Thursday, October 1, 2015

Tháng 10/2015 - Bàn về cách mạng xã hội

Tháng 10/2015 - Bàn về cách mạng xã hội
 
“Thế giới này sẽ thay đổi, từ những điều rất nhỏ mà mỗi chúng ta làm, cùng với nhau, chúng ta sẽ giúp thế giới này trở lên tốt đẹp hơn” - Đây là một câu trong một bài viết của một em bé 12 tuổi mà anh tình cờ đọc được, một chân lý đơn giản và không thể đúng hơn. Kết luận rút ra là bài học có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất cứ ai, miễn là mỗi chúng ta giữ cho mình một tư duy cởi mở, và như Steven Job nói, hãy sống khát khao, sống dại khờ để đón nhận những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Nói đến sự thay đổi xã hội ở Việt Nam, người ta thường hình dung đến những cuộc cách mạng đẫm máu và bi thảm trong quá khứ. Liệu có một cách nào khác giúp xã hội thay đổi với một cái giá dễ chịu hơn và một lộ trình thời gian chấp nhận được? Đây là câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của nhiều thế hệ người Việt.
Năm 1989, khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Do tính biểu tượng và vị thế của các quốc gia, người ta hay nói tới sự sụp đổ của bức tường Berlin hay sự tan rã của Liên bang Sô Viết. Thực tế ấy khiến nhiều người quên mất một góc nhỏ ở Đông Âu, nằm kẹt giữa hai thế lực luôn luôn hùng cường Nga - Đức, một quốc gia nhỏ từng có thời kỳ bị xóa tên trên bản đồ thế giới - Poland. Tuy nhiên, chính ở đây, chính ở đất nước vốn bị xóa tên trong thời kỳ thế chiến thứ hai, chịu sự dày xéo của cả đạo quân tàn bạo của Hitler lẫn gót sắt sặc mùi giai cấp của Stalin, chính đất nước này đã viết lên một trang sử riêng của nó, khiến bức màn sắt một thời ở Đông Âu sụp đổ. Ba Lan (Poland hay Polska) ngày nay là quốc gia thành công nhất trong khối Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Thống kê của World Bank, năm 1987, GDP Ba Lan vỏn vẹn 63,90 tỷ USD. Năm 2014, GDP danh nghĩa của Ba Lan lên tới 548 tỷ USD và đạt tới 721,39 tỷ USD nếu tính theo chỉ số ngang giá sức mua (PPP). Ba Lan hiện xếp hạng 20 thế giới xét về quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của 38 triệu dân Ba Lan hiện nay đạt tới 23.649 USD/người, cao hơn hầu hết các nước hậu cộng sản. Bên cạnh các thành công về kinh tế, Ba Lan cũng có sự hội nhập hầu như trọn vẹn với thế giới văn minh. Năm 1999 Ba Lan có mặt trong Nato, năm 2004, người Ba Lan được cộng đồng kinh tế EU đón chào trong tư cách của một quốc gia được hoan nghênh chứ không phải chấp nhận gia nhập vì khuyến khích. Điều gì đã khiến Ba Lan đạt được những thành tựu nổi bật mà nhiều người đánh giá là đỉnh cao trong lịch sử suốt 500 năm gần đây của Ba Lan, sau một xã hội tan hoang được tái xây dựng từ năm 1989?
Sự sụp đổ của các xã hội cộng sản trong khối Warszawa thường được nhắc đến do những sai lầm nội tại của chế độ cộng sản. Điều đó là đúng với hầu hết trường hợp. Nhưng sai lầm chỉ dẫn tới sụp đổ, còn sự hồi sinh thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp hơn. Trong những nhân tố làm nên điều kỳ diệu của sự hồi sinh, nhân tố quan trọng nhất, là sự trưởng thành của xã hội, hay nói cách khác, chính là nền tảng dân trí và dân khí mà mỗi xã hội đạt được. Dù ít được nhắc đến, nhưng chính người Ba Lan, một cách lặng lẽ và kiên cường, đã góp phần của họ vào quá trình đào mồ cho chủ nghĩa cộng sản khát máu kiểu Mác Lê ở Đông Âu. Cuộc cách mạng chấn hưng dân trí diễn ra âm thầm ở Ba Lan từ những năm 1970. