Wednesday, February 10, 2016

Thú vui ngày Tết

Tết có một cái thú nằm nhà dịch Tam Quốc Chí của Trần Thọ. Theo đánh giá của giới sử học Trung Quốc thì bộ Tam Quốc Chí đứng đầu trong "Tiền tứ sử" gồm "Sử ký", "Hán Thư", "Hậu Hán Thư" và "Tam Quốc Chí", có người cho là đứng đầu cả "Nhị thập tứ sử". Năm nay xử lý truyện Hậu Chủ. Không hiểu sao mình thấy quan tâm tới anh Thiện A Đẩu này,
Kiểu dịch theo hứng này chắc còn lâu mới xong. Nhưng mình dịch vừa chú giải cả địa danh, nhân vật và điển cố nên làm rất kỹ. Vì Bùi Tùng Chichỉ chú giải so sánh với các sách khác và bình phẩm. Đối với độc giả Việt Nam trẻ thì chú giả chi tiết là một cơ hội học hỏi văn hóa, địa lý, lịch sử đặc biệt là ngôn ngữ (Hán Việt và tiếng Việt) rất tốt và hấp dẫn. Công sức còn hơn viết bộ sách.
Rải rác cũng có những người đã dịch theo lối cũ, dịch sai rất nhiều. Hôm qua mới xử lý được câu "Sử sứ trì tiết thừa tướng Lượng thụ ấn hoãn". Bà con dịch là "Sai sứ giả cầm cờ tiết là thừa tướng Lượng hãy khoan trao ấn". Trong Sử Ký và Tam Quốc Diễn nghĩa cũng nhiều đoạn có nói "Sứ giả cầm cờ tiết". Mình thắc mắc: Thừa tướng thì việc quái gì phải cầm cờ cho thằng nào. Thứ hai hoãn trao ấn thì việc quái gì phải cầm cờ dù là cờ tiết. Tra lại chữ trì tiết (tra thế nào cũng cả một nghệ thuật và công nghệ mà các cụ học giả già không thể biết). Mất khoảng nửa ngày thì tìm được ý nghĩa: Ngày xưa cho đến tận thời Đường có 4 loại "giả tiết", "trì tiết", "sứ trì tiết", "giả hoàng việt", là một loại quyền thay mặt vua có quyền giết người. Thừa tướng Lượng có quyền giết quan từ 2000 thạch trở xuống.
Hôm nay lại vấp câu 政由葛氏, 祭则寡人 Chính do cát thị, tế tắc quả nhân. Có người dịch là "Chính là họ cát đã cứu quả nhân. Thực ra đây là Lưu Thiện nói với Gia Cát Lượng khi giao quyền chính ý nói "Việc chính sự là ở ngài, còn việc tế lễ là của quả nhân". Có điều không biết tại sao lại có chữ "cát thị". Tra mãi không ra. Thấy có người giải thích "cát thị" là "gia cát thị", thể hiện Lưu Thiện nói lẫy. Nhưng thấy vẫn vô lý. Có cao nhân nào chỉ giúp.
Mới biết là việc dịch phải vô cùng thận trọng và có trách nhiệm. Và cũng thấy các bản dịch các sách cổ điển của ta có vô số vấn đề. Rồi tương lai phải xem lại hết.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

17 comments:

  1. Giap Van Duong: Đúng rồi anh. Dịch không đạt không đúng m thì tai hại lắm.

    ReplyDelete
  2. Do Xuan Phuong: "Cát Thị" phải chăng dịch là 'nhìn xa trông rộng'?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Thị này là họ không phải là nhìn

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Nếu không dò ra nguyên nghĩa từ gốc thì đành sử dụng kỹ thuật giả định có lỗi và sửa lỗi bằng lân cận logic ạ. :)
      Hình như đây cũng là tình huống hay gặp trong Turing test.

