Thursday, May 21, 2015

Việt Nam: Vấn đề hòa hợp dân tộc sau chiến tranh

Mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc…’, từng câu từng chữ của Thủ tướng trong diễn văn ngày đại lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước đã như chạm đến một điều sâu thẳm trong lòng không của riêng người dân trong nước mà của cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. 

40 năm đã qua kể từ ngày thống nhất, đất nước ta đã có những bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc tế và đặc biệt là mở rộng quan hệ bang giao với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia từng là “cựu thù” như Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, …Song, có một điều vô cùng quan trọng thì chúng ta lại chưa thành công như mong đợi. Đó là tinh thần hòa hợp của những người con cùng dòng máu đỏ da vàng, chung một mẹ Việt Nam.
Những ký ức, những vết thương bởi chiến tranh và chính sách dùng ‘người Việt đánh người Việt’ khắc nghiệt đã để lại những vết hằn khó lành. Chúng ta mất hai mươi mốt năm để thống nhất đất nước và đã mất 40 năm để hòa hợp nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn.  Đôi khi lại tấy lên vì những hành xử không đúng, vô tình hay cố ý của người phía bên này hay phía bên kia, giữa những người trong nước, giữa những người ở hai bờ đại dương và cả giữa những người trong cùng một gia đình.

Dẫu rằng cho đến thời điểm này những lần trở về của người Việt ở nước ngoài đã không còn âm thầm, đơn lẻ nữa, các khoảng cách cũng vì thế mà được thu hẹp hơn, song những cơn sóng lòng vẫn âm thầm vẫn vọng về, nhói lên từng cơn đau thắt lòng, bởi thế mà niềm vui thống nhất trong những ngày tháng 4 chưa bao giờ là trọn vẹn. Bên cạnh những người vui vẫn có hàng triệu người buồn. Phía những người vui, nếu chỉ là vui, phải chăng đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy ngẫm. Có thật vui khi mà hàng triệu người Việt ở hải ngoại vẫn chưa về với chúng ta…
Sau cuộc chiến về chính sách kỳ thị ở Nam Phi, Tổng thống Mandela đã cho điều tra tội ác nhưng không để xét xử, và không cho phép xét xử người phạm tội trước đó, mà chỉ làm rõ trắng đen. Sau nội chiến ở Mỹ, Tổng thống Lincoln tuyên bố và ra luật cấm trả thù, mọi người đều được đối xử ngang nhau. Còn ở Việt Nam chúng ta thì sao?
Đại sứ Nguyễn Phú Bình từng chia sẻ: ‘Trong một lần tôi đi thăm Mỹ, tiếp xúc với một số anh em đã từng phục vụ chế độ cũ, một người đã tâm sự: Trong cuộc chiến, chúng tôi là người ngã ngựa, còn các anh là những người chiến thắng, ngồi trên mình ngựa. Nhiều lúc, chúng tôi ước mong, những người ngồi trên mình ngựa hãy cúi xuống chìa bàn tay kéo chúng tôi dậy’. Niềm mong mỏi đó gợi nhắc chúng ta điều gì nếu không phải là một sự công tâm với những người anh em dù bên này hay bên kia chiến tuyến cũng sẽ khiến họ ấm lòng.
Công cuộc hàn gắn lòng người sẽ vẫn còn gian nan phía trước, và với những người từng lăn lộn nơi sa trường, thậm chí trong chính gia đình họ có những người đứng ở hai bên chiến tuyến, hơn ai hết họ thấu hiểu nỗi đau chia cắt và luôn canh cánh về việc làm thế nào để thống nhất lòng người. Và họ đã và đang lặng lẽ xây lát những viên gạch nền xây cầu hòa hợp dân tộc như Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập “Tổ Tư vấn cải cách cho Thủ tướng”, trong đó có nhiều vị đã từng làm việc cho chế độ cũ; hay Nghị quyết 36; chương trình hỗ trợ kiều bào mua nhà tại Việt Nam; đưa kiều bào ra thăm Trường Sa; Đặc biệt là việc dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất tử sĩ Việt Nam cộng hòa… chính những hành động này đã cho nhiều người cảm tưởng thân phận của họ không bị bỏ quên, mang lại cho họ sự yên tâm và lối thoát cho hàng triệu người dù xuất thân từ đâu.
Với những nước từng đưa quân xâm lược, ta đã theo tinh thần của Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn” và bây giờ họ đều trở thành đối tác toàn diện, thì không có lý nào với đồng bào ruột thịt của mình mà cứ để tình trạng chia rẽ dai dẳng, làm suy yếu nội lực và nguyên khí quốc gia? Sẽ khó và gian nan nhưng sẽ làm được nếu cùng ‘vượt lên sự khác biệt, chân thành hòa hợp’. Thực tế trước quá nhiều nghi ngại trong suốt gần 40 năm qua thì đúng là chỉ có lòng chân thành, sự thực tâm, tấm lòng vị tha mới hóa giải được những hố sâu thẳm ngăn cách.

Thuận Hòa

No comments:

Post a Comment