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ba Lan, đáng ngạc nhiên, lại bắt đầu từ chính một phong trào mang đặc hơi hướng của xã hội cộng sản: Phong trào công đoàn đoàn kết của những người công nhân Ba Lan. Tuy nhiên, khác với những cuộc đấu tranh giai cấp khát máu trong quá khứ, Công đoàn đoàn kết của Ba Lan, khởi đầu từ sự đấu tranh của những người công nhân về tình trạng thiếu thốn triền miên và những cam kết hầu như không được thực thi của chế độ cộng sản, đã tìm được sự hội tụ chung với những người trí thức thuộc nhiều tầng lớp ở Ba Lan. Điều đó giúp công đoàn đoàn kết thay vì một đám đông hỗn loạn và hung hãn, trở thành một tổ chức xã hội có sức mạnh vượt trội và được định hướng đúng đắn bởi dòng chảy tri thức. Jacek Kuron, một trí thức công giáo Ba Lan, là một trong số những người tiên phong đã khuyến khích và giúp đỡ công nhân Ba Lan dựng lên công đoàn độc lập của họ. Năm 1980, công đoàn đoàn kết thông báo tổ chức của họ có tới 10 triệu thành viên, và thành phần của nó không phải chỉ có công nhân mà gồm đông đảo tri thức. Tháng 12/1981 chính quyền cộng sản Ba Lan tuyên bố thiết quân luật và bắt giam hàng nghìn thành viên công đoàn. Sự đàn áp tiếp tục kéo dài trong nhiều năm sau đó, nhưng không dập tắt được một phong trào có sức mạnh ngày càng lan rộng. Cuối cùng, trong biến cố lịch sử phi thường năm 1989, công đoàn đoàn kết Ba Lan đã lật đổ chế độ cộng sản và xây dựng thể chế văn minh cho mình. 10 năm sau, họ góp mặt trong ngôi nhà chung châu Âu với tư cách của một quốc gia đạt trình độ cao cả về văn hóa và kinh tế.
Điều gì đã giúp người Ba Lan đạt được những kỳ tích ấy, với một cái giá rất êm đềm nếu so với những biến cố đẫm máu và tăm tối như ở Syria, Libya, iraq hay thậm chí là Ucraine? Lịch sử sẽ ghi nhận điều này: Công đoàn đoàn kết Ba Lan và những thành viên của nó, đã khởi đầu cho cuộc cách mạng vĩ đại của họ từ chính phong trào đọc và đấu tranh cho những quyền ghi trong hiến pháp. Trong suốt cuộc cách mạng kéo dài 10 năm kể từ tháng 8/1980, ngày Công đoàn đoàn kết Ba Lan được thành lập cho đến lúc chế độ cộng sản sụp đổ, hầu hết các hoạt động phản kháng và gây sức ép với chế độ cầm quyền để đòi hỏi các thay đổi xã hội đều xuất phát từ cách yêu cầu dựa trên nền tảng hiến pháp. Chịu sự đàn áp nặng nề của chính quyền, nhưng những người trí thức công giáo, những lãnh tụ công nhân và những thành phần cấp tiến của Ba Lan đã kiên trì trong hòa bình nhưng quyết liệt cho những đòi hỏi của mình. Những cuộc đấu tranh gây tiếng vang của Công đoàn đoàn kết, đều xuất phát từ chính những quyền của người dân được ghi trong hiến pháp. Trong vòng 10 năm, bằng việc nhận thức sâu sắc các quyền hiến định về quyền con người, trong sự đoàn kết và chấp nhận khác biệt, người Ba Lan kiên cường đối mặt với những đợt trấn áp của chế độ cộng sản. Nhiều nghìn người bị tống vào tù, nhưng sự kiên trì trong hòa bình và sự trưởng thành về mặt tư duy của xã hội đã khiến cái giá phải trả của người Ba Lan không quá nặng nề. Khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, khác với hầu hết các nước Đông Âu hậu cộng sản, người Ba Lan đạt tới một trình độ nhận thức hoàn toàn khác biệt về xã hội và nhân quyền. Cuộc đấu tranh sát cánh trong nhiều năm giữa công nhân, trí thức, các thành phần công giáo và nông dân khiến người Ba Lan có sự trưởng thành hơn hết về việc chấp nhận và dung hòa sự khác biệt. Ba Lan nhanh chóng đạt được sự ổn định thật sự về xã hội đa nguyên trên nền tảng của một xã hội đã được khai phóng về dân trí trong suốt một quá trình hơn 10 năm. Người Ba Lan mất hai năm để thoát khỏi sự hỗn độn hậu cộng sản, kể từ năm 1991 đến nay, Ba Lan phát triển với một tốc độ thần kỳ so với các nước Đông Âu. Không giống Nga, khi xã hội tự do nhanh chóng quay lại sự thống trị mang hơi hướng độc tài, cũng không giống Ucraine, nơi người dân hầu như không biết làm gì