Thursday, May 7, 2015

Các phe phái và ảo ảnh xã hội

Tuyên truyền của chính quyền giống tuyên truyền của chống cộng ở một điểm: chia phe phái. Tựu chung, có 3-4 phái gì đó: Phe chính quyền, phe chống cộng, phe trung lập (chưa kể loại Việt gian chỉ theo quyền lợi của bản thân hoặc của nước ngoài nào đó). Thực ra, phe chính quyền cũng đã rất nhiều phái, xung đột còn hơn giữa các phe. Nói một cách khác, việc chia phe phái cũng chỉ là ảo ảnh xã hội. Phe chống cộng thì thôi rồi, hàng trăm màu sắc thề ăn thua đủ với nhau trên các loại báo phát không ở các siêu thị bán đồ ăn châu Á.
Nay chỉ kể một câu chuyện để thấy việc chia phe phái nó vô bổ kệch cỡm thế nào khi định làm một việc cụ thể. Tôi có một gia đình bạn. Cô vợ là cô giáo mầm non, chăm nuôi con gái tôi từ khi còn chưa biết ngồi. Anh chồng, làm nghề tự do gì đó, trong đó có nghề mộc, bởi vì khi chúng tôi có việc sửa sang, lại thấy vác cưa đục bào đến làm hộ. Thời đó, bao cấp, cán bộ như tôi lại càng khổ. Vợ chồng bạn này khá hơn nhiều. Cũng hay qua lại thân thiết, không phân biệt trí thức trí ngủ hay bình dân. Đùng một cái hai vợ chồng ôm con vượt biên. Lý do thì dài dòng, Nhưng chắc chắn không phải là chống chính quyền hay ra đi tìm đường cứu nước, tìm tự do dân chủ gì cả.
Sau này khi tôi qua dạy ở Hungary thì nhận được thư của các bạn ở trại tỵ nạn. Tôi cũng gửi quà tiền bạc chút đỉnh. Sau này mới nghe các bạn nói là ý nghĩa rất lớn. Các bạn tôi sau 10 năm ở trại tỵ nạn đã phải về nước vì bị xếp vào loại "tỵ nạn kinh tế".
Sau này gặp lại, tôi hỏi tại sao đã mất công bán nhà bán cửa đi lại không biết trí trá hô một vài khẩu hiệu lăng nhăng, kiểu như lời thề đội viên tiền phong mà. Cô bạn nói làm gì không biết, thậm chí bịa ra cả ông bà là địa chủ trong cải cách ruộng đất. Nhưng có một câu chuyện kinh hoàng.
Số là trong trại tỵ nạn có cả người Việt ở miền Nam và miền Bắc. Đến ngày 30/4 một bên kỷ niệm ngày Quốc hận, một bên ăn mừng ngày giải phóng. Bên này hô đả đảo cộng sản, bên kia hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", "Giải phóng miền Nam". Cuối cùng dẫn đến đánh giết nhau, có người chết, đổ máu, hai bên đều mài vũ khí thề giết nhau phục thù tuyết hận. Khi đó, đối với trại miền Nam thì trại miền Bắc chính là cộng sản có nợ máu, và là cơ hội báo thù. Đối với trại miền Bắc, thì trại miền Nam là bọn chó phản động bán nước. Túm lại bao nhiêu điều tuyên truyền nhồi sọ cách mạng hay chính nghĩa quốc gia, đều nặn óc nhớ lại đem ra mà chống phá nhau. Đêm đến hai trại đều phải tổ chức lực lượng gác canh phòng. Hệ quả là bên hát bài CS phải về nước vì "quá cách mạng".
Đúng là một sự ngu xuẩn xuất phát từ ảo giác xã hội rất điển hình cho cộng đồng người Việt. Thực ra người bình dân làm gì có phe nào.
Chuyện thứ hai: Hồi ở Mỹ, tôi có một anh bạn hàng xóm, rất đẹp trai, là bác sĩ, nhưng theo đạo Phật, thích sống khổ hạnh. Đã định không lấy vợ, nhưng đi thiện nguyện trong trại tỵ nạn, cưới một cô để cứu cô ấy ra khỏi trại. Anh này gia đình công giáo, chống cộng điên cuồng, riêng anh ta lại theo đạo Phật, hơn hai chục năm ngủ ngồi, ăn chay, không tụng kinh, chỉ đọc thơ Thiền, chỉ thế cũng đủ biết lập dị đến mức nào.
Chơi với tôi một thời gian, anh này nghe lời tôi về nước. Sau khi trở lại, anh ta kể là điều ngạc nhiên nhất là dân trong nước (ở miền Nam) chẳng có phe phái gì. Mấy ông bà con, bạn bè trước là sĩ quan quân đội VNCH nhưng không đi HO, nói về các tổ chức chống cộng lại nói là "chúng nó", nói về nhà nước Việt Nam lại nói là "mình". Mà nói thành thật ở nhà riêng không có ai theo dõi. Rồi anh bạn kết luận, phe phái chỉ thấy mấy ông không có việc làm gì khác vẽ ra để có lý do tồn tại mà thôi, em sang lần này sẽ khuyên mọi người làm việc thiết thực. Vài năm sau anh ta cùng vợ chuyển hàng chục tấn đồ dụng cụ y tế, thuốc men về nước. Chắc chắn kết quả thiết thực hơn nhiều so với việc tổ chức họp báo, quyên tiền mua vũ khí để lập chiến khu,....

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

2 comments:

  1. Sau Saigon: Chắc cụ Ai Viet kể chuyện trại WhiteHead Hongkong nhi, trại này bị refuse nhiều nhứt

    ReplyDelete
  2. Tran Thi To Nga: đúng là ảo ảnh. Chẹp.

    ReplyDelete