Friday, March 20, 2015

Chuyện cây cối

Cây đường phố ở Hà Nội có mấy giai đoạn sau:
1. Thời Pháp, trồng cây to bóng mát, lâu năm như sao, nhội, sấu, xà cừ. Yêu cầu của các loài này là phố xá thẳng rộng, vỉa hè lớn, nhà cửa còn lùi vào, để có diện tích trống cho cây phát triển.
2. Sang thời đầu XHCN, ý tưởng trăm hoa đua nở, trồng toàn cây hoa, chủ yếu là tầm trung, như bằng lăng, phượng, muồng, móng bò v.v. một phần vì cho rằng hoa hoét làm tăng độ rực rỡ của đô thị, phần nữa cũng vì những cây này tầm trung, phù hợp hơn với những đường nhỏ hơn, vỉa hè hẹp hơn.
3. Tới thời mở cửa, ăn xổi ở thì, dự án đô thị mọc ra khắp nơi, chỉ cốt trồng làm sao phủ xanh càng nhanh càng tốt, phổ biến là các loài ít giá trị, cắm cành cũng sống, lớn nhanh như vông, bông gòn, trứng cá, dâu da xoan. Những cây này chỉ trong vòng 3-4 năm là tốt um, nhưng sau đó thì sẽ có vấn đề.
4. Đến thời gần đây nhất, một phần do tốc độ đô thị hóa hơi chững lại, phần thì nhìn thấy hậu quả của việc trồng cây ăn xổi, mới lại càng kính phục người pháp, nên quay về trồng các loài gỗ lớn như sao, dầu, lát, vàng tâm. Việc chặt cây trồng lại ở Hà Nội nằm trong logic này.
Chúng tôi đã đi khảo sát hiện trạng cây đường phố ở Hà Nội, quả là mười cây có tới 8 cây gật gù, dặt dẹo, trong đó 4-5 cây vô giá trị của thời kỳ thứ 3. Những cây thời Pháp chết đổ dần dần, còn từ thời XHCN thì rất ít cây nào có giá trị, và ít cây khỏe mạnh đủ tiêu chuẩn. Việc chặt vài nghìn cây cũng không phải mất mát quá lớn, không hẳn là hàng nghìn cây cổ thụ như báo nói. Tuy nhiên, cần phải nói rằng mặc dù mấy nghìn cây này không nhiều giá trị, nhưng khả năng những cây mới trồng tốt hơn thì gần như bằng không, vì thế, câu chuyện này vẫn là tiền mất tật mang.
                             Ảnh: mượn của Hải Nguyễn Thúc/FB
Nguyên là đường phố thời Pháp có mật độ xây dựng và nén đất rất thấp, diện tích vỉa hè lớn, phần đất dành cho rễ cây lớn, khoảng không cho cây mọc cũng lớn, vì vậy có thể trồng cây to, lâu năm, và trồng hoàn toàn bình thường như cây rừng, cây vườn. Nên nhớ mỗi cây lớn cần hàng trăm mét khối đất tự nhiên để phát triển khỏe mạnh.
Sang thời nay, đường phố chật hẹp, đất bị nén chặt, đầy các loại ống ở hạ tầng, các loài cây không còn đủ không gian cho bộ rễ và cho cành lá. Ở tất cả các đô thị phát triển trên thế giới, người ta đã phải làm riêng những hệ thống đường ống cho rễ cây phát triển để không hại tới hạ tầng. Giá thể trồng cây đô thị cũng đặc biệt, có khả năng chịu nén, và công suất cung cấp dưỡng khí, dưỡng chất gấp hàng trăm lần đất thường. Vì thế chỉ cần vài mét khối là đủ cho một cây, nhưng cũng chỉ dám trồng cây tầm trung.Việc trồng cây xanh được coi như một phần của kỹ thuật hạ tầng, và giá thành rất cao.
Ở Việt Nam ăn xổi ở thì, chỉ khoét cái lỗ xuống vỉa hè, đổ ít đất mùn mà đòi trồng cây đường phố thì vô cùng hoang đường. Không những cây khó sống được, mà khi đổ còn gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn tới hạ tầng. Đã thế còn đua đòi trồng cây lớn, những mong có được những hàng cây sao, cây dầu trăm năm như người Pháp trồng.
Cây trồng đường phố có nhiều logic. Có loại trồng alley như người pháp, cả phố một loài, sẽ tạo ra cảnh quan hoành tráng của các đại lộ cây xanh. Nhưng yêu cầu cần có đường lớn, hoành tráng, thẳng thớm, vỉa hè rộng. Còn đối với các loại đường không ra đường, dặt dẹo ngoằn ngoèo, vỉa hè chỗ to chỗ nhỏ, thì cây cũng nên đa dạng tùy chỗ mà trồng cây to nhỏ. Như bài thơ của Tiêu-diêu nói, ngoài sự hoành tráng, những cây cối, nhất là khi khác nhau, và do dân tự trồng, lại gắn liền với trải nghiệm, hồi ức cá nhân, tạo ra tình cảm đô thị, hơn hẳn cây thuần loài đại lộ. Việc bỏ cái phù hợp này, chạy theo cái phù phiếm kia, là quyết định ngu xuẩn. Hy vọng tiếng kêu của người dân thấu được tới đám tai trâu.
Phó Đức Tùng, SOI

