Có lẽ cha tôi để lại cho tôi cái thú đọc thơ Đường vào những ngày Tết. Điều đó chẳng liên quan gì với việc nệ cổ, phụ thuộc vào văn hóa Trung Hoa hay mê Mao như ngày nay chúng ta hay nghĩ theo một công thức nào đó. Trái lại, cha tôi là một người Tây học, thuộc làu văn học và triết học phương Tây, thích công nghệ, kỹ thuật, làm thơ, rốt cuộc lại viết tiểu thuyết. Ông luôn ghét Mao, vào những năm 60, chỉ có ông là chăm chỉ mượn Temp Nouveau, Humanité về xem thường xuyên, không bị chụp mũ là xét lại đã là giỏi. Truyện Tàu ông đọc trước quên sau, phải nhờ tôi nhắc điển cố. Nhưng thơ Pháp ông nhớ và đọc thuộc lòng nguyên bản vanh vách.
Một năm hai lần, cha tôi lại dở tập thơ Đường đọc. Cha tôi có một giọng ngâm thơ không ai có. Nữ ca sĩ Tân Nhân nhiều lần đến để cha tôi dạy cho vài bài làm tủ biểu diễn. Cha tôi giải thích đó là kiểu ngâm thơ cổ, học lại của ông nội tôi. Hồi bấy giờ Đài tiếng nói Việt Nam có mục Tiếng Thơ phát vào lúc 11g đêm, với hay giọng ngâm nổi tiếng của Châu Loan ngâm theo lối miền Trung và Trần Thị Tuyết ngâm theo giọng Bắc. Hai bà ngâm đều hay, như rót mật pha vị đắng vào lòng người nghe, quặn thắt. Có điều chúng quá đều đặn, giống nhau, tuần hoàn theo một kiểu kéo dài ra vô tận. Nếu ngâm một bài dài lại lặp lại giai điệu từ đầu. Không có chỗ sáng tạo cho người ngâm. Như bài trường ca Chim Chơ rao, ngâm theo lối Châu Loan và Trần Thị Tuyết đều dở, vì các điểm cao trào không theo cái vòng tuần hoàn của lối ngâm đó. Cha tôi làm thơ cũng như vậy, tiết tấu âm điệu đều bất ngờ, vút lên hoặc đột nhiên đứt đoạn, chơi vơi. Ông nói "Âm điệu của Thơ là quan trọng, nhưng quá vần điệu sẽ kém tư duy, vì ru ngủ."
Cách ngâm của cha tôi khá ngẫu hứng, giọng và âm điệu thì rất cổ nhưng không hề đóng khuôn. Nhiều đoạn lên xuống giọng, ngắt, luyến rất đột ngột. Chính vì vậy mà tôi không thể học được. Kể cả cô Tân Nhân cũng chỉ học được từng bài. Quyền điều tiết nhịp điệu là theo cách giải nghĩa bài thơ của cha tôi.
Cha tôi nhớ lại, khi bà tôi còn sống. Mỗi buổi sáng, từ 5g, trời còn tối đất, bà tôi (chắc hồi đó mới hai mấy) dậy sớm chỉ bảo công việc cho người nhà, không quên nhóm lò đun nước cho ông. Ông ngồi trên sập, tự tạy pha trà, bà trang điểm, chải tóc, mặc đồ nghiêm trang đến ngồi đối ẩm. Ông tôi mời trà và ngâm thơ Đường, bà thành kính say mê ngồi nghe. Cứ thế cho tới mờ sáng. Ngày nào cũng như ngày nào.
Bà tôi mất sớm, có lẽ chưa tới 30, cha tôi mới chừng 7 tuổi, cô Thanh Hương khoảng 4-5 tuổi, cô Vân Hòa hơn 1 tuổi. Ông tôi vẫn mỗi ngày pha trà, vẫn rót ra hai chén, chén đối ẩm để không. Ông ngâm thơ Đường, nhiều đoạn nức nở, nước mắt chảy ròng ròng trên má. Có lẽ ông tôi nhớ vợ, nên ôm cha tôi còn ngái ngủ ngồi cùng. Cha tôi nói "Nước mắt của đàn bà tuy phiền nhiễu nhưng dễ dãi. Người đàn ông khóc là một cảnh tượng đáng sợ." Có lẽ cha tôi đã học cách ngâm thơ trong hoàn cảnh như thế. Giọng ngâm của ông tôi tự thấm vào cha. Chắc chắn có sáng tạo của cha.
Giọng ngâm cổ này thật lạ, nhưng có những cái tự nhiên nguyên sơ và táo bạo. Giống như xem bảo tàng Chàm, thời kỳ cựu thịnh, khi độ tinh xảo đên cao độ, thành công thức là sắp suy tàn. Thời kỳ suy tàn, nghệ thuật đã thành công thức, không thể chê vào đâu ở mỗi chi tiết, nhưng rập khuôn, tẻ nhạt. Thời kỳ hình thành là khi người ta đang tìm tòi, phá cách để tìm ý, tràn ngập ý tưởng mới, tuy có chỗ còn thô sơ, nhưng vĩ đại.
Đến tôi, có lẽ môi trường sống đã khác, giọng ngâm của cha tôi đã để mai một, không thế tiếp nối. Nhưng tới ngày Tết tôi vẫn có cái thú đọc 2-3 bài cổ thi. Đọc bằng nguyên bản, đọc lên theo âm Hán-Việt, rồi tra từng từ, từng điển tích, rồi lại đọc lần nữa. Cả một khung cảnh cũ hiện lên theo từng mỗi chữ. Chữ Hán, có sự cô đọng thích hợp với Thơ vô cùng. Tôi cũng đọc không ít Thơ Tây, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hung và phần nào tiếng Nga, nhưng thấy ý tứ vẫn bị ràng buộc vào văn phạm, không thể bay lên được như thơ Đường. Điều lạ nhất khi đọc bằng nguyên văn chữ Hán, dù chưa hiểu gì trong đầu đã có một bức tranh mờ ảo nào đó.
Khoảng chục năm gần đây, bên cạnh thú đọc thơ Đường, tôi có thêm thú dịch Tam Quốc vào ngày Tết. Khi người ta tất bật, tấp nập bên ngoài, tự nhiên thấy yên tĩnh trong lòng, giống như được tạm quên đi, trở về với quá khứ, nhớ đến ông nội và cha tôi. Đọc thư tịch cổ làm hồn người thư thái, hiểu thêm ý nghĩa của thời gian. Lòng chợt quặn thắt, trái tim như có cái gì đó từ từ chạm vào đau nhói tâm can. Tất cả những cảm giác đau đớn lại sinh ra một khoái cảm. Có lẽ mọi mỹ cảm đều sinh ra từ cảm giác đau.
Năm nay, tình cờ đọc lại bài "Đề đô thành nam trang" của Thôi Hộ.
題都城南莊
去年今日此門中,
人面桃花相映紅。
人面不知何處去?
桃花依舊笑東風。
Đề đô thành nam trang
去年今日此門中,
人面桃花相映紅。
人面不知何處去?
桃花依舊笑東風。
Đề đô thành nam trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch ý
Đề ở ở một ấp nhỏ ở phía Nam đô thành
Năm ngoái cũng ngày này ngay tại cổng này
Mặt người hoa đào cùng hồng lẫn nhau
Người nay không biết đã về đâu
Hoa đào như cũ đang cười gió đông
Đề ở ở một ấp nhỏ ở phía Nam đô thành
Năm ngoái cũng ngày này ngay tại cổng này
Mặt người hoa đào cùng hồng lẫn nhau
Người nay không biết đã về đâu
Hoa đào như cũ đang cười gió đông
Bài này khó nhất là ý "tương ánh hồng" Các bản dịch đều dịch theo ý là cùng hồng, không có ý liên quan tương hỗ với nhau. Câu hay nhất là "Đào hoa y cựu tiếu đông phong". Có người suy luận dịch là "hoa đào áo cũ còn cười gió đông". Thực ra chữ "y" ở đây không phải là áo như trong "y thường".
Phùng Mộng Long, tác giả Đông Chu Liệt Quốc, sáng tác thành câu chuyện. Thi sĩ Thôi Hộ đời Đường vào tiết Thanh minh, đi chơi về phía nam đô thành, ghé một trang ấp nhỏ xin nước uống. Có một người con gái đẹp, bưng nước cho uống, duyên dáng kín đáo. Năm sau, Thôi Hộ ghé trang ấp đó thấy cửa đóng then cài bèn viết bài thơ này đề lên cửa. Người con gái đọc thơ nhớ thương Thôi Hộ, ốm tương tư, gần chết cũng vào tiết Thanh Minh. Thôi Hộ quay trở lại, người con gái khỏi bệnh và được cha mẹ gả cho Thôi Hộ.
Tôi nghĩ rằng câu chuyện của Phùng Mộng Long rất tầm thường, trong khi bài thơ hàm chứa một ý gì đó xót xa nhân thế trước xoay vần của thời gian.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Nguyen Van Bao: Có vẻ ký ức về những việc sai trái ta đã từng làm v ai đó sống dai nhất, thức khuya nhất
ReplyDeleteHuyen Nguyen: Hay !bài đầu năm khai bút, giúp em hiểu thêm về thơ,về bác Huy Phương và cả tác giả nữa...
