Sunday, October 4, 2015

Tướng Giáp và đường mòn Hồ Chí Minh

Xin được share lại bài này, nhân 2 năm ngày mất của Đại tướng, Năm nay, ngày này trùng với ngày giỗ Lê Lợi ỏ Lam kinh, Thanh hóa, mà tình cờ nhờ đi trên đường Hồ Chí Minh mà mình được chứng kiến,
Nói theo ý của anh Võ Vo Dien Bien, xin được "ngẩng đầu cám ơn các vị tiên tổ"!
(Nguyễn Thành Nam)

Trong chúng ta ai cũng biết đến cá nhân Võ Nguyên Giáp và trận Điện Biên Phủ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Nhưng chắc sẽ rất nhiều người lúng túng với câu hỏi: tướng Giáp có vai trò cá nhân gì trong cuộc chiến khốc liệt hơn lần thứ hai?

Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Cho đến khi đọc xong cuốn “Con đường dẫn đến Tự do – The Road to Freedom” của tác giả Virginia Morris.

Nếu chỉ được chọn ra một lý do khiến Mỹ phải thất bại ở Việt nam, rất nhiều những nhà nghiên cứu quân sự đã đi đến kết luận rằng đó là việc Mỹ không thể chặn đứng con đường tiếp tế vào Nam. Trong hồi ký của mình, McNamara đã phải thừa nhận, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như B52, hàng rào điện tử, hay dã man nhất như chất diệt cỏ, bom bi và napal, quân đội Mỹ đã bất lực trong việc bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh.

Đó không phải là một con đường mà là một công trình xây dựng kỳ vĩ trong lịch sử quân sự của loài người với hơn 20,000 km đường ngang dọc. 20,000 chiến sĩ đã hy sinh, 6000 còn mất tích, và hơn 30,000 người bị thương nặng để giữ cho con đường luôn thông suốt dưới mưa bom của không quân Mỹ đã ném hơn 4 triệu tấn bom xuống đây.

Virginia là phóng viên nước ngoài đầu tiên đi hết con đường này từ điểm đầu làng Lát (Tân kỳ) vượt đèo Mụ giạ sang Lào, qua đường 9, đến Muong Nong, Saravane, Sekong, về Ngã Ba Đông Dương và kết thúc tại Chơn Thành, cách thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 70km. Hành trình “xẻ dọc Trường sơn” này của cô, chủ yếu là đi bộ đã thuyết phục được tướng Giáp dành cho cô một cuộc phỏng vấn.

Nội dung cuộc phỏng vấn này tôi chưa hề được đọc bằng tiếng Việt. Nhưng đã lý giải cho tôi rất nhiều về triết lý chiến tranh cũng như những quyết định quan trọng mà đại tướng đã trải qua. Và sự liên hệ giữa trận Điện biên phủ và cuộc chiến thống nhất đất nước. Tôi đặc biệt tâm huyết với niềm tin của đại tướng: Có thể duy trì cuộc chiến bằng chiến tranh du kích nhưng chỉ có thể kết thúc cuộc chiến bằng chiến tranh thông thường. Xem ra điều này cũng rất đúng trong kinh doanh, nếu hiểu kết thúc là xây dựng được nghiệp lớn.

Xin được dịch nguyên vẹn bài phỏng vấn từ cuốn sách tại đây:

Tại sao chúng tôi lại xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh? Vì người Mỹ tấn công chúng tôi. Chủ tịch HCM đã dự đoán được chiến tranh sẽ kéo dài, nhưng chúng tôi nhất định sẽ thắng.
Quân đội non trẻ của chúng tôi đã học được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt từ trận Điện biên phủ. Một trong những bài học đó là vai trò cực quan trọng của hậu cần. Từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã biết Mỹ  với chiến lược “Phản ứng linh hoạt”, trước sau rồi cũng sẽ đưa quân vào Việt nam. Bởi thế chúng tôi phải tính kế lâu dài. Tôi biết rằng, nếu chúng tôi muốn thắng, chúng tôi phải mở rộng mặt trận của cuộc chiến tranh du kích lúc đó, chúng tôi phải đánh những trận lớn hơn. Tháng 5/1959 tôi đã ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh.