27 comments:

  1. Cộng Hòa - Xã Hội - Chủ Nghĩa - Việt Nam
    Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

    Đơn xin phép được ủng hộ việc chặt sạch , chém sạch 6700 cây ở HN
    Kính gởi Ông Chủ Tịt HN;
    Tôi đứng tên dưới đây là : Khúc Ruột Ngàn Dặm Thương Nhớ
    Tôi xin mạn phép được chuyển đổi tên mình là Khúc Ruột Thối vì tôi nghĩ Ruột là nơi chứa cứt nên ko thể vì thế mà thương nhớ được ..kinh bỏ mẹ..Xin Ông cho chúng tôi trở về với cội nguồn nguyên thủy của nó theo đúng bản chất của người CS với duy luận biên chứng..Xin đừng tâng bốc chúng tôi nữa vì chúng tôi rất sợ những lời ko thật và xin trở lại với vấn đề chính của lá đơn này.
    Thứ nhất việc Ông chặt sạch các cây xanh của HN chẳng có liên quan gì đến chúng tôi cả nên việc phản đối là không có trong tư tưởng của chúng tôi, do đó Ông có thể yên tâm là chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ông.
    Tôi xin trình bày một số ý chính trong lá đơn này để chứng tỏ cho Ông biết rằng chúng tôi và Ông cùng đang đi trên một con đường.
    1. Đồ mới tốt hơn đồ củ.
    2. Chặt cây to trồng cây bé là một việc làm sáng suốt vì xứ TB rẩy chết này nó chẳng bao giờ dám làm...chúng ta làm được 1 việc mà cả thế giới phải nể phục là một việc nên làm.
    3. Có một nguồn nguyên liệu khí đốt cực kì quý hiếm mà ko tốn nhiều công sức..100 năm cho 1 cây so ra vẫn ngắn thời gian hơn 1 triệu năm cho một mỏ dầu.
    4. Trồng chỉ 1 loại cây cho cả city là 1 ý tưởng táo bạo mà cả thế giới này chưa nghĩ ra., sau này cây nó lớn lên, chỉ cần ngửi mùi hoa hay nhìn màu của lá cây là ta có thể nghĩ đến HN.
    5. Việc duy trì và chăm sóc cây cũng đồng bộ, ko có việc bên trọng bên khinh..Mổi cây chỉ cần mổi ngày 2 lon nước đái khỉ và 1 cục cứt heo thế là xong..cứ thế mà làm ..tiết kiệm được ngân sách.
    6. Chặt cây to sẽ xóa sạch đi những tai nạn khi mùa giông bão về, song song với đó chúng ta cũng sẽ xóa sạch đi những dấu vết mà thực dân pháp để lại, xoá bỏ đi kí ức một thời nô lệ ngoại bang.
    7. Chúng ta sẻ mở rộng được đường phố ra vì cây to tốn đất nhiều hơn cây bé mà đất ở HN đắt như kim cương ko thể lãng phí tài sản quốc gia như thế.
    8. HN sẻ thay da đổi thịt để HN ngày trở về râu ria tóc tai đều rụng sạch và chúng ta có một HN mới nhất , đẹp nhất và ko đụng hàng nhất.
    Đó là 8 điều tâm huyết mà tôi đã nghĩ ra để ủng hộ việc làm của Ông , nếu có gì sơ xuất xin Ông bổ sung.
    Nhân dip xuân về xin kính chúc gia đình Ông Bình An như Xà Lang, Phú Quí như Bầu Bí và May Mắn như Con Rắn.
    Kính chào đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công.
    Kính Đơn
    Khúc Ruột Thối ngàn dặm.
    Quang Thi Truong

