Thursday, November 4, 2021

Từ tâm địa đến con đường

 DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH HÀ ĐÔNG “HÁ MIỆNG MẮC QUAI”!

Tổng thầu nói rằng họ không có trách nhiệm nghe theo kiểm toán Việt Nam. Nếu soi rõ trong hợp đồng, điều này có lẽ đúng bởi vì nhà thầu chỉ chịu ràng buộc đối với nhà tài trợ và chủ đầu tư, mà chủ đầu tư là cơ quan pháp nhân được xác định rõ ràng trong hợp đồng và hẳn trong đó không có kiểm toán..... Có điều, phải chăng chủ đầu tư muốn né trách nhiệm nên cứ bảo tổng thầu phải nghe theo kiểm toán? Như vậy tổng thầu từ chối nghe theo thì đúng rồi. Vì họ nắm đằng chuôi! 

Về căn bản, nguyên nhân chính là là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông theo kiểu nửa quan hệ chính trị ngoại giao, nửa kinh tế là kẽ hở để cấu kết trục lợi. Người làm dự án cứ giả vờ ngu ngơ một chút, vì có thể “há miệng mắc quai “ từ đầu rồi. .. Biết rõ được tâm địa của họ, thì mới thấy sự cần thiết của việc giữ gìn liêm chính trong hệ thống (internal integrity), bởi những quan chức bị họ tống tiền, tóm gáy khống chế, (bao gồm cả bị bẫy) không khác gì những “con ngựa thành Tơ-roa“, đặc biệt nguy hiểm (TVT) 

KD: Tác giả Tô Văn Trường gửi cho bài viết, mình đăng coi như bài cuối khép lại chủ đề ngán ngẩm này. Nếu những vấn đề Ts TVT đặt ra là chính xác, thì "ngu phí" VN phải trả là vô tình hay cố tình? Xin bạn đọc đọc kỹ sẽ hiểu. Nếu vụ đường sắt CL- HĐ mà ông Tổng Chủ ko lôi ra được những kẻ cố tình làm hại đất nước, sự tổn thất về cả tiền bạc lẫn niềm tin là cực lớn

----------- 

XIN CHIA SẺ CÙNG BẠN ĐỌC: 

Dự án đã cắm neo rồi

Có chạy đằng trời cũng mắc bẫy thôi

Nuốt vướng họng, nhả vướng môi

Làm thân con nợ phí lời kêu oan

Hà Đông tuyến gặp Hán gian?

Còn tuyến lên Nhổn, Tây gàn đó sao?

Dự toán thấp, quyết toán cao

Dân hỏi khi nào, tôi có đường đi?

Gần đây, tổng thầu Trung Quốc tuyên bố từ chối hoàn thiện dự án đướng sắt Cát Linh-Hà Đông, không thưc hiện theo kiểm toán của Việt Nam làm nhiều người ngơ ngác, không hiểu vì sao? 

Giải phóng mặt bằng (GPMB)

Đây là vấn nạn muôn thuở hoành hành hầu như tất cả dự án ODA lẫn dự án dùng vốn 100% không hề có yếu tố ODA nào. Các ban ngành TW và địa phương cần rà soát lại quy định và cách thực hiện để tháo gỡ rốt ráo các vướng mắc về sau. Ở đâu cũng thế: chính quyền muốn trả giá thấp nên thường viện dẫn điều này, điều nọ, trong khi người bị ảnh hưởng bởi dự án muốn nhận giá đền bù càng cao càng tốt nên thường dở lắm trò ma mãnh. 

Có thể quy định dự án trả tiền đền bù 100% theo mức mà dự án nghĩ rằng đúng và hộ dân phải di dời, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Trong khi đó, hộ dân được hỗ trợ (ví dụ: không phải trả án phí) để đưa khiếu nại ra tòa án, và tòa án phải giải quyết vấn đề cho nhanh. Nỗi e ngại tòa án về hùa với chính quyền không đúng hẳn, vì có trường hợp tòa xử nghiêng về người khiếu nại và dự án phải trả thêm tiền đền bù. 

Tổng thầu EPC thiếu hợp tác? Việc này cần xem lại hợp đồng để quy trách nhiệm cho đúng. Một trường hợp khác có thể soi sáng cho vụ việc: chủ đầu tư một dự án ODA yêu cầu tư vấn giám sát “write a nice letter” cho nhà thầu để giải quyết vướng mắc. Tư vấn trả lời rằng mình chỉ tuân thủ hợp đồng chứ không có nghĩa vụ “write a nice letter”, tức là hợp đồng quy định ra sao thì ông chỉ làm theo như thế. Ở đây, chủ đầu tư có thể kết án tư vấn “thiếu hợp tác” trong khi không hiểu ra rằng họ làm việc theo cảm tính. 