với món quà dân chủ từ trên trời rớt xuống, để rồi sau 24 năm nhận được độc lập, Ucraine chỉ có một chế độ chính trị tham nhũng nối đuôi sau các kỳ bầu cử, và cuối cùng đối mặt với cảnh tan hoang dưới sức ép của người Nga. Cũng chính Ba Lan, là ví dụ bằng vàng cho những xã hội muốn đạt tới văn minh khi so sánh với tình trạng đầy ám ảnh tại các nước Trung Đông. Dân chủ chỉ có giá trị ở một xã hội khai phóng, chứ không thể phát huy sức sống và tính ưu việt của nó ở những xã hội mà người dân còn chưa biết phải làm gì với số phận của chính mình.
Hồi ký của nhiều lãnh tụ Công đoàn đoàn kết Ba Lan sau này đều ghi nhận: “Những cuộc đấu tranh của chúng tôi để gây sức ép với chính quyền, đều xuất phát từ chính nền tảng hiến pháp. Dựa vào đó, chúng tôi yêu cầu họ phải xóa bỏ các điều luật gây cản trở xã hội. Chúng tôi chịu đàn áp và khủng bố, nhưng với các quyết sách trong hòa bình và sự nhận thức ngày càng tăng của các thành viên, cùng với nhau, cuối cùng chúng tôi (đã) được điều mình muốn”
Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, vấn đề gai góc nhất khi Việt Nam đàm phán TPP không phải nằm ở các sắc thuế, cũng không phải ở việc bảo hộ hay mở cửa các thị trường, mà chính ở điều kiện về việc thành lập “Công đoàn độc lập” của những người lao động. Những người có đủ sự trải nghiệm hẳn sẽ nhận ra lý do tại sao mà Việt Nam e ngại đến thế với điều kiện này, dù chế độ cộng sản hiện nay vẫn mặc nhiên tự nhận họ chính là đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam. Trong nguy cơ có tính sinh tồn từ sức ép của người Tàu, cùng với sự vận động gần như tất yếu của dòng chảy quyền lực Á Châu, tính đến thời điểm này, có vẻ tạm coi chế độ cộng sản cầm quyền hiện nay buộc phải chấp nhận đối mặt với thực tiễn. Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước về điều kiện TPP. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngỏ ý Việt Nam sẵn sàng sửa đổi các điều luật để đáp ứng điều kiện TPP. Rõ ràng đây là một cơ may lớn đối với lịch sử đất nước.
Nhưng trông đợi vào vận may không phải là cách mà một dân tộc nên làm. Do đó, chưa bao giờ, chưa có lúc nào mà vấn đề nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí lại quan trọng như lúc này. Người Việt Nam cần có sự trưởng thành, có đủ tri thức, có đủ sự tỉnh táo, có đủ dũng khí và cần có đủ sức mạnh đoàn kết để chuẩn bị cho tiền đề của một xã hội văn minh. Chúng ta quay trở lại cuộc cách mạng ba ngọn thác mà anh Lãng đã đề cập đến ở đây:
1. Tại sao nên thừa nhận hiến pháp? Thừa nhận hiến pháp, là để mọi cuộc đấu tranh xã hội phải diễn ra trên cơ sở hòa bình. Bạo lực là cách nhanh nhất để làm thui chột xã hội và tạo điều kiện cho những kẻ cực đoan có cơ hội xúi giục đám đông. Không thể có sự tỉnh táo ở một đám đông say sưa bắn giết. Đó chính là điều đã diễn ra ở Ucraine, Libya, Syria hay Iraq ngày nay, và nó đã không diễn ra ở Ba Lan, khi những thành viên công đoàn đoàn kết đã chọn cho mình một lối đi khác: đấu tranh ôn hòa kết hợp với sự khai phóng xã hội.
2. Đọc hiểu hiến pháp để làm gì? Đọc hiểu hiến pháp, đặc biệt là phần viết về quyền con người, về quyền và nghĩa vụ công dân, chính là để mỗi cá nhân có nhận thức sâu sắc về giá trị hiến định của cá nhân mình trước xã hội, trước chính quyền và trước lịch sử. Đọc hiểu hiến pháp để hiểu về quyền của mình, để từ đó biết vận dụng những quyền hiến định ấy để đấu tranh đòi hỏi xã hội phải thay đổi, đòi hỏi chế độ phải cải cách thậm chí bãi bỏ các điều luật gây cản trở sự tiến bộ xã hội. Chính trong quá trình ấy, nhận thức của mỗi cá nhân sẽ tăng dần theo thời gian khi ý thức về quyền con người được khai phóng. Chỉ có sự khai phóng ấy mới khiến mỗi cá nhân ý thức được sức mạnh của mình, ý thức được vai trò của mình và đồng thời cũng ý thức và trân trọng được cái giá của hòa bình. Một đám đông man rợ chỉ có thể hành xử một cách man rợ, kết thúc cũng sẽ là sự hỗn loạn trong man rợ. Một cộng đồng văn minh sẽ có sức mạnh đẳng cấp với lối đấu tranh trong sự văn minh. Và chỉ có như thế mới đạt được nền tảng cho một xã hội dân chủ văn minh. Khi một xã hội đủ trưởng thành, nó sẽ có đủ trình độ và văn minh để viết cho mình một bản hiến pháp mới, trong hòa bình.
