Friday, February 24, 2017

Quan san (phiếm luận chữ nghĩa)

Trong thơ Việt có khá nhiều từ "quan san" đều để nguyên không dịch. (Kiều) "Quan san nghìn dặm thê nhi một đoàn" "Người lên ngựa kẻ chia bào. Rừng phong thu đã một màu quan san." (Hồ Chí Minh) "Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em." Màu quan san là màu thế nào. Không lẽ quan san là màu đỏ của lá phong mùa thu. Nghe thì hay, cũng có cảm xúc nhưng không hiểu rõ. Cứ mang máng là đất nước, núi non (vì có chữ san), phong cảnh (vì có chữ quan).
Thực ra quan ở đây là "cửa ải", "san" đây nói các vùng núi xa xôi chứ không phải núi bình thường. Các cụ đồ ta nhiều cái bảo thủ như nhiều cái sáng tạo phết. Một chữ nhưng các cụ phiên khác nhau tuy trường hợp. Cố nhiên là có tục kiêng tên húy sơn thành san. Nhưng khi dùng được hai từ thì sơn là núi thường, san là núi ở vùng biên viễn.
 Như vậy "quan san" chỉ có nghĩa là xa xôi trắc trở, heo hút. Vậy mấy câu Kiều nên nôm hóa (chết mẹ, có bị ném đá như ông gì viết lại Kiều được bác Vũ Khiêu đỡ đầu không ta) "Xa xôi nghìn dặm vợ con một đoàn". "Rừng phong thu đã nhuộm màu mênh mang" :-) (Phải giữ vẫn "an" "ang" để khỏi phá vỡ cấu trúc vần của truyện Kiều). Câu thơ của cụ Hồ thì "Đường xa muôn dặm một nhà".
Để kết thúc dòng suy nghĩ xin post bài Độ Quan San của Tào Tháo chôm được trên mạng. Bản dịch có nhiều chỗ cần bàn để thoát được ý nghĩa. Nhiều ông cứ hay nhầm dịch bay bướm để cốt lấy nghĩa hay phải căn cứ vào bản gốc để biện hộ cho những chỗ mình không hiểu bản gốc. Muốn lấy được nghĩa trước hết phải hiểu từng từ trên bản gốc một cách chính xác. Sau đó phải xem ý tưởng toàn cục liên hệ với nhau thế nào vì mỗi chữ đều có trọng lượng của nó như từ "quan san" nói trên mới dịch được. Sẽ bàn về cách sửa bản dịch sau.
Bình Tam quốc thêm: Thấy anh Tháo chí lớn cách suy nghĩ trước thời đại quán thông lịch sử. Anh Lượng hủ nho chỉ muốn bắt chước thánh hiền đời xưa mà không có tư tưởng cải cách nào sao so sánh được bằng móng tay của anh Tháo.
天地間,
人為貴。
立君牧民,
為之軌則。
車轍馬跡,
經緯四極。
黜陟幽明,
黎庶繁息。
於鑠賢聖,
總統邦域。
封建五爵,
井田刑獄。
有燔丹書,
無普赦贖。

