Monday, November 1, 2021

Tâm nguyện với rừng

 Vườn rừng Cao Quảng

Không phải vô cớ mà tôi tự nhận mình là „Tiều phu“, là con cháu Thạch Sanh. Trong cuốn „Hai Quê Hương“ tôi có kể tại sao thằng bé lớn lên ở thành thị lại yêu cảnh quan nông thôn, yêu rừng từ thuở thiếu thời. Yêu rừng nhưng thật ra tôi chưa hiểu lắm về rừng, cũng y như yêu vợ trước kia. Mãi mới hiểu.

Bạn Nga đã giúp tôi kết nối với những người nông dân bằng xương bằng thịt đang sống với rừng và bảo vệ rừng. Nga là con gái thầy Phong, dạy tôi ở ĐH Bách Khoa Hà Nội cuối những năm 1970. Thiên hạ bảo „Con thầy vợ bạn“ hay ra chuyện. Quả thật Nga và tôi đã thử một số dự án ở Việt Nam và cuối cùng cũng „ra chuyện“. Chúng tôi tìm thấy ở Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình những người bạn tin cậy. Đó là anh Sự (FB Nguyễn Sự), em Tiến (FB Anh Vietten), cháu Nam (FB Thành Nam) và cháu Huyền (FB Thuy Huyen Mai). Nếu nói đến Cao Quảng chắc không mấy người biết đó là đâu. Đây là một một vùng đất đỏ xa xôi, bên phía đông triền núi Trường Sơn. Trước khi có điện năm 2001, đây vốn là vùng „khỉ ho cò gáy“.

Nhìn hình ảnh hàng trăm ngàn đồng bào lam lũ rời bỏ thành phố những ngày này, quyết trở về quê hương, có đói ăn đói, có no ăn no, tôi thấy cần phải kể về bốn gia đình nông dân đang bám đất bám rừng này. 

Anh Sự từng đi buôn rồi cũng từng làm thợ xây với cậu Nam. Buôn bán thất thoát, công việc bầm dập, cuộc đời họ như trên sóng. Cậu Tiến từng tốt nghiệp đại học triết, cái nghề chỉ để tối về nằm suy nghĩ việc đời chứ không thể kiếm ra đồng tiền lương thiện ở xứ này. Cô Huyền tốt nghiệp cao đẳng nông nghiệp, do hoàn cảnh gia đình éo le nên ôm con về quê với bố mẹ. Mỗi người một cảnh, nhưng cuối cùng họ đều quyết bám rừng để xây dựng cuộc đời.

Câu chuyện của họ bắt đầu từ cây keo lai cách đây khoảng 6-7 năm. Nếu ai gõ google „Cây keo lai“ sẽ ra hàng trăm bài báo của các chuyên gia lâm nghiệp, chuyên gia sinh học ca ngợi nó. Loại cây công nghiệp này được nhà nước khuyến khích dân chúng trồng thành rừng để cung cấp cho sản xuất giấy khoảng 15 năm gần đây. Cây keo lai cũng đã giúp hàng ngàn hộ nông dân thoát cảnh đói nghèo vì nó nhanh cho gỗ (4-5 năm) và ngành công nghiệp giấy sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Chính quyền các cấp và các ngành lâm nghiệp, công nghiệp, lao động đã tuyên truyền rất mạnh cho keo lai, biến nó thành một phong trào rộng lớn.

Phong trào này khiến nông dân đổ xô đi phá rừng tự nhiên để trồng cây keo lai. Một số hộ đã lấn chiếm hành lang bảo vệ hai bờ sông Nan, chặt bỏ cây rừng tự nhiên hai bên bờ sông để trồng keo lai Chính vì lẽ đó trong những năm trở lại đây, trữ lượng rừng tự nhiên ở Tuyên Hóa ngày càng bị thu hẹp. Hậu quả của việc biến rừng tự nhiên thành rừng đơn canh cây công nghiệp này vô cùng nặng nề. 

Đầu tiên phải coi rừng đơn canh là nguyên nhân tiêu diệt đa dạng sinh học và phá hủy cân bằng sinh thái. Các loại cây cỏ, thảo mộc nhỏ, côn trùng đều bị tiêu diệt hết. Không có muông thú nào tồn tại được trong rừng công nghiệp.  

Cây keo lai trồng đến đâu, thảm thực vật ở đấy bị tiêu diệt đến đó khiến đất bị xói mòn và mất đi khả năng chống lũ lụt. Hậu quả là nguồn nước bị cạn kiệt mùa khô, đến mùa mưa bão thì lũ lụt, xói lở nghiêm trọng diễn ra, nhất là hai bên bờ sông Nan. Do vùng rừng đầu nguồn bị chặt phá và hành lang bảo vệ hai bờ sông Nan cũng bị tiêu diệt dẫn đến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. 

Tác hại lớn nhất của keo lai là làm bạc màu đất rất mạnh. Sau 4-5 năm chặt cây bán gỗ để làm giấy thì vụ keo lai sau năng suất rất thấp. Muốn trồng loại cây khác phải cải tạo đất cả chục năm.

Không hiểu kỹ về rừng, trước kia tôi cứ nghĩ trồng được cây là tốt rồi. Nhưng các bạn ở Cao Quảng đã giúp tôi hiểu rằng, trồng rừng chỉ vì lợi nhuận còn phá hoại thiên nhiên nặng hơn.

Những người cỗ vũ cho cây keo lai dù biết tác hại lâu dài của nó cũng không nói ra, vì họ cần lợi nhuận. Nhiều nông dân biết điều này nhưng họ không có nguồn sống khác ngoài cây keo lai. Khai thác xong vùng này, họ bỏ sang vùng khác. 