ReplyDeleteHong Son Pham: Anh Việt có bài viết khai bút đầu Xuân hay quá.
ReplyDeleteVới bài thơ Đường anh giới thiệu, vì vốn yêu hoa đào, nên em mạo muội "nói leo" một chút với lời dịch như sau, mong được anh chỉnh sửa chỉ giáo thêm nhé:
Ngày này năm trước tại cổng này
(gặp) Bóng hồng sắc thắm tựa đào hoa
Bóng hồng (nay) không biết đã về đâu
(để) Hoa đào ấy ưu quạnh với gió đông
Em không hiểu luật thơ Đường lắm, chỉ nhớ là thất ngôn tứ tuyệt. Riêng câu cuối em cố ép bảy chữ với hàm ý thiếu bóng hồng (cô gái đẹp), hoa đào cũng trở nên buồn bã cô đơn với cái lạnh lẽo của gió đông, nhưng câu chữ không được vần cho lắm. Anh xem chỉnh sửa với nhé.
Chúc anh chị và các cháu đón Xuân vui Tết Bình An Hạnh Phúc.
Nguyen Ai Viet: Thực ra trong nguyên bản không có ý "ưu quạnh". Trái lại hoa đào cười cợt gió đông, vô tâm để đối ngược với nỗi lòng của người trai đang nhớ nhung.
DeleteTạm dịch:
Cổng này ngày ấy năm xưa
Má hồng sắc thắm cùng đua hoa đào
Má hồng nay ở nơi nào
Hoa đào như cũ cười chào gió đông
Hong Son Pham: Cái khó là phải theo luật thất ngôn tứ tuyệt và phải bám sát ý gốc. Em thấy có mấy điểm cần lưu ý:
Delete- năm xưa: về thời gian có vẻ xa xưa, cô gái chắc chết mất. Vả lại qua quá nhiều năm chàng trai mới quay lại tìm thì chắc cũng không yêu lắm? Do vậy nên dùng Năm qua, không chỉ rõ mấy năm nhưng cũng không xa lắm
- tương ánh hồng: tương tự ánh hồng như hoa đào, do vậy có thể dùng -Má hồng sắc thắm tựa đào hoa
- tiêu: em có tra cứu từ tiêu viết đúng chữ hán theo nguyên bản thì cũng có nghĩa là giễu cười chứ không phải lá cười chào. Theo nghĩa này có vẻ sát với ý gốc của tác giả.
Với các ý trên, em chỉnh sửa như sau:
Ngày ấy năm qua vẫn cổng này
Má hồng sắc thắm tựa đào hoa
Má hồng không biết đã về đâu?
Vẫn Hoa đào ấy giễu (cười) gió đông.
Nguyen Ai Viet: Anh không thích chữ "ưu quạnh" không có trong bài gốc. Mất ý "tiếu đông phong" là ý đắt nhất bài thơ nói sự vô tình của cuộc sống với thời gian trôi đi
DeleteCổng này ngày ấy năm xưa
Má hồng sắc thắm còn đua hoa đào
Má hồng nay ở nơi nào
Hoa đào như cũ cười chào gió đông
Nguyen Hong Nhung: Từ nay bình tĩnh gọi là thầy đồ Ái Việt được rồi. BUEK.
ReplyDeleteVu Nga Quynh: Thật vô cùng tiếc nếu anh không có bản thu ông ngâm thơ nào!!
ReplyDeleteKính chúc anh và gia đình năm mới An Vui ạ!
Nguyen Ai Viet: Thời đó làm gì có phương tiện
DeleteVu Nga Quynh: Vâng e cũng nghĩ vậy nên tiếc quá, nghe anh tả hay quá ạ!
DeleteTuan A. Phung: Hình như có nhiều bản Han Việt phiên là "Tích niên.." chứ không phải là "Khứ niên " bác Ai Viet nhỉ
ReplyDeleteDoan Hong Nghia: Tuyệt! Anh Aiviet Nguyen dạo này lên tay quá!
ReplyDeleteEm thích nhất đoạn này: '.. Mỗi buổi sáng, từ 5g, trời còn tối đất, bà tôi (chắc hồi đó mới hai mấy) dậy sớm chỉ bảo công việc cho người nhà, không quên nhóm lò đun nước cho ông. Ông ngồi trên sập, tự tạy pha trà, bà trang điểm, chải tóc, mặc đồ nghiêm trang đến ngồi đối ẩm. Ông tôi mời trà đưa tận tay vợ và ngâm thơ Đường, bà thành kính say mê ngồi nghe. Cứ thế cho tới mờ sáng. Ngày nào cũng như ngày nào ...'
Thế mới gọi là tình nghĩa phu thê.