3. Những quyền lực nào bạn có khi nhận thức sâu sắc về quyền con người và quyền công dân? Có vô số thứ mà mỗi cá nhân có thể làm và có khả năng làm được một khi tư duy được khai phóng. Nếu hơn 30 triệu người dùng Internet ở Việt nam, những cử tri trong hiện tại và trong tương lai ý thức được giá trị của mình, thì điều đầu tiên mỗi người có thể làm, là việc biến những lá phiếu trong kỳ bầu cử kế tiếp trở thành một phương tiện thể hiện quyền lực xã hội, thay vì chỉ là một tờ giấy lộn như vài chục năm qua. Mỗi công dân đều có quyền lựa chọn người đại diện cho mình trước khi bỏ phiếu, và nếu danh sách ứng viên do chế độ hiện hành lập ra hàng năm chỉ gồm toàn những thứ mà các bạn cho là ăn hại, thì không ai cấm mỗi người gạch tên toàn bộ đám ăn hại ấy trước khi bỏ phiếu vào thùng. Chế độ có thể nhắm mắt làm ngơ nếu chỉ có vài nghìn lá phiếu giống thế, nhưng khi con số lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu thì đó sẽ là một cú sốc gây chấn động. Đó sẽ chính là tiền đề cho một xã hội văn minh, nơi mỗi cá nhân ý thức được quyền lực và nghĩa vụ đối với xã hội của mình.
Internet đem lại một món quà đắt giá cho quyền lực thứ 4. Đây là nơi duy nhất mà người Việt nam có thể thực sự thể hiện được quyền lực giám sát xã hội của mình. Khi báo chí không còn giữ được vị trí của nó như một phương tiện tuyên truyền phục vụ chế độ trong dòng thác của mạng xã hội, rõ ràng, người Việt nam ngày nay có lợi thế hơn người Ba Lan những năm 1970 rất nhiều để thực hiện việc giám sát xã hội, chia sẻ quan điểm và hội tụ về tư duy, từ đó tạo thành động lực đối với xã hội. Trong những ngày qua, nhiều vấn đề được nhiều người Việt nam xới lên trên các trang thông tin mạng. Và trào lưu này ngày một nhiều, đáng mừng thay, đó chính là một phần của cuộc cách mạng ba ngọn thác đang làm biến đổi xã hội Việt nam. Sự trưởng thành của người Việt, ý thức trách nhiệm đối với xã hội và sự quan tâm tới cộng đồng ngày một nhiều hơn trong dòng thác đang diễn ra này. Chính những điều đó đang làm xã hội thay đổi, chính những điều đó đang khiến mỗi cá nhân ngày một trưởng thành và khai phóng về mặt tư duy, chính những điều đó đang giúp đất nước biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Một trí thức khai phóng Nhật Bản từng nói với Phan Bội Châu vào đầu thế kỷ 20: “Quý quốc đừng lo không giành được độc lập dân tộc, mà Quý quốc cần phải đối mặt với nỗi lo dân tộc không có đủ tư cách có được độc lập”
Anh Lãng cũng muốn chia sẻ điều này với các bạn: “Các bạn đừng lo Việt Nam không có dân chủ. Điều các bạn cần lo là dân tộc này không có đủ tư cách để có được dân chủ”
Ba Lan mất 15 năm, tính từ 1974 - 1989, trong thời đại không internet và đất nước bị kìm kẹp trong bức màn sắt với thế giới văn minh. Việt Nam năm 2015 được kết nối với thế giới, có tới hơn 30% dân số thông thạo internet và mạng xã hội, nơi mỗi công dân có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm và thực hiện quyền giám sát xã hội của mình. Chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm nếu thực sự khai phóng trở thành một động lực cho mỗi con người???

