Sunday, February 14, 2016

Cội nguồn thế gian (1): Tòa án Pháp có thể đưa "The Origin of the World" LÊN FACEBOOK (18+)

(NCTG) Công ty Facebook vừa thua cuộc trong một trận chiến pháp luật tại Pháp, mà kết quả của nó có thể mang tính tiền lệ, ít nhất là đối với 30 triệu người sử dụng mạng xã hội này ở Pháp.


Khách thưởng ngoạn tới coi bức “Cội nguồn thế gian” tại Bảo tàng Orsay. Paris, ngày 12-2-2016 - Ảnh: Francois Mori (AP)

Câu chuyện mở đầu dường như không có gì lạ: một người sử dụng Facebook bị “cấm cửa” do tải một tấm ảnh nude lên mạng xã hội này, và đây là điều vi phạm “nội quy sử dụng” của Facebook.

Vấn đề ở đây chỉ là, tấm ảnh đó là ảnh chụp một họa phẩm rất nổi tiếng và hết sức táo bạo theo trường phái hiện thực từ thế kỷ 19 mang tên “Cội nguồn thế gian” (L'Origine du Monde) của danh họa Pháp Gustave Courbet (1819-1877).

Cần nói thêm, “Cội nguồn thế gian” được hoàn tất từ năm 1866, nhưng trong hơn một thế kỷ, nó đã bị cất kỹ, và chỉ được chính thức trưng bày tại Bảo tàng Orsay (Paris), vì tranh chỉ mô tả duy nhất một đề tài cấm kỵ: bộ phận sinh dục nữ.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện trong Orsay, bức họa được coi là một trong mười tác phẩm nổi tiếng và được “săn đón” nhất của bảo tàng này, cũng như bức “Mona Lisa” (La Gioconda) của danh họa Leonardo da Vinci đặt tại Bảo tàng Louvre.

Bởi lẽ, vẽ tranh khỏa thân vốn có truyền thống từ cuối thế kỳ 15 (thời Phục Hưng), nhưng trước Gustave Courbet chưa ai dám “đặc tả” bộ phận sinh dục nữ một cách cận cảnh, trực diện, mang tính khiêu khích và gây tranh cãi đến thế.

Bức họa này cũng là lý do khiến năm năm trước, ông Frederic Durand-Baissas (57 tuổi), một giáo viên yêu nghệ thuật ở Paris đã bị đình chỉ tài khoản Facebook mà không được thông báo trước. Sau đó, vụ việc được bị hại kiện lên Tòa án Paris.

Trong đơn kiện, nguyên đơn đòi công ty Facebook phải phục hồi tài khoản, và trả 20 ngàn Euro tiền bồi thường cho ông. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với AP, ông Durand-Baissa cho rằng, “đây là một trường hợp của tự do ngôn luận và kiểm duyệt trên mạng xã hội”.

Người thầy giáo này cũng nói thêm, “nếu (công ty Facebook) không thể thấy sự khác biệt giữa một kiệt tác nghệ thuật và một bức ảnh khiêu dâm, thì ở Pháp, chúng tôi (có thể) biết điều đó”.


Bản gốc của họa phẩm
    Gustave Courbet (1819-1877)The Origin of the World1866Oil on canvasH. 46; W. 55 cmParis, Musée d'Orsay© RMN-Grand Palais (Musée d'Orsay) / Hervé Lewandowski

Trên tòa, đại diện công ty Facebook - cung cấp dịch vụ miễn phí trên toàn thế giới - cho rằng những vụ kiện cáo kiểu này chỉ có thể diễn ra tại một tòa án đặc biệt ở California, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Quyền hạn của Pháp trong những vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Pháp, theo Facebook, là không thể áp dụng được.

Tuy nhiên, Tòa Paris đã bác bỏ lập luận này với lý do, nếu bất cứ vụ kiện nào của người sử dụng trên toàn thế giới của Facebook cũng lại phải đệ lên Tòa California, thì đó là điều “bất công bằng” và quá mức.

Vả chăng, theo Tòa Paris, các điều khoản và điều kiện mà người sử dụng Facebook đã ký trước khi lập tài khoản thuộc sự điều tiết của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Pháp. Do đó, nguyên đơn đã được xử thắng.

Luật sư Stephane Cottineau, người đại diện và bảo vệ quyền lợi cho ông Durand-Baissa, cho hay ông rất hài lòng trước “chiến thắng pháp lý vĩ đại” này, mà ông và thân chủ đã chờ đợi sau năm năm.