    ReplyDelete
  2. VỤ TÀN SÁT 6700.
    Sẽ là một cuộc đánh hội đồng không đẹp nếu như tất cả chúng ta, những con dân đã từng sống ở Hà nội khoảng vài chục năm trở đi,cùng lên tiếng, cùng la ó, thương tiếc và căm giận nhưng rất không cụ thể, ko có địa chỉ người nhận.
    ***
    Tôi quen KTS T. cũng vài chục năm, từ khi anh còn làm ở một công ty của bộ xây dựng. Tôi cũng chơi tennis với anh khi anh về tỉnh Bắc ninh, từ chức quan nhỏ đến cao dần lên đến chức quan một cấp tỉnh, từ đó đúng quy trình, và thêm cái may mắn, tốt chạy tốt số, anh về Hà nội làm thị trưởng.
    KTS T. được đào tạo ở Ba lan,về bộ xây dựng đã từng bị vụ tổ chức cán bộ đày đi xi măng Bỉm sơn vì cách ăn mặc, lối sống kiểu quần ống loe, tóc tai bờm xờm, râu ria vô tổ chức... ko phù hợp với công chức mới đi làm những năm cuối thập kỉ 70...Chuyện bình thường, chuyện ngày xưa, chuyện thật !
    Là KTS, ngứa nghề, anh cũng vẽ vài ba công trình ở Bắc ninh khi anh đã có một chức quan kha khá cỡ tốp 5 tốp 10 ở tỉnh...
    Nhưng thôi, định biên về trách nhiệm cá nhân của vụ thảm sát kinh hoàng xốn xang lòng người cơ mà.
    ***
    Tránh dài dòng, xin thưa với tất cả, đừng hỏi ai phải chịu trách nhiệm về việc triệt phá chớp nhoáng, hiệu quả, say sưa và bất chấp dư luận hơn sáu ngàn ông, cụ cây kia của Hà nội.
    Không ngoa khi đã có ai đó, gọi tên chiến dịch này là một cuộc thảm sát, không nên đi vào chi tiết, số liệu vì nhiều bài viết rất sâu rồi.
    Đừng đổ oan cho dân, phải tội ba đời đấy. Đừng nói chuyện tập thể, thế thì quá hèn.
    Không có công ty TNHH MTV công viên cây xanh, hay công ty môi trường đô thị, không có sở xây dựng,không có ...trong quyết định này.
    Nhảm nhí hết, giáo sư T. thị trưởng là người đầu tiên, là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về quyết định này.
    Là thị trưởng, anh ở đâu khi cấp dưới của anh đề xuất? Anh có xem cụ thể để biết chúng định chặt những loại cây nào, ở phố nào không? Nếu thực sự yêu cái mảnh đất ngàn năm này, yêu con dân này, tất cả những điều đó, là thị trưởng, phải biết. Biết như vườn nhà mình, biết như những gì gần gũi máu thịt của mình, như cắt đi quả thận, cắt đi cái dạ dày, cắt đi một bộ phận cơ thể sống của mình để bảo vệ sinh mạng, điều quan trọng hơn những bộ phận máu thịt kia.
    Và nếu đúng như tay Long kia trả lời báo chí, thì anh có còn là KTS, còn là con dân thủ đô nữa không khi anh cũng đồng tình với quyết định luôn là của tập thể và luôn được mặc áo chống đạn có tên là : HĐND, để cá nhân đéo thằng nào phải chịu trách nhiệm cả.
    Đây là một sai lầm không chỉ là chết người, mà hậu quả còn lớn hơn nhiều đối với môi trường của một đô thị đặc biệt. Hơn thế nữa, đây còn là nhát chém phũ phàng,ngu xuẩn cắt đứt nốt mối quan hệ tình thâm vốn đã mong manh của lòng dân -những người chở đò với các ông khi hết quan rồi ai cũng muốn về miền cực lạc !
    Không phải doạ đâu, chờ đấy, các cụ ta dạy có bao giờ sai đâu, "gieo gì gặt nấy"!
    Nghe này, cây dù ở vườn nhà, vườn làng chưa nói đến ông cây, cụ cây ở đất Thăng long này linh thiêng lắm, có hồn đấy. Những cây sấu già sần sùi gân guốc đứng trầm ngâm, lặng im ở đường Trần Hưng Đạo, Hai bà Trưng... có thân phận, có linh hồn cả đấy.
    Giáo sư T. là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm chính.Vẫn còn cơ hội cho giáo sư, vẫn còn đường về với những cái phải.
    Đừng để khi trở về làm thằng dân, lại sục sôi viết bài, lại đau xót
    có ý kiến, lại tâm huyết bày tỏ, lăng nhăng nơi hội thảo, vô bổ chốn tổ hưu...như chuyện của người.
    Muộn mất, nhảm nhí vô nghĩa và cũng gần lắm rồi đấy giáo sư.
    Tôi chả tư thù,chả ghét gì anh cả.Thậm chí còn nhớ, anh hát quốc ca hoa thanh rất hay, rất hóm. Tôi cũng không tin giờ này anh vẫn ham hố vật chất danh vọng. Anh vẽ tàm tạm, uống rượu vui và được. Không gặp, không đến, không chơi vì thấy quanh anh hào quang tưởng thật nhưng vẫn có mùi.
    Cái mùi không làm nên một nhân cách lớn như bác sĩ Trần Duy Hưng đã từng làm thị trưởng một thời...
    P/S.Họ Nguyễn to phết, thế thôi.
    Bui Huyhoi/FB

