Saturday, November 6, 2021

Hỏi

 Câu hỏi "tại sao"?

     1. Các câu hỏi là chìa khoá cho tư duy. Càng hỏi nhiều càng có lợi. Thực tế là được học miễn phí. Nếu mỗi ngày chúng ta có 3 câu hỏi có giá trị, mỗi năm sẽ có 1000 câu trả lời thông thái, đủ cho vài cuốn sách. Chưa kể chúng sẽ mở ra những hướng suy nghĩ mới, tạo bước ngoặt cho cả cuộc đời.

    2. Để khuyến khích việc hỏi, người ta thường nói "không có câu hỏi ngu". Kể ra cũng đúng, nếu hỏi đúng lúc, thì câu hỏi nào cũng có thể thông minh. Nhưng điều đó cũng đúng cho mọi câu nói, câu trả lời. Trong mọi trường hợp, việc hỏi các câu hỏi  rõ ràng có mức thông minh hơn kém. 

     3. Các câu hỏi “cái gì?”, “ai?” “ở đâu” và “khi nào?” (theo nghĩa đơn giản) chỉ có hai loại trả lời đúng hoặc sai. Đây là các câu hỏi về sự thực có thể google, nên giá trị mang lại trong đàm luận kém một bậc. 

     3. Các câu hỏi “tại sao?”, “thế nào?” và các câu hỏi về điều kiện (sẽ nói sau đây) là các câu hỏi đặc biệt có giá trị. 

     Tôi nghĩ sinh viên đại học phải có chừng chục giờ học cách đặt câu hỏi và rèn thói quen đặt câu hỏi trong khuôn khổ chuyên đề "học đại học khác học phổ thông thế nào". 

    4. Câu hỏi “ tại sao?” không có câu trả lời duy nhất tuyệt đối đúng sai. Nó liên hệ hai sự thực, trong khi các câu hỏi trên chỉ là một sự thực. Liên hệ giữa hai sự thực sẽ phản ánh một quan hệ nhân quả, là cốt lõi cho câu trả lời “tại sao”. Dĩ nhiên có câu hỏi tại sao có thể có vô hạn câu trả lời. Hơn nữa, một mối quan hệ nhân quả tưởng chừng vô lý nhất cũng có thể chứa đựng những giá trị bất ngờ, cần suy nghĩ thật kỹ. Đánh giá các câu trả lời "tại sao" có thể đưa chúng ta tới đài vinh quang hoặc nhà thương điên. Đây là kỹ năng cần rèn luyện cho cuộc đời.

     5. Nếu câu hỏi “tại sao?”là câu hỏi tư duy khoa học, tiềm ẩn đe doạ hiểm nguy và xáo trộn xã hội cũng như các cá thể, câu hỏi “làm thế nào?” có tính thực dụng cao và hiền lành hơn. Tuy vậy rất khó học trả lời “làm thế nào”  nếu chưa biết đánh giá câu trả lời "tại sao".

      6. Các câu hỏi về điều kiện về hình thức cũng giống như câu hỏi sự thực “khi nào?”, “ở đâu?” nhưng các câu hỏi này thể hiện một sự thực thứ hai và trong thực tế đó chính là liên hệ tới quan hệ nhân quả. Do đó, các câu hỏi điều kiện là những dạng thức bổ trợ của các câu hỏi “tại sao?” và “làm thế nào?”. 

     7. Những vấn đề này tưởng vô bổ nhưng sự thực có giá trị rất lớn nếu đi vào cụ thể.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment