Monday, May 11, 2015

GS Hoàng Xuân Hãn nhận xét về các nhân vật lịch sử của Việt Nam

Tình cờ tối hôm qua tôi đọc được mấy bài hay về sử và nhân vật lịch sử. Phần về Petrus Ký, Trương Minh Ký và Huỳnh Tịnh Của thì nói sau, đoạn này là về mấy nhân vật hiện đại hơn qua đánh giá của Hoàng Xuân Hãn..
Ông Hoàng Xuân Hãn giỏi nhất trường Vinh ngày xưa rồi sau này cũng đọc rộng biết nhiều, làm Bộ trưởng thời Trần Trọng Kim, soạn Từ điển Khoa học, dự Hội nghị Đà Lạt, viết về La Sơn Phu tử và cả Lý Thường Kiệt mà vẫn nhận mình có học vấn bình thường.. thì thật khiêm tốn quá.

Ông Hoàng Xuân Hãn cho biết: ông có mối quan hệ khá gần với gia đình họ Ngô, Ngô Đình Nhu là bạn học, nhưng không thân nhau. Ông nói: "Tôi và Ngô Đình Nhu ít thân nhau dù là bạn học. Mà nói chung các bạn chúng tôi ít đi lại với Nhu. Anh ấy sắc sảo, chặt chẽ lại tính toán nên các bạn không thích. Những người ở xa nói ông ấy khắc nghiệt. Chúng tôi ở gần thì nói anh ấy nhiều chính trị và kỹ thuật mà thiếu tình cảm.
Ông Hãn cho người phỏng vấn biết thêm: "Khoảng thời gian trước khi ông Diệm về nước nắm đại quyền, ông Nhu có nói chuyện với bác (Ông Hãn xưng hô với người hỏi) vài lần. Có những việc chúng tôi đồng ý với nhau, có những việc ông ấy và bác không đồng ý, nhưng bác không có ý kiến gì hay hơn của ông ấy.
Theo bác, ông Nhu là một nhân vật rất đặc biệt. Ông ấy có cá tính mạnh, kiến thức rộng, tầm nhìn xa, đặc biệt là tham vọng rất lớn. Cách sống của ông bà Nhu làm người ta không thích, còn nhìn xa về tầm chính trị và các nước cờ sâu sắc của ông Nhu thì bác ngờ rằng các nhân vật cùng thời không hiểu hết. Lúc đó miền Nam một nước nhỏ và nghèo yếu nên dễ bị nước ngoài chi phối và tâm lý dân tộc thì dễ sinh ra vụn vặt, đố kị... Hoàn cảnh đó và thời cuộc đó chẳng những không dùng được những người xuất sắc kỳ lạ, mà còn nghiền nát họ".

Hỏi: Thưa Bác, Bác là bạn học của ông Nhu, bác tự nhận xét bác so với ông Nhu như thế nào?

Trả lời: "Bác là một người bình thường trong giới có học vấn, còn ông Nhu là một trí thức xuất chúng đặc biệt."
...
Ông Hãn trầm ngâm một hồi rồi trả lời câu hỏi tiếp theo: "Hồi đó bác cũng ủng hộ miền Bắc hơn. Theo bác, ông Hồ Chí Minh tài giỏi hơn ông Ngô Đình Diệm ở mặt nhanh hơn, táo bạo hơn, biết phân tích và nắm bắt thời cơ. Ông Hồ rất giỏi lôi kéo quần chúng, ông biết cách làm cho người ta phục mình. Ông lại có tài tổ chức đội ngũ. Nếu ông ấy không tài giỏi và lanh lợi, phe Cộng sản đã không giành được chính quyền. Những người bạn tài giỏi nhất của bác (Ông HXH) đều phục ông Hồ".

Hỏi: Thưa Bác, Bác nghĩ rằng ông Diệm là một nhà lãnh đạo lớn của dân tộc Việt Nam lúc đó, hay ít nhất là của miền Nam?

Trả lời: Có người so sánh ông Diệm với ông Hồ, theo bác chỉ có ông Hồ mới xứng đáng nhất ở vị trí lãnh đạo. Ông Diệm có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướng bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước. Hơn nữa, ông quá để ý tới các chi tiết lễ nghi và đạo đức. Nếu đất nước thanh bình, ổn định thì ông có thể giữ được giềng mối".
From sachhiem.net.

Nguyễn Cảnh Bình

1 comment:

  1. Hoàng Xuân Hãn (1908–1996) là một giáo sư toán học, kỹ sư, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục, Việt Nam. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.
    Ông từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Mỹ thuật thời Chính phủ Trần Trọng Kim (Đế quốc Việt Nam: tháng 4 - tháng 8/1945)

    ReplyDelete