Vì sao tổng thầu Trung Quốc ngang ngược trong dự án Cát Linh-Hà Đông? 

Tổng thầu nói rằng họ không có trách nhiệm nghe theo kiểm toán Việt Nam. Nếu soi rõ trong hợp đồng, điều này có lẽ đúng bởi vì nhà thầu chỉ chịu ràng buộc đối với nhà tài trợ và chủ đầu tư, mà chủ đầu tư là cơ quan pháp nhân được xác định rõ ràng trong hợp đồng và hẳn trong đó không có kiểm toán. Đáng lẽ chủ đầu tư có thể dựa vào ý kiến kiểm toán để nêu rõ “Chủ đầu tư yêu cầu tổng thầu thực hiện “thế này... với lý thế kia” chứ không nêu tên kiểm toán kẻo bị bắt bẻ. Có điều, phải chăng chủ đầu tư muốn né trách nhiệm nên cứ bảo tổng thầu phải nghe theo kiểm toán? Như vậy tổng thầu từ chối nghe theo thì đúng rồi. Vì họ nắm đằng chuôi! 

Rốt cuộc thì nếu vẫn còn bất đồng, hai bên nên đưa vụ việc ra phân xử theo quy định hợp đồng, thường là phân xử ở trọng tài quốc tế. 

Tiêu chí, tiêu chuẩn: hợp đồng nhiều dự án ODA nơi khác đều cho phép ghi Tiêu chí kỹ thuật, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến (thường là G7) khi không có quy định của Việt Nam. Bởi vì hợp đồng phải được cơ quan chức năng Việt Nam duyệt trước nên sau đó cứ thế mà thực hiện. Không rõ tại sao dự án Cát Linh-Hà Đông lại vướng mắc ở điểm này.? 

Có thể là do tư vấn soạn hợp đồng không lường hết tất cả những tiêu chí, tiêu chuẩn cần phải áp dụng trong dự án. Có lẽ họ phạm sai lầm, như bê nguyên xi tiêu chí trong nước họ mà áp dụng ở Việt Nam, gây lắm phiền toái.  

Ví dụ một trường hợp: quy định loại gỗ làm nội thất cho công trình dự án, tưởng là chuyện nhỏ. Khổ nỗi loại gỗ họ đưa vào hợp đồng không có ở Việt Nam trong khi Việt Nam không thiếu loại gỗ tương đương. Xác định loại gỗ nào ở Việt Nam tương đương với loại gỗ quy định trong hợp đồng mất nhiều công sức và thời gian, thêm các bước trình tâu, báo bẩm. Còn nếu nhập khẩu đúng loại gỗ quy định trong hợp đồng thì cũng lắm nhiêu khê. 

Có lẽ ở dự án Cát Linh-Hà Đông, vướng mắc về tiêu chí, tiêu chuẩn là yếu tố nghiêm trọng gây chậm tiến độ, nhưng lại là vướng mắc không đáng có, như đã nêu trên. 

Độ vênh giữa quy định Việt Nam và thể thức ODA.

Vấn đề này ở dự án ODA nào cũng có, kể cả dự án metro ở Tp HCM. Trong dự án metro ở Tp HCM, ban đầu tư vấn trong nước tính dự toán quá thấp, không lường hết các chi phí như chuyên gia nước ngoài. Khi tư vấn nước ngoài tính lại, cho ra dự toán quá cao, họ đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy giá phải là như thế. Như nhận viện trợ Nhật thì phải chấp nhận chuyên gia Nhật, mà chuyên gia Nhật đúng thật là lĩnh lương bổng (nhất là tiền hỗ trợ xa nhà ở nơi “khó khăn” như Việt Nam!) cao hơn chuyên gia Âu Mỹ! Dự toán được tư vấn bên thứ ba (cũng ở nước ngoài) rà soát và kết quả gần giống với chuyên gia nước ngoài. Đáng lẽ dự án Cát Linh – Hà Đông nên rút kinh nghiệm ở Tp HCM mà thuê tư vấn độc lập tính đúng tính đủ thì nguy cơ đội vốn sẽ thấp. 

Nói chung ở các dự án ODA khác, đây là vấn đề không nghiêm trọng. Trong các buổi giới thiệu dự án với các nhà dự thầu và sau đó trong buổi họp khởi động dự án với công ty trúng thầu, những độ vênh đáng kể được cơ quan chủ quản và nhà tài trợ trình bày. Lúc đó, các nhà dự thầu và công ty trúng thầu có thể nêu thắc mắc để nhờ cơ quan chức năng Việt Nam và nhà tài trợ giải đáp. Cho nên khi thực hiện dự án thì vướng mắc do độ vênh là không đáng kể, thường địa phương và nhà thầu tặc lưỡi bỏ qua vì cho đó là điều không tránh khỏi, và sự trễ hạn dự án do độ vênh cũng thường không đáng kể. 