Nhưng quan trọng hơn thế, là từ nay, “gã khổng lồ Facebook sẽ phải trả lời cho những sai phạm của họ ngay tại tòa án Pháp, theo vị luật sư. Được biết, Facebook còn có thể khiếu nại vụ việc lên Tòa án Tối cao Pháp.

Trần Lê tổng hợp
(Nguồn: Nhịp cầu thế Giới)

11 comments:

  1. Những hình ảnh về con người và tự nhiên đều giống nhau ở vẻ đẹp, sức cuốn hút. Chỉ có họa sĩ và người chụp ảnh mới là những người tạo cho chúng thành tác phẩm nghệ thuật hay không. Còn suy nghĩ và thái độ của chúng ta với những hình ảnh đã đạt mức độ nghệ thuật cao thì dù có "đặc tả" đến mấy, nếu thái độ của chúng ta lại thấy chúng phản cảm, đồi trụy... thì đó là vấn đề của chúng ta chứ không phải của tác phẩm.

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Hoàng Linh (Budapest): Vẽ tranh khỏa thân vốn có truyền thống từ cuối thế kỳ 15 (thời Phục Hưng), nhưng trước Gustave Courbet chưa ai dám “đặc tả” bộ phận sinh dục nữ một cách cận cảnh, trực diện, mang tính khiêu khích và gây tranh cãi đến thế.

    ReplyDelete
  3. Thinh Phan Duc: "đặc tả" một cách thiếu hấp dẫn đến thế, tòa sạn NCTG không sợ gạch đá của chị em à ? :)

    ReplyDelete
  4. Tuyen Nguyensy: Rất có thể sẽ có ngày trang NCTG mở thêm mục "Đặc tả". Sao không ?

    ReplyDelete
  5. Lan Tran: Không có ở đâu là có sự công bằng tuyệt đối. Có những thứ thì được tôn vinh là nghệ thuật, và cũng những thứ đó được diễn tả dưới một hình thức khác thì bị cho khiêu dâm, phản cảm. Bức tranh này đã từng được cô Debora de Robertis thể hiện lại tại chính Musee d'orsay ngay trước bức tranh. Cô này bị bắt ngay sau đó :)

    ReplyDelete
  6. Helios Nguyen: việt nam là không được đâu, cái này gọi là vi phạm thuần phong mỹ tục phạt như chơi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thi Vinh Hoang: Lạ! Thuần phong mỹ tục là trừu tượng, còn cái này là cụ thể mà

      Delete
    2. Duc Duong: ... tất cả đều bắt nguồn từ đây !!!!

      Delete
  7. Nhan Thanh Frey: Nói rộng ra, FB và EU cũng tranh cãi nhiều những vụ về pháp lý. Có những thứ của FB mà Eu hoặc Đức ko cho phép, trong đó có quyền sử dụng dữ liêu cá nhân của người dùng.

    ReplyDelete
  8. Helios Nguyen: Hễ là đàn ông, từ trẻ cho đến khi tàn hơi kiệt sức, từ bác nông dân chân lấm tay bùn tới kẻ cao đạo ngồi tít ở trên cao...trong lúc trà dư tửu hậu đều rất thích nói về tính dục, thiếu vài hôm thì trong giấc mơ lại thấy hoạt động tính dục..ấy vậy mà khi ai đó muốn công khai vấn đề ra công chúng thì phản đối, cho là không văn hóa, trụy lạc..có hai vấn đề: một là đạo đức giả. Hai là....thượng đế muốn vấn đề luôn mãi vẫn là trái cấm..để mãi thèm chơi. điều hay nữa là giữ cho lũ tinh binh luôn đông đủ và khỏe mạnh. Có nhà KH dỏm nào đó nói rằng đời người đàn ông có quanh quẩn 13 lit gì đó, sài nhiều chóng hết..chết, thế thôi. PS: tiết kiệm là quốc sách.

    ReplyDelete
  9. Pháp vốn là nơi đề cao mọi tư tưởng nên có quan điểm khác. Cũng như đến những vùng có bãi "tắm tiên" vậy, ai không thích thì không đến đó. Nhưng với hình ảnh thì khác. Theo tôi, nếu là tự nhiên, không bệnh hoạn thì không nên ngăn cấm. Chúng ta chỉ nên tạo rào cản với những gì lệch lạc mà thôi. Không nên tự cấm đoán mình nhiều quá, nhiều khi không enjoy được tất cả vẻ đẹp và cảm xúc từ cuộc sống. Tôi không thích những cái lá nho gượng ép che đậy cái chỗ "bí ẩn" không mang tính nghệ thuật chút nào.

    ReplyDelete