26 comments:

  1. Nguyễn Bá Quỳnh: Solidarnosc là phong trào của giai cấp công nhân. Lech Walesa là thợ đóng tàu đích thực đấy bác ah. Sau khi lên nắm chính quyền chả biết lãnh đạo, mới thua đảng cánh tả (đcs cũ) ngay kỳ bầu cử sau

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tuan A. Phung: thế bác thấy cái nhận xét về Ba Lan như một " xã hội đa nguyên trên nền tảng của một xã hội đã được khai phóng về dân trí" [mà tôi nghĩ nên nói là "..xã hội đa nguyên trên nền tảng của dân trí đã được khai phóng.."] thế nào? Hay nhận xét "..công đoàn đoàn kết thay vì một đám đông hỗn loạn và hung hãn, trở thành một tổ chức xã hội có sức mạnh vượt trội và được định hướng đúng đắn bởi dòng chảy tri thức..." người Ba Lan đạt tới một trình độ nhận thức hoàn toàn khác biệt về xã hội và nhân quyền.... có sự trưởng thành hơn hết về việc chấp nhận và dung hòa sự khác biệt.." ?? Các bác đánh giá ra sao?

      Delete
  2. Nguyễn Bá Quỳnh: Xã hội nào cũng cần nhìn về phía trước dù starting point thấp đến đâu. Các chí thức viện cớ abc thường là giai cấp thống trị đấy mà :)

    ReplyDelete
  3. Tuan A. Phung: Mục đích chính của bài có phải muốn "viện cớ" đổ tại dân trí để làm gì đâu bác Nguyễn Bá Quỳnh Chủ yếu người viết muốn highlight cơ sở và nguyên nhân thành công chuyển đổi chính trị bắt nguồn từ thành công của nỗ lực tự improve dân trí và tư tưởng của quần chúng ở Ba Lan thôi mà ...

    ReplyDelete
  4. Nguyen Thanh Son: vấn đề này thực ra các cụ cũng đã cãi chán ra rồi, nên các cụ mới đề ra đường lối đầu tiên là "khai dân trí" rồi "chấn dân khí"..vv

    ReplyDelete
  5. Pham Quang Tuan: Nhưng khi chính quyền không những không khai dân trí mà còn làm cho nó tệ hơn thì không thể đợi khai dân trí được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Thanh Son: dớ dẩn, ai đợi chính quyền, tự mà đi làm chứ chờ đợi đến bao giờ

      Delete
  6. Nguyễn Bá Quỳnh: Ý tôi nói là không thể chờ dân trí cao lên rồi mới dân chủ bác Pat ah. Dân chủ là động cơ để xã hội tốt lên và loại bỏ cái xấu một cách hòa bình nhất. Còn việc áp đặt dân chủ thì bản thân hành động ấy không phải là dân chủ rồi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi ủng hộ mọi cách thức hành động với diễn biến hòa bình để tác động một cách tích cực. Bây giờ là lúc phải có phản biện mạnh mẽ và thái độ dứt khoát chứ không thể cứ "ấm ớ" mãi được.