Ban đầu, chỉ có đường đi bộ. Sau đó mới mở đường rộng. Để ngụy trang và cũng để có rau ăn, chúng tôi đã trồng những cây leo dọc theo hàng rào hai bên đường đan thành vòm. Tôi đã học được điều này từ Điện biên phủ.

Khi đường Đông Trường sơn bị chặn đứng, tôi đã ra lệnh mở đường Tây Trường sơn. Vùng này toàn những dốc đá tai mèo dựng đứng. Lần đầu tiên anh em báo lại, không thể làm được. Lần thứ hai anh em báo lại quá nhiều núi và đá. Lần thứ ba, tôi ra lệnh cắt đá mà đi. Con đường chạy sang Lào qua Tà lê. Tôi đã đứng đó khi mở cửa khẩu Tà lê. Từ đây con đường được mở sang phía Tây, sang nước bạn. Và cũng từ đây xuất hiện bài hát: Trường sơn Đông, Trường sơn Tây. Bài hát thật là hay và đã giữ vững tinh thần của những người mở đường, trong điều kiện máy bay Mỹ ném bom 23 trên 24 giờ mỗi ngày. Tôi đã gặp những đại đội công binh toàn các chị em gái, họ làm nhiệm vụ lấp hố bom và phá bom nổ chậm. Tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến điều kiện sống cực kỳ kham khổ của họ. Tôi có nhiều những kỷ niệm đau thương như vậy.

Từ Tà lê, tôi đã đi về phía Nam theo đường Tây Trường sơn. Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về việc chỉ mở đường đi bộ hay sẽ mở đường cho xe cơ giới vì lúc đó mới chỉ có bộ đội hành quân với ba lô trên vai. Tôi đã ra lệnh mở đường cho xe tải. Ngay cả sau khi có đường, cũng vẫn còn có ý kiến lưỡng lự là có đưa xe tải vào hoạt động không vì không quân Mỹ có rất nhiều loại vũ khí mới để tiêu diệt xe tải. Và quan trọng hơn nữa là xe tải cần xăng. Tôi đã đưa một đồng chí làm tư lệnh bảo đảm việc vận chuyển xăng dọc đường HCM. Đó là một dự án ghê gớm!

Trong một lần sang thăm Nga để xin viện trợ pháo cao xạ và tên lửa, nguyên soái Grechko đã hỏi
- Tôi đã xem kỹ các tấm ảnh đường mòn mà đồng chí đưa. Tôi chẳng thấy xe cộ đâu cả, chỉ thấy voi
Tôi đã trả lời:
- Đường mà các đồng chí thấy có voi là đường để ngụy trang, đường thật được dấu trong rừng già.
Sau khi được trang bị vũ khí phòng không, con đường tiếp tục đi sâu vào rừng rậm Lào đến Atopo. Tôi đã đến gần Atopo và ra lệnh mở đường xuyên cao nguyên Bô lô ven đang là vùng tranh chấp ác liệt.

Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, có những lúc con đường bị phong tỏa hoàn toàn. Đã có những ý kiến là Việt nam chỉ có thể tiến hành chiến tranh du kích tại chỗ, không thể thực hiện tấn công trực diện được. Tôi không tin vào điều đó, chỉ có thể kết thúc chiến tranh bằng cuộc chiến thông thường, và đã ra lệnh mở đường bằng mọi giá. Cuối cùng, khi con đường chạm đến cửa ngõ Sài gòn ở Lộc ninh, chúng tôi đã sẵn sàng để chiến thắng.
Các kỹ sư của đường Trường sơn rất khéo léo và chịu nhiều hy sinh. Trong đó có rất nhiều các cô gái, đang tuổi lớn. Họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường. Và khi trở về họ đã không còn trẻ như cô (tác giả Virginia) nữa.