    ReplyDelete
  3. Như Hùng: Hehe, thực ra có chặt hết các cây trên các đường, phố của 1 thành phố thì cũng OK, vừa thoáng mắt lại vừa an toàn giao thông, bão lụt. Tất nhiên là với điều kiện thay vào đó là phải trồng bù cây vào các công viên và các tiểu khu sinh hoạt công cộng,...cho đủ xong cái số cây cần chặt trước cái đã! Mà tốt hơn hết là chính quyền TP nên GPMB cho thêm nhiều công viên, trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa vào đó là ổn...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình không thích đầu trọc, đồi trọc... thành phố trụi. Tóm lại là các loại trọc. Tp mà chẳng có cây xanh trông nó chẳng mát con mắt chút nào. Đường bé thì trồng cây nhỏ, đường lớn thì trồng cây to. Muốn bắt chước cho đỡ phải họp hành phí thời gian thì chịu khó cắp cặp qua Sing dòm ngó, ghi chép vài bữa là tha hồ mà trồng cho ra cây ra cối. Còn bây giờ thì đằng nào cũng đã lỡ... Miễn sao đừng tái phạm mà chặt sạch cả cây ở vườn Bách Thảo và khu Ba Đình nữa là toi luôn cả cái thành phố nghìn năm văn vật. Nói như Như Hùng cũng phải, không giàu như Singapore thì chịu khó lên kế hoạch dần dần từng khu, chặt phá/cải tạo chỗ này thì trồng chỗ nào đã quy củ đàng hoàng rồi cho nó tươm tất, chứ đằng này làm cái ào... trụi lủi cả đám, nhìn tức mắt quá đi mất.

      Delete
  4. Nguyen Ai Viet: Chủ đề chặt cây bây giờ có vẻ hiệu ứng bầy đàn, cảm tính, chẳng có lý sự chuyên môn nào. Bài này là hiếm hoi. Nói chung dù chặt cây đúng sai thế nào, vẫn cần cách ly với tư duy đám đông. Nhìn chung mình thấy chỉ có hai cô leo cây là hay, còn lại chẳng thấy tí dũng khí và suy nghĩ nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngán nhất là cây cần giữ thì lại chặt, cây cần chặt thì lại giữ. Chỉ là thừa cơ vẽ chuyện để kiếm ăn vặt thì mới là problem. Giải thích thì rất vòng vèo, có khi hoàn toàn đúng nhưng lại thành "bung xung" bị bọn cơ hội lợi dụng lý thuyết để biện minh/núp bóng. Chuyện nói hay làm trật lất là chuyện xưa rồi lâu nay bị hoài vẫn chưa nhàm.

      Delete
    2. Đào Trương Bích: Ái Việt ơi nhà mình ở Nguyễn chí Thanh đang tự hào vì cả dãy phố trồng toàn hoa sữa giống đường Lý thường Kiệt . Thế mà bây giờ mời bạn đến xem chỉ có trước lệnh dừng một ngày họ đã tập trung đốn cây nham nhở khắp phố . Mình ít học nên chẳng có lý luận cao siêu chỉ thấy tiếc và tiếc thôi ....

      Delete
    3. Nguyen Binhduong: Tôi qua Nguyễn Chí Thanh và thấy ngơ ngác như ở đó bị một trận đánh phá ấy...Tôi đứng mãi mà không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Thật đau lòng. Cái bọn ra QĐ điên rồ ấy, kho biết đầu chúng nó có bị xuất huyết ko nữa...

      Delete
    4. Nguyen Ai Viet: Để xem lại ảnh hai chị gái ôm cây xem có phải là hai bạn Đào và Binhduong không :) Đáng ngưỡng mộ. Hình như hai chị có plan chọ màu trang phục, vào ảnh rất nổi. Phụ nữ Việt Nam, không đáng chịu đựng văn hóa luộc, tại bọn đàn ông ăn tắm ngủ và buồn thiu cả.

      Delete
  5. Nguyễn Trung Hòa:

    HÀ NỘI LẦN NÀY VẮNG BÓNG CÂY XANH

    Hà Nội lần này vắng bóng cây xanh
    Cái nắng đầu xuân gây cho em bao nhiêu khó chịu.
    Cây lớn, cây con, bao nhiêu cây giờ còn đâu nữa.
    Mùa hè chang chang vội vàng bước em về.
    Hà Nội lần này chiều không hết nắng,
    phố nóng như nung, người thêm khô,
    quán cóc liêu xiêu giờ trơ trơ.
    vài cây còn đây xác xơ.
    Hà Nội lần này lòng bao nỗi nhớ.
    Ta nhớ năm xưa hàng cây xanh,
    chim chóc vui trên cành ca vang.
    Tưởng như, tưởng như còn đây.
    19/3

    ReplyDelete
  6. Hải Nguyễn Thúc:
    CỐ GẮNG ĐỂ YÊU CÂY XANH KHÔNG PHẢI BẰNG TÌNH YÊU "MÙ LOÀ"
    Chủ đề "6700" những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận và mặc dù luôn cảnh giác với "hiệu đứng đám đông" ở VN mình vẫn phải thừa nhận lần này nó đã làm được một việc rất hay: ít nhất cũng buộc LĐ Hà Nội tạm dừng chặt cây để rà soát lại toàn bộ quy trình, kể cả vấn đề truyền thông yếu kém của các cơ quan chức năng HN như ông Thị trưởng thừa nhận.
    Những ngày qua chúng ta (dĩ nhiên là kể cả mình) đã thể hiện một tình yêu nồng nhiệt đối với cây xanh HN, nhưng quả thật trong đó chủ yếu vẫn là tình yêu cảm tính, thậm chí có lúc còn "mù loà" nữa :) . Nhưng chuyện đó hoàn toàn bình thường và chấp nhận được trong thời khắc cần phải có hành động quyết liệt để cứu những cây xanh "vô tội".
    Tuy nhiên sau khi 6700 cây xanh đã vượt qua được "thời khắc hiểm nghèo" (xuýt nữa thì đột quỵ nhé!) thì rất cần có sự bình tĩnh xem xét lại để làm sao tình yêu của chúng ta đối với cây xanh phù hợp với sự phát triển của một đô thị hiện đại. Và điều đó chỉ có thể đạt được nếu các cơ quan chức năng của HN, trước hết là Sở Xây Dựng, chứng minh cho người dân thấy đề xuất của họ có tính thuyết phục về mọi mặt.