Độ quan san
Thiên địa gian,
Nhân vi quý.
Lập quân mục dân,
Vị chi quỹ tắc.
Xa triệt mã tích,
Kinh vĩ tứ cực.
Truất trắc u minh,
Lê thứ phồn tức.
Ư thước hiền thánh,
Tổng thống bang vực.
Phong kiến ngũ tước,
Tỉnh điền, hình ngục.
Hữu phần đan thư,
Vô phổ xá thục.
Cao Đào phủ hầu,
Hà hữu thất chức.
Ta tai hậu thế,
Cải chế dịch luật.
Lao dân vị quân,
Dịch phú kỳ lực.
Thuấn tất thực khí,
Bạn giả thập quốc.
Bất cập Đường Nghiêu,
Thái chuyên bất chước.
Thế thán Bá Di,
Dục dĩ lệ tục.
Xỉ ác chi đại,
Kiệm vi cộng đức.
Hứa Do thôi nhượng,
Khởi hữu tụng khúc?
Kiêm ái, thượng đồng,
Sơ giả vi thích.
Dịch (Chôm được trên mạng, không phải của tại hạ).
Trong trời đất,
Người quý nhất.
Lập vua chăn dân,
Đặt ra phép tắc.
Dấu ngựa xe qua,
Dọc ngang bốn cực.
Thưởng phạt phân minh,
Ấm no sung túc.
Thánh hiền đời xưa,
Trị khắp châu vực.
Năm tước lập ra,
Tỉnh điền, hình ngục.
Sổ tội đốt đi,
Miễn tha không được.
Phủ hầu Cao Đào,
Có đâu mất chức!
Than ôi đời sau,
Thay phép đổi luật.
Dân nhọc vì vua,
Thuế má lao lực.
Thuấn sơn đồ ăn,
Khó phục mươi nước.
Không như Đường Nghiêu,
Chẳng cần đẽo cột.
Đời than Bá Di,
Mong thành thói tốt.
Xa xỉ ác thay,
Tiết kiệm là đức.
Hứa Do nhịn nhường,
Có ai ca tụng?
Kiêm ái, thượng đồng,
Sơ thành thân thuộc.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

7 comments:

  1. Nguyen Ai Viet: Tra cứu về Cao Đào: Chính là Cao Dao trong tất cả các sách tiếng Việt. Dòng dõi họ Cao Tân (Hoàng Đế, Chuyên Húc) cùng với Nghiêu Thuấn Vũ được gọi là "Thượng cổ tứ thánh" (Bốn vị thánh nhân thời thượng cổ. Ông là quan sĩ sư phụ trách về hình ngục và giáo hóa dân thời Thuấn và Vũ, lập ra "Ngũ hình" và "Ngũ Giáo" có thể nói là tổ sư của ngành tư pháp phong kiến cổ đại. Ông được chỉ định thừa kế Vũ làm vua, nhưng mất trước Vũ, nên con trai của Vũ là Bá Ích lên ngôi mở đầu cho tục cha truyền con nối ở TQ.

    ReplyDelete
  2. Nguyen Ai Viet: Lược thuật ý của bài Độ Quan San: Đầu tiên nêu rõ quan điểm chính trị của Tào Tháo là vì dân và dựa trên các nguyên tắc pháp trị đơn giản, có mục tiêu rõ ràng. Sau đó ông trình bày việc suy thoái của hệ thống xã hội do không theo được các nguyên tắc, mục tiêu đó. Ông nhắc tới một số giải pháp có tính không tưởng như sống tiết kiệm và kiêm ái của Bá Di, Hứa Do. Với tổng thể logic này, có thể thấy một số câu cần phải dịch khác hoặc cho rõ nghĩa hơn và có thể thấy dịch giả nhiều đoạn chỉ dịch theo từ mà không thấy ý nghĩa gì cả.

    ReplyDelete
  3. Ca Vu Thanh: Tôi nghĩ "san" là phát âm Hán. "Quan san" là phát âm Hán, "sơn" là phát âm Hán - Việt. Phải không bác Aiviet Nguyen?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Bác Ca Vu Thanh Đúng là âm Hán gần san hơn. Ở miền Nam Sơn đọc là San rất nhiều. Có cái lạ là từ quan san hầu như không mấy ai dùng chữ quan sơn. Vì thế bây giờ biến nghĩa sơn là núi nói chung, san thì phải ở xa.

      Delete
  4. Bxchung Vuong: Mới đọc em tưởng là tư tưởng của Lã thị Xuân Thu (Lã bất vi) - Cảm ơn Đại ca.

    ReplyDelete
  5. Nguyen Binhduong: Chữ đầy mình, bình ko mệt... bạn mình giỏi quá

    ReplyDelete
  6. Bxchung Vuong: Đại ca học tiếng Hán?

    ReplyDelete