Ngày xưa tôi nghe các cụ nói chữ "quốc" là chữ vương, nằm trong chữ khẩu chỉ vua ở trong phạm vi nào đó, để nói chữ Hán tượng hình rất hay. Điều đó không sai lắm, nhưng cũng giống chuyện cò mang em bé đến, có ích cho trẻ em.
Thực ra "quốc" trong chữ Hán có 3 chữ 囯, 国, 國. Các chữ ở trong lần lượt là "vương", "ngọc" và "hoặc". Chữ cố xưa nhất là chữ quốc có chữ hoặc, ta sẽ gọi là "quốc h". Hiện tại Đài Loan vẫn dùng chữ này. Chữ quốc có chữ vương, ta sẽ gọi là "quốc v", thịnh hành vào thời Minh Thanh. Thái Bình Thiên Quốc ban bố đạo luật dùng chữ "quốc v", do đó ngày nay nhắc tới Thái Bình Thiên Quốc, các học giả Trung -Đài đều dùng chữ "quốc v", các cụ ta học chữ Tàu hẳn cũng lấy chữ này. Có lẽ vì thế mà Thái Bình Thiên Quốc phong vương cho khoảng 2000 người và thất bại. Chữ quốc có ngọc tạm gọi là "quốc n" được một số người dùng từ thời dân quốc. Năm 1956, Trung quốc cải cách chữ viết, Quách Mạt Nhược, chọn chữ "quốc n" với lý do đánh đổ cường quyền phong kiến. "Quốc n" hàm ý trong nước có ngọc quý, tài vật phong phú, con người trân quý.
Trong Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận đời Đông Hán có viết về chữ quốc có thể tạm lược ý như sau: Chữ "quốc" theo chữ "hoặc", ấy là lấy chữ "qua" 戈 (nghĩa là binh khí như trong chữ "can qua"), ý nói mang binh khí bảo vệ thổ địa. Việc tán quốc thành "ngọc" hay thành "vua" không phải nguyên nghĩa. Quốc với người Hán hình thành do đánh nhau.
Với những ai nghi ngờ Hứa Thận tiên sinh nói xàm, cần nói thêm: Hứa Thận, tự Trọng Văn, học giả Trung Hoa thời Đông Hán (năm sinh năm mất không rõ tạm tính trong khoảng năm 49-159 sau công lịch). Ông được đời sau tôn vinh là "Tự thánh" (Thánh chữ) với tác phẩm "Thuyết văn giải tự".
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
No comments:
Post a Comment