    ReplyDelete
  7. Pham Nguyen Truong: Trong đợt chặt cây có tính phá hoại Hà Nội vừa rồi, chúng ta thấy: Lê Văn Dục, giám đốc sở xây dựng Hà Nội, là kẻ báo cáo láo, dối trên lừa dưới, tham mưu cho lãnh đạo trái pháp luật (Luật thủ đô); Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy, là một kẻ ngu dốt, nói năng ngạo mạn, coi thường nhân dân; Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chưa biết có chấm mút gì trong vụ chặt cây hay không, nhưng ít nhất đã chứng tỏ là người vô trách nhiệm, kí bừa; và trên hết, Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch thành phố, chưa điều nghiên đến nơi đến chốn, phát biểu bừa bãi, có ý bao che cho cấp dưới phạm tội. Những kẻ như thế mà tiếp tục tại vị thì thật là nỗi nhục cho Hà Nội, cho người Hà Nội và nhân dân cả nước. Đề nghị: Kỉ luật. Mà kỉ luật ở hình thức đuổi việc, cho về nhà đuổi gà cho vợ.

    ReplyDelete
  8. Nguyen Ai Viet: TÔI LO
    Chiến dịch chống chặt 6700 cây nhìn chung rất thú vị. Lần đầu tiên, những người Việt quan tâm đến việc xã hội đạt được một thành công cụ thể, ở một quy mô đáng nói, bằng phương tiện dân sự. Dân tộc đang đi những bước đi thần kỳ, để làm quen với một xã hội dân chủ, chấp nhận nhiều ý kiến trái ngược. Đó cũng là nhờ sức mạnh vô song của truyền thông. Nhưng rồi, tôi lại lo:
    1. Người Việt chưa bao giờ có tính kiên trì, chưa đạt được kết quả đã bỏ cuộc. Chỉ giỏi phản bác và chống phá, xây dựng và tô điểm rất kém. Bạo tợn khi có đám đông, nhưng an phận thiếu quả cảm trong nỗ lực cá nhân. Việc cây xanh là một chặng đường dài, không chỉ chống một lần. Liệu có là ném đá ao bèo.
    2. Chiến dịch truyền thông chống chặt cây không hề thuần nhất về lý. Hoàn toàn không có chuyên gia dẫn đầu. Còn lại là trái tay, lý luận theo cảm tính, có súng dùng súng có dao dùng dao, dùng cả gậy gộc, bàn cào, cuốc thuổng, củ đậu mảnh chai, khá ô hợp. Một dân tộc không ưa lý quá cảm tính, không thể làm được gì sáng suốt, có đầu có cuối.
    3. Xã hội ta thiếu nhà quản lý có đảm lượng, suy tính kỹ, có trí tuệ để vững tin ở điều mình làm, quả cảm để quyết làm điều đúng. Tôi lo các quyết định ngu dốt không giảm, nhưng việc ù lỳ không dám quyết, để việc dây dưa giả hiệu dân chủ sẽ lại tăng, tính cơ hội mị dân lại càng phát triển.
    4. Hai chị leo cây là khoảnh khắc lóe sáng của phụ nữ Việt Nam. Rồi sẽ lại trở về với văn hóa luộc, nhạt nhẽo, với sự hậu thuẫn của đám nam giới ăn tắm ngủ, buồn thiu, chỉ mê Lan Chín Hải Xồm, nghệ thuật Sến và thời sự vỉa hè như thường nhật :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thành Đạt Phạm: em chỉ lo nhất là dạo này nhiều tư duy quái đản xuất hiện ở tầm diện rộng. cái đó sẽ lan rất nhanh nếu nhiều năng lượng loại đó tập trung dần 1 chỗ.

      Delete
    2. Có thể mấy cái cây này là bắt đầu cho 1 "mùa xuân" đấy AV. Dù sao cũng nên mừng hơn lo. Cứ theo gương mấy chị leo cây là ngon lành êm xuôi cả. Gía mà có thêm 2 anh nữa thì ăn ngủ trên đó luôn cho nó lâu dài. Cái này LĐ phải sáng suốt kịp thời chỉ đạo. (Phải có vụ "leo cây" nữa, đừng để mất mặt với chị em).

      Delete
    3. Xa Dang: Anh Việt nói rất đúng, rất chính xác.

