Tuesday, February 21, 2017

Đoàn Hồng Nghĩa: Đâu đó vẫn có người tốt!

"Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?"
Khoảng 5h sáng ngày 25/9 tại sân bay Tân Sơn Nhất, một người phụ nữ làm thủ tục ở quầy vé. Nhìn là biết người nghèo vì áo quần cũ kỹ, mặt mày hốc hác, tiều tụy, đã vậy lại còn thấp bé, chỉ độ 1,5m. Với thái độ khẩn cầu, chị xin được đổi giờ bay chuyến 6h, nhưng chuyến bay đã hết vé, chỉ còn hạng thương gia. Muốn đổi vé, chị phải bù thêm 1,5 triệu đồng.
Những người xung quanh nhìn một người phụ nữ tiều tụy, nghèo khổ ấy lục túi lấy tiền, những đồng tiền chẵn lẻ khác nhau chứng tỏ được thu gom theo kiểu bỏ ống, nhưng cũng đủ để bù giá vé. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy chị quyết định không chút đắn đo, có người còn cười cợt vì cho rằng nghèo mà “chơi leo”. Hầu như chị không quan tâm đến thái độ, ánh nhìn của những người xung quanh, với chị, được đổi giờ bay sớm hơn là quan trọng nhất.
Nam nhân viên giám sát mặt đất như muốn xác định lại: “Chị mua vé hạng thương gia cơ à?”. Chị đáp lại: “Dạ vâng! Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”.
Những người xung quanh nghe câu nói của chị đều lặng ngắt và thực sự chia sẻ. Có thể chị không hề biết hạng thương gia là gì, và chị cũng không bận tâm khi phải thêm số tiền không nhỏ đối với chị, để chỉ về với mẹ sớm hơn một giờ. Một giờ thôi nhưng quý báu vô cùng.
Dù chị không kể ra, nhưng ai cũng có thể hiểu chị là công nhân hoặc là người tha phương kiếm sống. Cuộc mưu sinh và cái nghèo không cho chị có cơ hội bên mẹ những ngày đau yếu, chỉ khi tử biệt sinh ly mới tất tả chạy về. “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”, một câu nói chưa đựng nỗi đau và cũng là sự uất hận của người con không gặp mặt mẹ trước khi mẹ mất.
Câu chuyện lên đến cao trào cảm xúc ở đoạn sau. Nam nhân viên sau khi nghe chị nói đã chạy đi một lát rồi quay trở lại. Anh nói: “Em đổi vé xong rồi, chị đi đi nhé. Không phải bù thêm tiền bạc gì đâu”. Ngay sau đó, một nữ nhân viên khác gửi lại cho chị 1,5 triệu đồng.
Không ai biết nam nhân viên ấy đã làm cách gì để giúp chị. Có thể anh đã trình bày hoàn cảnh của chị với người có trách nhiệm cao hơn, và mọi người đã nhanh chóng xử lý, chuyển chị lên hạng thương gia nhưng không thu tiền. Dù cách gì thì cũng đã có một kết thúc rất đẹp. Rất cảm ơn những tấm lòng nhân hậu, đã làm cho cuộc sống đáng yêu hơn.
Một bạn viết trên facebook: “Đây là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Mình đã khóc khi đọc đến dòng cuối cùng. Thật tự hào về truyền thống tương thân tương ái của người Việt. Xin chia buồn với sự mất mát của chị”.
Nguồn: Đặng Chung

1 comment:

  1. MẸ CHẾT, BIẾT LÀM SAO
    Sân bay, năm giờ sáng.
    Một người phụ nữ gầy,
    Tiều tụy và hốc hác.
    Chiếc vé cầm trên tay.
    Bộ quần áo nhàu nát,
    Có vẻ là công nhân.
    Người thấp bé, mệt mỏi.
    Kiểu người luôn đói ăn.
    Nhón chân, chúi phía trước.
    Chiếc vé cầm trên tay,
    Chị nói như cầu khẩn,
    Xin được đổi giờ bay.
    “Hết vé thường, chỉ có
    Vé Thương Gia, đổi không?
    Phải phụ nhiều tiến đấy.
    Hơn một triệu rưỡi đồng”.
    Chị vội vàng đồng ý,
    Moi từ túi xách tay
    Từng đồng tiền nhàu nát.
    May vừa đủ, thật may.
    Có thể chị không biết
    Hạng Thương Gia là gì.
    “Sao chị chơi sang thế?
    Đi vé VIP… Thôi tùy”.
    Anh nhân viên bán vé
    Không nói thêm câu nào.
    Chợt khựng, khi chị đáp:
    “Mẹ chết, biết làm sao?”
    Anh ngừng gõ vi tính,
    Vội đi sang phòng bên.
    Một lát sau quay lại,
    Hoàn trả chị số tiền.
    “Chị có thể đổi vé,
    Bay sớm hơn một giờ
    Mà không cần phụ phí.
    Chào chị, máy bay chờ…
    *
    Cảm ơn anh bạn trẻ
    Và cấp trên của anh.
    Cảm ơn đời còn có
    Điều kỳ diệu, tốt lành.
    Một triệu rưỡi lớn lắm.
    Nghe mà những nghẹn ngào.
    Một giờ cũng quí lắm.
    Mẹ chết, biết làm sao?

    (Thái Bá Tân)

    ReplyDelete