Tình cờ đọc được mấy thành ngữ chữ Hán. Sách Hán Thư viết: "Hiếu tuyên chi trị, tín thưởng tất phạt, tổng hạch danh thực."
Phép trị nước thời Hiếu Tuyên Đế (đời Hán), thưởng có bằng cớ, phạt phải chắc chắn, hỏi kỹ cả danh hiệu và thực lực.
Tín thưởng tất phạt: có thành ngữ tiếng Việt tương đương là "thưởng phạt phân minh". Hay và gọn, nhưng vì trừu tượng mơ hồ nên áp dụng hay bị chủ quan lợi dụng. Thằng chó chết có quyền nào mà không tự bảo thưởng phạt của mình là phân minh (rạch ròi). Tín thưởng: thưởng phải xác tín, phải xứng đáng, phải có bằng cớ. Tất phạt: Phạt phải chắc, đúng tội, không oan. Thưởng không tín, bắt đầu chỉ nhỏ như móng tay, lao động tiên tiến, rồi sẽ tới những danh hiệu to như cái đình. Nếu chỉ vậy không sao. Thưởng không tín, ắt kéo theo phạt chẳng tất. Phạt oan, phạt láo, đổ bậy thị phi. Rồi dẫn đến dối trá thành tật mà mất niềm tin, mất niềm tin sẽ để lũ trẻ làm bậy, di họa nhiều thế hệ, tẩy trừ không dễ.
Tổng hạch danh thực: hỏi chung kỹ càng cả về danh và thực lực. Cái này thì quá rõ. Danh không đi với thực. chẳng ai dám hỏi vì kẻ có danh hạch người có thực lực.
Lẽ trị nước có khi đơn giản chỉ ở một thành ngữ như vậy. Vì thế người dịch không nên giản lược ý gốc.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
No comments:
Post a Comment