Sunday, February 14, 2016

Cội nguồn thế gian (2): Xung quanh bức tranh "L'Origine du monde"

Bức tranh có giá khoảng 2tr $ hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Orsay ở Paris, xung quanh bức tranh này có khá nhiều chuyện hay, ví dụ chuyện về cô người mẫu cho bức tranh, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng người mẫu cho bức tranh là Joanna Hiffernan (một cô gái trẻ người Ai Len, gọi yêu là Jo) vì bức tranh này được vẽ trong khoảng thời gian mà cô ấy chuyên làm mẫu cho Courbet, nhưng vẫn có một số hoài nghi vì các bức tranh khác lại vẽ em Jo với tóc màu đỏ râu ngô!


Jo, La belle Irlandaise "Jo, Người đẹp Ai Len" (Gustave Courbet, 1865-66)

Thêm một chuyện tế nhị nữa là em Jo chính là người yêu của họa sĩ người Mỹ James Whistler, một ông bạn thân của Courbet! thế mới phiền chứ, nghe nói sau khi Courbet vẽ bức tranh này thì hai ông bạn thân có uýnh nhau to và chấm dứt tình bạn... nói thực nếu mình có là em Jo thì mình sẽ mê Courbet hơn vì mấy bức tranh anh ấy vẽ Jo đẹp và có hồn, còn anh cao bồi Mỹ Whistler hình như vẽ Jo trong sáng quá.


Năm 2013 chuyên gia hội họa người Pháp Jean-Jacques Fernier có tìm được một bức tranh vẽ riêng đầu của một cô gái và cho rằng bức tranh này chính là đầu của L'Origine du monde nhưng đã được Courbet cắt rời ra, hoặc vì để giữ gìn tình bạn với anh họa sĩ cao bồi nhưng bất thành, hoặc vì Courbet không muốn người xem vì chú ý đến gương mặt người mẫu mà quên mất trọng tâm của bức tranh! thú vị là gương mặt trong bức tranh này có vẻ đúng là Jo nhưng tóc lại màu đen!

bức tranh được cho là phần đầu của L'Origine du monde do Jean-Jacques Fernier phát hiện năm 2013

Người Tàu ngày nay dịch tên bức tranh này khá loằng ngoằng là 世界的起源 "Thế giới đích Khởi nguyên", nếu dùng từ Hán Việt tui sẽ dùng chữ 天地根 "Thiên Địa Căn" trong chương 9, í lộn chương 6, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, để gọi bức tranh này! và đây mới chính là cái tui muốn nói!
Chương 6 Đạo Đức Kinh có ghi như thế này:
谷神不死,是謂玄牝。玄牝之門,是謂天地根。綿綿若存,用之不勤。
đọc là:
Cốc Thần Bất Tử, Thị Vị Huyền Tẫn. Huyền Tẫn Chi Môn, Thị Vị Thiên Địa Căn. Miên Miên Nhược Tồn, Dụng Chi Bất Cần.
Nghĩa tạm là:
Thần "cốc" bất tử, phải gọi là "huyền tẫn". Cửa "huyền tẫn", phải gọi là gốc rễ trời đất.  Dài mãi mà vẫn tồn, dụng mà không phải nhọc công!
Trong câu này có 2 chữ khá thú vị là chữ "cốc" và "tẫn" có nghĩa khá liên quan với nhau, chung chung thì "cốc" có nghĩa là hang hốc, thung lũng, hẽm/hẻm núi, nhưng cũng mang hàm ý là xa xăm "cùng" trời đất, hơi hướng nghĩa này có thể thấy trong địa danh "Tuyệt Tình Cốc" 絕情谷 hay thành ngữ "Thâm Sơn Cùng Cốc" 深山窮谷... thành ra "Cốc Thần Bất Tử" có thể xem là chiết tự của chữ "cốc" với hàm ý "cùng mà không tận"; còn "tẫn" mang nghĩa chung chung chỉ những gì là âm, lỗ, hốc, hõm, từ đó mà "tẫn" cũng có nghĩa là giống cái, mái...  và âm hộ! nguyên gốc của chữ "tẫn" là ghép từ bộ ("ngưu" nghĩa là bò, trâu) và ("chủy" nghĩa là môi, muỗng) thành ra "huyền tẫn" nên hiểu chung là "lỗ huyền", còn cụ thể "lỗ huyền" là cái gì thì tùy ai hiểu sao thì hiểu, thêm nữa chữ "huyền" ngoài nghĩa huyền bí, huyền diệu, còn có nghĩa là đen!
Cũng như tổng thể Đạo Đức Kinh nói chung, câu này của Lão Tử được hiểu và chú giải theo các cách rất đa dạng từ việc coi "cốc" và "huyền tẫn" là những tên riêng (Thần Cốc, mẹ Huyền Tẫn) cho đến cách hiểu khá thô bộc "huyền tẫn" là cái tử cung, "cửa huyền tẫn" chính là cái cửa âm hộ, cái hang hùm của HXH... nhất là đầu câu này có chữ "bất tử" khiến cho thời xưa một số đạo sĩ nghĩ là có thể luyện phép "trường sinh bất tử" bằng cách xơi nhiều "cửa huyền tẫn" vì "cửa huyền tẫn" được gọi là "thiên địa căn", gốc rễ của trời đất mà! chuyện này chắc cũng ít nhiều có liên quan đến việc các vua chúa ham tuyển cả loạt cung nữ ém vô hậu cung để dùng dần...
Nếu lấy nghĩa chung chung của chữ "Tẫn" là "Cái", "giống Cái" thì có thể hiểu câu "Huyền Tẫn Chi Môn, Thị Vị Thiên Địa Căn." là "cửa Cái huyền bí, phải gọi là gốc rễ trời đất" "the entrance to mysterious female should be referred to as the origin of the world" thì có thể thấy L'Origine du monde có ý tưởng rất sát nghĩa câu chữ trong chương 6 Đạo Đức Kinh của Lão Tử: vậy là sau hơn 2000 năm thì tay họa sĩ Tây cũng bắt kịp ông Lão phương Đông!

LEONVU QUANT
(Bài này được copy từ Nhịp Cầu Thế Giới)

No comments:

Post a Comment