Saturday, February 6, 2016

Về con người lãnh đạo thời thực dân

Người tiền nhiệm của Paul Doumer là Toàn quyền Armand Rousseau (1835-1896). Thời kỳ chinh phục Bắc kỳ phải đối diện với những hy sinh tài chính, trận chiến và bệnh tật... làm cho xứ này không được ưa thích ở Pháp. Rousseau qua đời chỉ sau ít tháng nhậm chức tại Đông Dương. Armand Rousseau là cái tên nối tiếp của Richaud và Paul Bert, những nạn nhân của thuộc địa khó bình định này.
Armand Rousseau là ai? Phần trích dưới đây của Paul Doumer sẽ cho chúng ta thấy Rousseau là người như thế nào.

"Là kỹ sư hay chính khách, Nghị sĩ, Thứ trưởng hay Toàn quyền, ngài Rousseau vẫn luôn trước sau như một; ngài luôn tiến thẳng về phía trước, trong tâm trí không hề có chỗ cho sự phức tạp quanh co, xa lạ với những toan tính, không thể nhân nhượng những đề xuất vì lợi ích cá nhân.
Con người có trí tuệ mẫn tiệp này trước hết là một người can đảm, theo nghĩa cao nhất của từ này. Người ta có thể trao cho ngài những sứ mệnh phức tạp nhất với niềm tin chắc chắn rằng ít nhất ngài cũng sẽ hoàn tất nó trong danh dự. không ai, dù là đối thủ hay kẻ thù, từng nghĩ tới việc nghi ngờ sự trung thực của ngài.
Hẳn ngài đã chứng kiến cái chết lại gần mà không hề nuối tiếc hay sợ hãi. Bất chấp những sứ mệnh tốt đẹp ngài còn có thể hoàn thành, bất chấp những điều ngài còn có thể phụng sự cho đất nước mình, thậm chí bất chấp cả những mối liên hệ thân thương ràng buộc ngài với thế giới này, ngài hẳn đã kiêu hãnh đón nhận một đoạn kết quang vinh không kém gì cái chết của người lính trên chiến trường. Thật ít người trong những năm tháng mà chúng ta đang sống lại có niềm vinh quang và kiêu hãnh được chết vì tổ quốc như thế.
Và chính vì sự thịnh vượng, sự vĩ đại của tổ quốc mà ngài Rousseau tận lực tại Đông Dương. Vào thời điểm thế giới già nua đang mơ ngủ của Viễn Đông bừng tỉnh giấc và chuyển mình, nơi các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm thuộc địa đua nhau để tới được trước những nơi còn trống, nơi các quốc gia này gắng sức giành lấy phần của mình trên một miền đất mênh mông đang dâng mình cho những ai cần cù nhất, Bắc Kỳ đối với đất nước chúng ta là một căn cứ không gì sánh được cho những hoạt động chính trị và thương mại.
Chính nhờ ngài mà chúng ta mới có thể đến được miền nam Trung Hoa. Các tuyến đường sắt tại bắc Kỳ, nếu bản thân chúng có giá trị nào đó cho những vùng đất chúng chạy qua, thì chúng có giá trị lớn nhất trong vai trò là phương tiện để thâm nhập vào Trung Hoa. Chúng có thể mở ra cánh cửa xứ sở này, ít nhất là một phần, cho hàng hóa và ảnh hưởng của nước Pháp..."

(Xứ Đông Dương)

No comments:

Post a Comment