Để biết tại sao họ lại mạnh mẽ thế, cô phải nghe các bài hát. Họ đã tìm thấy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, tìm thấy sức mạnh để vượt qua những hy sinh khủng khiếp cho sự nghiệp thống nhất đất nước, trong giai điệu và ca từ của những bài hát ấy. Rất nhiều lần, tôi đã khóc khi nghe lại những bài hát và nghĩ về Trường sơn.

Tôi cám ơn cô rất nhiều đã đến thăm đất nước chúng tôi và đi dọc đường Trường sơn. Điều đó giúp cho thế giới hiểu rằng không có gì quí hơn độc lập tự do và không thế lực nào có thể tước đi quyền của một dân tộc được độc lập. Mặc dù tình hình thế giới đang rất phức tạp, tôi tin rằng hòa bình sẽ chiến thắng và tất cả loài người sẽ được tự do và hạnh phúc.

Virginia nhớ lại những gian khó mà cô đã vượt qua và chứng kiến trên đường: thưa đại tướng, tôi không nghĩ rằng tôi có thể chiến đấu trong điều kiện như vậy.

Tôi tin rằng nếu lúc đó cô là một cô gái Việt nam, cô sẽ lên đường đi Trường sơn.

Saved from Nguyễn Thành Nam's post

28 comments:

  1. Giang Le: Thanks anh rất nhiều về bài này. Sao những con người đang xét lại và phê phán cuộc chiến này là phi nghĩa, là sai lầm không đọc và thấu hiểu được những điều này nhỉ? Để thấy được tại sao chúng ta đã chiến thắng? Để thấy được ý nghĩa của cuộc chiến giải phóng dân tộc.

    ReplyDelete
  2. Bùi Việt Hà: Rất hay Nam à. Anh copy bài này về nhé.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: Vâng anh Bùi Việt Hà, còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về lịch sử!

      Delete
    2. Bùi Việt Hà: Đúng vậy Nguyễn Thành Nam. Và cả các bài học của nó nữa.

      Delete
    3. Nguyễn Thành Nam: Tướng Giáp luôn là người của những bài học từ thực tế anh Hà ạ. Nên từng chữ trong quyết định của ông đều rất có sức nặng! Bây giờ chúng ta hời hợt trong câu chữ, thiếu kiên quyết trong hành động, nên không thành việc lớn là đương nhiên!

      Delete
  3. Nguyễn Thành Nam: Mọi người có thời gian nên đi xem bảo tàng Đường Trường sơn ở Ba la Bông đỏ, rất bổ ích

    ReplyDelete
  4. Techpal Gia Đình: Em vẫn nghĩ rồi mình sẽ lạc hậu, rồi mình sẽ nhiều tuổi, em vẫn đang nghĩ liệu mình sẽ nghỉ hưu sẽ về vườn theo cách nào? Về vườn theo cách Việt Nam hay Nhật Bản? Cách nào sẽ tích cực hơn, cho thế hệ sau nhiều hơn?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: không biết em bao nhiêu tuổi mà lo xa quá vậy:-)

      Delete
    2. Pham Thinh: Nguyễn Thành Nam, câu hỏi đó là hỏi chung cho tất cả những ai liên quan đến cuộc chiến, đặc biệt là người Việt Nam, trong đó có cả anh nữa đó. Em nghĩ đã trưởng thành rồi thì ai cũng có quan điểm của riêng mình, cần j đủ tuổi hai không hả anh.

      Delete
    3. Nguyễn Thành Nam: Pham Thinh,ý anh là đủ tuổi để hiểu được cái giá của độc lập tự do. Không phải tuổi sinh học em ạ!

      Delete
    4. Pham Thinh: Nguyễn Thành Nam, em hiểu đủ tuổi của a là thế nào chứ, thế nên e mới nói trưởng thành là có quan điểm riêng của mình cần gì đủ tuổi. Nếu có ai đủ tuổi như anh nói giải thích cho đám hậu bối bọn em hiểu thì tốt quá. Đằng nài từ hồi đi học đến giờ, từ trường học đến trường đời chưa nghe thấy lời giải thích nào thỏa đáng cả. Vì vậy cho đến bây giờ em vẫn không hiểu độc lập tự do là cái anh nào mà ghê gớm thế, nó có thể đánh đổi cuộc sống, tính mạng, hạnh phúc của hàng triệu người.