      Delete
  3. Khoa Dao: Việt tiếng Hán thạo nhỉ? Mình vẫn nhớ ông nội mình từ những năm 6x vẫn chỉ enjoy Tam quốc bản tiếng Hán, ko thích đọc version VN. Việt có link của Tam Quốc (truyện tranh từ thời 6x?) gửi cho mình nhé. Đấy là đam mê tuổi thơ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Cũng không thạo nhưng dùng công nghệ lại chịu khó tra cứu

      Delete
  4. Nguyen Ai Viet: Tốt quá Cám ơn Khoa, Tam quốc mới có bản Tq diễn nghĩa của La Quán Trung Bản Tam Quốc Chí của Trần Thọ mới giá trị chưa ai dịch

    ReplyDelete
  5. Minh Triet: Xem bản gốc thì biết nhiều bản dịch sai hẳn nghĩa. SĐ êm đềm là 1

    ReplyDelete
  6. Nguyen Ai Viet: Có một câu xử lý cũng thú vị "hành nhất vật nhi tam thiện giai đắc" Kể dịch suông thì câu này dễ: "làm một việc được cả ba điều lành" Vấn đề là ba điều lành gì ý nghĩa câu này là gì Tra ra mới biết câu này ở Lễ ký nói về việc dạy Thái tử. Tam thiện là thân với cha, tôn kính quân trưởng và kiêm thiên hạ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vu Nga Quynh: Anh Việt cho e hỏi thêm ạ: nếu là thái tử (con vua) thì cha là vua phải k ạ? Còn quân trưởng là anh cả? Chữ "kiêm" trong "kiêm thiên hạ" nghĩa là gì ạ? Cảm ơn anh.

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Người xưa không có nhiều giấy để viết và cũng không có cyberspace nên văn chương cô đọng, súc tích lại liên hệ ngữ nghĩa với nhau từ tác phẩm này sang tác phẩm khác.
      Chữ "kiêm" hẳn là 'kiêm ái' trong thuyết Mạnh Tử, dịch nghĩa là 'hòa đồng', 'cùng chung' mà nay ta vẫn dùng trong 'kiêm nhiệm' (chức vụ).

      Delete
  7. Nguyen Ai Viet: Kiêm là nắm giữ. Quân trưởng có nghĩa là vua hoặc trưởng bối Có sách nói tam thiện là biết lễ cha con, quân thần,trưởng ấu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Do Xuan Phuong: Hix, chắc là có nhiều chữ "kiêm" đồng âm dị nghĩa chăng? Nhưng em thấy "nắm giữ thiên hạ" đâu có gì gọi là việc thiện mà một Thái Tử cần theo nhỉ? :)

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Vua thì phải nắm được thiên hạ đừng để loạn lạc là điều lành chứ

      Delete
    3. Do Xuan Phuong: Hi hi, nếu thế thì dùng từ "trị" chứ sao lại là "kiêm" nhỉ?
      Em 'bảo lưu ý kiến' "kiêm thiên hạ" ở đây cũng giống như của Mặc Tử "yêu cùng nhân dân" nên mới sánh cùng 2 cái thiện kia :)

      Delete
    4. Nguyen Ai Viet: Kiêm 兼 nghĩa là gồm thâu, thâu tóm, nắm lấy, không có nghĩa nào là "yêu cùng" hay "hòa hợp". Kiêm ái là nắm lấy việc yêu thương. Kiêm thiên hạ là gồm thâu, thâu tóm hoặc nắm được thiên hạ. Dịch là căn cứ ở văn tự, không suy diễn, bịa được.

      Delete
  8. Nguyen Ai Viet: Vừa tra cứu ra thì thấy "cát thị" cũng như "gia cát thị". Điển tích là Bá Ích cùng với Hạ Vũ trị thủy, con trưởng là Phi Liêm được phong ở nước Cát gọi là Cát bá nên thành họ. Khi nhà Chu chia đất, phong cho họ Cát tước tử. Nước Cát bị Trịnh Trang Công diệt. Con cháu phát triển thành họ Cát. Đến thời Tần, Trần Thắng Ngô Quảng khởi binh, có đại tướng là Cát Anh, nhiều lần lập chiến công, nhưng bị dèm pha mà bị Trần Thắng giết. Đời Hán Văn Đế, thương cảm Cát Anh chết oan nên phong cho cháu Cát Anh ở huyện Gia. Nhánh này lấy đất phong ghép vào thành họ Gia Cát. Truyền đến đời Gia Cát Phong, Phong sinh Khuê, Khuê sinh ba trai là Cẩn, Lượng Quân. Khuê có em không rõ tên sinh Gia Cát Đản. Như vậy câu của Hậu Chủ là "Chính sự là do họ Cát (chỉ Gia Cát Lượng nói một cách tôn trọng hoặc giân dỗi chưa tra rõ được), tế lễ là việc của quả nhân".

    ReplyDelete