Monday, February 13, 2017

Tính phi nhân của tư tưởng Á Đông

Nhiều người cho rằng tư tưởng Á Đông mạnh về toàn cục nên kém về phân tích so với tư tưởng Phương Tây. Cao Xuân Huy cho rằng sự khác biệt là ở chủ toàn-chủ biệt. Nhiều người khác lại cho rằng tư tưởng Á Đông trọng ở tâm linh, tư tưởng Phương Tây trọng ở vật chất. Người khác lại cho Á Đông là duy tâm, Phương Tây là duy vật, Á Đông là chủ quan, Phương Tây là khách quan, Phương Đông là lý trí, Phương Tây là cảm giác.
Tất cả những luận thuyết đó đều là giản lược để phục vụ cho nhận thức chủ quan hoặc do hiểu sơ sài về tư tưởng Phương Đông hoặc Phương Tây, hoặc cả hai. Chúng mâu thuẫn với nhau đến nỗi chẳng thể rút ra một điều gì chung bổ ích.
Thực ra mọi thứ như duy tâm-duy vật, tâm linh-vật chất, lý trí-cảm giác, chủ toàn-chủ biệt, chủ quan-khách quan, bản thể-hiện tượng, Đông hay Tây đều có đủ. Có chăng là ở Phương Tây do phương pháp khoa học phát triển các phạm trù này đều tinh tế hơn.
Khác biệt lớn nhất của tư tưởng Á Đông và Phương Tây là phi nhân và vị nhân. Mọi chủ thuyết của Á Đông đều không dựa trên cá nhân, không dựa trên cái tôi cụ thể. Con người đều phải phủ định bản thân mình để phục tùng một trật tự được cho là hợp lý theo một nghĩa nào đó. Tu dưỡng, đào luyện là quá trình phủ định các bản năng và tiến tới phủ định hoàn toàn tư duy độc lập và cuối cùng là cá nhân con người. Trong khi đó cái Tôi là trung tâm của mọi tư tưởng, hành vi của Phương Tây. Nghệ thuật tao hình Á Đông cũng vô cảm như vật.
Xã hội Phương Đông được tổ chức mô phỏng theo hình thức toàn hảo nhất của loài côn trùng gồm ong, kiến và mối. Dân chủ, đổi mới nhất cũng chỉ là Vua Khỉ, mọi cá thể khỉ chỉ là một cái lông của Mỹ Hầu Vương, mọi Hồng vệ binh chỉ là một con kiến thợ, mọi xúc cảm chỉ là vô nghĩa trong tư tưởng chói sáng của Mao Chủ Tịch.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

28 comments:

  1. Nguyễn Minh Tuấn: Cũng vì vậy mà chỉ có ở Á Đông mới tôn thờ mấy vị được tâng bốc như là Thánh.

    ReplyDelete
  2. Cấn Đình Việt: Em nghĩ phương Tây cũng từng như thế, hoặc cũng vẫn có như thế. Tôn giáo là 1 ví dụ, cái tôi không quan trọng bằng chúa?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Đó là hiểu phiến diện theo kiểu phương Đông, trong tôn giáo phương Tây cái tôi rất quan trọng (Chúa có ba ngôi).

      Delete
    2. Cấn Đình Việt: Chúa có 3 ngôi là như thế nào ạ? Mong được anh giải thích thêm.

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Chúa có 3 ngôi Cha, Con và Thánh thần. Chúa ở cùng ta và anh chị em.

      Delete
    4. Cấn Đình Việt: Cảm ơn anh. Em sẽ tìm đọc thêm. Hiện chưa hiểu ạ

      Delete
    5. Nguyen Ai Viet: Ba ngôi của Chúa đều ngang nhau, đức chúa con chính là nhân hóa của Cha và Thánh Thần. Điều thứ hai Chúa tồn tại trong mỗi con người chúng ta thì mới có nghĩa.

      Delete
  3. Do Xuan Phuong: Em nghĩ nhấn mạnh cá nhân hay tập thể là do mục đích của truyền thông (teleology). Á Đông cho rằng con người hài hòa với thiên nhiên là tốt, nên giảm trừ bản năng hủy diệt ở bản ngã (Freud gọi là Id = cái Ấy). Phương Tây cho trải nghiệm cá nhân mới đích thực là sống nên truyền thông ca ngợi các chiến tích, thành tựu của nhân vật. Mục đích luận khác nhau dẫn tới trạng thái tâm lý xã hội khác nhau.

