Tuesday, February 23, 2016

Nhật ký: Mặt trời và trăng sao

Buổi sáng đi dọc bờ kênh, thấy mặt trăng to tròn đẹp đẽ, bên trên có ngôi sao nhỏ lấp lánh, tôi lại nhớ đến những quyển sách đã đọc về bầu trời hồi nhỏ.
Hai cuốn sách để lại nhiều nhất trong tôi sự đam mê khám phá của trẻ con (những năm 60s) là cuốn "Trái đất và bầu trời" và "Đời sống trái đất". Cả hai đều được dịch ra tiếng Việt và in tại Liên Xô. Chúng được mua ở hiệu sách Nhân Dân, phố Tràng Tiền (HN). Với tôi, đây là những kiến thức đầu tiên được tổng hợp một cách có hệ thống, nội dung súc tích và dễ hiểu, rất hấp dẫn về Trái đất và Bầu trời. Cha tôi thường dẫn tôi đến nhà sách này và trong một kỳ nghỉ hè, từ nơi sơ tán về, tôi đã chọn mua chúng.
Liên Xô và nước Nga là những ký ức đẹp đẽ của tôi về một thế giới hòa bình và trong sáng. Những cuốn sách (từ NXB Ngoại ngữ và NXB Tiến Bộ, Matxcơva) có hình thức và trình bày công phu, khác hẳn những cuốn sách của VN, với bìa cứng, giấy tốt, trình độ ấn loát cao; cùng với chất lượng ngôn ngữ chuẩn mực của bản dịch, bên trong có nhiều hình ảnh minh họa rất rõ ràng, rất đẹp... chúng kể cho tôi biết về một thế giới khác, văn hóa đọc của người Nga đã truyền được cho tôi sự say mê khám phá thế giới và con người từ những trang sách. Sau đó, tôi biết thêm và hay lân la đến hiệu sách Ngoại văn, nhưng cũng chỉ mua sách được dịch ra tiếng Việt. Rất tiếc vì cha tôi không truyền cho tôi chút gì từ vốn tiếng Pháp của ông, có lẽ ông ghét Pháp đến mức không muốn tôi bị tiêm nhiễm thứ tiếng của bọn thực dân chăng? Nếu tôi có thể trở lại để sống thời thơ ấu của mình, chắc là tôi sẽ học vài thứ tiếng để đọc được sách chính gốc về những đề tài và tác giả mà tôi thích.
Cũng từ đó, dần dần mà tôi biết được về lịch sử, về những giá trị của con người từ xa xưa, về những nền văn minh rực rỡ, về tôn giáo... và về vẻ đẹp của nghệ thuật.
Cũng từ đó mà tôi yêu thích châu Âu, yêu thích văn hóa và tư tưởng của họ. Không thích châu Á vì cổ hủ và đóng kín. Người Trung Quốc còn làm tôi chán hơn với những trò cuồng tín của họ dù lúc đó tôi cũng là một kẻ có phần như vậy mà không biết.
Còn bây giờ, với những chuyển biến nhanh chóng, lịch sử phát triển của nhân loại đang tăng tốc cùng với công nghệ truyền thông, tôi muốn là người thông hiểu được những lẽ thường tình mà ai cũng khao khát với tình cảm của một con người thuần khiết hướng tới những giá trị vĩnh hằng Chân - Thiện - Mỹ, và trên tất cả là tư tưởng của người Á Đông kín đáo, thâm trầm nhưng không khép kín mà mở rộng, phóng khoáng trong sự pha trộn với tinh thần của Tây Phương.
Từ mặt đất nhìn lên, sáng chói trên bầu trời ban ngày duy nhất chỉ có Mặt Trời còn ban đêm lại trở nên thơ mộng cùng trăng sao. Với chúng ta, Mặt trời như vị chúa tể của ánh sáng, Mặt trăng như ngọn đèn lồng tỏa sáng trên cao và những ngôi sao lấp lánh ngự trị khắp bầu trời như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của màn đêm...
Chúng ta không phải là những nhà khoa học vĩ đại, với cái nhìn hạn hẹp của những người bình thường trên Trái đất nên không thấy cái vô hạn trong lòng bàn tay hay "trong vỏ hạt dẻ". Vì thế,  ta dễ coi mình là cái rốn của vũ trụ (nếu được trời phú có được chút ít tài năng), có trăng quên đèn và coi thường những vì sao li ti. Chỉ có những con người khác thường mới có cái nhìn về vũ trụ khác với chúng ta, không như Giáo hội khắc nghiệt thời Trung cổ và cũng chẳng phải của những kẻ say sưa với những giáo điều huyễn hoặc cùng tham vọng bá chủ xưa nay, Mặt trời và trăng sao được nhìn nhận đúng với sự tồn tại của chúng trong không gian cùng với những phát kiến và phát hiện mới mẻ đưa con người thoát dần khỏi bóng tối của u mê để tiến dần tới lẽ phải và chân lý. Từ phát hiện của Mikolaj Kopernik đến Thuyết tương đối và mới đây là Sóng hấp dẫn của Albert Einstein, chúng ta vẫn đang đi tới tận cùng của chân trời khoa học.

2 comments:

  1. Những tâm hồn vĩ đại luôn va phải sự chống đối mãnh liệt từ những trí óc tầm thường (Albert Einstein)

    ReplyDelete
  2. Nguyen Viet Anh: Bạn nghĩ thật sâu sắc và sắc sảo, Caobinh Nguyen!

    ReplyDelete