Không rõ trong dự án Cát Linh-Hà Đông, độ vênh nghiêm trọng ra sao đến nỗi được viện cớ là nguyên nhân gây chậm tiến độ.? Nếu thế, thì bộ chủ quản và chủ đầu tư nên tự trách mình trước khi trách người vì đã không lường trước các hệ lụy mà tìm cách tháo gỡ kịp thời. 

Độ vênh giữa các nhà tài trợ. Đúng thật là càng có nhiều nhà tài trợ thì càng rối. Nhưng giống như trường hợp trên, bộ chủ quản và chủ đầu tư nên lường trước các hệ lụy mà tìm cách tháo gỡ kịp thời. 

Nguyên nhân chủ yếu

Về căn bản, nguyên nhân chính là là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông theo kiểu nửa quan hệ chính trị ngoại giao, nửa kinh tế là kẽ hở để cấu kết trục lợi. Người làm dự án cứ giả vờ ngu ngơ một chút, vì có thể “há miệng mắc quai “ từ đầu rồi. Họ được chắc chỉ cấu tý trong cái to đùng thế này, nhưng thiệt cho đất nước là rất khủng khiếp. 

Tôi có người bạn, am hiểu nội tình về đầu tư công nhận xét họ giả ngu ngơ là vì thực tế, họ rất sắc sảo, rất ghê ghớm nhưng chỉ đủ với dân ta, doanh nghiệp ta thôi. Còn đối với ngoại bang, nhất là Trung Quốc thì những sắc sảo, tinh quái thường thấy trong ứng xử với doanh nghiệp trong nước thì bay biến hết , cũng chỉ vì “há miệng mắc quai”! 

Thực tế, đang có 1 dự án lớn ở Việt Nam cố tình lấy thông tư đè luật và nghị định, thậm chí bẻ cong cả chính thông tư của họ đẻ ra. Tệ hơn nữa, họ báo cáo sai sự thật lên Thủ tướng bằng một văn bản mà có người nhận xét là “”xúc đất đổ đi”, mang tính “vùi dập” để quyết đuổi 1 dự án mang lại tiết kiệm khoản khổng lồ cho nền kinh tế, để hỗ trợ cho dự án khác kem hiệu quả hơn (không phải vì thiếu kinh nghiệm hay hiểu biết!) 

Vấn đề lấn cấn xảy ra khi dự án chậm tiến độ. Lúc đó, cần xác định chậm tiến độ là do bên nào, và thường là do chủ đầu tư, như chậm giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp này, nhà thầu phải tính ra chi phí phát sinh (mà nhiều người gọi không đúng là tiền phạt: nhà thầu không có quyền phạt chủ đầu tư). Chi phí phát sinh do nhiều nguồn như chi phí thuê và khấu hao thiết bị, chi phí chuyên gia... 

Dĩ nhiên là khi không có thi công vẫn có những chi phí này. Tư vấn giám sát rà soát tính toán của nhà thầu và nếu cần tính toán lại cho đúng theo diễn dịch của tư vấn. Chủ đầu tư cũng có thể nhờ ban ngành rà soát chi phí phát sinh. Và thường khi hai bên phải tính toán lại nhiều lần để đạt thống nhất. Có nhiều trường hợp nhà thầu yếu kém về mặt tài chính, hoặc dùng thiết bị yếu kém nên chậm tiến độ, rồi viện cớ này cớ kia mà thoái thác trách nhiệm. 

Dựa theo hợp đồng, tư vấn giám sát tính toán khoản tiền phạt do chậm tiến độ. Đến đây là có nhiều khúc mắc.  

(1) Hợp đồng không rõ ràng, khó tính ra chậm trễ như thế nào để xác định tiền phạt bởi vì có hạng mục làm nhanh có hạng mục làm chậm. Chỉ có trọng tài quốc tế mới giải quyết được. (2) Chủ đầu tư ở cấp thành phố và tỉnh kiêng nể nhà thầu vốn là công ty nhà nước lớn trực thuộc bộ (đã xảy ra chuyện nhà thầu từ TW sai trái rõ ràng, tư vấn giám sát đã tính ra tiền phạt nhưng địa phương không phạt được). (3) Nhà thầu tạo quan hệ hữu hảo với chủ đầu tư (nhất là nhà thầu biết rõ đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn). (4) Có yếu tố chính trị xen vào (như khi tổng lãnh sự nhắc nhở về quan hệ hữu hảo giữa hai nước khi chủ đầu tư than phiền về nhà thầu nước họ). Trong một dự án ODA lớn, nhà thầu Trung quốc làm việc quá lôi thôi, chậm tiến độ tệ hại đáng bị phạt tiền còn nhà thầu Hàn Quốc làm việc rất tốt xứng đáng được tặng bằng khen. Rốt cuộc, nhà thầu Trung Quốc chẳng bị phạt còn nhà thầu Hàn Quốc chẳng có bằng khen kẻo làm xấu mặt anh kia! 

