Saturday, September 13, 2014

Vấn đề của Việt Nam: Từ "văn minh lúa nước" đến "văn hóa rừng"

    Khi đặt chân đến Việt Nam, các nhà khảo cứu người Pháp đã tìm hiểu về văn hóa của người Kinh và những dân tộc ít người khác sống ở Việt Nam.
    Đặc trưng của người Kinh là nếp sống của người trồng lúa nước. Cuộc sống gắn liền với cây lúa từ cách cày cấy, xây cất nhà cửa, đình chùa, ăn uống, cưới hỏi... Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử dần dần hình thành dân tộc tính với thói quen ăn ở và giao tiếp theo phong tục tập quán từ Bắc vào Nam.
   Từ việc theo dõi sinh hoạt của người Thượng ở Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu Pháp cho rằng số người này chỉ là những thổ dân từ các hải đảo Nam Dương đến, không có gì độc đáo.
   Cả hai nền văn hóa này đều nằm trên dải đất Việt Nam, đều trải qua những thời kỳ lịch sử để hình thành và phát triển, chiến tranh và tàn phá; ảnh hưởng và biến đổi từ hai luồng văn hóa tác động lẫn nhau. Người Kinh đang là yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến việc bảo tồn và phát triển cuộc sống, xã hội và văn hóa của các dân tộc khác, nhất là ở Tây Bắc và Tây Nguyên, những vùng mang nhiều nét đẹp độc đáo đang dần bị mai một và đời sống tinh thần cũng có nhiều thay đổi. Ở Tây Nguyên, ngay cả người M'nông là dân tộc sống heo hút nhất nay cũng đang có những thay đổi rất đáng lưu ý.