      Delete
    4. Tung Nguyen: Lo nhất là anh Việt nói đúng :)

      Delete
    5. Van Pham: Anh Việt lo đúng! Chúng mới dừng chặt cây mà mọi người đã hỉ hả, coi như yên rồi. Làm gì có còi báo yên ở đây? Giả hết! Cái chính là cái bọn đó nó vẫn ngồi yên vị ở đó, dân thì lơ ngơ chỉ quan tâm đâu đâu như anh nói...

      Delete
    6. "Khổ lắm, Biết rồi. Nói mãi..."

      Delete
  9. Khuc Trung Kien
    LẠI CHỮ NGHĨA: CÂY VĂN MINH?

    Vụ cây cối bàn nhiều rồi. Phản biện có, bao biện có, nguỵ biện cũng có. Nhưng vì trong các lý do đưa ra có một lý do là để cho HN văn minh hơn nên thử tìm hiểu một chút về từ "văn minh". Wikipedia tiếng Việt & tiếng Anh đều có bài cỡ ngàn chữ. Tác giả Will Durant còn viết cuốn sách rất nổi tiếng là "Lịch sử văn minh". Đọc chưa nhiều, hiểu vài ý thế này:

    1. Văn minh là khái niệm về con người, xã hội loài người chứ tuyệt nhiên không phải là khái niệm về tự nhiên. Không có ngọn núi ở Nga thì kém văn minh hơn ngọn núi ở Mỹ. Một dòng sông ở châu Âu không văn minh hơn một dòng sông ở châu Á.

    2. Cây phong mọc nhiều ở Canada là do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đó phù hợp với nó. Cây phong lá đỏ không hề văn minh hơn cây phượng lá xanh, vốn sống ở những vùng nhiệt đới nóng & ẩm.

    3. Khi nói về một đô thị văn minh, trước hết người ta nói về trình độ quản lý, trình độ quy hoạch, về tính minh bạch và hiệu quả của cơ quan công quyền (hành chính, cảnh sát, dịch vụ công,...), về hành vi của người dân, của truyền thông, về hệ thống giáo dục/giao thông/cấp thoát nước, về môi trường sinh sống & làm ăn,...

    Như vậy rõ ràng nếu đô thị chưa được văn minh, lỗi không phải ở mấy cái cây. Dù nó cong hay thẳng, rễ cọc hay rễ chùm, quý hay không quý về chất lượng gỗ. Nếu con người văn minh hơn thì những cái cây cũng không bị chặt rễ. Mà khi đã bị chặt rễ thì chẳng có giống cây nào - dù là cây văn minh hay cây lạc hậu lại không đổ, không gây nguy hiểm cho con người.

    P/S: Còn cái vụ bảo là chặt rồi sẽ trồng lại cũng ngồ ngộ. Chả nói các ý khác, theo nghĩa đơn thuần thì có thể hiểu như sau: các bác cứ nuôi gà đi nhé, em là em đợi khi nào gà nhà các bác được 2-3kg thì em đến bắt về làm thịt, em sẽ đưa lại cho các bác quả trứng! Công bằng thế các bác còn kêu cái gì nữa?