Trung Quốc có bài rất quen thuộc chào thầu giá rẻ nhưng thiếu nhiều nội dung, cộng với hợp đồng lỏng lẻo câu chữ tha hồ mà tăng giá, ăn đi, ăn lại được với ta. Nguyên nhân sâu sa vẫn là con người, là đạo đức công vụ. 

Cảnh giác 

Từ lâu rồi, tôi đã viết bài nói về tám hướng tấn công của Trung Quốc đối với Việt Nam, đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự. Đối với dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần nhìn sâu, nghĩ thấu thêm một chút, liệu có hẳn chỉ đơn giản là chuyện đắt rẻ, thanh toán  tiền nong?!. Có thể và có vẻ như mục đích của họ là làm rối chính trường của ta, chia rẽ gây mất lòng tin xã hội với chính quyền; đẩy lùi sự phát triển của những quốc gia không chịu khuất phục là đồng minh của họ. Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh là chân lý ngàn đời. Họ phớt lờ luật lệ quốc tế và đang tác động ảnh hưởng các tổ chức quốc tế để điều chỉnh định chế quốc tế theo hướng có lợi cho họ, gồm cả các tổ chức tiêu chuẩn khoa học công nghệ. 

Biết rõ được tâm địa của họ, thì mới thấy sự cần thiết của việc giữ gìn liêm chính trong hệ thống (internal integrity), bởi những quan chức bị họ tống tiền, tóm gáy khống chế, (bao gồm cả bị bẫy) không khác gì những “con ngựa thành Tơ-roa“, đặc biệt nguy hiểm.

Giải pháp

Nếu governance không tốt thì những ý tưởng tốt đẹp cũng  không thể thực hiện và mang lại hiệu quả mong muốn được. Nguồn vốn ODA cũng chỉ là 1 phần trong câu chuyện chung về quản trị quốc gia mà chúng ta đang trải qua hiện nay. 

-Khi chưa hoặc không có bằng chứng tham nhũng (thường không hẳn là khó nếu làm như các nước là kiểm tra tài sản, tài khoản của gia đình thân thích), thì hãy miễn nhiệm chuyển công tác, hoặc kỳ vọng văn minh hơn là như các nước là tự xin từ chức vì để lại hậu quả thiệt hại cho đất nước.  

- Trước nhất là rà soát hợp đồng. Các bên cần ngồi lại với nhau để nói ra theo từng điểm vướng mắc, mình hiểu hợp đồng như thế nào. Nếu cần, mời chuyên gia luật xây dựng cùng ngồi với các bên để nêu quan điểm của mình.

- Nếu hợp đồng quá mù mờ hoặc thiếu nhất quán khiến cho các bên không thống nhất, thì đó là điều hết sức đáng tiếc và đáng trách mà cần rút kinh nghiệm cho những dự án về sau.

- "Mổ xẻ" tìm xem làm thế nào quy trách nhiệm cho tư vấn soạn hợp đồng và cơ quan chức năng duyệt hợp đồng, và theo đó có biện pháp chế tài. Việc quy trách nhiệm như thế là điều bình thường ở các nước, nhưng ở Việt Nam có xu hướng huề cả làng. Nên tránh lối làm việc xuề xòa như thế vì sẽ không giúp cải thiện vướng mắc tương tự trong tương lai. 

- Đồng thời, đưa vấn đề ra trước cơ quan phân xử theo quy định của hợp đồng, ví dụ: trọng tài quốc tế. Việc này tốn kém nhiều công sức và tiền bạc cho tất cả các bên, nên phải được xem là biện pháp cuối cùng. 

Lời kết

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể vấp phải cùng lúc nhiều vấn nạn: (1) hợp đồng mù mờ, (2) quan hệ cá nhân hữu hảo, (3) quan hệ địa phương-TW gút mắc, (4) yếu tố chính trị. Thế là botay.com. 

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là vết nhơ không dễ rửa sạch khi sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc. Suy cho cùng là há miệng mắc quai hay nói cách khác “tại anh, tại ả” tại cả đôi đường chỉ có người dân Việt Nam là hứng chịu, phải è cổ ra đóng thuể trả nợ cho dự án “tiền mất, hậu mang”!  

Cần đưa nhà thầu Trung Quốc vào “danh sách đen” không được tham gia các dự án khác tại VN. Như vậy, sẽ buộc chính quyền họ phải có thái độ nghiêm túc cùng xử lý. Đây là vấn đề thuộc về bản lĩnh của nhà cầm quyền và các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam.

Tác giả: Tô Văn Trường

No comments:

Post a Comment