    ReplyDelete
  4. Cong Chi Nguyen: Đông Tây nhìn chung khác nhau về văn hóa. Còn xã hội ngày nay cho thấy ở đâu cũng có đủ hạng người với các bản lĩnh văn hóa tư tưởng khác nhau do gia đình, giáo dục và tu dưỡng chi phối.

    ReplyDelete
  5. Thanh Nguyen Huu: Phản đối Ai Viet lấy tư tưởng Mao Đại Hán làm đại diện Á Đông thay vì Lỗ Tấn và bao vị khác :-)

    ReplyDelete
  6. Nguyen Binhduong: Nhiều nghiên cứu và... lý sự.

    ReplyDelete
  7. Nguyen Chuong: Nhân đây hỏi mọi người ngjhĩa gốc của từ "phong kiến" là gì?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cong Chi Nguyen: từ Hán-Việt gốc là "phong tước kiến địa". Vua Tàu xưa ban thưởng cho quan bằng tước vị (danh) và đất đai (lợi) để lấy tô tức mà sống. Chế độ đặc quyền đặc lợi này gọi là phong kiến. Trong khi ở châu Âu thì thuật ngữ tương đương feodalism bắt nguồn từ chữ Latinh feod nghĩa là "lãnh địa cha truyền con nối".

      Delete
    2. Nguyen Chuong: Có một giải nghĩa sau: phong là con ong nên phong kiến là mô hình tổ chức xã hội kiểu loài ong loài kiến

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Nguyen Chuong, Chắc hai chữ phong khác nhau, đồng âm thôi.

      Delete
  8. Nguyen Leanh: Ngược lại. Phương Đông toàn lấy mình làm trọng tâm. Cứ xét đại từ nhán xưng hay cách mô tả sự vật. Hệ toạ độ Phương Đông là hệ Local, với Phương Tây là hệ duy nhất chung cho mọi người....

    ReplyDelete
  9. Hong Son Pham: Tôi thì cho rằng ở Phương Đông thì cái tôi lại được suy tôn một cách thái quá. Từ mô hình xã hội bầy đàn như ong, kiến, mối (như anh Việt viện dẫn), cho tới bầy sói, dê, khỉ, tinh tinh... và cao hơn là xã hội loài người, thì luôn luôn có một con chúa, con đầu đàn, với cái Tôi lớn nhất. Cái Tôi lớn nhất đó luôn tìm cách khuất phục những cái tôi khác nhỏ yếu hơn và tiêu diệt những cái Tôi khác ngang cơ hoặc có nguy cơ chiếm lĩnh vị trí độc tôn này.
    Mô hình tổ chức xã hội này chắc chắn cũng đã tồn tại ở Phương Tây.
    Câu hỏi đặt ra: tại sao ở Phương Tây cái Tôi lớn nhất lại kg cần qui phục hoặc tiêu diệt những cái tôi còn lại, những cái tôi đó cùng tồn tại trong một cơ cấu xã hội ổn định bền vững hơn được gọi là Dân Chủ, trong một môi trường tốt đẹp hơn được gọi là Văn Minh.

    Còn ở xã hội Phương Đông thì lại chưa được như vậy, tại sao??? Phải chăng con người Phương Đông chưa Tiến hoá đầy đủ bằng?
    Yếu tố xã hội nào là cần thiết cho quá trình tiến hoá lên đến Dân Chủ và Văn Minh???

    Anh Ái Việt và mọi người chỉ giáo giúp,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Tính phi nhân của tư tưởng là thuộc tính của xã hội, không phải của 1 người

      Delete
    2. Hong Son Pham: Thì em cũng đang đề cập đến xã hội Á Đông chứ không phải một cá thể nào. Tại sao tư tưởng Á Đông lại có tính phi nhân? Phải chăng đó là kết quả của quá trình tiến hoá của tổ chức xã hội theo hình thức bầy đàn, suy tôn của cả bầy đàn (xã hội) cho vị trí độc tôn của một cá thể (con chúa, con đầu đàn, người lãnh đạo tối cao). Quá trình suy tôn và độc tôn đó sinh ra tính phi nhân của tư tưởng Á Đông?!

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet:Hong Son Pham, Hiển nhiên.

      Delete
    4. Hong Son Pham: Thế tại sao xã hội phương Tây lại không có tư tưởng đó? Chắc hẳn họ cũng đã trải qua mô hình xã hội bầy đàn với một Lãnh tụ tối cao, nhưng tại sao họ lại phát triển (hay tiến hoá) nhanh hơn để đến xã hội Đa nguyên, Dân chủ? Yếu tố xã hội hay điều kiện tự nhiên nào làm cho họ tiến hoá nhanh hơn Á Đông???

