Sunday, May 31, 2015

3 ngòi nổ khai hỏa cuộc chiến Mỹ – Trung ở Biển Đông

Ngày 23-5, trang tin The Commentator (Anh) dẫn nhận định của ông Michael Auslin, chuyên gia về an ninh và chính trị châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chính sách AEI (trụ sở tại Washington, Mỹ), Mỹ – Trung sẽ khai hỏa ở Biển Đông nếu xảy ra 3 tình huống.

Thứ nhất, xuất phát từ “tai nạn” giữa tàu chiến của 2 nước. Thứ hai, xuất phát từ kế hoạch có trước của 2 nước. Thứ ba, xuất phát từ xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Cũng trong ngày 23-5, Hãng Reuters dẫn lời Đại tá Steve Warren khẳng định, các chuyến bay thông thường của Hải quân Mỹ không những sẽ tiếp diễn, mà còn áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trong phạm vi chưa đầy 12 hải lý. Bởi Washington coi vùng trời trên những hòn đảo này là không phận quốc tế.
Trước đó (21-5), ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương tuyên bố, các chuyến bay do thám của Mỹ ở Biển Đông hoàn toàn đúng đắn và tàu thuyền cùng máy bay quân sự Mỹ sẽ “tiếp tục toàn quyền thực thi” quyền tự do hoạt động trong vùng biển và vùng trời quốc tế. Cũng trong ngày 21-5, Thứ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken cho rằng, việc bồi đắp đảo phi pháp của Trung Quốc cản trở sự tự do, ổn định và làm tăng nguy cơ bùng nổ căng thẳng có thể dẫn đến xung đột trong khu vực.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại coi các chuyến bay của Mỹ “mang tính khiêu khích”. Hãng CNN vừa dẫn tuyên bố của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns: Washington có quyền bay qua Biển Đông bởi đó là vùng biển và không phận quốc tế, Trung Quốc không sở hữu chúng. Ông Nicholas Burns còn coi đây là một vấn đề lớn đối với Mỹ, và những nước hữu quan cũng gặp vấn đề tương tự với Trung Quốc.
Cùng ngày 23-5, tờ Đa Chiều bình luận, Mỹ sẽ không cam tâm đứng ngoài khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhưng nếu Biển Đông xảy ra va chạm với bất kỳ lý do nào sẽ khiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình phải hủy chuyến công du Mỹ, bất chấp việc này đã được lên kế hoạch.
Trong khi đó, tờ Sputnik News của Nga nhận định (23-5), Hải quân Mỹ đang đặt mục tiêu trong vòng 10 năm tới có thể triển khai thiết bị lặn không người lái tiên tiến nhất ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp và nhiều lần thách thức, đe dọa máy bay trinh sát của Mỹ ở khu vực này.
Và Washington đã ấn định thời gian cũng như địa điểm để Trung Quốc và các nước ASEAN có thể chấp nhận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và Mỹ đang cố gắng áp đặt các quy tắc của họ tại khu vực này. Đây là tuyên bố hôm 21-5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel.
Chuyên gia Dmitry Mosyakov thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, vùng biển mà họ coi là của mình theo luật pháp Trung Quốc.
Ngày 24-5, tờ South China Morning Post dẫn tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ khi ông Joe Biden công khai chỉ trích chính sách ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột trong khu vực. Ông Joe Biden cho rằng, Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải và xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, và Mỹ có vai trò duy trì và gìn giữ hòa bình tại các vùng biển, bao gồm Biển Đông.
Phó tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, hoạt động của Trung Quốc là lý do tại sao 60% Hải quân Mỹ sẽ đóng tại Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020. Tính đến nay, ông Joe Biden là quan chức cấp cao nhất của Mỹ công khai phản đối gay gắt hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa.
Ngày 21-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã chỉ trích việc máy bay săn ngầm P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ tuần thám trên khu vực quần đảo Trường Sa hôm 20-5 vì “đe dọa tới các thực thể trên biển của Trung Quốc”.
Ngày 20-5, Trung Quốc cho rằng, họ đã 8 lần phát cảnh báo xua đuổi khi máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ tuần tra vùng trời đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Cũng trong ngày 20-5, quân đội Mỹ đã cho phép phóng viên Hãng CNN phát các bức ảnh và video những đảo này từ một máy bay của Hải quân Mỹ. Cùng ngày 20-5, cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell cho rằng, cuộc đối đầu kể trên cho thấy nguy cơ lâm chiến giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Ngày 21-5, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn tuyên bố của chuyên gia Hải quân Trung Quốc Lý Kiệt, việc Mỹ phát các bức ảnh và video là thủ đoạn “mềm và mới” – biến Trung Quốc thành kẻ gây họa, thúc giục các nước xung quanh bất mãn với Bắc Kinh. Còn thủ đoạn “cứng và cũ” là điều tàu tuần duyên tuần tra ở vùng Biển Đông. Lý Kiệt còn cho rằng, việc cảnh cáo máy bay Mỹ cho thấy Trung Quốc đủ năng lực “bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải không bị xâm phạm”, và nếu đối phương “cố tình hoặc có thái độ thù địch, khiêu khích chủ quyền của Trung Quốc”, Bắc Kinh có thể sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết để tự vệ!
Ngày 22-5, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Jack Reed đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đề nghị xem xét lại việc mời Trung Quốc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC dự kiến sẽ diễn ra ở Hawaii năm 2016, vì những hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Còn theo nhà phân tích về quân sự Trung Quốc Rick Fisher tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Bắc Kinh có thể triển khai vũ khí đến các đảo này – từ radar, tên lửa phòng không, chống hạm tới chiến đấu cơ J-11B. Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Colonel Steve Warren cho biết, Mỹ không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên những hòn đảo mà Bắc Kinh tự ý xây dựng; đồng thời nhấn mạnh, các chuyến bay và tàu hải quân Mỹ sẽ tiếp tục quy trình tuần tra, nhưng sẽ giữ khoảng cách tối thiểu 19km đối với các đảo này.
THEO PETROTIMES

No comments:

Post a Comment