      Delete
  7. Nguyen Hoang Linh: Rieng gi Ba Lan dau, Hung cung da tung lam rat tot!

    ReplyDelete
  8. Huỳnh Phước Sang:
    (1) Ai bẩu chế độ hiện hữu ở VN là Cộng Sản? Có chăng chỉ là tên gọi!

    (2) Ai bẩu nếu VN có dân chủ thì nó sẽ giống được nền Dân Chủ ở các nước tiên tiến? Có được ưu điểm của Dân Chủ, hay cũng chỉ là có cái tên???

    Vấn đề không nằm ở Thể Chế mà nằm ở Bản Chất Nhà Cầm Quyền là gì! Một Nhà Cầm Quyền Tốt thì dù với tên gọi gì vẫn tốt, và ngược lại!

    Để có Nhà Cầm Quyền Tốt, đổi tên gọi của họ chả ăn thua đâu! Mà phải tạo sức mạnh từ Tri Thức Người Dân!

    Dân Ba Lan Tinh Hoa, họ có bị cầm nhầm cái búa để cắt cỏ không xong, họ sẽ biết chọn ngay cái Dao đúng để làm việc!

    Dân VN nào còn ngu chưa biết dùng công cụ, có ấn vào tay họ cái quái gì họ vẫn ngơ ngơ thôi!

    Ai mở mồm bảo tôi nguỵ biện mà không nói rõ nguỵ cái gì đừng trách sao tôi vô lễ nhá, nói trước!

    ReplyDelete
  9. Tuan A. Phung: Tôi không nghĩ bài này kêu gọi Việt dân ta phải hãm cái sự dân chủ lại chờ đến khi có dân trí .. thay vào đó trên cơ sở tóm tắt nguyên nhân thất bại của dân các xứ lao đầu đi làm cách mạng mà không hiểu muốn có dân chủ mình cũng phải dự phần bằng tự thực hành/ học hỏi nâng cao hiểu biết/khả năng về dân chủ và khả năng tự làm chủ bản thân bác Quỳnh ạ. Dùng "best practice" của Balan để minh họa, bài viết nằm trong chuỗi 2 bài đề nghị cách thực hành dân chủ từ từ qua đó gây tác động biến đổi xã hội và chính trị một cách hòa bình và có tri thức, thay vì lao đầu xuống đường "làm sóng" cho bên này hay bên kia cưỡi ... Vì thế tôi quan tâm quan điểm của các bác về tình hình ở Ba Lan ...

    ReplyDelete
  10. Nguyễn Bá Quỳnh: Tôi nghĩ khó dùng best practice của Ba Lan được. Ba Lan là nước ngoan đạo Thiên Chúa nhất thế giới với hơn 90% con chiên ngoan đạo (thời trước 1989). Ba Lan đã xảy ra báo động và đổ máu trước khi Solidarnosc thay đổi chính quyền. Tôi không đồng ý về dân trí, nhưng thấy rõ niềm tin công giáo đã tạo sức mạnh cho dân Ba Lan như thế nào. VN thiếu sức mạnh này

    ReplyDelete
  11. Tuan A. Phung: Nếu quả thực thiếu cả dân trí lẫn dân khí mà không buồn làm/làm không được. trong lúc đó thì đầy những mưu sỹ kiểu Phạm Thị Thảo nhăm nhe khai sáng/cải đạo bằng like fbook, thiết nghĩ ai dám chắc cái Vietnam thực sụ cần là thực hành dân chủ chứ không phải chỉ là trò giật tít câu like mua vui trên mạng xã hội hỉ ...