Những người bạn nông dân của tôi quyết tâm thay thế cây keo lai bằng vườn rừng, kéo dài chu kỳ khai thác của các nhóm cây lâm nghiệp bản địa, giảm bớt tác động xấu đến môi trường. Ngoài niềm tin vườn rừng sẽ nuôi sống gia đình họ, còn là quyết tâm tạo thảm thực vật chống xói mòn đất, chống lũ lụt, khôi phục đa dạng sinh học và điều kiện sống cho côn trùng, thú rừng.

Họ gặp nhiều khó khăn vì lội ngược dòng. 

Nếu như trước kia trồng keo lai chỉ một vài năm sau người dân đã có thu nhập do bán gỗ cho công nghiệp giấy, không phải lo vốn cho cây giống và tiêu thụ sản phẩm thì nay kinh tế vườn rừng cần thời gian đầu tư lâu hơn. Ít nhất sau 6 hoặc 7 năm, khi rừng vườn đã phát triển, có kèm cây ăn quả, cây thuốc, có đủ hoa cho các tổ ong thì người dân mới hoàn toàn sống được bằng kinh tế vườn rừng. Vốn cho hàng chục loại cây giống cũng khá cao. 

Huyền tâm sự: „Những người trồng rừng như chúng cháu phải có ý chí và nghị lực rất lớn để đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung. Vào mùa hè,nắng thì như thiêu, như đốt, nguồn nước cạn kiệt không có đủ để tưới. Đến mùa mưa,chỉ cần một trận bão quét qua thì coi như là phải bắt đầu lại từ đầu…“.

Năm 2017, Viện CENDI [1]có dự án „Tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, chuyển giao kỹ thuật trồng vườn rừng và ươm hạt giống cây bản địa“ cho nông dân Cao Quảng. Dự án thực hiện trong 3 năm (2017-2019), không có phần hỗ trợ tài chính mà chỉ hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật. Anh Sự đã là người tiên phong đi học các lớp huấn luyện của chuyên gia Đức.

Cuối cùng một số hộ thành lập "Nhóm cộng đồng vườn rừng Cao Quảng". Họ giúp nhau canh tác, trao đổi kinh nghiệm trong kinh tế vườn rừng. Họ quyết chuyển đổi từ keo lai sang trồng đa canh cây lâm nghiệp bản địa và cây ăn quả. Họ trồng xen kẽ các loại cây thuốc ở sát mặt đất, rồi bổ sung thêm mít nài ngọi (mít rừng) chôm rừng, quýt rừng, tắt rừng, cây sấu ,đào rừng, dổi, cam, chanh, thanh long, mít, vải, chuối và các loại cây lấy gỗ: lim xanh,cây lát xoan, sưa đỏ v.v. Rừng đa canh còn tạo điều kiện cho nuôi ong mật chất lượng cao và chăn nuôi.

Khó khăn của nhóm là vốn đầu tư và thời gian (7-10 năm, không  nhanh như trồng keo lai 4-5 năm). Do đó sau 3 năm đầu tư cây giống, cải tạo đất, làm hệ thống tưới (có hộ phải vay vốn ngân hàng) thì có những hộ phải bỏ dở dang vì không có tiền sinh kế để tiếp tục. Những hộ đã đồng ý chuyển đổi sau đó cũng do dự vì thấy quá khó khăn. Trong những năm tháng chờ vườn rừng cho lợi tức, họ phải sống rất tiết kiệm. Anh Sự ước tính mỗi gia đình cần hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng/tháng để duy trì sinh hoạt. Một bữa nhậu của mấy bợm rượu Sài Gòn, nhưng ở chân dãy Trường Sơn không dễ kiếm.

Khó khăn, nhưng Sự, Huyền, Tiến, Nam quyết bám đất bám rừng. Họ không muốn lúc nào đó lại phải chất tất cả, từ con chó, cái bếp dầu, đến quyển sách triết học lên xe máy, bỏ thành thị, vượt qua hàng ngàn cây số, hàng chục trạm kiểm soát để về quê. Họ thà ăn ít nhưng được hưởng vị ấm quê nhà.

Khi tôi kể về ý muốn giúp nhóm „Vườn rừng Cao Quảng“, một số người nghi ngờ. Họ chỉ tôi nhiều tin xấu về các hoạt động từ thiện ở Việt Nam. Tôi không làm từ thiện, chỉ muốn giúp những người bạn đang cứu môi trường ở một vùng đất nhỏ không ai biết đến. Thành công của nhóm này sẽ kéo theo nhiều hộ khác.

Nhờ sự giúp đỡ của một số ít bạn bè, chúng tôi đã tạo được một cú hích tài chính để giúp nhóm anh Sự thực hiện được những bước đầu của giấc mơ. Trong mấy tháng qua, hai vườn ươm cây tổng cộng 750m² đã hình thành. Hàng chục ngàn cây giống các loại đã mua về, ươm và gieo trồng trên 7,2 ha vườn rừng mới được cải tạo.

Bạn nào có ý định biến „Cú hích của Tiều phu“ thành lực đẩy lâu dài cho dự án, có thể đăng ký tham gia nhóm „Vườn rừng Cao Quảng“[2]. Ở đó có tất cả thông tin về tài chính, tiến độ, kế hoạch, kỹ thuật vườn rừng v.v. Các bạn có thể đóng góp tài chính cũng như ý kiến. 

Những người bạn nông dân của tiều phu sẽ rất cảm ơn các bạn.

Cháu ngoại anh Sự giúp ông trồng vườn rừng

Cây mới trồng

Cây giống mới ươm

Cây mới trồng

Thảm thực vật gồm các loại thảo dược

Vườm ươm có mái che

Xã Cao Quảng với giòng sông Nan

Nguyễn Xuân Thọ

---

No comments:

Post a Comment