    ReplyDelete
  10. Bùi Việt Hà:
    Hiện nay tôi thấy có 1 luồng ý kiến chung về câu chuyện "chặt hạ 6700" cây ở Hà Nội là: chủ trương đúng, dự án đúng, việc thay thế những cây không đúng chủng loại, cây cong, mục, gây nguy hiểm là đúng. Cái sai chỉ là cách thực hiện: nôn nóng, không truyền thông tốt, không tham khảo ý kiến chuyên gia, nhân dân.
    Tôi không đồng tình với ý kiến trên. Theo tôi thì ngược lại, việc thực thi cụ thể theo dự án không quá sai sót. Nhưng cái sai nằm ở chính chủ trương, ở chính cái dự án gốc kia. Đề nghị mọi người đọc kỹ dự án để có thể phân tính đúng hơn.
    Tôi có ý kiến nhanh như sau:
    1. Ngay từ dự án gốc là "Cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội năm 2014-2015" đã sai rồi. Đáng lẽ dự án chỉ dừng lại ở khảo sát, rà soát và kiến nghị thay thế thì sẽ đúng, còn đây, ngay từ gốc đã lên 1 kế hoạch thay thế (chặt hạ, trồng mới) 1 số lượng lớn cây tại trung tâm Hà Nội, thì cái sai nằm ở ngay gốc, chủ trương gốc. Chặt 1 số lượng lớn cây giữa Hà Nội là thảm sát chứ không phải là cải tạo.
    2. Số lượng cây cần chặt hạ mà dự án đưa ra là 1 con số không hề được giải thích kỹ, chỉ là 1 con số từ trên trời rơi xuống. Đọc dự án chúng ta sẽ thấy người viết dự án không hề nói là đã khảo sát ở đâu, lúc nào, khi nào, và ngay trong dự án đã đưa ra 1 con số khủng khiếp: hơn 6700 cây sẽ bị chặt hạ, thay thế, trong đó 4500 là do không đúng chủng loại, 2200 là cây nguy hiểm. Xem kỹ hơn nữa thì sẽ thấy dự án đưa ra các con số này hoàn toàn phi lý, gần như chia đều cho các quận. Hãy xem bảng 3, trang 10 của dự án, đưa ra 1 bảng số lượng cây cần chặt hạ cho các quận thấy các con số đều chẵn, đều nhau, ví dụ: BĐ: 550, HK: 450, HBT: 550, Đống Đa: 500, Tây Hồ: 550, Thanh Xuân: 500. Ở đâu ra các con số tròn này?? chắc chắn hoặc bịa ra hoặc ghi rất hời hợt, đại khái, cốt cho xong.
    3. Dự án ghi rõ là chặt hạ 6708 cây chỉ trong 2 năm 2014-2015. Rõ ràng đây là 1 chủ trương sai từ gốc chứ không phải do nhóm thực hiện nôn nóng.
    4. Trong dự toán của dự án, mỗi cây hạ chặt + thay thế chi hết 10 triệu, đồng đều cho tất cả các cây? Không hiểu dự toán này ở đâu ra, tính ra 6700 cây x 10 triệu = 67 tỷ.
    5. 1 việc rất lớn nữa của dự án là đánh số lại tất cả các cây hiện có còn lại của Hà Nội (để làm dữ liệu phần mềm quản lý), tổng số 45000 cây, mà kinh phí chỉ có 5, 5 tỷ. Tôi không hiểu chẳng nhẽ việc khảo sát đánh số nhiều cây như vậy mà dùng quá ít kinh phí như thế thì khảo sát ra sao, đánh mã như thế nào, phần mềm quản lý như thế nào? Rõ ràng phần công việc này của dự án rất quan trọng thì lại không được viết kỹ trong dự án, ngược lại rất sơ sài, chỉ mấy dòng như vậy. Để so sánh hãy chú ý rằng suốt từ 2010 đến 2013 để chuẩn bị cho 1000 năm TL-HN, tại Hà Nội đã khảo sát và chỉ đánh số quản lý được có 4500 cây.
    Tóm lại cần hủy ngay dự án này và viết lại từ đầu nếu muốn làm thực sự việc khảo sát, thay thế cây xanh cho toàn Hà Nội như vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Anh Bùi Việt Hà kiếm đâu được dự án giỏi thế. Cho tôi xin một bản được không?

      Delete
    2. Minh Duc Ngo: Rất bất ngờ với những thông tin chi tiết này. Nhiều dấu hiệu cho thấy những con số ma.
      Rất tán thành với nhận định và quan điểm của anh Bùi Việt Hà.

      Delete
    3. Phuong Nguyen: Nhất trí với ý kiến của anh Bùi Việt Hà. Cần phải đăng công khai là ai viết cái dự án quái đản kia, ai khảo sát, ai ký ??? Không thể cứ nói chung chung để mặc sức phá hoại Hà Nội.

      Delete
    4. Hoa Binh Trần: Đúng như Hà nói đây là dự án sai ngay từ đâu, nếu như ko muốn nói là bố láo. Ko có thống kê khảo sát bào nhiêu cây bị mục, rỗng ruột gây nguy hiêm cho người dân, bao nhiêu cây tuổi đời đã đến luc thay thế. Ko có minh họa tại sao lại chỉ trồng vàng tâm mà ko phải là nhưng loại khác để đa dạng các loại cây, loại cây nào cho nhiều bóng mát và phù hợp với điều kiện đô thị hiện này (vỉa hè chật, hệ số nén đất để cho cây phát triển..) Nếu ko trả lời được những vấn đề này thì đây là "dự án đểu"

      Delete
  11. Lê Bích Thủy: Hôm qua, đang họp, có một người điện thoại sang với giọng rất nghiêm túc: "Em đang ở đâu? Hà Nội chặt gần hết cây rồi mà còn lang thang ở đâu, sao không về nhà mà giữ?". Lòng buồn thắt.
    Quả thực, suốt thời gian rồi, có biết bao chuyện đáng buồn về sự tham lam, thiển cận của các "bậc mẫu nghi thiên hạ" VN. Nhưng chuyện này dễ đẩy người VN ức chế đến tột độ. Cảm thấy ngột ngạt như đang bị tra tấn ở những nơi bẩn thỉu và tồi tệ nhất.
    Đi qua những khu công viên, tượng đài, bảo tàng tuyệt đẹp ở Paris, London... hay bất cứ đâu chúng ta đều thấy rằng những người đứng đầu nơi đó trong thời đương nhiệm đều muốn để lại những dấu ấn đẹp đẽ của mình cho đời sau. Với họ,đó là lòng tự trọng và trách nhiệm cao cả.
    Tổ tiên của chúng ta, dù nghèo khó, cũng có để lại chút thơm thảo và những lời nhắn nhủ con cháu phải giữ gìn.
    Vậy mà... ta đã tạo nghiệp gì để phải sinh ra vào thời này ở nơi đây, để phải chứng kiến những nghịch tử tàn phá đến mức vậy và ta chưa thể làm gì để giữ lại?
    Sáng nay, ta lang thang ở đảo Sicily. Một nơi nổi tiếng với những bố già mafia, lộn xộn với những tệ nạn xã hội. Nhưng ngược lại, nơi đây thanh bình và đẹp quá. Những toà tháp từ thời Greek, Roman vẫn sừng sững mà không bị bất cứ kiểu nhà lồng cũi nào che chắn. Cây cối xum xuê mấy người ôm không hết vòng, hoa dại mọc mênh mang trên nhưng khu khảo cổ gần 3000 năm tuổi... Lang thang hoài không chán.
    Chả nhẽ cũng lại bỏ xứ mà đi...
    Xót xa quá, Thăng Long ngàn năm văn hiến ơi!