    ReplyDelete
  12. Nguyễn Tuấn Trung: Chả biết thầy này căn cứ vào đâu mà phán là Ba Lan có một nền dân trí khai sáng đặc biệt. Cụ tỷ là so với các nước cùng cảnh ngộ như Tiệp, Hung, Đông Đức thì chẳng có gì hơn, có khi còn kém. Phát triển cũng không đến mức thần kỳ so với mấy bác kia. Vuốt râu so với U thì may ra.

    Túm lại là Ba Lan làm được một số thứ khá tốt, nhưng a na li dít ra là vì có cái này cái kia mới làm được thế, không có thì còn lâu, thì chỉ là bói dựa thôi. Cứ như luận xem làm sao nhìn một đứa bé mà biết được nó có học bơi được không ý. Mỗi thằng mỗi tạng, không ném xuống nước phán thế quái nào được!

    ReplyDelete
  13. Tuan A. Phung: Nói chung "thầy" cũng chịu khó google & đọc kha khá trước khi "phán" và có lẽ là đã có giả định từ trước khi viết, nên đọc nhiều đoạn viết như để minh họa suy nghĩ chủ quan từ trước. Tuy nhiên vẫn không có cái google search nào thay được first-hand experience/exposure của những người đã sống trong lòng xã hội Ba Lan ... Dù vậy dùng ví dụ Ba Lan để minh họa lại ý cần "khai, chấn, hậu" của cụ Phan trong context mới cũng làm cho bài viết trở nên thú vị & hiện đại hơn .... Tuy vậy mục giải pháp: đọc hiến pháp & thực hành dân chủ nghe có vẻ hơi đơn giản và không thực tế lắm, có lẽ cũng bắt nguồn từ việc bản thân người viết không có thực tế Ba Lan mà mình rao bán ...

    ReplyDelete
  14. Hưng Kokichi: Việt Nam dần dần cũng sẽ dân chủ thôi vì các lực tác động quá lớn em list dưới đây mà không chính quyền nào cản được :
    + Sự tiến bộ như vũ bão của Internet làm thế giới như xích lại gần nhau hơn. Vd như các sản phẩm như smartphone, quay lén...đưa hình ảnh âm thanh lên cloud như YouTube Blogger Facebook giúp người dân giám sát chính phủ tốt hơn.
    + Chính phủ có nói gì thì nói nhưng dân trí vẫn càng ngày càng tăng do có nhiều nguồn thông tin khác hay hơn tivi loa phường rồi. Có Google Facebook, có đi nước ngoài ngày càng đơn giản, có sự học hành càng ngày càng tiện lợi.
    + Xu thế người VN càng ngày càng ghét Tàu, thích cao bồi hay samurai hơn.
    Hãy để mọi thứ diễn ra từ từ, để cả chính quyền và người dân cùng hợp tác thay đổi là cách tốt nhất, các bác là số ít đi trước nên thấy sốt ruột thôi chứ 90M người quán tính lớn lắm ạ.

    ReplyDelete
  15. Nguyen Hoang Linh: Đông Âu khác VN nên mọi so sánh dễ thành khập khiễng. Tuy nhiên Đông Âu thời cộng sản cũng đã thực hành dân chủ từ sớm - 1953 Đông Đức, 1956 Hungary, 1968 Tiệp Khắc, 1981 Ba Lan... để có được biến chuyển sau này, chứ ko phải họ ngồi im chờ chính quyền khai dân trí cho họ (chính quyền nào cũng thích ngu dân cả).

    ReplyDelete
  16. Toan Dam: Có 2 luồng quan điểm chính: (1) dân chủ ngay và luôn; và (2) phải từ từ, nâng cao dân trí đã.

    Nhưng có ai chứng minh được là dân trí của VN còn rất thấp, đến mức chưa xứng đáng được hưởng dân chủ không?

    Tôi không nghĩ là dân trí của VN kém so với các nước trong khu vực (là những căn cứ để ta so sánh về kinh tế - chính trị - xã hội). Mọi người dân VN đều được học đạo lý làm người từ trong nôi - và những đạo lý đó là những nền tảng cơ bản của dân chủ (e.g. trung thực, trọng nghĩa, khinh tài, cảm thông, chia sẻ...). Còn về hiểu biết, dân ta cũng chẳng kém cạnh gì ai.