   Từ những kết luận ban đầu của người Pháp, những nghiên cứu hiện nay về cuộc sống của người Thượng ở Tây Nguyên cho thấy: đặc trưng lớn nhất của con người sinh tồn ở đây là nếp sống nương rẫy, không ổn định, tạm bợ, nay đây mai đó. Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên gắn với núi rừng và nương rẫy - văn hóa rừng.
   Văn hóa rừng quy định từ nếp nghĩ đến hành xử của người Tây Nguyên. Điều dễ nhận thấy nhất là nơi lưu trú của họ: rộng là boon, buôn, nhỏ là nhà.
     Nhà của người Thượng như tổ của chim trên rừng, như khe đá dưới nước là nhà của cá, như rừng núi là nhà của các loài cây... những ngôi nhà đêm đêm bập bùng ánh lửa thổi hồn sống cho mảnh đất hoang sơ này.
     Nhà của người Tây Nguyên tồn tại với 3 dạng chính: nhà ở - nơi sinh hoạt hàng ngày; nhà sinh hoạt cộng đồng - nơi phục vụ nhu cầu của dân làng; nhà mồ - nơi chôn cất người chết.
     Trong số các dân tộc Tây nguyên, người M'nông rút sâu trong những vùng núi khó thâm nhập, sống trên những nhà sàn truyền thống. Cho đến nay, từ lối sống không khác những bộ lạc nguyên thủy ngày xưa, họ đã thay đổi trong việc chọn địa hình cư trú để dễ dàng giao thoa với các dân tộc khác, đặc biệt là người Kinh và chịu ảnh hưởng khá rõ nét của người Pháp trong thời kỳ bị cai trị. Chẳng hạn như, ngoài canh tác theo lối cổ truyền, họ còn trồng các loại cây công nghiệp lâu năm: cà phê, tiêu, điều... hoặc giao lưu buôn bán; làm du lịch... Bên cạnh đó, người M'nông vẫn duy trì được những sinh hoạt văn hóa đặc thù, bảo lưu được nhiều nét đẹp văn hóa của họ dù có những thay đổi đáng kể. Trong đó những ngôi nhà truyền thống là nét văn hóa độc đáo nhất.
    Do cuộc sống luôn gắn liền với cộng đồng nên không gian sinh hoạt cộng đồng là không thể thiếu với người Tây Nguyên. Nhà cộng đồng là nơi mang những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống, với những biểu tượng giá trị của buôn làng, thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ dân gian trong kỹ thuật xây dựng và trang trí. Căn nhà này phải do cả cộng đồng dựng nên, nó vừa là nơi tiếp khách, xử kiện, tiến hành nghi lễ thờ cúng, nơi vui chơi, hội hè của cả làng. Trong một boon, ta dễ nhận thấy nhà của tù trưởng ngay khi bước vào làng với dáng mái cao vút vượt hẳn lên các mái nhà khác. Tại đây lưu giữ những chứng tích văn hóa nguyên thủy của cả cộng đồng như một nhà bảo tàng lịch sử và văn hóa của bộ tộc.
    Khác với mái nhà rông cao vút hình lưỡi búa của người Bana, nhà gơl với mái ở đầu hồi tròn như mu rùa của người Cơtu, nhà rông cổ của người M'nông được dựng cao vút cong ở khoảng giữa không khác gì 1 cánh buồm no gió. Căn nhà được dựng từ những vật liệu của núi rừng, dù không hề có một chiếc đinh nhưng vững chắc không một cơn gió lốc hay lũ quét nào phá hủy được. Đây là ngôi nhà đẹp, vững chắc và kiên cố nhất boon.
    Nhà ở của người M'nông được dựng theo hướng Bắc Nam để đón gió và tránh nắng nóng. Tùy theo vùng và theo nhóm sắc tộc, họ có thể làm nhà trệt hoặc nhà sàn. Nhà sàn được làm ở những vùng cần phòng tránh những đe dọa của tự nhiên (thú dữ, lũ quét...). Nhóm M'nông R'lâm ở vùng hồ Lăk có kiểu nhà sàn cao giống người Êđê. Mái thường là cỏ tranh; khung sườn kết hợp hai loại vật liệu tre, nứa và gỗ (sao, xe, cà chít). Kết cấu nhà được liên kết bằng chạc, ngoãm, dây mây và dây rừng. Ngôi nhà M'nông thường làm kiểu 4 mái, cửa vào ở đầu hiên trái. Trong nhà, hoa văn trang trí mang hình ảnh dòng sông, con bướm, hòn đá... vì theo quan niệm của họ, con người được sinh ra từ nước, đá và con bướm. Các vật dụng dùng trong sinh hoạt hàng ngày như rìu, cồng chiêng, ché rượu cần... cũng được trang trí rất đẹp. Bước qua sân rộng lên nhà là cầu thang. Cầu thang được chia làm 2 loại: cầu thang đực - dành cho nam giới và cầu thang cái được trang trí đẹp và to hơn - chỉ dùng cho nữ, theo quy định bởi chế độ thị tộc/mẫu quyền của người M'nông. Trong nhà, các kho lúa đều trổ cửa phía ngoài và có thang riêng để bắc lên khi cần. Hai bên cửa kho lúa đặt 2 bồ lúa to đựng lúa giống và lúa tiết kiệm, khi lúa trong kho hết mới lấy lúa trong bồ ăn.
    Nhà người Êđê dài cả một hơi ngựa chạy, dài bằng một hồi chiêng thì nhà người M'nông chỉ dài 30-50m, được chia thành các gian bằng những vách nứa, đủ cho 3 gia đình có thể sinh hoạt khá thoải mái. Đó là ngôi nhà cho 3 thế hệ sinh sống. Để làm một căn nhà dài phải tốn hàng trăm cây gỗ lớn. Kiểu nhà này tồn tại khá phổ biến trên thế giới từ xã hội nguyên thủy thời kỳ sống kiểu quần cư cộng đồng thị tộc. Nhà dài là nét riêng của người Tây Nguyên, cái nôi nuôi dưỡng từng con người và từng tiểu cộng đồng trong đại cộng đồng buôn làng.
    Người M'nông phân chia chức năng nhà ở theo tầng, tầng trên là nơi sinh hoạt, ăn ngủ hàng ngày. Nơi người già dạy cho con cháu cách trồng hạt lúa, hạt đậu, bắt con thú hoang... Tầng dưới là nơi để củi, nông cụ, chăn nuôi... Điều đặc biệt trong nhà là bếp lửa, nơi được coi là linh thiêng, là trái tim của ngôi nhà. Bếp lửa kết nối những con người. Bên bếp lửa, người Tây Nguyên chìm vào những câu hát sử thi, họ kể, hát và nói với nhau về truyền thống, về dân tộc mình. 
    Thân xác phải chết nhưng linh hồn vẫn sống. Nhà mồ là nơi giữ thể xác và trú ngụ của linh hồn. Đây là cộng đồng thứ hai tồn tại trong đời sống của đồng bào M'nông. Thổ táng là hình thức duy nhất trong việc tang ma, không có tập quán cải táng. Người chết được chia tài sản để mang theo lập nghiệp ở thế giới của ông bà gọi là Phan.
    Nhà mồ làm theo hướng Đông-Tây, tận dụng nắng gió. Kiến trúc nhà mồ của người M'nông được trang trí chạm trổ công phu trông như những búp sen, hoặc các con vật như rùa, voi, sóc... với 2 màu đen và đỏ. Tượng chỉ được gọt đẽo thô sơ, có cây nêu như sợi dây nối giữa trời đất để người chết theo đó lên trời, về với nửa cộng đồng bên kia của mình.
    Mảnh đất Tây Nguyên có cái hồn của văn hóa rừng với những nét chạm khắc thô sơ nhưng rất quyến rũ. Hiện nay những ngôi nhà truyền thống của Tây Nguyên đang thay đổi, biến chất cùng với con người. Chúng ta không còn thấy nhiều căn nhà mái tranh vách nứa của ngày xưa cũng như các em nhỏ không còn nói nhiều về Yang nữa.
     Hội nhập là xu thế tất yếu, nhưng di sản văn hóa là vốn quý cần được giữ gìn và bảo vệ trong một cuộc sống biết tôn trọng những giá trị cũ và tiếp thu những giá trị mới. Bảo lưu nét đẹp của văn hóa Tây Nguyên phải đi cùng với bảo vệ rừng núi thiên nhiên, muôn loài cây cỏ để trả lại cuộc sống vốn có của những dân tộc gắn liền với văn hóa rừng từ bao đời nay. 
(Viết & trích đăng từ bài "Nhà của người M'nông R'lâm trong dòng chảy văn hóa Tây nguyên" của Th.S Bùi Quang Định và Nguyễn Thị Lan Anh, KTNN No.867)  

1 comment:

  1. "Người Kinh như con ma rừng, đi đến đâu, nơi ấy nhiều cái vốn đang hay đang đẹp lụi tàn dần hoặc được làm cho “hay” hơn “đẹp” hơn rồi… chết. Cái hồn rừng hồn núi mộc mạc thật thà teo tóp cả. Chà, người Kinh, cái giống người kinh…hãi của núi của rừng…" (Đạo diễn Trần Văn Thủy - "Chuyện nghề của Thủy")

    ReplyDelete