố ý tạo ra hiện tượng vi phạm Luật Giao thông rồi hối lộ tiền cho cảnh sát nhưng rồi đều thất bại, mọi cảnh sát phạt anh đều không nhận. Một tài liệu của tổ chức chống hủ bại quốc tế đã nhận định: Phần Lan là quốc gia ít có hiện tượng hủ bại nhất thế giới, tại quốc gia này rất ít hiện tượng hối lộ. 

 “Nhân dân phản ánh và tố cáo rất dễ dàng”
Thập niên 70 của thế kỷ trước, tình hình tham nhũng ở Phần Lan cũng khá phổ biến và nghiêm trọng. Trong công tác xây dựng cơ bản, đã có nhiều quan chức nhận “quà biếu” của các công ty trúng thầu, có cục Cảnh sát đã từng gợi ý “biếu quà” và nhận hối lộ của dân...        
Tại sao người Phần Lan lại giải quyết được căn bệnh trầm kha này. Ông Pashi, một sĩ quan cảnh sát cho biết: “Khi tôi vào làm việc tại Cục Cảnh sát, đã không thấy hiện tượng hối lộ. Cán bộ phụ trách an ninh nội bộ đã kiểm tra rất kỹ tất cả học sinh xin thi vào trường (học viện) cảnh sát. Cơ quan Cảnh sát chỉ tuyển dụng và đào tạo những công dân thật thà, nếu đã một lần bị tạm giữ như vi phạm Luật Giao thông, cho xe chạy quá tốc độ quy định, có hành vi côn đồ, gây sự đánh nhau hoặc “quá chén”... nhà trường sẽ không nhận. Anh thử nghĩ xem, một người đã vi phạm luật pháp, làm thế nào đảm bảo anh ta sau này không nhận hối lộ? Biện pháp này thực sự có hiệu quả, hiện nay 94% nhân dân Phần Lan tin tưởng vào lực lượng cảnh sát...”.
Một biện pháp khác cũng làm cho hành vi hối lộ không có “chỗ đứng” đó là đơn giản hóa việc phản ánh và tố cáo. Không cần ra khỏi nhà, không cần đến đồn cảnh sát gặp lãnh đạo... người dân chỉ cần ngồi nhà gửi một e-mail trình bày rõ sự việc là xong. Nếu có nhận hối lộ hoặc yêu cầu hối lộ thì người cảnh sát sẽ bị đình chỉ công tác để điều tra. Việc xử phạt các hiện tượng hủ bại ở Phần Lan, nói chung là 2 năm tù giam cộng một khoản lớn tiền phạt. Qua xác minh, nếu việc tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội tham nhũng sẽ bị đuổi ra khỏi ngành cảnh sát và không bao giờ xin được việc làm ở bất cứ một cơ quan nhà nước nào.
Chỉ cần một lần hối lộ, nếu bị bắt quả tang sẽ mang tiếng xấu suốt đời, vì thế nạn tham nhũng hay nhận hối lộ ở Phần Lan ngày càng ít.
Ngành thuế có nhiệm vụ theo dõi thu nhập của công chức
Ông Peter, một quan chức phụ trách quỹ xã hội ở Phần Lan nói: “Công chức ở nước chúng tôi không được phép nhận những món quà quý, có giá trị cao, thậm chí cấm cả việc nhận lời mời tới dự tiệc tại khách sạn, bởi đó có thể là biến tướng của việc hối lộ. Một doanh nhân nào đó, nếu mời quan chức nhà nước đến sân golf chơi bóng, thì quan chức đó phải tự bỏ tiền ra mua vé, nếu không sẽ bị coi là nhận hối lộ”.
“Một quan chức xây biệt thự lộng lẫy, nhưng nói rằng đó là tiền của tôi, mà là tiền của vợ tôi hoặc mẹ tôi cho. Nói như vậy có được không?”  - Phóng viên tờ Luận chứng và Sự kiện hỏi.
“Không thể được, bởi thuế vụ địa phương đã theo dõi, ghi chép tình hình thu nhập và tình hình tài sản của từng gia đình công chức, đặc biệt là quan chức cấp cao. Các khoản chi tiêu lớn của mỗi người đều phải minh bạch. Vợ một vị bộ trưởng xây nhà lầu cũng cần xem xét, đương sự phải thông báo cho chính quyền sở tại nguồn tiền lớn như vậy lấy ở đâu? Đồng thời xuất trình chứng cứ chứng minh. Nếu cuộc sống thường nhật của một quan chức nào đó, tiêu xài quá sang so với thu nhập, cũng có thể là hiện tượng nhận hối lộ hoặc buôn bán hàng cấm...” - Peter nói.
Lương cao chưa chắc đã liêm khiết
Công chức và cảnh sát ở Phần Lan không phải là những người lương cao, bình quân mỗi tháng chỉ có 2.500 euro. Giá cả ở Henxinki đắt đỏ, giá vé xe bus là 2 euro, dùng một bữa cơm ở nhà hàng là 50 euro, tiền thuê nhà mỗi tháng là 800 euro. Người Phần Lan lại chủ trương không nâng tiền lương cho những người làm “đầy tớ của dân”, bởi họ cho rằng, lương cao chưa chắc đã liêm khiết.
Peter khẳng định: Quan chức nhà nước phải minh bạch công khai, tạo cơ chế cho dân có điều kiện giám sát công việc của quan chức, ngành nào vi phạm không bảo đảm được tư cách thì phải xử lý nghiêm minh... mới có thể hạn chế, tiến tới loại bỏ được tận gốc nạn tham nhũng    (Theo Luận chứng & Sự kiện)

No comments:

Post a Comment