      Delete
    5. Nguyễn Thành Nam: Pham Thinh, Anh thấy em còn trẻ và đã biết cách đặt câu hỏi để trăn trở: Vậy thì thực sự tự do có đáng giá như vậy không? Anh cũng không biết em ạ. Hành trình tìm câu trả lời đấy chính là sự trưởng thành. Trường đời mà anh em mình đang sống này quá đơn giản. Em thử bắt đầu đọc cuốn hồi ký của Ben Guron, người sáng lập nhà nước Israel hiện đại xem!

      Delete
    6. Hải Nguyễn Thúc: Xin được chia sẻ suy nghĩ nhỏ. Câu hỏi của bạn Pham Thinh rất hay và ai cũng có quyền đặt ra, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ có câu trả lời chung thỏa mãn tất cả mọi người. Và cho dù là người có đủ điều kiện về tuổi sinh học hay độ trưởng thành thì cũng không thể tự tin vào câu trả lời của chính mình. Mãi mãi đây sẽ là dấu hỏi đầy trăn trở của từng cá nhân, từng cộng đồng và thậm chí của từng dân tộc và câu trả lời (nếu có) hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Độc lập, tự do có thể là một nhu cầu thực sự của con người, nhưng nhiều khi cũng chỉ là một phương tiện chính trị. Lịch sử loài người đã minh chứng điều đó. Nhận thức được thực tế trần trụi của các ngôn từ hoa mỹ của các chính trị gia ta sẽ thấy như trút đi được những áp lực về tinh thần để có thể dồn tâm lực vào những công việc nhỏ bé nhưng thực sự có ích hơn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. (P/S. Nhất trí với Nguyễn Thành Nam là hệ thống truyền thông bây giờ đang mải ¨đánh võ mồm¨ với TQ, nhưng e rằng nhiều người trong chúng ta - những người tạm coi là được học hành tử tế - cũng đang vô tư ¨tham chiến¨ đấy! :) ).

      Delete
  5. Le Duc: Chắc chỉ ở Việt Nam mới phải sử dụng nhiều bài học kinh doanh trên cơ sở của bài học của chiến tranh. Mà các cuộc chiến tranh của Việt Nam hình như toàn là cuộc chiến Giải phóng dân tộc, chống giặc ngoại xâm. Bị đô hộ, chiếm đóng vài chục, vài trăm năm, bị áp bức lên cực điểm rồi mới bật lại được hoặc là những cuộc chiến nồi da nấu thịt (ngoại trừ cuộc chiến của Lý Thường Kiệt đem quân sang TQ tấn công). Rất tự hào, nhưng giá Việt Nam có nhiều cuộc chiến mang tính chinh phạt, có lẽ bài học kinh doanh mà dựa trên điều này thì sẽ tốt hơn. Kể ra bài học kinh doanh mà không phải rút ra từ xương máu của bao con người vẫn là hay nhất. Thôi thì lịch sử không thể thay đổi (nhưng có thể được viết lại :))), vì vậy điều quan tâm bây giờ là làm sao có thể tránh được một cuộc chiến phải đi giải phóng, mệt lắm :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: Mỹ mới là đại ca về việc áp dụng các bài học chiến tranh trong kinh doanh em ơi

      Delete
    2. Le Ha Duc: Hôm nọ nghe anh kể chuyện này em cũng nghĩ mãi. Đúng là bắt đầu bằng chiến tranh du kích trong kinh doanh luôn dễ, nhưng hiện đại hoá nó khó và em cũng cảm giác hơi bí thật :)