      Delete
    5. Do Xuan Phuong: Tôi cho rằng "dân chủ đa nguyên" chỉ là khái niệm nhân tạo áp dụng cho cấu trúc chính trị, do đó có ý nghĩa hạn hẹp. Bàn về sự đề cao cá nhân hay đề cao tập thể thì có lẽ nên xem xét tư tưởng triết học. Ví dụ Kant thì Khai sáng là động lực cá nhân, trong khi Khổng giáo đề cao lễ nghĩa Quân Thần Phụ Tử. Những hiện tượng nổi trội như thế không có nghĩa là mỗi châu lục không còn cái gì khác. Vì Phật giáo thực ra cũng giống Kant ở thuyết khai ngộ tự thân, hoặc luân lý Thiên chúa giáo giống Nho ở đòi hỏi lòng tin và trung thành với đại diện của Chúa/Thiên tử.

      Delete
    6. Hong Son Pham: Tôi nghĩ xã hội đa nguyên hay dân chủ không phải là khái niệm nhân tạo áp dụng cho cấu trúc chính trị, mà đó là cái tên chỉ rõ bản chất và cấu trúc tổ chức xã hội. Còn tư tưởng xã hội, tư tưởng triết học, kể cả tôn giáo (?) đều được hình thành từ mô hình xã hội và phục vụ cho mô hình xã hội đó.

      Delete
    7. Hong Son Pham: Có thể tôi suy luận chủ quan chăng?

      Delete
    8. Do Xuan Phuong: Hong Son Pham, nhìn vào thứ tự nhân quả này sẽ rõ hơn:

      Cơ thể ->Giác quan -> Nhận thức -> Hành vi

      Cộng đồng ->Truyền thông -> Giáo lý -> Thể chế

      Chuỗi thứ nhất xảy ra ở cá nhân, chuỗi thứ hai xảy ra ở xã hội. Dân chủ đa nguyên nằm trong nhóm thể chế, là Quả của giáo lý về nhân quyền, truyền thông đa chiều và cộng đồng kinh tế thị trường tự do.

      Delete
    9. Hong Son Pham: Do Xuan Phuong, rất hay là anh đã mô hình hoá hai quá trình từ cá thể tới cộng đồng và kết quả cuối cùng là thể chế. Hai quá trình này lồng ghép - xâu chuỗi trong nhau và phát triển liên tục thành thể chế. Nếu ta xem xét từng giai đoạn của xâu chuỗi tổng thể này thì có thể khái quát hoá như sau:
      1. Cá thể-->cộng đồng (xã hội): xã hội là tập hợp của các cá thể có hành vi (kế quả của nhận thức) giống nhau. Như vậy trong giai đoạn hình thành xã hội từ các cá thể thì Nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất. Nhận thức chung của xã hội như thế nào thì sẽ tạo thành nền tảng và mô hình của xã hội đó như thế. Mà nhận thức là kết quả của Giáo Dục.
      2. Giai đoạn 2: cộng đồng (xã hội)->truyền thông -> giáo lý -> thể chế. Trong quá trình này, truyền thông, giáo lý đều được hình thành từ mô hình xã hội, phục vụ cho việc củng cố mô hình xã hội đó thành Thể chế. Ví dụ: mô hình xã hội CS thì không có chuyện hình thành và phát triển truyền thông và giáo lý (hệ tư tưởng) của mô hình xã hội Đa Nguyên. Và ngược lại, mô hình xã hội Đa Nguyên sẽ chỉ phát triển truyền thông và hệ tư tưởng (giáo lý) để củng cố cho Thể chế Đa Nguyên Dân chủ. Như vậy có thể nói Thể chế (Đa nguyên Dân chủ hay Đơn Nguyên Độc quyền) là hệ quả tất yếu của mô hình xã hội ban đầu được hình thành từ các cá thể có Nhận Thức giống nhau.
      Như vậy muốn thay đổi Thể chế xã hội phải thay đổi nền tảng Nhận Thức mà cái gốc là phải thay đổi nền tảng Giáo Dục nói chung, đặc biệt là Giáo Dục về Ý Thức Hệ xã hội nói riêng.

      Rất mong được anh và mọi người chỉnh sửa giúp nếu có gì và ở đâu không đúng trong suy luận chủ quan trên.

      Delete
  10. Hong Nhat Do: Theo tôi khác nhau do đạo giáo Khổng tử + Phật giáo là khác với đạo Thiên chúa giáo của Jesu mà ra .

    ReplyDelete