    ReplyDelete
  12. Nguyễn Việt Long
    VỤ THAY CÂY Ở HÀ NỘI CHO THẤY TA ĐANG THIẾU CHUYÊN GIA GIỎI VỀ THỰC VẬT
    Báo Dân trí và Pháp luật Việt Nam dẫn lời chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, sau khi ông trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh: "loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây mỡ. Loại cây này cùng họ thực vật với cây vàng tâm nhưng khác chi". Ông Cường cho biết, với những kiến thức và kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ và cây quý nhiều năm nay thì cây Vàng tâm và cây Mỡ là hai cây cùng một họ thực vật. Cây Mỡ là một chi khác, cây Vàng tâm là một chi khác...
    Quả tình nếu hiểu cây gỗ mỡ chính là cây mỡ và với tên khoa học như trên thì dường như 2 cây mỡ và vàng tâm không cùng chi. Nhưng thực ra không phải như vậy. Hai cây đó luôn luôn cùng chi (hoặc cùng chi Manglietia, hoặc cùng chi Magnolia). Cây gỗ mỡ được Dandy định danh là Manglietia conifera năm 1930 nhưng bây giờ đó chỉ là một tên phụ, đồng danh/vật với tên chính thức Magnolia conifera do V.S. Kumar đề xuất năm 2006.
    Trong Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam của TS Võ Văn Chi, NXBGD, 2007, 2 cây này cũng cùng được xếp vào chi Manglietia với tên Việt là [chi] Giổi, Mỡ. Sách ghi rõ:
    - Manglietia conifera Dandy (Manglietia glauca auct. non Blume) - Mỡ.
    - Manglietia fordiana Oliv. [Magnolia fordiana (Oliv.) Hu, Manglietia moto Dandy] - Giổi Ford, Vàng tâm.
    Diễn giải nghĩa của đoạn trích trên:
    - Manglietia conifera (do Dandy đặt), có tên đồng danh là Manglietia glauca (không phải theo nghĩa/tên của Blume mà của tác giả khác, với nghĩa khác nghĩa mà Blume hiểu/đặt)
    - Manglietia fordiana (do Oliver đặt), có tên đồng danh là Magnolia fordiana, với chi cũ Manglietia do Oliver đặt, sau đó Hu chuyển sang chi Magnolia, và tên đồng danh khác là Manglietia moto (do Dandy đặt).
    Trong Wikipedia tiếng Anh, người ta xếp 2 cây này vào cùng chi Magnolia, không có chi Manglietia mà dưới chi Magnolia có phân chi Manglietia và tổ (section) Manglietia. Cả 2 cây đều thuộc phân chi Manglietia và tổ (section) Manglietia.
    Như vậy, không có chuyện mỡ và vàng tâm thuộc 2 chi khác nhau.
    Một điều mà các chuyên gia nói trên không để ý là tên gọi mỡ hoặc vàng tâm không chỉ dùng cho 1 loài và cũng không thống nhất giữa các nguồn, do đó có chuyện ông nói gà, bà nói vịt. Ngay trong cuốn sách đã dẫn của Võ Văn Chi, vàng tâm là tên gọi của 2 loài:

    - Manglietia fordiana. Loài này còn có tên khác là Giổi Ford.

    - Manglietia dandyi. Loài này còn có tên khác là Mỡ lông.

    Ngoài ra sách còn ghi các loài mỡ Bảo Lộc Manglietia blaoensis, mỡ hoa đỏ Manglietia duclouxii và mỡ Hải Nam Manglietia hainanensis. Loài Manglietia phuthoensis (do ông Nam đưa ra) thì trong sách VVC ghi tên chính là Manglietia chevalieri với tên Việt là Giổi Chevalier (không gọi là mỡ). Trong khi đó mục TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM trên trang web Sinh vật rừng Việt Nam lại đặt tên loài đó là mỡ Phú Thọ, còn tên gọi mỡ được dùng cho loài Manglietia fordiana và ghi là dẫn theo Sách đỏ Việt Nam năm 2000 - phần thực vật - trang 185. Sách đỏ năm 2007 không có loài Manglietia fordiana mà chỉ có loài Manglietia dandyi với tên gọi vàng tâm.

    Liệu còn chuyên gia tài giỏi nào chưa xuất hiện để giải thích rõ ngọn ngành cho bà con hiểu đúng, hiểu rõ không nhỉ?
    (trích đăng)

    ReplyDelete