    Quyền được nói lên suy nghĩ và chính kiến của mình chẳng hạn - là chính đáng và không thể chối cãi. Khống chế quyền này của dân, chẳng khác nào chính quyền cố tình giam giữ một người vô tội. Và nhất quyết không chịu thả tự do cho họ, vì cho rằng - thả họ ra, có thể họ sẽ không biết nói gì hoặc nói linh tinh, vì họ có dân trí kém!

    Dân chủ cần một lộ trình nhất định. Nhưng VN đã để quá muộn và lỡ quá nhiều thời cơ và cơ hội. Lỗi do cả quan lẫn dân, cả vua Hùng nữa. Nhưng lỗi do quan là chính.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh: "Ngay và luôn" hiểu theo nghĩa cần thực hành dần dần từ bây giờ đi, có thể dăm ba chục năm nữa thì thành công. Chứ ko ai bắt ngay lập tức VN sẽ phải dân chủ như ở nước X nước Y.
      Nhưng cũng ko có bất cứ lý do hay cơ sở gì để ngồi chờ "dân trí cao" thì mới làm dân chủ. Ngược lại, từng bước thực thi dân chủ chính là cách hay nhất để gia tăng dần dần dân trí

      Delete
    2. Toan Dam: Đồng ý. "Ngay và luôn" ý tôi là cần thực hiện ngay những bước đầu tiên của lộ trình dân chủ - đó là cởi trói cho truyền thông, xuất bản. Các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tài liệu kinh điển cũng như các luồng tư tưởng mới về chính trị xã hội tôn giáo...etc.

      Delete
    3. Nguyen Hoang Linh @ Toan Dam: Thật ra cái lý do "dân trí thấp" là thứ chính quyền rất khoái. Nhưng chính họ làm cho dân trí thấp, ngu để trị, chứ còn ai nữa

      Delete
    4. Toan Dam: Tôi quan sát thấy, tại những nước có chính thể "hậu XHCN", có 2 thứ tự do nhất và rẻ mạt nhất, đó là rượu và thuốc lá. Những thứ này ở các nước giàu rất đắt, chỉ mua được ở những cửa hàng có giấy phép. Và người ta khống chế số lượng giấy phép (tức là số cửa hàng) của một khu vực nhất định, căn cứ trên số dân tại khu vực đó. Mục đích chính là bảo vệ sức khoẻ cho dân chúng. Vì cuối cùng, hậu quả và chi phí chữa trị bệnh tật hay sự nghiện ngập của mỗi người dân, cũng sẽ do nhà nước hoặc xã hội phải gánh chịu.

      Nhưng ở VN chẳng hạn, ban ngày có bức xúc đến mấy, nhưng chiều tối làm vài xị, chửi đổng, rồi về ôm vợ ngủ, sáng hôm sau lại dụi mắt dắt xe lề rề đi làm. Rượu bia thuốc lá ê hề như thế, thì còn đầu óc nào mà nghĩ đến lý tưởng, đến hội họp, đấu tranh, cương lĩnh với cả đường lối. Mặc dù chính quyền rất thèm tiền, nhưng họ không đánh thuế cao vào hai thứ "vũ khí" đó của chính thể.

      Delete
  17. Tuan A. Phung: Có câu "muốn mau thì phải từ từ" (nhưng phải dùng hướng, đương nhiên) tôi nghĩ cũng có phần đúng cho việc phát triển. Chứ còn cãi nhau về dân chủ và dân trí, cái nào cần trước - làm như chúng có thể phát triển độc lập với nhau - tôi nghĩ cũng là chuyện luẩn quẩn như kiểu logic "con gà và quả trứng" ...

    ReplyDelete
  18. Nguyễn Bá Quỳnh: Nói theo Lou Gerstner "the last thing we need is the vision." :) and he put the slogan "execution execution execution" to save IBM , kiểu "làm, làm nữa, làm mãi" :)

    ReplyDelete
  19. Son Hoang: Đông Âu trước XHCN đã là tư bản phát triển, thậm chí đã là đế quốc như Áo-Hung nền tảng quá khác, tác giả chỉ nhìn Ba lan mấy chục năm từ sau ww2 mà phán như VN.

    ReplyDelete