      Delete
  6. Hải Nguyễn Thúc: Một thắc mắc nhỏ: một cuốn sách hay với những tư liệu mới như vậy mà chưa thấy có một nhà báo, nhà sử học nào khai thác nhỉ? Mà từ khi Tướng Giáp mất đến nay đã có không biết bao nhiêu bài viết về Cụ nhưng cũng ít thông tin mới. Hay là đã có mà mình không biết?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: Anh Hải Nguyễn Thúc, em cũng ngạc nhiên, là khi chỉa sẻ với a Biên mới biết là gia đình nhà bác Giáp không biết cuốn sách này.Em trao đổi với Virginia thì biết là cuốn sáchđã được con trai của tướng Đồng Sỹ Nguyên dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2012. Hệ thống truyền thông bây giờ có lẽ mải đánh"võ mồm" với TQ anh ạ

      Delete
  7. Phạm Minh Tân: Ba em hồi đó hành quân từ Bắc vào đến Tây Ninh đúng 6 tháng, đi dưới mưa bom, làn đạn "đẹp" như anh kể ở trên đó.

    ReplyDelete
  8. Hoang Do Thanh Tung: Em hay nói trong lịch sử VN không có công trình nào vĩ đại, đường Trường Sơn có phải là công trình vĩ đại không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: Hoang Do Thanh Tung, Đường mòn HCM là đã từng là công trình quân sự kỳ vĩ em ạ, rất tiếc là rừng già đã "ăn lại" gần hết đường Trường sơn rồi!

      Delete
  9. Mai Dinh Hoang: Trong kinh doanh liệu có tồn tại tư tưởng " duy trì bằng chiến tranh thông thường và kết thúc bằng chiến tranh du kích" không anh Thành Nam?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: Mai Dinh Hoang, có chứ, khởi nghiệp thì hoành tráng, sau tan dần rồi mất hút. Anh có ít nhất vài case như vậy, cùng thời với anh

      Delete
    2. Mai Dinh Hoang: Chắc hẳn như vậy rồi anh. Vấn đề là: về mặt triết học ( hay tạm gọi là lý luận đi ) cứ đi ngược lại lý luận đó có thể tìm được tư tưởng mới, không phải (tất nhiên) một số người đã dùng tư tưởng này rồi anh ah ( các chính trị gia chẳng hạn ). Sau cùng điều em hình dung là: khi khoa học công nghệ phát triển lên mức nào đó liệu tư tưởng này có thay đổi không anh?

      Delete
    3. Nguyễn Thành Nam: Mai Dinh Hoang, lúc đó có thể gọi là chiến tranh nhân dân được thực hiện ở trình độ cao. Hiện tại thì đại cao thủ trong lĩnh vực này là Google trong cuộc chiến với Apple

      Delete
    4. Mai Dinh Hoang: Cảm ơn anh, giờ thì mình cứ đốt đuốc thôi, hy vọng tìm ra lối nhỏ để mọi người đi... và thành con đường...

      Delete
  10. Người Vận Chuyển: Bác Nam viết:kiến giải của anh đơn giản. Cơ hội cuối cùng để VN tránh được chiến tranh là từ năm 1947. Em quan tâm thì anh em mình có thể trao đổi thêm! Đầu năm 1947 Việt minh đang chạy re kèn, lấy đâu ra giải pháp quân sự. Ngày 23/4/1947, bộ trưởng ngoại giao Hoàng MinhGiám chuyển cho Bollaert thư của HCM đề nghị ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán để vãn hồi hoà bình và VN sẽ thuộc Liên hiệp Pháp. Rất tiếc là Pháp đã quá ảo tưởng vào sức mạnh của mình. Ngày 12/5, Paul Mus đã gặp HCM gần Thái nguyên và đòi Vietminh đầu hàng. HCM lắng nghe rất lịch sự rồi trả lời: “Trong khối Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho kẻ hèn nhát. Nếu tôi chấp nhận những điều kiện này, tôi sẽ là một người như vậy”.
    Nhưng nếu có tránh được năm đó sau này thì kiểu gì cũng vẫn choảng nhau thôi bác nhỉ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thành Nam: anh thực sự nghĩ là có thể tránh được, nếu Pháp tôn trọng Việt nam hơn

      Delete